Pages

Monday, October 1, 2012

Cha con tử tù nuốt nước mắt nhìn nhau qua song sắt

Giây phút trùng phùng trong hoàn cảnh éo le ấy chỉ diễn ra ngắn ngủi qua song sắt trại giam. Nhìn người cha tử tù qua song sắt, đứa con gái mồ côi mẹ trong vụ thảm án nơi bến đò nước mắt nghẹn ngào.

Tử tù Nguyễn Khắc Long - kẻ khắc hai chữ "hận tình" trên dao rồi đem đi giết vợ bảo, từ lúc bị bắt giam đến nay đã hơn hai năm trôi qua nhưng chưa một lần được người nhà đến thăm.

"Em tủi thân lắm! Mình gây ra tội lớn nhưng lúc đó do không kiểm soát được hành vi bản thân. Từ ngày vào trại, nỗi nhớ nhà, người thân, đặc biệt là đứa con gái khiến em day dứt"- Long nói.

Giây phút hồi hộp chờ bố trong phòng gặp của bé Thanh Trúc

Trước khi được cán bộ cảnh sát bảo vệ dẫn vào buồng biệt giam, Long còn cố ngoái lại nói với chúng tôi rằng mong muốn lớn nhất trước khi bị đưa ra pháp trường là được nhìn con gái mình một lần.

Xét thấy nguyện vọng của tử tù Long là đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội, Ban giám thị trại tạm giam Nghi Kim và Ban giám đốc làng trẻ SOS Vinh đồng ý sắp xếp của cuộc gặp gỡ của hai cha con.

Chiều 24/9, đích thân ông Lê Bá Lương, Trợ lý giáo dục của làng trẻ SOS TP Vinh đưa cháu Nguyễn Thị Thanh Trúc đến trại tạm giam Nghi Kim để gặp cha, trước sự chứng kiến của đồng chí Thượng tá Trần Thăng Long, Giám thị trại tạm giam Nghi Kim.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh bé Trúc với vẻ sợ sệt, mắt đỏ hoe, luôn nép mình bên ông Lương đứng chờ được gặp cha ở phòng dành cho người thân tử tù. Thỉnh thoảng cháu lại nấc lên thành tiếng. Cảm xúc sắp được nhìn thấy cha sau hơn 2 năm xa cách.

Bé Trúc vừa nhìn thấy hình dáng gầy gò, ốm yếu của cha mình vội vàng chạy đến bíu lấy khung sắt, hướng ánh mắt về người cha đối diện.

Thanh Trúc không cầm được nước mắt khi nhìn thân hình cha mình tiều tụy đi trông thấy

Cuộc gặp gỡ chìm trong nước mắt mặn chát. Nỗi chất chứa, nhớ con da diết bấy lâu nay dường như khiến cho người cha không nói nên lời, cổ họng nghẹn ứ. Sau một lúc nhìn con, Long mới hỏi thăm được đôi câu. Tử tù Long tỏ ra vô cùng hối hận vì mình mà khiến đứa con bé bỏng phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thanh Trúc cũng cho cha biết, em rất ngoan, luôn nghe lời bố mẹ nuôi và thầy cô ở làng trẻ SOS. Nhìn con giờ đây lớn hơn nhiều và ngoan ngoãn, Nguyễn Khắc Long luôn miệng tự trách mình "giá như, giá như"..., nhưng tất cả đã muộn.

Hạnh phúc khi nhận quà từ người cha tử tù

Trúc bảo: “Con không trách cha đâu, giờ con chỉ muốn cha được thả ra rồi trở về với con. Con nhớ cha nhiều lắm. 2 năm nay đêm nào nằm ngủ con cũng mơ về cha. Trong giấc mơ con thấy mình được cha ôm ru ngủ như ngày xưa. Cha hãy nhanh về với con cha nhé!”. Những tâm sự hồn nhiên của bé Trúc nói với cha mình như chạm vào nỗi đau buồn tủi của người cha tử tù.

Thay mặt lãnh đạo làng trẻ SOS Vinh, ông Lương cho hay, Thanh Trúc rất ngoan và học giỏi. Ở trường bé được chăm sóc tận tình, chu đáo và sống chung với nhiều bạn bè nên cháu cũng phần nào vơi đi nỗi buồn. Sau này lớn lên Trúc sẽ thi đậu đại học vì cháu thông minh, chăm chỉ lắm. Nghe được những lời nói đó, tử tù Long gục xuống khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc của người cha tù tội.

Tử tù Nguyễn Khắc Long ngã gục trước khi chia tay con mình

Cảm động nhất là lúc bé Thanh Trúc nhận quà của do chính người cha những năm tháng trong chốn lao tù làm tặng. Đó là 4 con tôm được Long thức trắng nhiều đêm đan tặng con gái.

Thời gian hai cha con Long được phép gặp nhau nhanh chóng qua đi, đôi mắt hai cha con họ cứ dán vào nhau như không muốn xa rời, đôi tay bám chặt lấy khung sắt không chịu bước ra khỏi phòng. Trước khi được thầy Lương đưa đi, bé Trúc liên tục ngoảnh lại về phía cha mình nói to: "Cha cố gắng giữ gìn sức khỏe và nhớ viết thư cho con nhé. Con yêu cha nhiều lắm".

Cuộc trùng phùng ngắn ngủi trong hoàn cảnh éo le, tử tù Long ngã quỵ xuống.


Long không đứng vững khi nhìn thấy hình bóng con khuất xa sau bức tường

Kẻ tử tù ấy vẫn mong mình thoát án tử để được gặp con, rồi biết đâu còn được ở bên chăm sóc, nuôi nấng con nên người. “Em đã gửi thư cho chủ tịch nước xin ân xá. Dù đó là một chút hi vọng nhưng vì đứa con của mình em vẫn mong được một lần sửa sai trở về với cuộc sống thường ngày. Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của em trong những ngày chờ ra pháp trường”, tử tù Long nghẹn ngào.

No comments:

Post a Comment