Pages

Wednesday, April 23, 2014

Vẫn chuyện buồn tháng tư!

Hôm 12.4.2014, khi tiếp Ủy Ban Tòa Thánh về Khoa Học Lịch Sử, Đức Giáo Hoàng Francis đã nói: “Lịch sử là thầy của cuộc sống” (History is life's teacher). Người Việt bỏ nước ra đi đã 39 năm, nhưng ít ai rút được bài học lịch sử từ biến cố 30 thánh tư. Đa số vẫn tiếp tục suy nghĩ và hành động như thời miền Nam còn và coi đất nước nơi họ đang sinh sống như là một vùng lãnh thổ của VNCH nối dài. Trong khi đó một số khác thấy khó thực hiện những ảo vọng của họ nơi vùng đất mới, lại nghĩ rằng có thể quay trở về với chế độ trong nước như là “đồng hành cùng dân tộc”!


Hôm nay, khi nhiều tổ chức của người Việt tỵ nạn trên thế giới đang tổ chức kỷ niệm “ngày quốc hận”, chúng tôi xin nhắc lại những cái nhìn đau xót về biến cố 30 tháng tư của hai nhân vật quan trọng, nhưng vì thiếu hiểu biết về chính trị đã bị hai thế lực thù địch biến thành con bài thí và vùi dập, đó là Tướng Dương Văn Minh và Hòa Thượng Đôn Hậu. Sau đó chúng tôi sẽ trình bày lại một số sự kiện lịch sử để giúp người Việt đấu tranh đừng quên rằng tổ chức quyền lực nào đã quyết định về số phận của miền Nam Việt Nam trước đây, thì cũng chính tổ chức đó sẽ giành quyền đưa Việt Nam đi theo chiều hướng phù hợp với quyền lợi của họ.

LỜI TỰ THUẬT CỦA DƯƠNG VĂN MINH

Trong một bài dưới đầu đề “Lời phân trần của DVM về ngày 30 tháng 4″ được phổ biến vào tháng 10 năm 2006, ông Trần Viết Đại Hưng đã cho đăng lá thư đề ngày 15.4.1987 của Tướng Dương Văn Minh gởi Tướng Nguyễn Chánh Thi. Trong lá thư đó, Dương Văn Minh đã giải thích lý do tại sao lúc đó ông không tự tử mà lại đầu hàng. Ông viết:

“Anh em có đọc sách của anh Ðỗ Mậu kể chuyện lại cho tôi nghe; tôi phải công nhận anh Ðỗ Mậu kể chuyện như vậy là rất can đảm. Lên án Cần lao và Công giáo đến mức đó là cùng. Ngoài ra, anh Ðỗ Mậu có trách tôi không biết tự tử như các bực tiền bối, cũng có phần đúng. Nhưng đây chỉ là một vấn đề quan niệm mà thôi.


“Theo tôi, tự tử không phải lúc nào cũng là đúng. Ðôi khi mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả cho sự quyết định của mình gây ra. Có lẽ anh Ðỗ Mậu (cũng như nhiều người) không rõ là tôi lấy quyết định cuối cùng sau khi đã tham khảo ý kiến với một số những vị dân biểu và nghị sĩ còn lại, với những anh em quân nhân đến gặp tôi vào giờ chót, với các thầy mà trong đó thầy Trí Quang và Trí Thủ đã nói và đã nhắn nhủ để cứu dân…

“Tôi đã dám làm thì tôi cũng dám chấp nhận những búa rìu bất cứ từ đâu tới. Không có gì thắc mắc cả, và tôi coi đây chỉ là một giai đoạn thôi. Cầu xin dân ta và anh em giữ vững tinh thần thì có ngày xum họp trên quê cha đất tổ.” (Hết trích)

Với ba đặc tính Tham. Ngu, Hèn, Dương Văn Minh luôn bị đưa đầy vào những vai trò bi thảm trong chính trường miền Nam.

LỜI TỰ THUẬT CỦA THÍCH ĐÔN HẬU

Tạp chí Quê Mẹ số 125 & 126 tháng 10 và 11 năm 1993 đã công bố bản tự thuật của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu về cuộc gặp gỡ giữa ông và Thủ Tướng Phạm Văn Đồng năm 1976. Bản tự thuật này cho biết vào tháng 4/1975, Phật Giáo đã thành lập Chính Phủ Phật Giáo Dương Văn Minh để giao miền Nam cho Cộng Sản Hà Nội. Sau đây là phần liên hệ đến vấn đề này:


Thủ Tướng Phạm văn Đồng:

- Đấy, theo Cụ biết, trong khi người Mỹ đi rồi, Thiệu xuống rồi, Phật Giáo lại âm mưu lập chính phủ Phật Giáo, đưa Dương Văn Minh lên làm Thủ Tướng. Lập làm gì vậy? Lập chính phủ đó để đánh với Cách Mạng phải không?

Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đáp:

- Chuyện ấy có, Phật Giáo chúng tôi có lập Chính Phủ. Nhưng thế này, Thưa Thủ Tướng. Chúng tôi đã hỏi các vị trong Viện Hóa Đạo. Các vị cho biết như sau: “Hòa Thượng nên nhớ rằng, Phật Giáo chúng ta không ngu si đến độ lập Chính Phủ Phật Giáo, sau khi Mỹ đã bỏ miền Nam, Thiệu vơ vét của cải đi rồi. Của cải, thế lực ở miền Nam VN chẳng còn gì, mà Cách Mạng đã đến bên lưng. Ông Dương Văn Minh cũng không đến nỗi dại gì muốn lên làm Tổng Thống lúc ấy."

Các vị ở Viện Hoá Đạo nói tiếp:

"Phật Giáo chúng ta, con sâu con kiến cũng thương, huống gì con người! Đã 30 năm chiến tranh, chết chóc đau thương chồng chất. Bây giờ đây nếu thả lỏng để ông già lụ khụ Trần Văn Hương tuyên bố: "Đánh"! Thử hỏi cả 2 bên tham chiến chết bao nhiêu người nữa? Muốn hạn chế sự chết chóc và tài sản của đồng bào, nên Phật Giáo chúng ta phải có chủ trương. Lúc bấy giờ, chẳng còn ai lo cho đất nước, ai cũng chạy trối chết, Phật Giáo đâu thể ngồi như vậy mà nhìn? Nên phải lập Chính Phủ, đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống. Nhưng không phải lập để đánh với Cách Mạng.”


Thủ Tướng Phạm Văn Đồng hỏi:

- Vậy tại sao Dương Văn Minh lên, tuyên bố giữ mảnh đất cuối cùng, nếu không phải để đánh với Cách Mạng thì để làm gì?

Tôi hỏi Thủ Tướng:

- Khi Dương Văn Minh tuyên bố như vậy, về sau có nổ phát súng nào không?

- Không.

- Như vậy, Dương Văn Minh chỉ tuyên bố thôi, chứ không cốt đánh." (Hết trích)

Đọc những lời biện giải của Hòa Thượng Đôn Hậu, chúng ta nhớ lại câu chuyện đối đáp giữa vua Trần Nhân Tông, một thiền sư, với Bắc Bình Vương Trần Hưng Đạo. Khi giặc đánh mạnh, dân chết nhiều, với tâm tư của một thiền sư Phật Giáo, vua Trần Nhân Tông đã nói với Trần Hưng Đạo:

“Thế giặc to như vậy mà chống với nó thì dân tàn hại, hay là trẫm hãy chịu hàng để cứu muôn dân?”

Hưng Đạo Vương đã tâu một cách khẳng khái:


“Bệ hạ nói câu ấy thật là nhân đức, nhưng mà Tông Miếu Xã Tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã rồi sẽ hàng sau.” [Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Quyển I, tr. 139]

Lần này cũng thế thôi, nhưng thiếu một Bắc Bình Vương Trần Hưng Đạo.

NHẮC LẠI QUYẾT ĐỊNH CỦA WASHINGTON

Dựa theo những tài liệu đã được chính phủ Hoa Kỳ công bố, chúng tôi đã viết rất nhiều bài về kế hoạch và tiến trình làm biến mất VNCH của Hoa Kỳ. Hôm nay chúng tôi chỉ nhắc lại những nét chính.

Vào tháng 8 năm 2004, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tổng Thống Nixon từ chức, Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina đã cho công bố băng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa Nixon và Kissinger, trong đó có đề cập đến số phận của miền Nam Việt Nam và cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ cuối năm 1972. Tổng thống Nixon đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway). Nhưng ông hỏi cố vấn an ninh Henry Kissinger:


“Henry, chúng ta cũng phải nhận thức rằng thắng trong một cuộc bầu cử là hết sức quan trọng. Nó hết sức quan trọng trong năm nay, nhưng chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao đứng vững (a viable foreign policy) nếu một năm kể từ bây giờ hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam? Đó thật là vấn đề.”

Kissinger trả lời:

“Nếu một hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam, chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao bền vững nếu coi điều đó như thể là kết quả của sự bất tài của người Nam Việt Nam” (if it's the result of South Vietnamese incompetence.)

Sau đó, Kissinger đi Bắc Kinh giao miền Nam Việt Nam cho Trung Quốc.

Hôm 26.5.2006, Văn Khố An Ninh Quốc Gia (National Security Archive) của Hoa Kỳ đã cho phổ biến 2.100 bản văn(memoranda) dài 28.000 trang mang tên “The Kissinger Transcripts: A Verbatim Record of U.S. Diplomacy, 1969-1977”. Trong đống hồ sơ này có 6 tài liệu liên quan đến Việt Nam, đó là các tài liệu số 1, 2, 3, 10, 11 và 12. Vì tài liệu quá dài, chúng tôi chỉ trích dẫn một đoạn ghi lại cuộc đàm thoại mặt đối mặt giữa Kissinger và Chu Ân Lai ngày 20.6.1972 tại Bắc Kinh trong tài liệu số 10 (dài 37 trang), trong đó có đoạn Kissinger nói với Thủ Tướng Chu Ân Lai như sau:

“Hôm nay tôi ngồi ở đây chứng tỏ cái căn bản dựa trên đó Hoa Kỳ đưa quân vào Đông Dương không còn giá trị nữa. Chúng tôi thừa hưởng một chính sách và bây giờ chúng tôi phải thanh lý thế nào để không ảnh hưởng đến vị thế của chúng tôi trên thế giới và sự ổn định trong nước. Chúng tôi thật tâm muốn chấm dứt cuộc chiến này. Và ông thủ tướng biết từ năm 1967 tôi đã mở đầu cuộc thương thuyết với Hà Nội. Và trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi quan niệm nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa là một thực tế mạnh nhất tại bán đảo Đông Dương. Chúng tôi không có lợi gì làm tan vỡ hay đánh bại thực thể đó. Sau khi chúng tôi rút quân xong, chúng tôi ở xa 12.000 dặm trong khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ cách Sài gòn 300 dặm. Tôi không hiểu tại sao Hà Nội không thấy được sự việc đó.”


Sau khi thương lượng với Trung Quốc xong, Hoa Kỳ ép VNCH ký Hiệp Định Paris, trong đó có những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho miền Nam. Trong khi Hà Nội thiết lập kế hoạch đánh chiếm miền Nam bằng cách khai thông quốc lộ 14-B, tức đường Đông Trường Sơn, đưa quân vào Phước Long để đánh thẳng vào Sài Gòn năm 1976, bỏ qua các tỉnh miền Trung, Hoa Kỳ đã giúp Bắc Việt bằng cách cắt dần viện trợ quân sự cho VNCH, đưa Tướng Ted Seron, một tướng du kích của Úc, tới lừa Tổng Thống Thiệu thực hiện chiến lược “Đầu bé đít to”, “Từng chiến lược cho từng mức viện trợ” và“tái phối trí” bằng cách bỏ bỏ Vùng I và Vùng II, rút quân về lập phòng tuyến ở Tuy Hòa. Cuộc rút quân đã làm miền Nam sụp đổ nhanh hơn thời gian dự trù.

Khi tình hình không còn cứu vãn được, Hoa Kỳ đã thiết lập một kế hoạch đầu hàng và di tản rất hoàn chỉnh. Trước hết, Đại Sứ Martin đã đến gặp Tổng Thống Thiệu yêu cầu từ chức để đưa một người khác lên “nói chuyện với phía bên kia” vì tình hình không còn cứu vãn được. Đến giờ phút này ông Thiệu vẫn chưa ý thức được miền Nam sắp mất, ông còn hỏi ông Martin “Nếu tôi từ chức, viện trợ Mỹ có đến không?”. Trong khi đó, Đại sứ Pháp Jean Marie Mérillon đến Dinh Hoa Lan gặp Tường Dương Văn Minh cho biết ông sẽ làm trung gian để Tướng Minh nói chuyện với Hà Nội. Tướng Minh rất tin tưởng Đại Sứ Mérillon.


Trong cuốn The Decent Interval, Frank Snepp cho biết sau khi ông Thiệu từ chức, Tướng Timmes đi gặp Tướng Minh và hỏi quan điểm của ông ta về tương lai, Tướng Minh cười và trả lời: “Vẫn còn cơ hội cho việc thương thuyết…” (There was still a chance for negotiations) (tr. 458). Nhưng Dân Biểu Lý Quý Chung, người luôn đi cạnh Tướng Minh cho biết khi Tướng Minh vừa nhận chức xong, ông cho đi tìm Đại Sứ Mérillon thì ông ta đã biến mất. Cuối cùng, Tướng Minh chỉ còn trong chờ vào Thích Trí Quang. Nhưng lúc 4 giờ 35 phút sáng 30.4.1975, ông gọi cho Thích Trí Quang thì Thích Trí Quang trả lời rằng “giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng Thống.” Tướng Minh liền than: “Thầy giết tôi rồi!” và cúp máy điện thoại. Sau đó, Tướng Minh tuyên bố đầu hàng.

Như vậy, chuyện đầu hàng là do sự sắp xếp trước của Hoa Kỳ. Dương Văn Minh và Phật Giáo chỉ là công cụ được dùng để thực hiện thủ đoạn đó của Hoa Kỳ.

Cũng trong cuộc họp với Chu Ân Lai hôm 20.6.1972, Kissinger đã nói:

“Trước đây tôi đã nói với ông thủ tướng rằng chúng tôi không muốn duy trì một căn cứ quân sự nào tại Đông Dưong hoặc theo đuổi chính sách của vị ngoại trưởng không chịu bắt tay ông thủ tướng. Thời đại đó qua rồi. Và tôi tin rằng tương lai quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Kinh quan trọng đối với Á châu hơn là những gì có thể xẩy ra tại Phnom penh, Hà Nội hay Sài gòn.”


Lời tuyên bố này cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi của các nước Đông Dương, do đó việc trông chờ Hoa Kỳ giúp để “giải phóng” quê hương là chuyện quá xa vời. Người Việt đấu tranh vì thiếu kinh nghiệm chính trị, trước sau vẫn là công cụ.

Nhân tuần Phục Sinh, chúng tôi xin gởi đến những người tín hữu Kitô giáo lời của Đức Giáo Hoàng Francis trong cuộc gặp gỡ Ủy Ban Tòa Thánh về Khoa Học Lịch Sử ngày 12.4.2014. Ngài lưu ý rằng “lich sử như là một người thầy của cuộc sống và các sử gia như là những người có thể giúp chúng ta thấy rõ điều mà Thánh Thần Thiên Chúa muốn nói với Giáo Hội ngày hôm nay (history as a life’s teacher and historians as people who can help us discern what the Holy Spirit wants to say to the Church today).

Lữ Giang

No comments:

Post a Comment