Pages

Friday, May 24, 2013

Ðổi luật chơi trong đảng

Ngô Nhân Dụng

Các nhà quan sát thời sự đều đồng ý rằng Nguyễn Phú Trọng đã bị Nguyễn Tấn Dũng đánh bại thảm thương trong kỳ hội nghị Trung Ương Ðảng Cộng sản vừa qua, họ gọi là “Trung Ương Bẩy,” viết là TW7. Nhưng đằng sau “hiện tượng” đó, có những vấn đề sâu xa hơn, cho thấy trên sân banh chính trị đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay luật chơi đang thay đổi; ngay các cầu thủ cũng không biết họ đang theo “luật chơi” nào.


Nguyễn Tấn Dũng biết sử dụng một thứ luật chơi mới cho nên làm bàn liên tiếp, còn Nguyễn Phú Trọng thì vẫn quen đá theo lối cũ cho nên luôn luôn bị việt vị. Hiện tượng này không phải mới bắt đầu thấy trong TW7 mà đã diễn ra từ năm ngoái. Trong trận đá Hội nghị TW6, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đồng loạt tấn công với khí thế rất phấn khởi, mà sau cùng Nguyễn Tấn Dũng vẫn không bị lung lay.


Ðối với quý vị không quen theo dõi thời sự, cần phải giải thích thêm vài lời. Hiện nay đảng Cộng sản đang cai trị nước Việt Nam. Có 175 người được gọi là Ban Chấp hành Trung ương Ðảng nắm quyền chọn người vào các chức vụ trong đảng và trong chính phủ. Họ bầu ra một nhóm 14 người gọi là Bộ Chính Trị, trong hội nghị TW7 đầu Tháng Năm 2013 mới bầu thêm hai người nữa thành 16. Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư, một chức vụ xưa nay vẫn được coi là đứng đầu đảng. Nhưng hai ứng viên ông đề nghị vào Bộ Chính Trị, Nguyễn Bá Thanh và Vương Ðình Huệ đều bị rớt; hai người mới được vô, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân đều thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng. Thấy rõ bên nào thắng, bên nào thua.


Ông Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị cho các ứng viên của mình trong nhiều bước. Thứ nhất là tái lập hai ban chuyên môn của Trung Ương Ðảng đã bị xóa bỏ từ năm 2007, là Ban Kinh Tế và Ban Nội Chính. Sau đó, cử hai người “phe ta” đứng đầu các ban này, tin tưởng rằng đến kỳ họp TW7 hai người đó sẽ được bầu vào Bộ Chính Trị; vì các trưởng ban khác đều được ngồi trong đó cả. Chuẩn bị kỹ như thế mà lại thua, cho nên thất bại của ông Nguyễn Phú Trọng kỳ này càng đau đớn hơn.

Trong lịch sử các đảng Cộng sản, thường thì người làm tổng bí thư nắm toàn quyền cài đặt người vào Bộ Chính Trị, trong ngôn ngữ của họ gọi là “cơ cấu.” Nhà báo Huy Ðức mới kể chuyện hồi Ðỗ Mười là tổng bí thư, ông lần lượt gọi hai người thuộc Bộ Chính Trị tới, nói với mỗi ông rằng: “Kỳ này tôi nghỉ, anh thấy sao?” Ông thứ nhất thật thà hỏi: “Thế ai sẽ thay anh?” Ông thứ hai thì đập tay xuống bàn kêu lên: “Trời ơi, đất nước đang như thế này làm sao anh nghỉ được?” Kết quả, ông thứ nhất bị mất chức, không được Ðỗ Mười cơ cấu cho nữa, còn ông thứ nhì giữ nguyên được ghế ủy viên Bộ Chính Trị.


Thời Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, cho tới Ðỗ Mười chức tổng bí thư trong đảng Cộng sản tương đương với ngôi hoàng đế trong thời quân chủ chuyên chế. Không đoán được ý tổng bí thư là mất chức, có khi còn mất mạng. Ngày nay luật chơi đã thay đổi.

Cái gì đã làm thay đổi luật chơi?

Tiền!

Nói một cách văn hoa, cái làm thay đổi luật chơi trong đảng Cộng sản là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.” Trong khẩu hiệu này, phần thứ nhất “kinh tế thị trường” sinh ra tiền. Cho dân được phép làm ăn tự do hơn, nhờ thế đô la từ nước ngoài đổ vào nhiều hơn, trước mắt thấy nhiều cơ hội làm tiền hơn. Phần thứ hai “Xã hội Chủ nghĩa” tức là vẫn nắm chặt quyền hành tập trung vào trong tay đảng. Nắm quyền thì khai thác được lòng sợ hãi, dùng đồng tiền thì kích thích lòng tham.


Ngày xưa, thứ năng lượng chính yếu đẩy cho cả guồng máy đảng vận hành là lòng sợ hãi, giống như dùng than đá hay xăng; còn lòng tham đóng vai phụ trợ, giống như dầu nhớt giúp máy chạy êm hơn. Ngày xưa, trên bảo dưới phải nghe, vì chức tổng bí thư nắm được đảng thì nắm quyền điều động cả bộ máy cưỡng chế; ra lệnh cho quân đội, công an, và các tổ chức mật vụ. Ngày nay, các khẩu hiệu và chiêu bài đó phai nhạt dần dần, thần thánh đã hết thiêng. Lòng sợ hãi không còn là năng lượng chính yếu nữa, lòng tham lên ngôi thay thế.

Sau khi Chủ nghĩa Xã hội lại có thêm Kinh tế Thị trường thì hai yếu tố quyền và tiền quyện lại với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, tạo thành một cơ chế vận hành mới điều động cả guồng máy đảng. Quyền chức không, chưa đủ. Người ta cần thứ quyền nào tạo ra được đồng tiền. Hậu quả là, đối với tất cả xã hội bên ngoài thì kẻ nào nắm quyền sẽ có cơ hội kiếm được nhiều tiền. Còn ở bên trong đảng thì chức vụ nào có khả năng chia chác cơ hội kiếm tiền cho người khác thì sẽ được bên dưới kính sợ; đến khi bỏ phiếu, sẽ được người ta theo lời “hướng dẫn.”


Trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, Ðại hội thứ chín, năm 2001 bắt đầu gia đoạn đồng tiền lên ngôi. Ðại hội này chọn một nhân vật lu mờ, không khả năng mà cũng không có cá tính; Nông Ðức Mạnh được bầu lại làm tổng bí thư Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng. Chọn một người như vậy cho lên làm “hoàng đế” cho thấy khuynh hướng giảm bớt sức nặng và vai trò của quyền. Nhưng đại hội đó cũng “xác định đường lối kinh tế là đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, vân vân.” Nói đến “phát triển lực lượng sản xuất” tức là mục tiêu kiếm tiền đã được đề cao.

Nông Ðức Mạnh ngồi yên trên cái ghế tổng bí thư suốt 10 năm là giai đoạn “quá độ,” quyền đang giảm giá, tiền dần dần lên ngôi. Kể từ đại hội lần thứ 11 của đảng Cộng sản thì vai trò của đồng tiền nổi bật lên.

Người thấy được sự thay đổi sớm nhất là ông Nguyễn Tấn Dũng. Có lẽ nhờ kinh nghiệm làm ăn với nhiều thứ nghề nghiệp và chức vụ khi còn sống ở miền Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã dần dần nhận ra thứ quy luật mới đang thành hình trong cuộc chơi giành quyền hành trong đảng. Nguyễn Tấn Dũng đã nằm trong guồng máy công an, lại từng nắm quyền điều khiển cả Ngân Hàng Trung Ương, cho nên hiểu được cuộc vận hành của cả đồng tiền lẫn bạo lực.


Từ khi làm thủ tướng năm 2006, ông ta đã vận dụng các quy luật mới để củng cố địa vị. Nguyễn Tấn Dũng tập trung quyền điều động các xí nghiệp quốc doanh vào phủ thủ tướng, thay vì chia quyền cho các “bộ chủ quản” theo lối cũ. Từ đó, người đóng vai thủ tướng tạo cơ hội kiếm tiền cho tay chân của mình; phân phát cơ hội kiếm tiền để mua lòng trung thành của đồng đảng. Các ủy viên Trung Ương Ðảng được chia chỗ trong Hội Ðồng Quản Trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các chương trình kinh tế đều nhằm tạo cơ hội kiếm tiền cho những thủ túc chứng tỏ lòng trung thành. Khi người dân Việt Nam nhận thấy cả guồng máy cai trị là một mạng lưới tham nhũng chằng chịt liên kết với nhau, người cầm đầu mạng lưới đó là ông thủ tướng.

Nguyễn Phú Trọng không nhìn ra là trên sân banh luật chơi đã thay đổi. Cho nên ra sân hai lần đều thất bại. Năm ngoái, tính lật Nguyễn Tấn Dũng mà không lật được. Năm nay, hai đàn em đều không vào được Bộ Chính Trị. Người Hà Nội vẫn nói Lú như Trọng, nhưng chắc không ai ngờ ông ta lú đến như vậy. Khi đọc diễn văn kết thúc hội nghị Trung Ương 7, ông Nguyễn Phú Trọng phải giới thiệu Bộ Chính Trị có thêm hai ủy viên mới, mà không thèm nhắc đến tên người nào cả. Thái độ đó chỉ cho mọi người thấy là ông quá “cay cú.” Mà cay cú như vậy thì ông sẽ phải tìm cách phản công. Phương pháp phản công duy nhất là thay đổi lại luật chơi. Còn nhiều thứ luật chơi khác có thể thay đổi tình thế. Người Việt mình vẫn nói “Nó lú nhưng chú nó khôn. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không nghĩ ra kế nào thì “các chú” của ông chắc chắn khôn hơn thế nào cũng nghĩ ra!

No comments:

Post a Comment