Pages

Friday, January 31, 2014

Những hình ảnh đối lập đáng suy ngẫm trong ngày lễ Tết

Giữa sự vui mừng, phấn khởi của rất nhiều bạn trẻ và các gia đình hạnh phúc trong mùa lễ tết là những mảnh đời khó khăn chưa thể cho phép mình tận hưởng niềm vui chung này.

Những hình ảnh được chúng tôi ghi lại trong suốt nhiều ngày tại các khu trung tâm thương mại sầm uất của Sài Gòn thể hiện rõ cuộc sống cần được quan tâm của nhiều người neo đơn, khó khăn trong xã hội. Với nhiều người chúng ta, được vui chơi, tận hưởng cuộc sống là những điều yêu thích. Thì với họ, được lao động, vất vả, khổ cực kiếm tiền giữa niềm vui của người khác đã là niềm hạnh phúc vô bờ. Bởi vì, chỉ có như thế, họ mới giúp được mình, lo được cho con cái và làm được nhiều thứ mà họ mong đợi.

Một cụ bà đang vất vả phục vụ khách hàng nhí của mình

Bác Ng. đã bán bánh nướng ở khu này được nhiều năm

Anh thanh niên tật nguyền này đang "nhờ" vào đứa con nhỏ để kiếm sống. Xung quanh anh là các chị bán đồ chơi lễ hội cho trẻ em đang kiếm chỗ trống để yên vị bán hàng.

Cả hai má con bà cụ này phải đi bán từ sáng sớm ở các quán cafe, đến tối muộn ở các khu trung tâm đông người như thế này.

Cô N. (quê Phú Yên)

Khi được hỏi về cảm xúc trong những ngày lễ tết và điều mong chờ của mình, cô N. (ngồi xe lăn bán vé số, quê Phú Yên) chia sẻ: “Tôi không quan tâm lắm đến ngày lễ tết vì tôi không có đi làm nhà nước. Dù là ngày lễ hay ngày thường thì tôi vẫn ra đây ngồi bán vé số và lăn đi các ngõ để mời. Trung bình một ngày tôi bán được khoảng 100 tờ, hôm nào có khách đông thì được về nhà nghỉ sớm hơn, đỡ mệt lắm.

Điều mong chờ nhất của tôi là ngày nào cũng bán hết vé số sớm để được về nhà nghỉ ngơi và để có đủ tiền về Phú Yên thăm nhà. Chứ nói thật, ở đây nhiều khi nhìn gia đình người ta đi chơi vui vẻ, mình cũng nhớ con – nhớ gia đình, cha mẹ lắm chứ…” – cô rưng rưng.


Một cụ bà bán vé số mệt mỏi người bệt xuống đường, giữa dòng người đi chơi lễ đông đúc



Một bác lớn tuổi buồn bã hút thuốc chờ khách bên hông trung tâm thương mại trong một đêm mưa

Cùng có tâm trạng “không quan tâm lễ tết” như cô N., bà Q (nhà ở khu Cầu Kho) cho biết: “Lễ tết hay ngày thường gì tui cũng đi nhặt bình thường. Có để ý một chút là do lễ tết, thứ 7, chủ nhật thì người ta đi chơi nhiều, ăn uống nhiều nên cũng vứt vỏ chai nhiều, tui lượm được nhiều nên vui hơn, đỡ lo hơn. Nếu nhặt được ít thì không có tiền ăn".


Bà Q (nhà ở khu Cầu Kho) đang cố nhặt một cái vỏ chai dưới gầm xe taxi giữa dòng người đi chơi Tết




Anh thanh niên ăn vội bữa tối trên đường đi lượm ve chai

Riêng chú T. (chạy xe ôm trước khu nhà thờ) thì tâm sự: “Ban ngày, tôi đi làm bảo vệ ở cửa hàng. Chiều về nghỉ ngơi một tẹo để tối ra đây canh chạy xe ôm. Bình thường thì người ta cũng đi lai rai nhưng tết nhất người ta mặc đồ đẹp nên họ cũng sang hơn, đi taxi nhiều hơn gọi xe ôm. Mấy ngày này, ra đây cầu may chứ không kiếm được nhiều. Tôi phải tranh thủ những ngày nghỉ phép chỗ bảo vệ để đi làm xe ôm vận chuyển hàng cho mấy nhà giàu để hợp thời. Ngày tết người ta nghỉ chứ tôi vẫn đi chạy, mình còn khó khăn phải biết tranh thủ lúc ít người làm mà làm kiếm tiền vì tết có vài ngày chứ mưu sinh như tụi tôi thì ngày nào cũng phải lo hết”.


Chú T. (chạy xe ôm trước khu nhà thờ) 


Những con người ẩn mình để thực hiện công việc làm đẹp cho lễ hội


Hai chị em bán vé số ngồi tránh mưa ở khu công trình làm trang trí lễ hội


Dù là ngày lễ tết, họ vẫn vất vả mưu sinh như ngày thường

Mong rằng sau bài viết này, trong không khí năm mới xuân về, các cô, các bác trong những câu chuyện kể trên, và rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác, sẽ nhận được nhiều sự cảm thông hơn từ mọi người trong xã hội. Vé số sẽ được bán hết sớm hơn, vỏ chai sẽ được trao tận tay người cần nó… Mong sự bình an về với mọi nhà, mọi người dù là sang giàu hay vẫn còn khốn khó.

No comments:

Post a Comment