Pages

Friday, May 16, 2014

Xảo thuật giàn khoan của Trung Quốc

Khi được tin Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đến đặt trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) của Việt Nam, nhiều chuyên gia và bình luận gia quốc tế đã có những nhận định khác nhau về hành động này của Trung Quốc.


Đài BBC ngày 5.5.2014 cho biết Tiến sĩ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói rằng đây "là chỉ dấu rằng Trung Quốc đang khẳng định quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trong đường chín đoạn của mình cho dù nguồn tài nguyên đó có nằm trong EEZ của quốc gia khác hay không".


Còn Ông Mike McDevitt, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ nhận định: “Từng bước đi nhỏ và dần dần này của Trung Quốc sẽ không dẫn tới xung đột, tuy nhiên cùng với thời gian, họ sẽ thay đổi hiện trạng trên Biển Đông bằng chính các bước đi đó.”

Giáo sư Keith Johnson thuộc Đại Học California Berkely viết trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy: "Thông điệp rõ ràng mà Bắc Kinh muốn gửi đến Hà Nội là chúng tôi sẽ khoan tại bất kỳ nơi nào chúng tôi muốn.”


Bà Holly Morrow, một chuyên gia Biển Đông thuộc Trung tâm Belfer của đại học Harvard đã nhận xét: "Cái giá về ngoại giao mà Trung Quốc phải trả về những gì đang làm là quá cao, vì thế, những gì mà Trung Quốc mong muốn phải cao hơn những lợi ích an ninh năng lượng đem lại", v.v.

MỤC TIÊU CỤ THỂ CỦA TRUNG QUỐC

Những bình luận theo kiểu mà người Pháp gọi là “politique de salon” nói trên còn rất nhiều, nhưng nó không cho thấy mục tiêu cụ thể của Trung Quốc là gì và họ đang làm gì để tiến tới mục tiêu đó. Trong nước xem ra nắm vững mục tiêu và kế hoạch của Trung Quốc hơn các “chuyên gia tự xưng” ở hải ngoại. Trong một cuộc trao đổi với website nguyentandung.org,Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới của Chính phủ đã nói:

“Về vị trí đặt giàn khoan, qua quan sát bản đồ, tôi thấy nó thể hiện đầy sự tính toán. Đó là vị trí nằm cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý, cách đảo Tri Tôn mà họ đang chiếm 18 hải lý. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Luật Biển năm 1982 là 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì vị trí đặt giàn khoan cách đường 200 hải lý đó 80 hải lý. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.


“Và để hợp thức hóa hành động sai trái của mình, Trung Quốc có thể sẽ nói rằng vị trí đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn 18 hải lý – nằm trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc bởi Trung Quốc có chủ quyền ở Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Nếu chúng ta không phân tích thì có thể rơi vào bẫy của họ.”

Đây là một nhận định rất chính xác. Mục tiêu của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý là muốn xác định vùng được coi là đặc khu kinh tế của Trung Quốc tính từ đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa. Vấn đề này khá phức tạp vì nó liên hệ đến quốc tế công pháp về luật biển, nhất là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ngày 10.12.1982. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng trình bày đơn giản.

TRUNG QUỐC TIẾN TỪNG BƯỚC

Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 36 đảo lớn nhỏ, đã bị Trung Quốc chiếm từ năm 1974 khi còn đặt dưới quyền kiểm soát của VNCH. Nhưng theo theo báo cáo đầu năm 2013 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), các chứng cứ địa chất cho thấy khu vực quần đảo Hoàng Sa “không có tiềm năng rõ ràng nào về khí hydrocarbon”. Nói cách khác, khu vực Hoàng Sa không có dầu lửa. Do đó, Trung Quốc phải tìm cách tiến xa hơn vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vấn đề không dễ dàng, nhưng Trung Quốc đã tính toán từ lâu họ sẽ phải làm gì.


Cho dù Hoàng Sa được xác nhận thuộc chủ quyền của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn gặp hai khó khăn sau đây khi thực hiện quyền thăm dò và khai thác vùng xung quanh ngoài quần đảo Hoàng Sa.

1.- Khó khăn về quyền có vùng đặc quyền kinh tế.

Theo điều 121 của Luật Biển 1982, “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.”

Quần đảo Hoàng Sa gồm toàn những đảo san hô hay mõm đá ngầm nhỏ, không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, nên chỉ có một vùng lãnh hải (merterritoriale) là 12 hải lý quanh quần đảo, chứ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý như quy định trong Luật Biển 1982. Vì thế, Trung Quốc phải biến Hoàng Sa thành một quần đảo thích hợp cho con người đến ở bằng cách nối nhiều đảo lại với nhau, đem đất đến lấp đày để có thể trồng cây, xây nhà ở và văn phòng, xây đường bay…Nhưng liệu rồi một khu nhân tạo như thế có thể được công nhận như  một “quốc gia quần đảo” (etat archipel) để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay không? Chưa có án lệ nào xác định về trường hợp này.

2.- Khó khăn về tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế.

Cho dù được Tòa Án Quốc Tế công nhận quần đảo Hoàng Sa là một “quần đảo quốc gia” có quyền có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, Trung Quốc còn gặp khó khăn thứ hai là tranh chấp với Việt Nam về vùng đặc quyền kinh tế.


Điều 57 của Luật Biển 1982 quy định: “Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.”

Nói một cách vắn tắt, vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước không được mở rộng quá 200 hải lý. Nhưng khoảng cách từ đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi  đến đảo Tri Tôn thuộc Quần Đảo Hoàng Sa chỉ có 137 hải lý. Trong trường hợp vùng biển giữa hai quốc gia dưới 400 hải lý (200 hải lý mỗi bên) thì phải giải quyết như thế nào?

Điều 15 của Luật Biển 1982 quy định rằng nếu vùng biển giữa hai quốc gia có bờ kế nhau hoặc đối diện nhau mà vùng lãnh hải dưới 24 hải lý hay vùng đặc khu kinh tế dưới 400 hải lý, vùng biển giữa hai nước sẽ chia theo đường trung tuyến (median line), tức cưa đôi.

Vùng biển giữa đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đảo Tri Tôn thuộc Quần Đảo Hoàng Sa chỉ có 137 hải lý, nên nếu cưa đôi mỗi bên chỉ được có 68,5 hải lý.


Giả thiết chủ quyền của Trung Quốc trên Quần đảo Hoàng Sa được công nhận và quần đảo này được coi là “quần đảo quốc gia” có vùng đặc quyền kinh tế, Trung Quốc và Việt Nam sẽ thảo luận để đi tới ký hiệp ước cưa đôi vùng biển 137 hải lý giữa đảo Lý Sơn và đảo Tri Tôn, ở giữa sẽ dành ra một khu được gọi là khu trái độn, khoảng 3 hải lý, mỗi bên chỉ còn khoảng 67  hải lý. Vì chủ quyền của Trung Quốc trên Hoàng Sa không được công nhận và Hoàng Sa khó được coi là “quần đảo quốc gia” có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nên Trung Quốc lại phải dùng vũ lực để giành cái gọi là vùng đặc quyền kinh tế 68,5 hải lý của họ. Ngoài giàn khoan Hải Dương 981, những tàu đánh cá nào lọt vào vùng 68,5 hải lý từ đảo Tri Tôn, Trung quốc sẽ bắt giữ hay húc bể.

TÌM PHƯƠNG THỨC ĐỐI PHÓ

Theo các nhà phân tích, hiện nay Việt Nam có ba phương thức chính để đối phó khi Trung Quốc xâm chiếm vùng biển của Việt Nam: Phương thức thứ nhất là đối phó bằng quân sự, phương thức thứ hai là dùng áp lực quốc quốc tế và phương thức thứ ba là đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế. Chúng ta thử xét qua ba phương thức này.

1.- Phương thức quân sự: Bài “Thử so tài của Không quân Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông” đăng trên website nguyentandung.org ngày 8.5.2014 đã so sánh lực lược không quân giữa hai nước. Bài báo cho rằng:


 “lợi thế về số lượng đang nằm trong tay Trung Quốc nhưng lợi thế về sự đa dạng trong lựa chọn vũ khí hiện đại lại thuộc về Việt Nam.” Ngoài ra, Việt Nam còn lợi thế về địa lý. Nhưng bài báo kết luận: “Một khi có sự hiện diện tàu sân bay của đối phương trên biển Đông thì lợi thế về địa lý của ta không còn nhiều. Nhưng bù lại chúng ta đã và phải có một lực lượng Không quân thiện chiến trên biển sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo đất nước.”

Đây là một bài báo được phổ biến nhắm vào mục tiêu chiến tranh tâm lý hơn là trình bày thực trạng. Theo các báo trong nước, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao cho biết: “Ngày 4/5, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm 2 tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Tàu của Trung Quốc với sự yểm trợ không lực đã tìm cách đe dọa tàu thuyền Việt Nam”. Phía Trung Quốc còn sử dụng cả vòi rồng khiến 6 thủy thủ Việt Nam bị thương. Không thấy Không quân làm gì. Sau đó Thứ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping  nói rằng việc tàu của nước này đâm tàu Cảnh sát biển Việt Nam không phải là “cuộc đụng độ”.

VIETNAM-CHINA-PROTEST 

2.- Phương thức dùng áp lực quốc tế: Hoa Kỳ thường được coi là nước có thể ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhưng trong chuyến viếng thăm Á Châu vừa qua, Tổng Thống Obama đã đưa ra một thông điệp gốm ba điểm chính sau đây:

(1) Chính sách của Washington đối với Châu Á không phải nhằm để kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc,

(2) Tổng thống Mỹ không yêu cầu các nước Châu Á phải chọn giữa Washington hay Bắc Kinh, và

(3) Hoa Kỳ không ngã về bên nào trong các vụ tranh chấp, bất luận là ở Biển Đông Trung Hoa hay biển Nam Trung Hoa.

Thông điệp này cho thấy vì quyền lợi trong hiện tại, Hoa Kỳ không muốn đương đầu với Trung Quốc, mặc dầu Hoa Kỳ đã tuyên bố "xoay trục".

 VIETNAM-CHINA-PROTEST

3.- Phương thức kiện Trung Quốc: Vấn đề không dễ dàng như nhiều người tưởng. Như chúng tôi đã nói nhiều lần, ngoại trừ các nhà nghiên cứu, đa số người Việt trong cũng như ngoài nước vẫn tin rằng có thể áp dụng Định chế ngày 4.5.1493 để chứng minh quyền sở hữu của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, vì định chế này quy định rằng đối với các hoang đảo trên biển, ai chiếm trước thuộc về quyền sở hữu của người đó. Nghe tưởng dễ nhưng không dễ. Vả lại, định chế đó đã được thay thế bằng Định Ứớc Berlin ngày 26.2.1885. Định ước này đòi hỏi sự chiếm hữu phải thật sự, liên tục và hòa bình. Việc chứng minh ba điều kiện đó không dễ dàng vì cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là đảo san hô hay đảo đá. Cứ xem án lệ xử vụ các đảo Palmas, Minquiers và Ecrehous… thì sẽ rõ.

Cũng không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế La Haye được vì tòa này đòi hỏi hai bên phải cam kết thi hành án tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy. Vì thế Philippines phải đưa ra trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế, vì tòa này có thể xử khuyết tịch. Nhưng vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn, vì khi Trung Quốc không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội Đồng Bảo An LHQ can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết, nên chỉ cầm bản án mà chơi.

VIETNAM-CHINA-PROTEST

Điều 39 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe doạ hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.”

Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Từ năm 1945, năm thành lập LHQ, đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Ảnh 32, Pháp 18 và Trung Quốc 9. Công lý vẫn nằm ở kẻ mạnh.

Lữ Giang

No comments:

Post a Comment