Pages

Tuesday, March 19, 2013

Tiền có cứu được đảng hay không?

Ngô Nhân Dụng

Hôm Thứ Năm, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam công bố kế hoạch sẽ bơm 30 ngàn tỷ đồng (1.4 tỷ đôla Mỹ) vào nền kinh tế để cứu khu vực bất động sản và giải quyết khối nợ xấu đè nặng trên hệ thống ngân hàng.



Theo thông tư chính thức thì kế hoạch này, sẽ áp dụng trong ba năm kể từ ngày 15 Tháng Tư, nhằm giúp các người dân muốn mua nhà nhỏ. Nhưng mục đích chính ai cũng thấy là họ muốn cứu các ngân hàng của nhà nước đang ôm cả đống “nợ xấu;” đồng thời cứu cả những người đang ôm những cao ốc đang xây nửa chừng phải ngưng, hoặc ngôi nhà hay căn hộ không thể đem bán hay cho thuê được. Tóm lại, là đem tiền chung của toàn dân ra giúp một số những tay đầu cơ bất động sản; cùng các ngân hàng tham dự vào cơn sốt đầu cơ địa ốc trong mấy năm qua.

Năm năm trước, nhiều người nghĩ Việt Nam là một nền kinh tế đang lên, một con cọp Á Châu mới, với triển vọng chạy theo các con cọp Nam Hàn, Ðài Loan, Singapore thời 1980. Nhưng trong ba năm qua, kinh tế Việt Nam chìm ngập trong lạm phát, thất nghiệp, tỷ lệ tăng trưởng giảm sút, hệ thống ngân hàng sa lầy vì quả bong bóng địa ốc được thổi phồng lên đang chờ sắp bể. Hành động bơm gần tỷ rưỡi đô la vào hệ thống ngân hàng trước hết là để cứu thị trường địa ốc. Giống như kinh tế Mỹ hiện nay đang bị trì trệ vì giá địa ốc sụt giảm chưa lên, kinh tế Việt Nam cũng khó hy vọng cải thiện nếu thị trường địa ốc sống ngắc ngoải.


Hơn một tỷ đô la được bơm vào sẽ cứu rất nhiều người. Những người đó là ai? Các nhà đầu cơ địa ốc ở Việt Nam phần lớn chính là các viên chức đảng cộng sản đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước, những cán bộ trong ngành tài chánh, ngân hàng, và những người liên hệ mật thiết với họ. Họ không cần dùng tiến vốn riêng mà có thể dùng ngay tiền của các doanh nghiệp nhà nước để đầu cơ bất động sản. Trên hết, họ có thể vay tiền dễ dàng của các ngân hàng do đảng cộng sản kiểm soát để mua nhà, đất rồi bán lại kiếm lời. Ðây là một thị trường địa ốc không theo luật cung cầu tự nhiên.

Trong các nền kinh tế bình thường, số nhà cửa được xây cất là do nhu cầu của người tiêu thụ. Thị trường địa ốc lên hay xuống trước hết là do số cầu thúc đẩy. Thị trường có thể mất quân bình khi số cầu lên quá cao vì chính sách tiền tệ dễ dãi. Khi đó, nhiều người không đủ khả năng trả nợ cũng vay để mua nhà và được ngân hàng chấp nhận cho vay, như đã thấy ở Mỹ trong những năm trước 2007; vì thế gây ra khủng hoảng. Nhưng ở Việt Nam, thị trường địa ốc lại được thúc đẩy vì số cung; và cơn khủng hoảng cũng từ đó sinh ra.


Những người có quyền kiểm soát các món tiền lớn, đứng đầu các ngân hàng và xí nghiệp quốc doanh, họ nắm tiền trong tay nhưng không nghĩ tới, hoặc không biết cách sử dụng tiền vào các việc đầu tư ích lợi cho xí nghiệp và tạo công việc làm. Họ lại thấy phương pháp dùng tiền sinh lợi dễ dàng nhất là địa ốc. Số tiền họ đem vào thị trường này đẩy giá nhà, đất lên cao, tạo ra một thứ nhu cầu không có thật. Nhiều người khác, các tư nhân, thấy giá lên thì cũng đua nhau mua để hy vọng sẽ bán kiếm lời. Các công ty xây dựng thúc đẩy cho thị trường lên cao hơn với những dự án xây cất các khu cư trú đắt tiền. Họ được các quan chức trong đảng cộng sản hỗ trợ vì thấy có lợi. Trước hết là các quan chức địa phương tìm cách chiếm đất của nông dân để bán cho các công ty xây dựng với giá cao hơn. Thuế mua bán địa ốc lại là một nguồn thu lợi lớn trong ngân sách các thành phố và thị xã, cho nên người ta càng khuyến khích xây cất thêm.

Một lý do khác khiến việc xây cất được đẩy mạnh dù không có nhu cầu tiêu thụ, là các quan chức trung ương nắm quyền ký giấy phép xây cất. Một chữ ký cho phép xây một khu gia cư có thể đem lại những món tiền hối lộ hàng chục triệu Mỹ kim, hoặc nhiều hơn. Ngay khi nhận được giấy phép, nhà thầu đã sẵn sàng dâng cho các quan chức món quà họ sẽ tặng, là dành riêng cho các quan một khu đất nào đẹp nhất, một ngôi nhà to nhất, tùy ý lựa chọn, và cho đứng tên ai thụ hưởng cũng được! Ðây là một cách hối lộ ít dấu vết và rất dễ chối tội nếu có người khui ra.


Loại quan chức, cán bộ thứ ba là những người ngồi ở các ngân hàng, có quyền khai thác việc xây cất để kiếm lợi riêng. Mỗi chữ ký cho vay tiền của họ cũng có giá trị ngang chữ ký cho phép của các quan trong Bộ Xây Dựng! Hơn nữa, chính các quan chức có quyền sử dụng tiền của công dùng tiền đầu cơ địa ốc đã đẩy giá lên cao hơn. Năm 2011, lợi tức đầu người của Việt Nam đứng hàng thứ 120 trên thế giới; nhưng chỉ số giá nhà đất cao đứng hàng thứ 20! Với nhu cầu kiếm chác của các quan chức ba loại trên, thị trường địa ốc ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong mấy năm; mặc dù không liên quan đến nhu cầu nhà đất của người tiêu thụ. Khi kinh tế xuống thấp, cả thị trường địa ốc bị tê liệt, như đã thấy trong hai năm qua.

Nền kinh tế trì trệ từ năm 2011 là một đòn giáng nặng vào nhóm người đầu cơ địa ốc. Năm 2008 tiền thuê văn phòng ở Sài Gòn có lúc giá lên tới 80 đô la một mét vuông, đầu năm 2012 xuống chỉ còn 30 đô la, nếu có người thuê. Tại các thành phố lớn, từ Sài Gòn ra Hà Nội, hàng trăm công trường đang xây cất dở dang bị bỏ phế. Một dự án cao ốc xây được một tầng thì bỏ ngang, biến cả tầng dưới cùng thành nơi cho thuê để xe gắn máy, cho các anh “bảo vệ” kiếm chút cháo! Tại Hà Nội, công ty địa ốc quốc doanh của thành phố trước đây có 600 nhân viên, đến năm 2012 chỉ còn 60 người làm việc.


Khi nhà cửa xây lên bán không được, các nhà thầu không có tiền trả nợ các ngân hàng, các ngân hàng chứa đầy những món nợ xấu. Ngay lúc đó, chính các ngân hàng lại bị khó khăn vì chính quyền lo chống lạm phát, ra lệnh phải giảm số tiền cho vay. Trong ba năm từ năm 2010, số xí nghiệp bị phá sản đã tăng vọt vì không thể đi vay nợ mới để trang trải nợ cũ. Ngân Hàng Trung Ương năm ngoái thú nhận có 10% số nợ trong cả hệ thống ngân hàng không thể đòi lại được; tỷ lệ nợ xấu cao nhất cả vùng Ðông Châu Á. Nhưng ngân hàng Standard Chartered ở Hồng Kông ước tính tỷ lệ nợ xấu từ 15% đến 20%.

Ðầu Tháng Ba vừa qua, Hiệp Hội Bất Ðộng Sản thành phố tại Sài Gòn đã xin chính phủ đánh thuế vào các tài khoản tiết kiệm trên 500 triệu đồng gửi trong các ngân hàng; để lấy số tiền đó “hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác.” Nói giản dị, họ xin đảng cộng sản thu tiền của dân trong nhóm này, rồi bỏ vào túi một nhóm khác! Mà nhóm khác họ muốn giúp đó, không cần nói, ai cũng biết là các công ty bất động sản, đại đa số là các cán bộ, quan chức đã đi đầu cơ! Trước những lời phản đối của các công dân mạng, chính quyền cộng sản không dám đặt ra thứ thuế này. Thay vào đó, kế hoạch bơm 30 ngàn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng nhằm mục tiêu giúp các ngân hàng của nhà nước đang chồng chất nợ xấu; cũng là một hành động đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu cơ địa ốc. Nhưng họ cứu chữa cơn khủng hoảng này được không, và được bao lâu?


Nếu tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam là từ 10%, con số của Ngân Hàng Nhà Nước, đến 20% là con số các ngân hàng ngoại quốc ước tính; thì riêng trong lãnh vực địa ốc, số nợ xấu phải cao hơn, có thể từ 20 đến 30%. Lấy số trung bình, coi như 25%, một phần tư, các món nợ xây cất và buôn bất động sản không thể đòi được. Tháng Tám năm 2012, Bộ Xây Dựng ở Việt Nam cho biết tổng số nợ liên quan đến ngành bất động sản là khoảng 1 triệu tỷ đồng, tức 47.8 tỷ đôla Mỹ. Bây giờ có thể tính tròn con số đó lên 60 tỷ. Tính 25% tỷ số nợ xấu, thì trong lãnh vực địa ốc số nợ khó đòi lại cũng lên tới 15 tỷ đô la.

Số tiền 1.4 tỷ đô la sắp bơm vào hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chưa bằng một phần 10 tổng số nợ xấu trong ngành địa ốc. Ðây cũng là một hành động lấy tiền chung của toàn dân đem đi cứu các nhà đầu cơ, các ngân hàng và các quan chức đảng. Nhưng cứu được bao lâu? Việc bơm tiền vào thị trường bất động sản có thể gây ra một phản ứng ngược, là các chuyên gia đầu cơ thấy có thể vay tiền dễ dàng (chắc chắn họ vay dễ hơn và sẽ được vay trước những người dân bình thường); họ lại đi vay thêm để tiếp tục đầu cơ nữa, vì họ thấy triển vọng nhiều người khác sẽ có tiền mua nhà. Và như vậy thì thị trường địa ốc sẽ thêm một cơn sốt khác trước khi bể vỡ.


Trong khi toàn dân phải đối phó với cảnh kinh tế trì trệ, đem tiền đi giúp các nhà đầu cơ bất động sản chỉ khiến nỗi uất ức của dân chúng càng lên cao. Người dân đang thấy rõ là kinh tế chỉ có thể phục hoạt được nếu cả hệ thống kinh tế được thay đổi, với những người có khả năng biết lo cho dân chứ không phải chỉ biết lo cho bè đảng, tay chân của mình.

No comments:

Post a Comment