Pages

Friday, May 18, 2012

Cầu chữ Y, cây cầu lịch sử

Cầu chữ Y
Ðã hẳn nhiên một ngày nào đó, không biết đích xác ngày nào, cầu chữ Y đang hiện diện trên kênh Bến Nghé và kênh Tẻ ở Sài Gòn không còn nữa; để trở thành một cây cầu khác, hoàn toàn mới.
Ðiểm giữa cầu chữ Y, nơi chia làm 3 nhánh.
Nằm ở hướng Ðông của quận 8, cầu chữ Y nối liền quận 5 và quận 8. Mang tên gọi là cầu chữ Y (Y viết hoa) vì cầu có 3 nhánh, bắc qua 2 con kênh là kênh Bến Nghé và kênh Tẻ. Một nhánh cầu dẫn tới đường Nguyễn Biểu, quận 5, dài khoảng 175m; Một nhánh cầu dẫn tới đường Nguyễn Thị Tần (dài khoảng 180m) và một nhánh cầu dẫn tới đường Hưng Phú, quận 8, dài khoảng 140m.
Ðứng ở lồng cầu, là quãng giữa ngã 3 cầu chữ Y, chúng ta nhìn thấy được toàn cảnh bến cảng Sài Gòn, và thấy được một phần thành phố trong vòng bán kính khoảng 2 cây số.
Nhà văn Sơn Nam, lúc sinh thời, nói chuyện về cầu chữ Y, ông cho biết: Cầu chữ Y được khởi công xây dựng từ cuối năm 1938, tới cuối tháng 8 năm 1941 thì hoàn thành; do công ty Công xưởng và Công trình Công chính của Pháp đảm nhiệm thực hiện. Công trình xây dựng cầu chữ Y rất công phu tốn kém; sử dụng tới 800 tấn thép và hơn 4,000m3 bê-tông.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Tuy cầu chữ Y kiên cố như thể hàng ngàn năm mới có thể suy suyển, nhưng cầu đã phải sửa chữa lớn vào năm 1948; do hậu quả của những cuộc giao chiến trong năm 1945, giữa Việt Minh và quân Pháp. Cũng trong năm 1948, lực lượng Bình Xuyên do Bảy Viễn chỉ huy, được Pháp cho phép đóng quân tại khu vực chân cầu chữ Y, phía bên quận 8, đối diện bệnh viện Chợ Quán - bây giờ là bệnh viện Bệnh Nhiệt Ðới.
Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm nói: “Năm 1955, quân đội của lực lượng Bình Xuyên tấn công quân đội Quốc Gia. Trận đánh diễn ra rất ác liệt trên cầu chữ Y. Ðây là cuộc giao tranh một mất một còn của quân Bình Xuyên; vì khu vực cầu chữ Y là trục giao thông thủy bộ và là tổng hành dinh của quân Bình Xuyên. Về phía quân đội Quốc Gia, với Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm mới chấp chánh, cũng chỉ có một cuộc chiến, là phải chiến thắng. Nên chỉ sau đó bốn, năm ngày, quân đội Quốc Gia đã vượt qua được cầu chữ Y, chiếm lãnh hoàn toàn tổng hành dinh của quân Bình Xuyên.”

Cầu chữ Y hẳn nhiên cũng sẽ chịu chung số phận với những cây cầu đã bị khai tử, như cầu Ông Ðạo lịch sử của Ðà Lạt. Nghĩa là, dù không hư hỏng xuống cấp bao nhiêu, thậm chí không hư hỏng gì cả, nhưng nếu ông cán bộ lãnh đạo địa phương thích có cây cầu mới cho thật “hoành tráng,” thì cứ việc lên kế hoạch để thay cây cầu.
Chúng tôi được biết, Ủy Ban Nhân Dân thành phố đã có dự kiến tháo dỡ cầu chữ Y và xây dựng cầu mới, gọi là để đảm bảo độ cao của đại lộ Ðông Tây đang chui dưới cầu. Dự kiến cầu mới sẽ được xây dựng tại vị trí cũ, nhưng có chiều rộng và độ tĩnh lớn hơn nhiều so với cầu chữ Y cũ.
Nguyễn Ðạt/Người Việt

No comments:

Post a Comment