Sunday, October 14, 2012

Những ngôi nhà triệu đô mang lời đồn ma ám giữa Sài Gòn

Giữa Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt nhiều ngôi nhà triệu đô bị bỏ hoang, lạnh lẽo do những lời đồn oan nghiệt.

Nhà chú Hỏa – đại gia bất động sản Sài Gòn xưa

Tòa nhà tọa lạc tại số 97, đường Phó Đức Chính, Q1, TPHCM trải qua bao thời gian nhưng vẫn sừng sững với dáng dấp cổ kính, tĩnh lặng, thâm u, càng làm cho những giai thoại về chủ nhân và ngôi nhà thêm phần huyền hoặc. Dù hiện nay đã là trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố nhưng ngôi nhà vẫn chất chứa rất nhiều điều bí ẩn, gợi tò mò bởi nó gắn liền với nhiều huyền thoại cùng tên tuổi một đại phú người Hoa lừng lẫy của Sài Gòn trăm năm về trước.

Nhà chú Hỏa ngày nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM

Chú Hỏa - Hui Bon Hoa, hay như nhiều người Sài Gòn cũ vẫn gọi thân mật là chú chệt Hứa Bổn Hòa, gốc người Minh Hương - nhóm người Hoa rời bỏ Trung Quốc di cư sang nước ta khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh - được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam bộ từ thế kỷ 17.

Tương truyền, từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai, chú đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy khiến cho người đời sau còn nhắc. Là một trong tứ đại hào phú lừng lẫy của Sài Gòn xưa mà dân gian từng tôn vinh: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt; Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương; Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và chú Hỏa - Hui Bon Hoa). Tuy xếp thứ tư nhưng chú Hỏa là người có nhiều huyền thoại và để lại nhiều dấu ấn nhất, trong đó phải kể đến tấm lòng không chỉ thu vén cho riêng mình mà còn biết hướng tới cộng đồng của ông, theo sách ghi chép lại: “tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.

Theo nhiều người kể, nếu ai có dịp vào nhà chú Hỏa lúc trước giải phóng sẽ nhìn thấy đôi quang gánh đặt trong tủ kính, trưng giữa nhà như vật vừa trang trí, vừa là kỷ niệm thuở hàn Trong vi.

Không chỉ xây các dinh thự hoành tráng cho gia đình mình, chú Hỏa còn xây những dãy phố, cùng hàng loạt các công trình dân dụng dành cho cộng đồng như bệnh viện, chùa chiền… số các công trình tiêu biểu vẫn được sử dụng cho đến ngày nay có Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, Nhà khách Chính phủ, chùa Kỳ Viên, khách sạn Palace - Long Hải… Majestic là khách sạn đồ sộ bậc nhất thời ấy, được thiết kế theo đồ án của một kiến trúc sư người Pháp. Cũng như Bảo tàng Mỹ thuật hay Nhà khách Chính phủ, Majestic xây dựng theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ và ngay cả hiện nay, nó mang dáng vẻ kiến trúc cổ châu Âu thời phục hưng, cổ kính và sang trọng bậc nhất Sài Gòn ngay khi xây xong vào năm 1925.

Nằm ở khu tứ giác đắc địa của Sài Gòn là Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Nguyễn Thái Bình, hiện tòa nhà được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Từ trước 1975 đã có rất nhiều lời đồn đại, cho rằng ngôi nhà này có… ma! Nhiều người kể đã nhiều lần nhìn thấy bóng trắng thấp thoáng lướt đi qua các dãy hành lang trong đêm khuya, người khác khẳng định đã nghe hồn ma đêm đêm hiện về gào khóc.

Tòa nhà vốn là dinh thự chính của chú Hỏa, được thiết kế rất đẹp và độc đáo theo phong cách Art - déco, kiểu dáng kiến trúc cổ hòa hợp giữa hai trường phái xây dựng Á-Âu, tường nhà được đúc kiên cố, dày từ 40 - 60cm. Ngôi nhà hiện đã trên trăm tuổi, được xây dựng vào những năm 20 của thế kỷ trước. Tương truyền khi thiết kế, dinh thự này có một trăm cửa lớn, cửa nhỏ và cửa sổ. Thế nhưng, Toàn quyền Đông Dương khi duyệt thiết kế đã bắt chủ nhân bỏ đi một cửa và không được mở cổng chính với lý do cổng này to hơn cổng Dinh toàn quyền, vậy nên hiện nay dinh thự chỉ có chín mươi chín cửa.

Chú Hỏa có hàng chục người con trai nhưng con gái thì chỉ có một, lại rất xinh đẹp nên chú đặc biệt cưng chiều. Bỗng nhiên, không còn ai thấy cô con gái ấy xuất hiện nữa. Từ đó, vào những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết. Rồi một sáng, người Sài Gòn giở nhật trình ra, ngỡ ngàng thấy có mẩu tin chú Hỏa đăng cáo phó báo con gái mất. Mẩu tin còn cho biết do con gái bị bạo bệnh ra đi bất đắc kỳ tử, lại nhằm vào giờ trùng nên tang lễ chỉ làm sơ sài, thi hài sẽ được đưa đi an táng tại khu đất thuộc Long Hải, cạnh ngôi biệt thự nghỉ mát của gia đình.

Từ đó, dư luận bắt đầu đồn đại dữ dội, không ít người quả quyết đã tận mắt thấy “hồn ma” con gái chú Hỏa đêm đêm xuất hiện trong khu nhà gào rú, khóc than. Người khác bảo thấy có bóng áo trắng, tóc xõa, phất phơ lướt đi trong đêm, dọc hành lang, qua những cửa sổ để ngỏ (dinh thự chú Hỏa đặc biệt có rất nhiều cửa sổ).

Thực hư những câu chuyện thêu dệt kỳ bí về ngôi nhà đều không được xác minh. Tất cả vẫn chỉ là lời đồn truyền tai từ người nọ sang người kia. Tuy nhiên, ngày nay vẫn không ít người hoảng sợ khi đi qua ngôi biệt thự kỳ bí này.

Nhà mặt tiền đường Lý Thái Tổ

Ngôi nhà mang nhiều lời đồn oan nghiệt thứ 2 tại TP HCM là nhà mặt tiền số 24 đường Lý Thái Tổ, P2, Q3, TPHCM. Trước đây, tại địa điểm trên là một cửa hàng bán xe máy khá lớn. Nhưng vụ hỏa hoạn thảm khốc đã biến tất cả ra tro bụi, kể cả 7 thành viên trong ngôi nhà chỉ trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ. Hơn 10 năm trôi qua, ngôi nhà vẫn còn nguyên những vệt khói ám đen đủi, mặc cho đời sống nhộn nhịp mỗi ngày vẫn diễn ra xung quanh...

Rạng sáng ngày 11/12/2001, một ngọn lửa phát ra từ tầng trệt ngôi nhà, bốc lên dữ dội và lan rất nhanh. Cao su từ vỏ ruột xe cháy tạo ra từng luồng khói đen đặc, mù mịt, trong khi mọi người đang ngon giấc, đến khi phát hiện thì đã quá trễ.

Ngôi nhà số 24 Lý Thái Tổ

Do buôn bán, làm ăn nên nhà có 2 lớp cửa sắt kiên cố và cũng như nhiều nhà phố khác ngôi nhà này không có lối thoát hậu, ban công và cửa sổ là nơi duy nhất mọi người có thể lao ra nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh tìm lối thoát khi nguy cấp. Nhiều người chứng kiến lúc đó vẫn còn nhớ như in hình ảnh một bà mẹ trẻ bụng mang bầu, tay ôm con lẩy bẩy ở lan can, đứa bé trên tay chị khóc thét. Vì tầng một khá thấp nên mọi người hét bảo chị quăng con xuống họ đỡ giùm, những người khác tìm được tấm bạt, căng ra bảo chị nhảy xuống, thế nhưng không hiểu sao chị cứ ôm con chạy ra chạy vào, vài lần rồi không thấy ra nữa…

Người mẹ ấy là chị La Thị Thanh L. Được biết, chồng chị vừa đi công tác nước ngoài thì thảm cảnh xảy ra. Vợ chồng người hàng xóm nhà số 34 gần đấy ấm ức nhớ lại: “Bụng mang dạ chửa không dám nhảy xuống đã đành. Chẳng hiểu sao không chịu quăng con xuống…”. Nhiều người đoán do cô ta quá hoảng loạn nên quẫn trí. Người khác lại bảo thấy cô ta bình thản đi trở vào dường như muốn tự tử vì nghĩ cha mẹ, anh chị đã chết hết… Và hẳn nhiên không ai biết nguyên nhân thực sự, trừ người đã mất.

Khi lực lượng cứu hộ trấn áp được ngọn lửa, bắc thang leo lên thì thấy vài người chưa kịp chạy ra ban công đã ngã quỵ giữa lối đi do ngạt khói. Vụ cháy đã quy tụ không chỉ lực lượng PCCC TP mà còn cả Cảnh sát 113, Công an phường và Công an quận 3. Hơn 90 phút sau, khi ngọn lửa được dập tắt, ngoài 4 người được đưa đi cấp cứu, những người chứng kiến bàng hoàng vì thấy số người thiệt mạng quá lớn: 7 người, trong đó có đứa bé 3 tuổi và một bào thai.

Những người thiệt mạng đều là con và cháu ruột của chủ hộ: ông La Văn T. và bà Lữ Thị N. Ông bà may mắn thoát chết cùng với người con La Hành T. - bị bệnh tâm thần và một người làm đã tìm cách nhảy sang nóc nhà bên cạnh, chỉ bị gãy chân.

Theo lời khai và kết luận của cơ quan điều tra, người bất ngờ phóng hỏa chính là người con trai tâm thần của chủ nhà, từng được điều trị tại Bệnh viện Biên Hòa nhưng do ông bà T. thương con nên bảo lãnh về. Đến tận giờ, những người từng lấy lời khai của thủ phạm vẫn không khỏi ngỡ ngàng, đau xót khi nhớ lại hình ảnh người gây ra tai nạn thảm khốc trả lời lơ ngơ: “Do xin tiền cha mẹ không cho”, “Do cứ bị ép uống thuốc mãi”…

Từ sau vụ cháy, không ai thấy những người còn lại trong ngôi nhà xuất hiện nữa. Cửa nhà được ai đó hàn 2 thanh sắt chắn ngang. Tang tóc và hoang phế bao trùm ngôi nhà mặt tiền đồ sộ, ít nhiều là cơ hội cho những tin đồn về những hình ảnh và âm thanh lạ phát ra từ đây.

Hiện trường vụ hỏa hoạn thương tâm tại ngôi nhà số 24 Lý Thái Tổ.

“Mỗi sáng, khi chúng tôi đi tập thể dục, cứ liếc nhìn về phía căn nhà trơ trụi, lạnh lẽo đó đều không khỏi ớn lạnh và buồn” - chị V. tiểu thương chợ Vườn Chuối, ngụ Nguyễn Thiện Thuật, P2, kể. “Càng buồn hơn khi không ít người truyền tai nhau về cái bóng trắng ôm con đứng vẫy họ ở ban công, làm con nít sợ trối chết, cứ cắm đầu chạy mỗi khi đi ngang” - bác M. cán bộ về hưu, ngụ ở phường 2 nói.

Và cũng như bao nhiêu giai thoại được truyền khẩu về những ngôi nhà bỏ hoang khác trong thành phố, nhiều người dân quanh đấy kể rằng họ đã “tận mắt” nhìn thấy, nhiều người khác còn khẳng định đã nghe âm thanh sột soạt như tiếng chổi quét, cùng với tiếng lịch kịch từ trong nhà phát ra như ai đó đang dọn dẹp, quét tước, chuẩn bị bày hàng mỗi rạng sáng…

“Họ bị ám ảnh đấy thôi, ngôi nhà bỏ không lâu ngày chuột bọ rủ nhau làm ổ trong đó, hẳn nhiên là làm phát sinh âm thanh rồi. Mặt bằng ấy tiền không, nếu có ai đứng ra bán hoặc cho thuê sẽ có người lấy ngay” - vợ chồng chủ nhà số 34 áy náy.

Người bệnh tâm thần hẳn nhiên được đưa trở vào bệnh viện. Ông bà chủ nhà vẫn còn nhưng hầu như lối xóm không ai biết hiện giờ họ ở đâu. Chỉ nghe nói sau vụ cháy họ bị thương rất nặng về thể chất lẫn tinh thần. Người con rể sau khi trở về mất hết vợ con cũng lẳng lặng biến mất. Ông Khởi, Chủ tịch UBND P2, Q3, cho biết căn nhà bị bỏ hoang suốt từ bấy đến nay.

“Vừa qua, khi có đợt kê khai trong toàn phường, chờ mãi cũng không thấy ai xuất hiện, chúng tôi đành phải tự kê khai giùm họ” - ông nói. “Mất mát quá lớn, tôi đoán họ vẫn chưa vượt qua được cú sốc tinh thần, còn màng gì tài sản” - đại úy Nguyễn Văn Sơn, công an khu vực P2 Q3 hơn 30 năm qua - người đã dũng cảm phá cửa lao vào cứu người, hiện trên tay ông vẫn còn vết sẹo khá dài - giọng chưa hết xúc động mỗi khi nhớ lại.

“Căn nhà nhìn sơ cũng đã thấy bị nứt nhiều, và hơi nghiêng. Chúng tôi mong người có chủ quyền hoặc thừa kế căn nhà này trở về xây dựng lại, để bộ mặt phố phường khang trang, để chúng tôi làm ăn buôn bán, để trẻ con không còn bỏ chạy mỗi khi đi ngang” – những người dân trong khu vực chia sẻ.

Nhà 1/5D đường Quang Trung

Ngôi nhà 1 trệt 2 tầng lầu xây lệch tầng này nằm ngay sát bên cạnh gầm cầu Chợ Cầu - thuộc một địa bàn gần sông nước giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12.

Trước đây, ngôi nhà này có một cặp vợ chồng dọn đến ở, đêm đêm họ nghe tiếng gió rú qua các khe cửa lọt vào từng căn phòng. Rồi những bóng người lướt qua lướt lại in trên tường nhà, khiến mấy người vừa dọn đến hãi cả hồn vía. Chưa hết, nếu mà lỡ người trong nhà ngủ thiếp đi thì lập tức lăn đùng ra bất tỉnh, bởi bị những chiếc bóng đè sụp xuống kinh hoàng.

Cũng theo lời một số người dân kể, do vậy mà ngôi nhà này cứ hết người này đến người khác dọn đến thuê ở, rồi chẳng mấy chốc lại vội vã cuốn gói ra đi vì sợ. Sau đó, ngôi nhà được cho một công ty may thuê cho mấy chục công nhân về ở. Đêm xuống, hết công nhân này đến công nhân khác ú ớ, miệng cứng đờ phải đưa đi cấp cứu.


Bên ngoài tầng trệt nhà số 1/5D Quang Trung.

Chuyện về "ngôi nhà ma" ở đây càng thêm căng thẳng khi cách nhau một đêm mà xảy ra liên tục 2 vụ với hàng chục công nhân đang ngủ trong ngôi nhà bỗng ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu.

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Qua điều tra thì ngôi nhà này thiếu không khí nếu đóng kín tất cả các cửa. Phòng dưới tầng trệt bị ngộp do thiếu ôxy và có thể dẫn đến tình trạng ở quá đông người rất dễ làm những ai ngủ ở đây ngất xỉu.

Đặc biệt là những nạn nhân bị ngất đều là một số công nhân do làm việc căng thẳng suốt ngày ở công ty, cộng thêm sức khoẻ đã gặp tình trạng tức ngực, khó thở trong lúc ngủ mà thường một số người gọi là hiện tượng "ma đè".

Anh Hoà - người được chủ nhà giao quản lý giúp ngôi nhà này - cho biết: "Người ta đồn đại thêm mắm thêm muối, chứ tôi thấy không có chuyện như vậy. Khi công an đến hiện trường và vào thị sát trong nhà, thì tất cả công nhân đều bảo do ngộp thở, cộng thêm mấy anh công nhân nam hút thuốc lá càng khiến ngôi nhà thiếu dưỡng khí". Tuy nhiên, sau điều tra mọi người trong khu vực vẫn khá e dè khi đi qua ngôi nhà này.

Ngôi nhà trong hẻm quận Tân Bình

Không to lớn, bề thế như những ngôi nhà “ma ám” trên, nhưng ngôi nhà trong hẻm lại đáng sợ hơn nhiều bởi nó gắn liền với một vụ án mạng nghiêm trọng, khiến dư luận bang hoàng, phẫn nộ. Ngôi nhà trên rộng khoảng 40m2 nằm trong một con hẻm của quận Tân Bình.

Bao nhiêu năm qua, những thông tin về ngôi nhà luôn được cập nhật, là đề tài thời sự tại các quán cà phê quanh khu vực này. Câu chuyện về các nữ sinh viên đến trọ học, rồi lần lượt kẻ trước người sau… bỏ chạy luôn luôn được người ta kể đi, kể lại không biết bao nhiêu lần. “Người ở lâu nhất chưa được đầy tháng, còn người mau nhất chưa tới 1 tuần” – những người hàng xóm kể. “Nửa đêm, chợt thấy một cô sinh viên tung cửa lao bắn ra khỏi nhà, vừa chạy vừa khóc” – một người dân phụ họa. “Buổi trưa có anh sinh viên đến tìm bạn gái. Gõ, gọi rồi đập cửa mãi một lúc sau mới thấy cô bạn xuất hiện, mặt mũi thất thần, cô ấy nói không ra mở cửa được vì bị đến… 3 cái bóng đè” – một người khác thêm. Được biết, cách đây 1 tuần lại có người dọn đến rồi cũng vội vã dọn đi. Ngôi nhà lại được quét sơn mới và cửa lại dán thêm lá bùa mới chờ người kế tiếp đến thuê.

Ngôi nhà đóng cửa im ỉm dán bùa.

Trước đó, vào một buổi trưa cuối năm 2000, khi người người tất bật, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón tết Canh Thìn thì anh trực ban Công an phường 13, quận Tân Bình, bất ngờ nhận được một cú điện thoại lạ lùng của một người thợ hồ ngụ cùng phường, giọng rụt rè, nghi hoặc: “Tôi được thuê đào một cái hố vừa to, vừa sâu, lại gần như ngay giữa nhà, cạnh lối cửa ra vào, chủ nhà nói là đào hầm phân tự hoại. Vừa bước vào nhà tôi đã nghe mùi tanh hôi rất khó chịu, chủ nhà bảo do cống nghẹt nhưng tôi quan sát thấy phía chiếc giường được che chắn nhiều mùng màn, có một vệt nước đen chảy ra… Tôi ngờ có một vụ giết người và hình như người ta đang định thủ tiêu xác, các anh cho người tới đào chiếc hố này lên coi thử”.

Thông tin lập tức được báo cáo, xác minh. Tại khu vực trên, nhiều bà con cũng phản ánh rằng vài ngày qua nghe có mùi khăn khẳn mà không biết xuất phát từ đâu. Đến gần căn nhà “có chiếc hố lạ lùng”, mùi hôi càng nồng.

Nhà vắng. Công an phường phối hợp với cảnh sát hình sự, ban điều hành khu phố và tổ dân phố phá khóa bước vào. Trên nền gạch có dấu vết một chiếc hố to, hình chữ nhật vừa mới tráng xi-măng. Căn nhà lập tức được niêm phong chờ quyết định.

Sáng sớm hôm sau, một thanh niên đến công an phường cự nự: “Tại sao niêm phong nhà có chủ?”. Anh ta lập tức bị giữ lại. Tra vấn đến hết ngày, anh ta cũng chỉ loanh quanh “không biết”, cho đến khi một cảnh sát hình sự nói thẳng: “Chúng tôi sẽ cho đào chiếc hố ở nhà anh lên xem có gì”. Anh thanh niên liền tái mặt…

Chủ nhân ngôi nhà đó là ông bà Nguyễn Thiếp, Nguyễn Thị Tuyết Lan – cán bộ hưu trí, quê quán Quy Nhơn, Bình Định, tạm trú TPHCM, diện KT3 – và 2 con trai “trên Thuận, dưới Hòa”.

Anh con trưởng Nguyễn Minh Thuận được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, tốt nghiệp ĐH Tài chính-Kế toán nhưng chưa tìm được việc làm. Nguyễn Minh Hòa chỉ học hết lớp 12 và đã đi làm vệ sĩ tại Công ty Bảo vệ Long Hải. “Hòa người cao, to nhưng tính tình hiền lành, chịu khó, siêng năng. Dạo đó, Hòa đang được phân công bảo vệ tòa nhà Sun Wah thì được tin anh bị giết” – Giám đốc Kế hoạch Công ty Bảo vệ Long Hải, bà Bùi Thị Hòa, nhớ lại.

“Cả nhà chỉ trông cậy vào đồng lương của Hòa, bà Lan bị tai biến mạch máu não nên thường xuyên ra vào bệnh viện. Không có việc làm, Thuận lại là người thích ăn chơi, tiêu xài, nên thường “thó” tiền trong túi của em trai, vì thế anh em Thuận, Hòa liên tục cãi vã. Ông Thiếp, bà Lan thường bênh vực Hòa hơn. Với chút tiền hưu trí, ông bà có lần tiết lộ với hàng xóm “để dành lo cho thằng út lấy vợ”. Thuận biết được điều đó nên càng nuôi lòng thù ghét em” – anh Q., người hàng xóm nhà ở ngay đầu hẻm, kể.

Bên trong ngôi nhà gắn với tội ác đáng sợ.

Trước khi xảy ra vụ án vài ngày, bà Lan xuất viện về trông nhà, còn ông Thiếp trở về quê để “chuyển hồ sơ bảo hiểm y tế cho bà Lan và chuyển sinh hoạt Đảng” – ông cho bạn bè biết. Vào một buổi tối, Thuận và Hòa lại tiếp tục cãi vã chuyện tiền bạc, máu nóng bốc lên cùng với bao nhiêu tỵ hiềm chất chứa, Thuận dùng thanh ma trắc bất ngờ đánh vào đầu Hòa từ phía sau. Bà Lan thấy thế bổ nhào vô ôm lấy Thuận, Thuận dùng côn nhị khúc vụt vào đầu bà, Hòa mất khả năng chống cự nên cả hai tiếp tục bị Thuận đánh cho đến chết trong cơn cuồng sát.

Ông Thiếp từ quê lên cũng bị Thuận xô vào trong, giết nốt nhằm bịt đầu mối. Thuận chất xác cả gia đình mình lên chiếc giường, lấy mùng mền đậy lại. Vài hôm, xác bốc mùi, Thuận thuê người đến đào chiếc hố…

Tháng 9/2000, phiên sơ thẩm Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tuyên Nguyễn Minh Thuận tội giết người: Tử hình. Đương sự làm đơn thú tội, xin Nhà nước khoan hồng, cho được sống để… thờ cúng cha mẹ (!). Tháng 2/2001, phiên phúc thẩm TANDTC tuyên Nguyễn Minh Thuận phạm tội giết người dã man, động cơ đê hèn, không còn nhân tính, tuyên y án sơ thẩm: Tử hình.

Vắng chủ nhân, không người thừa kế, ngôi nhà hoang tàn với chiếc hố được khai quật, đào xới lở lói, cát đá vương vãi… tiếp tục gây kinh hãi cho bà con lối xóm rất lâu sau đó. Một hôm, có người bà con đến lấp hố, quét vôi, sơn sửa, đổi số nhà. Tuy nhiên, nhà không có giấy chủ quyền nên không sang bán được, chỉ có người xa lạ đến thuê.

Ám ảnh vì những lời đồn đãi, lần lượt hết người này, kẻ nọ đến rồi đi. Hiện ngôi nhà vẫn tiếp tục hoang vắng, lại chìm nổi trong những câu chuyện buồn về cả một gia đình trong phút chốc chẳng còn ai.

Bốn ngôi nhà trên đây đều nằm ở những khu "đất vàng" của Sài Gòn. Tuy nhiên, 3 ngôi nhà trong số đó bỏ hoang còn một ngôi nhà (nhà chú Hỏa) trở thành Bảo tàng Mỹ thuật. Không ai dám sống trong những ngôi nhà này mặc dù những tin đồn "ma ám" đều vô căn cứ. Qua bao năm tháng, những tin đồn vẫn tồn tại và ám ảnh người dân xung quanh. Mặt khác, giữa phố xá đông đúc lại tồn tại những ngôi nhà đổ nát, lạnh lẽo gây mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, những người dân nơi đây đều mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp quy hoạch đưa những ngôi nhà này vào sử dụng.

No comments:

Post a Comment