Monday, September 3, 2012

Sự ra đi của những phóng viên huyền thoại trong cuộc chiến tranh VN

2012 là năm chứng kiến sự ra đi của hàng loạt những phóng viên chiến trường lừng danh của hãng tin AP, họ đều là những nhà báo từng tác nghiệp tại cuộc chiến tranh Việt Nam.

Phóng viên Goerge Esper ra đi hồi tháng Hai. Một tháng sau nhà văn chiến trường Roy Essoyan qua đời. Huyền thoại phóng viên ảnh chiến trường Horst Faas ra đi hồi tháng Năm. Và mới đây nhất, Malcolm Browne, phóng viên từng chụp những bức hình lịch sử, trong đó hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu - một biểu tượng của cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam cũng mới qua đời trong ngày thứ Hai 27/8 vừa qua.

Nhà văn chiến trường Roy Essoyan (Ảnh chụp năm 1982)

George Esper ghi lại hình ảnh một lính thuỷ Mỹ với cây súng trường, cờ Mỹ trên ba-lô và dòng chữ “Goodbye Vietnam” (Tạm biệt Việt Nam) trên mũ.

Sự ra đi của họ là sự ra đi của một thế hệ vĩ đại những phóng viên quả cảm ngoài chiến trường, những người đã mạo hiểm cả sinh mạng để đưa tin một cách chân thực nhất về cuộc chiến khốc liệt tại Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của họ là một điều hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tiền lệ trước đó. Ống kính của họ chạm tới những góc sâu kín nhất trong cuộc chiến khiến người xem như được tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ngoài chiến trường. Phải làm việc trong điều kiện đầy khó khăn, nguy hiểm, những tác phẩm của họ đã đưa lại một chuẩn mực mới về báo chí chiến trường và truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ nhà báo.

Richard Pyle, một phóng viên của AP, từng theo sát cuộc chiến tranh Việt Nam trong 5 năm, từng là đại diện của chi nhánh AP tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đã mất đi bốn phóng viên huyền thoại trong năm nay. Dường như có một tay lính bắn tỉa đang hạ gục dần thế hệ chúng tôi.”

Phóng viên George Esper là người đưa tin nhiều nhất về cuộc chiến tại Việt Nam, nhiều hơn bất cứ phóng viên nào cùng thời với ông. Esper đã đồng hành cùng Việt Nam trong suốt 10 năm của cuộc chiến và khi được gọi quay về nước năm 1975, ông vẫn từ chối để ở lại Việt Nam thêm một thời gian nữa. Esper còn quay lại Việt Nam một lần nữa năm 1993 để mở văn phòng đại diện của AP tại Hà Nội.

Bức ảnh chụp ngày 1/1/1966, George Esper chụp với một cậu bé người Việt ở tỉnh Quảng Ngãi.

Là phóng viên ảnh chủ chốt của AP tại Sài Gòn trong suốt một thập kỷ kể từ năm 1962, Faas đã từng bị thương nghiêm trọng trên chiến trường năm 1967 nhưng may mắn ông vẫn sống sót để tiếp tục sứ mệnh đưa tin của mình. Trong suốt sự nghiệp, ông giành được rất nhiều giải thưởng với những tác phẩm ảnh thực hiện tại Việt Nam, trong đó có hai giải danh giá Pulitzer dành cho những cống hiến trong lĩnh vực báo chí.

Phóng viên ảnh huyền thoại Horst Faas

Bức ảnh được chụp ngày 19/3/1964, bức ảnh đem về cho Horst Faas giải Pulitzer đầu tiên: Một người cha ôm thi hài đứa con trong tay và đưa ra trước mặt quân Cộng hoà - những kẻ đang thản nhiên ngồi trên xe bọc thép. Đứa trẻ đã bị giết khi đội quân này thực hiện cuộc truy lùng quân du kích tại một ngôi làng gần biên giới Campuchia.

Bức ảnh được chụp ngày 9/1/1964, một lính Cộng hoà dùng cán dao đập vào đầu và mặt một người nông dân vì người này đã đưa ra thông tin sai về hoạt động của Việt Minh tại địa phương mình.

Browne nổi tiếng nhất với bức ảnh hoà thượng tự thiêu. Bức ảnh đã xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí trên thế giới khi đó, nó khiến cả Nhà Trắng phải rùng mình và khiến tổng thống John F. Kennedy phải ra lệnh điều tra lại những hoạt động của lính Mỹ tại Việt Nam khi đó. Browne cũng giành được giải Pulitzer với tác phẩm này.


Browne chụp bên tác phẩm ảnh nổi tiếng của ông. Bức hình được chọn là tác phẩm ảnh xuất sắc nhất năm 1963 bởi cuộc thi Seventh World Press Photo (Bảy Kỳ quan ảnh thế giới) tổ chức tại Hà Lan.

Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành tại Việt Nam (tháng 6/1963). Tác phẩm ảnh đạt giải Pulitzer.

Hàng trăm phóng viên ảnh trên khắp thế giới đã tới Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh với Mỹ nhưng những phóng viên của AP để lại nhiều dấu ấn nhất với tổng cộng 5 giải Pulitzers đạt được trong giai đoạn từ 1964 – 1973.

Ba bức ảnh khác của AP từng đoạt giải Pulitzer bao gồm:


Tướng cảnh sát miền Nam Việt Nam Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu một lính Việt Cộng đã bị trói tay trên đường phố Sài Gòn ngày 1/2/1968, tức những ngày đầu của chiến dịch Mậu Thân 1968. Bức ảnh đã đem về cho phóng viên Eddie Adams giải Pulitzer năm 1969.


Bức ảnh “Em bé Napalm” của phóng viên AP Nick Ut đoạt giải Pulitzer 1972

Bức ảnh đạt giải Pulitzer của phóng viên AP Sal Veder năm 1974: Tù binh chiến tranh được thả tự do - Trung Tá Robert L. Stirm được đoàn tụ với gia đình tại Căn cứ không quân Travis thuộc bang Califonia. Ông trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam ngày 17/3/1973.

“George, Horst, Roy, Malcolm… và rất nhiều những phóng viên từng tới Việt Nam trong những năm 1960, họ cùng gặp nhau ở một điểm là lòng nhiệt tình và tinh thần cống hiến vô điều kiện với sự trung thực của báo chí, tận mắt chứng kiến cảnh súng đạn, tự mình đếm những xác người và ghi hình lại để kể cho thế giới biết những sự thật, những câu chuyện mà họ quan sát, chứng kiến tận mắt”, bà Kathleen Carroll - tổng biên tập hãng tin AP chia sẻ.

No comments:

Post a Comment