Pages

Monday, October 1, 2012

Sinh viên Mỹ quịt nợ học lên mức kỷ lục

Các chuyên gia tài chánh cho hay việc gia tăng số nợ tiền học, cộng với tình hình kinh tế suy trầm, đang tạo ra mức độ quịt nợ tiền học đến mức kỷ lục.


Sinh viên Mỹ mới ra trường phải đối diện với việc trả nợ đi học, và ngày càng có nhiều người “xù” nợ này, vì tình hình kinh tế khó khăn, khó kiếm việc làm. (Hình minh họa: Mike Moore/Getty Images for University of Phoenix)

Các con số do Bộ Giáo Dục Mỹ công bố tuần này cho thấy trong khoảng 4.1 triệu sinh viên từng mượn nợ và khởi sự trả nợ vào cuối năm 2009 và đầu 2010, có khoảng 9.1% ngưng trả nợ chỉ trong hai năm, so với con số 8.8% năm trước đó.

“Sẽ còn rất nhiều người mượn tiền đi học, nhưng không có khả năng trả nợ,” theo bà Debbie Cochrane, giám đốc nghiên cứu của cơ quan Institute for College Access & Success. “Ðây là các con số đáng buồn và đáng lẽ ra không nên cao đến thế.”

Các chuyên gia cho rằng tình trạng này xảy ra là kết quả việc tăng cao số tiền mượn nợ, tình hình kinh tế suy trầm và sự thiếu hiểu biết của người đi mượn. Không giống như những năm trước đó, khi tình trạng ngưng trả nợ tăng lên vì những người từng đi học ở các trường đại học được lập ra để kiếm lời (for-profit universities) gặp trở ngại trong việc trả nợ, mức gia tăng năm nay gồm cả những người đi học ở các đại học công lập truyền thống và các đại học tư không nhằm mục đích kiếm lời (non-profit universities).
Con số sinh viên theo học đại học công lập ngưng trả nợ lên đến 8.3%, so với con số 5.9% chỉ bốn năm trước đó.

Lần đầu tiên trong bốn năm qua, mức ngưng trả nợ ở các trường đại học hai năm có mục đích kiếm lời giảm xuống so với con số năm trước đó, còn 12.9% so với 15%. Ông Mark Kantrowitz, người thành lập Finaid.org, một trang web chuyên về trợ giúp tài chánh đại học, nói rằng việc sút giảm này là chỉ dấu cho thấy các biện pháp cải cách nay có kết quả.

Các con số liên quan đến mức độ ngưng trả nợ của sinh viên các trường hai năm, công bố hôm Thứ Sáu, chỉ kể đến những người mượn tiền và khởi sự trả nợ trong tài khóa 2010 - nghĩa là phần lớn họ thuộc thành phần ra trường năm 2009 - đo lường mức độ những người ngưng trả nợ trong một năm qua, tính đến Tháng Chín, 2011. Các con số này không tính những người mượn nợ và khởi sự trả nợ thời gian trước đó nhưng lại không có khả năng tiếp tục trả nợ ở thời điểm sau này.

Bộ Giáo Dục Mỹ cũng lần đầu tiên cung cấp các dữ kiện về tình trạng trả nợ của ba năm liền, cho thấy trong số những người từng trả nợ trong liên tiếp hai năm, có tới 13.4% không còn tiếp tục trả nợ. Những người chỉ trích cách thức cho vay và tính mức độ “xù nợ” tiền học nói rằng đây mới là cách đo lường đúng mức tình trạng này, vì thường người ta cố trả nợ vài năm đầu rồi sau đó rơi rụng ngưng trả.
Con số của ba năm cũng cho thấy có gần 50% người ngưng trả nợ là từ các trường “for-profit,” tuy rằng chỉ chiếm có 28% số tiền mượn và 13% trong tổng số sinh viên đại học.

Những người xù nợ tiền học có thể bị chỉ số tín dụng xuống thấp trong nhiều năm liền, lương cũng như tiền trả lại thuế của họ có thể bị khấu trừ để trả nợ, họ có thể bị kiện tụng và gặp khó khăn khi gia nhập quân đội, đi xin việc làm hay khi cần phải sưu tra lý lịch cá nhân, theo ông Kantrowitz.

Theo “Project on Student Debt,” có đến 2/3 số sinh viên ra trường năm 2010 từ các đại học “non-profit” có mượn nợ, với con số trung bình vào khoảng $25,250, tăng 5% so với năm trước đó. Trong khi đó, mức thất nghiệp của các tân cử nhân là 9.1% trong năm 2010.

No comments:

Post a Comment