Pages

Tuesday, August 28, 2012

Vĩnh biệt Neil Armstrong - người đầu tiên lên mặt trăng

Ngày 26-8, ở tuổi 82, Neil Armstrong - người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng - đã qua đời vì các biến chứng sau phẫu thuật tim. Nhân loại đang nhớ về "một bước đi ngắn của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại".


Anh hùng vĩ đại

Tổng thống Barack Obama đánh giá Neil Armstrong "là một trong những anh hùng vĩ đại nhất của nước Mỹ - không phải của thời đại này mà của mọi thời đại".

Ngày 20-7-1969 là cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại khi loài người lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Sự kiện đó được mô tả bằng câu nói nổi tiếng "một bước đi ngắn của một người, một bước nhảy vọt của nhân loại". Người có "bước đi ngắn" đó chính là phi hành gia Neil Armstrong, phi hành trưởng của con tàu Apollo 11.

Thời điểm đó đã có hơn 500 triệu người trên khắp thế giới - bằng khoảng 1/5 dân số lúc bấy giờ - theo dõi qua màn ảnh nhỏ hình ảnh phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng. Armstrong và đồng nghiệp Edwin Aldrin đã có gần ba giờ đi bộ trên mặt trăng, thu thập mẫu vật và chụp hình. Armstrong nhận xét về quang cảnh trên mặt trăng: "Cảnh tượng thật kỳ vĩ, vượt hơn mọi trải nghiệm thị giác mà tôi từng có".


Khi nhận được tin Armstrong qua đời, Edwin Aldrin đã nói với BBC: "Quả thật rất buồn khi chúng tôi không còn bên nhau trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày phóng tàu. Tôi sẽ luôn nhớ tới Armstrong như một người chỉ huy tài giỏi".

Apollo 11 cũng là nhiệm vụ không gian cuối cùng của Neil Armstrong. Năm 1971, ông rời NASA để bắt đầu dạy về kỹ sư hàng không tại đại học Cincinnati.

Dù có tên trong lịch sử nhân loại và gắn chặt tên mình với cột mốc lớn của loài người nhưng Neil Armstrong là một người rất giản dị ngoài đời. Ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng và nếu có, cũng chỉ phát biểu rất ngắn và ít đề cập đến việc đã từng bước đi trên mặt trăng.

Một cuộc đời với "ước mơ bay"

Neil Armstrong sinh ngày 5-8-1930 tại một nông trang ở Ohio. Ông có chuyến bay đầu tiên năm 6 tuổi cùng với cha mình. Từ đó Neil Armstrong đã nuôi một giấc mơ cháy bỏng được chinh phục không gian.

Thuở nhỏ, Neil Armstrong phụ việc trong một cửa hàng thuốc, đồng thời theo học lái máy bay. Năm 16 tuổi, ông có bằng lái máy bay trước khi có bằng lái xe hơi.

Sau đó, ông vào đại học Purdue học về kỹ sư hàng không rồi nhập ngũ, phục vụ cho hải quân Hoa Kỳ vào năm 1949. Ông đã có 78 phi vụ bay trong chiến tranh Triều Tiên. Hết chiến tranh, Neil Armstrong trở về Mỹ, học hết đại học Purdue rồi lấy tiếp bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành tại đại học Nam California.

Ước mơ được bay của Neil Armstrong được tiếp tục khi ông trở thành phi công thử nghiệm của Cơ quan quản lý hàng không và không gian quốc gia. Ông được bay hơn 200 loại máy bay khác nhau, từ dù lượn cho tới phản lực.

Năm 1962 ông được nhận vào NASA và đến năm 1966, ông là chỉ huy của nhiệm vụ Gemini 8. Giáng sinh 1968, Neil Armstrong là chỉ huy dự bị của Apollo 8 thực hiện nhiệm vụ bay quanh mặt trăng 10 lần và dọn đường cho Apollo 11.

Trong thời gian 1971-1979 dạy học tại đại học Cincinnati, Neil Armstrong đã mua đất tại Lebanon để nuôi bò và trồng bắp. Từ năm 1982-1992 ông là chủ tịch của Charlottesville, một công ty máy tính chuyên cung cấp hệ thống quản lý thông tin cho các hãng máy bay.

Neil Armstrong - người đầu tiên bước trên mặt trăng - Ảnh: Reuters

Neil Armstrong ngồi trong khoan khi Apollo đáp xuống mặt trăng - Ảnh: Reuters

Ba phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 11. Từ trái sang, Neil Armstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin - Ảnh: Reuters

Do cầm camera trong suốt chuyến đi bộ trên mặt trăng nên Neil Armstrong không có bất cứ tấm ảnh chất lượng cao này. Đây là ảnh Neil Armstrong thực tập vài tháng trước sứ mệnh Apollo 11 - Ảnh: Reuters

Cờ bay phấp phới trong môi trường không khí quyển của mặt trăng?



Cuộc đổ bộ mặt trăng của tàu Apollo 11 từng bị nghi là giả mạo vì quốc kỳ Mỹ dường như "đang tung bay trong cơn gió nhẹ" trong các đoạn video và bức ảnh được cho là chụp trên bề mặt trăng thiếu không khí. Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích rằng, lá cờ có một lỗ cắm thanh xuyên ngang gờ trên cùng để có thể trải rộng khi chụp ảnh và không bị rủ xuống cột cờ. Các phi hành gia Apollo 11 đã vô tình không trải căng lá cờ hết thanh giữ nằm ngang và để lại nhiều vết nhăn gập trên quốc kỳ, tạo ấn tượng khi chụp hình như lá cờ đang tung bay.

Ai chụp ảnh cho các phi hành gia?


Hình Neil Armstrong và tàu đổ bộ mặt trăng Eagle của Apollo 11 được phản chiếu trong tấm kính che mặt của phi hành gia Buzz Aldrin trong một bức ảnh nổi tiếng được chụp trong cuộc đổ bộ của tàu Apollo 11 tháng 7/1969. Bạn có thể nói đây là sự dàn dựng cảnh vì chỉ có hai phi hành gia đi bộ thám hiểm mặt trăng tại thời điểm đó nhưng trong các bức ảnh như trên, hình cả hai đều xuất hiện rõ nét khi không có dấu hiệu của camera. Vậy ai đã chụp bức ảnh?

Câu trả lời được đưa ra là, các camera được gắn trên ngực của các phi hành gia. Hơn thế nữa, trước khi tham gia chuyến bay thám hiểm mặt trăng, họ đều đã được huấn luyện và tập dượt kỹ lưỡng cách chụp những bức ảnh đẹp về miền đất mới này bằng các camera chuyên dụng tốt nhất.

Các ngôi sao biến đi đâu?


"Lạy Chúa tôi, bầu trời đầy sao!", là câu cảm thán phát ra từ miệng nhân vật Dave Bowman trong tác phẩm nổi tiếng của Arthur C. Clarke (2001) khi đối diện với sự rộng lớn của không gian. Nhiều người nghi ngờ bức ảnh trên của NASA là "hàng giả" vì các nhà du hành vũ trụ Mỹ đã không thốt lên câu cảm thán như vậy khi đặt chân lên mặt trăng và rõ ràng là không thấy xuất hiện bất kỳ ngôi sao nào trên cảnh nền đen ngòm trong những bức hình họ chụp mặc dù vũ trụ đầy sao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ, các ngôi sao vẫn ở nguyên chỗ nhưng chúng quá mờ nhạt. Bề mặt mặt trăng phản xạ ánh sáng mặt trời và điều đó khiến rất khó để nhìn thấy các ngôi sao. Hơn thế nữa, các phi hành gia ghi lại hình ảnh cuộc thám hiểm mặt trăng của họ bằng cách thiết lập chế độ chụp nhanh, khiến ánh sáng nền thu được khá hạn chế. "Với tốc độ chụp ảnh 1/150 hoặc 1/250 của một giây thì các ngôi sao không thể xuất hiện", chuyên gia thiên văn học Phil Plait - chủ tịch Quỹ giáo dục James Randi - nhấn mạnh.

Thiết bị đổ bộ không gây xáo trộn bề mặt trăng?


Thiết bị đổ bộ mặt trăng có tên gọi Eagle của phi hành đoàn Apollo 11 tọa lạc một cách yên bình trên bề mặt mặt trăng trong một bức ảnh chụp vài giờ sau khi đáp xuống hành tinh này ngày 20/7/1969. Bức ảnh này trông có vẻ "bất thường" vì thiết bị Eagle dường như đang yên vị trên nền đất tương đối bằng phẳng, không xáo trộn. Theo những người hoài nghi, việc đáp xuống của thiết bị đổ bộ đáng lẽ phải kèm theo một đám mây bụi lớn và hình thành một cái hố dễ thấy.

Các chuyên gia Mỹ biện minh rằng, các động cơ của thiết bị đổ bộ đã được giảm ga ngay trước khi hạ cánh và Eagle đã không bay liệng đủ lâu để tạo thành một lỗ hổng trên bề mặt mặt trăng hay làm tung bụi mù mịt. "Các bộ phim khoa học viễn tưởng thường khắc họa cảnh náo động lớn khi tàu vũ trụ hạ cánh nhưng việc đó không xảy ra trên mặt trăng. Điều này cũng sẽ không xảy ra trong bất kỳ cuộc đổ bộ nào của tàu vũ trụ xuống mặt trăng trong tương lai", Roger Launius - nhà sử gia hàng không vũ trụ thuộc Viện bảo tàng Vũ trụ và hàng không quốc Smithsonian tại Washington, khẳng định.

Sự xuất hiện của bóng râm kỳ lạ?


Một bức ảnh về cuộc đổ bộ của phi hành đoàn Apollo 11 cho thấy, nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin đứng trên bệ đỡ bậc thang của thiết bị Eagle. Đầu gối cong gập của Aldri cho thấy ông sắp sửa nhảy lên bậc thang kế tiếp. Nhiều người hoài nghi bức ảnh này vì Aldrin đứng trong bóng của cái thang nhưng vẫn được khắc họa rất rõ. Những người cáo buộc Mỹ "bịp bợm" quả quyết, rất nhiều bóng râm trong các bức ảnh chụp sứ mệnh Apollo 11 trông rất lạ. Một số bóng râm dường như không tương đồng và một số đối tượng trong bóng râm có vẻ được chiếu sáng tốt, cho thấy ánh sáng xuất phát từ nhiều nguồn đáng ngờ như các camera trong studio.

Lời giải thích của các chuyên gia Mỹ là, quả thực có nhiều nguồn chiếu sáng. "Bạn có mặt trời, ánh sáng phản xạ của trái đất, ánh sáng hắt ra từ thiết bị đổ bộ mặt trăng, các bộ đồ du hành vũ trụ và cả bề mặt trăng. Một điểm quan trọng nữa cần ghi nhớ là bề mặt mặt trăng không bằng phẳng. Nếu một đối tượng ở trong một chiều dốc, bạn sẽ có một cái bóng khác hẳn so với một đối tượng ngay cạnh đó, trên một bề mặt bằng phẳng", nhà sử học Launius nói.

Vết ủng hằn quá rõ trên nền đất khô cằn?


Các đường tương phản của một vết ủng xuất hiện khi phi hành gia Buzz Aldrin nhấc chân để ghi lại một hình ảnh phục vụ nghiên cứu các đặc tính của đất trên mặt trăng. Các bức ảnh mà phi hành đoàn Apollo 11 cung cấp cho thấy vô số vết ủng rõ nét bị bỏ lại phía sau khi các phi hành gia dạo chơi trên mặt trăng. Ban có thể nói những bức ảnh kiểu như vậy là giả mạo vì vết chết của các phi hành gia quá rõ nét trên một bề mặt khô cằn. Chúng ta đều biết rằng, vết chân hằn rõ có thể chỉ được hình thành trên cát ướt.

Các chuyên gia Mỹ bác bỏ nghi ngờ trên là vô căn cứ. Theo họ, bụi trên mặt trăng hay còn gọi là "regolith" giống như một chất bột được nghiền mịn. Khi bạn quan sát chúng dưới kính hiển vi, chúng trông gần như tro núi lửa. Vì vậy, khi bạn giẫm lên regolith, chúng có thể nén rất dễ dàng theo hình dạng của đế ủng. Và các dấu vết đó có thể tồn tại vẹn nguyên trong thời gian dài nhờ môi trường không có không khí trên mặt trăng.

Tại sao các phi hành gia không thiệt mạng vì bức xạ?


Nhiều người hoài nghi đặt ra câu hỏi rằng, tại sao các nhà du hành vũ trụ tham gia trên tàu Apollo 11 đã không thiệt mạng trước lượng lớn bức xạ mà họ phải nhận trong quá trình tham gia sứ mệnh thám hiểm mặt trăng. Phần lớn nghi ngờ này liên quan đến sự tồn tại của các vành đai Van Allen - những từ trường bao quanh trái đất, tóm giữ các hạt từ ​​gió mặt trời và theo lý thuyết, khi đi qua những khu vực này sẽ khiến các nhà du hành vũ trụ nhiễm đủ lượng bức xạ gây chết người.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ khẳng định thần chết chỉ hỏi thăm khi các phi hành gia lưu lại đủ lâu trong khu vực vành đai Van Allen. Trong khi thực tế, trong các sứ mệnh của tàu Apollo, các phi hành gia chỉ vượt qua khu vực vành đai nguy hiểm trong khoảng một giờ đồng hồ. Hơn thế nữa, các tàu vũ trụ có vỏ bọc kim loại chuyên dụng đã bảo vệ họ khỏi hầu hết các bức xạ.

Mọi thứ không tan chảy trong nhiệt độ 138 độ C?


Nhiệt độ bề mặt của mặt trăng lên tới 138 độ C. Không có gì hoạt động được ở mức nhiệt độ đó, ví dụ như phim sử dụng để quay phim và chụp ảnh có thể sẽ tan chảy. Vậy tại sao, phi hành đoàn Apollo 11 vẫn thu được những thước phim và các bức ảnh khá tốt khi đổ bộ lên mặt trăng? Câu trả lời là, các phi hành gia cùng các thiết bị và phim ghi hình đều được bao bọc trong các lớp hoặc hộp bảo vệ công nghệ cao. Thêm vào đó, phi hành đoàn đổ bộ lúc bình minh của mặt trăng nên nhiệt độ xuống thấp đáng kể.

Ai ghi hình các phi hành gia rời mặt trăng?


Một trong những nghi ngờ điển hình đối với cuộc đổ bộ mặt trăng của phi hành đoàn Apollo 11 là đoạn băng ghi hình và các bức ảnh chụp họ rời khỏi hành tinh này? Ai là tác giả của những thước phim ấy? Theo NASA, tất cả là sản phẩm của một camera được bỏ lại trên bề mặt trăng và được điều khiển từ dưới trái đất.

Các vật bỏ lại trên mặt trăng biến đi đâu?


Khi hai phi hành gia Armstrong và Aldrin của tàu Apollo 11 cất cánh rời mặt trăng vào tháng 7/1969, họ để phía sau một phần của thiết bị đổ bộ Eagle, quốc kỳ Mỹ cũng như một số dụng cụ và vật lưu niệm khác, kể cả máy đo địa chấn mà Aldrin đang điều chỉnh trong hình ở trên. Theo những người hoài nghi, với các công cụ hiện đại ngày nay như kính viễn vọng không gian Hubble, có khả năng quan sát những vùng xa xôi của vũ trụ, chắc chắn các nhà khoa học có thể nhìn thấy những vật khác nhau vẫn còn trên mặt trăng. Tuy nhiên, không có bức ảnh nào về các vật thể như vậy từng tồn tại.

Các chuyên gia Mỹ phản biện rằng, cho tới tận ngày nay, không có bất kỳ kính thiên văn nào trên trái đất hoặc trong không gian có sức mạnh quan sát tới như vậy. Theo họ, chúng ta chỉ có thể tính toán và phỏng đoán, vì ngay cả với kính viễn vọng lớn nhất trên trái đất, vật thể nhỏ nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy trên bề mặt mặt trăng phải có kích thước lớn hơn một ngôi nhà.

Thay cho lời kết

Nhà chức trách Mỹ cũng như nhiều hãng truyền thông và dư luận phương Tây từ lâu ra sức bảo vệ các lý lẽ phản biện mọi nghi ngờ điển hình đối với các bằng chứng hình ảnh về sứ mệnh thám hiểm mặt trăng Apollo 11. Họ cho rằng, các cáo buộc Mỹ tạo dựng "vụ lừa đảo thế kỷ" là vô căn cứ và nhằm phủ nhận thắng lợi của Mỹ trong cuộc chạy đua vào không gian với Liên Xô trước đây cũng như sự thành công của chương trình mặt trăng mà Mỹ theo đuổi.

Tuy nhiên, chính các học giả và nhiều người Mỹ cũng bị sốc và thừa nhận không hiểu vì sao cách đây vài năm, NASA thông báo một tin buồn, đầy lạ lùng rằng họ đã mất toàn bộ tư liệu ảnh và phim gốc về cuộc đổ bộ lịch sử. Mọi việc càng trở nên khó hiểu khi NASA đưa ra lời giải thích sau đó rằng các tấm phim nguyên bản quý giá ấy đã bị xóa đi để sử dụng lại hoặc không thể sử dụng được nữa vì bị hư hỏng do bảo quản quá lâu trong kho.

Dư luận lại xuất hiện vô số phỏng đoán cho hành động kỳ quặc của NASA và một lần nữa, đây lại lại căn cứ bồi đắp cho những nghi ngờ người Mỹ thực tế chưa từng đặt chân lên mặt trăng.

Có lẽ, chỉ những người liên quan trực tiếp đến các sứ mệnh của tàu Apollo như Neil Armstrong mới biết sự thực về cuộc thám hiểm mặt trăng của Mỹ.

No comments:

Post a Comment