Pages

Saturday, September 29, 2012

Tranh chấp Hoa Đông và liên minh Mỹ - Nhật

Hiệp ước an ninh giữa Washington với Tokyo ràng buộc Mỹ không thể đứng ngoài cuộc nếu Nhật Bản và Trung Quốc xung đột vì tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Giữa lúc quan hệ Nhật - Trung căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 2 quan chức cấp cao Mỹ liên tục công du châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng. Đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du 6 nước, tiếp đến là chuyến đi của người đứng đầu Lầu Năm Góc Leon Panetta. Cả hai đều tới Trung Quốc và cùng đề cập vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các bên tại biển Đông lẫn Hoa Đông. Ngoài mục đích đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển, Washington còn có lý do khác để quan ngại. Đó là vì Washington đã ký hiệp ước an ninh với 3 trong số các bên đang tranh chấp với Bắc Kinh.

Hạm đội 7 của Mỹ hiện có căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản - Ảnh: Navy.mil

Nhiều ràng buộc

Sau Thế chiến 2, Nhật Bản trở nên kiệt quệ vì thua trận. Đồng thời, Điều 9 của Hiến pháp nước này quy định rõ: “Người dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ quyền phát động chiến tranh, và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm công cụ giải quyết xung đột quốc tế”. Năm 1947, Nhật Bản đã thông qua điều này. Theo đó, Nhật bị cấm duy trì quân đội cũng như sử dụng vũ lực nhằm đạt được những mục đích chính trị. Lực lượng vũ trang của nước này bị thay thành “lực lượng phòng vệ” mang tính chất dân sự nhưng được trang bị vũ khí.

Vì khả năng quốc phòng Nhật Bản bị giới hạn nên Tokyo buộc phải cần đến sự hỗ trợ từ Washington. Năm 1951, hai bên ký hiệp ước an ninh đầu tiên. Đến năm 1960, Washington và Tokyo ký kết thêm Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật. Kể từ đây, liên minh giữa hai nước chính thức hình thành. Theo đó, Washington chịu trách nhiệm bảo vệ Tokyo. Đổi lại, Mỹ được phép mở căn cứ quân sự tại Nhật nhằm “duy trì hòa bình và an ninh ở vùng Viễn Đông”. Không giống như liên minh quân sự NATO, Nhật Bản không bị buộc phải bảo vệ lãnh thổ cho Mỹ trong trường hợp đồng minh bị tấn công. Dựa vào đó, Lầu Năm Góc đến nay vẫn duy trì một lực lượng quân sự đáng kể tại đảo Okinawa với khoảng 47.000 quân nhân.


Ngoài ra, theo một thỏa ước được hai bên ký kết hồi năm 1971, Mỹ trao quyền cho Nhật quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Vì thế, Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật có giá trị đối với quần đảo này. Đây cũng là điều mà giới chức Mỹ nhiều lần tái khẳng định trong thời gian gần đây. Ngày 23.9, Đài NHK phát đi hình ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hội kiến Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, ông Panetta khẳng định với ông Tập rằng Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Theo đó, nếu xung đột xảy ra tại đây, Washington bắt buộc phải can thiệp dựa trên hiệp ước đã ký với Tokyo.

Ngoài ra, tờ Yomiuri Shimbun ngày 21.9 dẫn lời Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Á Kurt Campbell điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện. Tại phiên điều trần, ông Campbell nhấn mạnh rằng nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc Điều 5 theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Điều 5 cũng quy định các bên phải báo cáo về “bất cứ vụ tấn công vũ trang và mọi biện pháp cần thiết” lên Hội đồng Bảo an LHQ để chặn đứng những hành động này. Hồi năm 2010, Ngoại trưởng Clinton cũng từng tuyên bố tương tự khi tàu Trung Quốc và Nhật đụng độ nhau gần Senkaku/Điếu Ngư, theo Bloomberg.


Bên cạnh liên minh với Nhật, Mỹ cũng ký kết hiệp ước quốc phòng song phương với Philippines hồi năm 1951. Theo đó, Mỹ sẽ hỗ trợ cho quân đội Philippines. Ngoài ra, theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 1979, Washington phải xem xét bảo vệ Đài Loan trong trường hợp đảo này rơi vào vòng chiến. Khi đó, Trung Quốc đại lục là đối tượng tiềm năng nhất có thể gây chiến với Đài Loan.

Củng cố hệ thống phòng vệ

Giữa lúc tình hình khu vực bất ổn, chỉ trong vòng 9 tháng, Washington - Tokyo thông qua hai thỏa thuận quân sự quan trọng. Theo đó, Mỹ sẽ triển khai thêm một radar cảnh báo sớm X-band trên lãnh thổ Nhật. Trước đó, một radar X-band đã được đặt tại căn cứ Shariki thuộc thành phố Tsugaru ở đảo Honshu của Nhật. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đang triển khai một số hệ thống cảnh báo sớm trên các tàu khu trục, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, đồn trú tại châu Á - Thái Bình Dương.


Với hệ thống radar X-band thứ 2 tại Nhật, Mỹ sẽ dễ dàng điều động hiệu quả hơn cho các tàu chiến và bao phủ chặt chẽ hơn những vùng khác trong khu vực, theo tờ The Guardian. Bằng sự phối hợp này, Lầu Năm Góc có thể nhanh chóng phát hiện bất cứ tên lửa nào nhằm vào Nhật Bản để đưa ra biện pháp ứng phó. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục giới thiệu các loại tên lửa thế hệ mới với phạm vi tấn công ngày càng rộng. Mặt khác, Mỹ cũng dự định triển khai thêm một radar X-band tại Đông Nam Á. Kế hoạch này được xem là bằng chứng cho việc Mỹ đang xây dựng một chuỗi các hệ thống phòng thủ tên lửa kéo dài từ biển Đông đến biển Hoa Đông để hỗ trợ cho những đồng minh của Washington. Nhờ đó, Mỹ dễ dàng phối hợp các tàu chiến được đồn trú tại nhiều vùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong trường hợp cần chi viện cho Nhật Bản.


Ngoài ra, khả năng phòng thủ tên lửa của Tokyo cũng rất mạnh mẽ. Kể từ khi CHDCND Triều Tiên thử tên lửa tầm xa Taepodong-1 hồi năm 1999, Nhật Bản không ngừng tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm và phương tiện đánh chặn. Hiện tại, nước này đang sở hữu 4 tàu khu trục được trang bị lá chắn Aegis cùng hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 với khoảng 124 quả. Hồi tháng 12.2005, Tokyo còn tuyên bố đồng ý trả từ 1/3 đến 1/2 chi phí trong các chương trình hợp tác phát triển lá chắn tên lửa chung với Washington. Vì thế, Nhật Bản trở thành đối tác phòng thủ tên lửa quan trọng nhất của Mỹ.

No comments:

Post a Comment