Từ DFW (Dallas/Fort Worth, Texas) đến ZRH (Zurich, Thụy sĩ), các phi trường khắp thế giới gắn liền với mã số riêng biệt với ba chữ cái, một mã số nhận diện phi trường trong tiêu chuẩn hàng không thế giới. Rõ ràng điều này hoàn toàn dễ dàng và tiện lợi cho phi công, nhân viên kiểm soát không lưu, đại lý du lịch, hệ thống điện toán hay vấn đề vận chuyển hành lý... Dùng ORD phải tiện lợi hơn dùng nguyên tên cho phi trường O'Hare International Airport (Chicago, Illinois). Nhưng điều này đã bắt đầu như thế nào và tại sao có những mã số dễ dàng nhận biết ngay như DFW hay ZRH, trong khi có những mã số khá phức tạp như ORD của phi trường O'Hare?
Khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1903, thì lúc bấy giờ phi trường không cần gì đến mã số vì bất cứ cánh đồng lộng gió nào cũng có thể dùng để cất cánh hay đáp phi cơ. Dù vậy, lúc bấy giờ Nha Khí Tượng Quốc Gia đã sử dụng ký hiệu hai chữ cái để phân biệt mỗi thành phố trong hệ thống của mình, dù nhiều thành phố nhỏ đã không có mã số. Khởi thủy, ngành hàng không đã nhái theo hệ thống mã số thời tiết này, nhưng đến những năm của thập niên 30, khi ngành hàng không bắt đầu bùng nổ thì tất cả các thành phố cần có một mã số nhận diện riêng biệt trong vấn đề vận chuyển hàng không. Các công chức chính phủ đã tìm cách xây dựng một hệ thống xác định mã số cho mỗi thành phố, và hệ thống ba mẫu tự ra đời từ đó. Với sự kết hợp và thay đổi vị trí ba mẫu tự trong bảng mẫu tự La Tinh, nó có thể tạo ra đến 17,576 mã số khác nhau. Đây là bảng mã của Hiệp Hội Vận Chuyển Hàng Không Quốc Tế (IATA) được sử dụng hiện nay. Bên cạnh đó, mã số 4 mẫu tự của Hiệp hội Hàng Không Dân Sự Quốc Tế (ICAO) cũng được đặt cho các phi trường, tuy nhiên bảng mã số này không thông dụng như bảng mã số của IATA.
Bảng mã 4 mẫu tự và 3 mẫu tự - nguồn docstoc.com
Để tạo sự dễ dàng trong sự chuyển đổi này, các thành phố đã có sẵn mã số hai mẫu tự được thêm mẫu tự X đàng sau đó. Phi trường tại thành phố Los Angeles trở thành LAX, Jacksonville trở thành JAX, Phoenix trở thành PHX ...
Nhiều thành phố mã số của nó chỉ đơn giản là ba mẫu tự đầu tiên trong tên của nó như ATL cho Atlanta, BOS cho Boston, MIA cho Miami... tại Hoa Kỳ hay SIN cho Singapore, SYD cho Sydney, Úc, NHA cho Nha Trang, KON cho Kontum tại các quốc gia khác.
Vài mã số kết hợp mẫu tự đầu tiên của các thành phố lân cận như DFW cho Dallas/Fort Worth, MSP cho Minneapolis/ St.Paul
... Có thành phố lấy vài mẫu tự chính trong tên của thành phố để ghép thành mã số như SLC cho Salt Lake City, PAP cho Port au Prince, SGN cho Sài Gòn và TMK cho Tam Kỳ... Khó khăn nhất để nhận diện các mã số phi trường là nhiều phi trường lớn mà cái tên của nó được sử dụng trong mã số, thay vì tên thành phố, như mã CDG của phi trường Charles De Gaulle tại Paris, Pháp, NRT cho Narita tại Tokyo, Nhật hay ORD của phi trường O'Hare bên trên được ghép từ Orchard Place Airport/Douglas Field, cái tên được sử dụng thời Đệ Nhị thế chiến.
Thậm chí khó khăn hơn khi kết hợp các mẫu tự cả tên thành phố và tên phi trường như DAL cho phi trường Dallas Love Field, HUI cho phi trường Phú Bài tại Huế..., nếu hành khách không biết tên phi trường tại thành phố đó.
Phi trường Phú Bài Huế với mã số (HUI) - nguồn flickr.com
Những nguyên tắc trên có thể thay đổi thứ tự sử dụng mẫu tự để tránh những sự trùng lặp hay lẫn lộn, nếu những phi trường nhỏ và ra đời sau các phi trường đã có sẵn. Các mã số do IATA tại Geneva chịu trách nhiệm quản trị và chỉ định các mã phi trường trên thế giới. Hiện nay nó đã sử dụng khoảng 9000 mã số trong số 17,576 mã ba mẫu tự có thể được tạo ra như đã nói bên trên.
Dẫu sao khi hiểu qua về cách sử dụng mã số phi trường của ngành hàng không, khách du lịch có thể ít nhiều có những khái niệm để nhận biết các mã số hơn, hoặc thấy nó khá hiển nhiên khi nhận diện các phi trường này. Ví dụ như BWI cho Baltimore Washington International, LGW cho London Gatwick ...
Trở lại cùng phi trường Tân Sơn Nhất, mã số đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng theo tiêu chuẩn hàng không thế giới là mã số quen thuộc SGN, đặt tên theo thành phố Sài Gòn. Theo những tài liệu đã có, phi trường Tân Sơn Nhất (TSN) quy mô nhỏ đã được người Pháp xây dựng và sử dụng từ những năm đầu của thập niên 30 trong các mục đích quân sự. Giữa năm 1956, với sự viện trợ của chính quyền Mỹ, căn cứ không quân TSN được tái thiết và xây dựng lại với phi đạo dài 2,190 mét, chính thức trở thành phi trường quốc tế TSN với mã số SGN theo mã IATA và là VVTS theo mã của ICAO. Khi chiến tranh VN leo thang vào những năm thập niên 60, TSN được coi là một phi trường quan trọng và bận rộn nhất vùng Đông Nam Á, với mật độ cất cánh hay hạ cánh mỗi 4 phút đồng hồ. Hiện nay TSN là phi trường bận rộn nhất VN với khoảng hơn 16 triệu lượt khách trong năm qua, hầu như đã gần mức tối đa mà TSN có thể tiếp nhận. Với lưu lượng khách ngày càng gia tăng, VN hiện đang có và kế hoạch xây dựng một phi trường quốc tế hoàn toàn mới nằm tại Long Thành, Đồng Nai để thay thế TSN, mà theo kế hoạch sẽ hoàn tất vào năm 2020. Phi trường Long Thành nằm giữa Sài Gòn và Vũng Tàu, với tham vọng trở thành phi trường hàng đầu tại bán đảo Đông Dương, sẽ có quy mô lớn với khả năng tiếp nhận đến 100 triệu lượt khách mỗi năm, cùng các loại máy bay khổng lồ như Airbus A380. Còn TSN dự tính sẽ thành một phi trường đường bay nội địa.
Phi trường Tân Sơn Nhất năm 1968 - nguồn qsl.net
Phi trường Tân Sơn Nhất vẫn giữ tên SGN (Sài Gòn) trong cột 3 mẫu tự - nguồn docstoc.com
Nhưng dù cho phi trường Long Thành có được thực hiện như dự định của Việt Nam và phi trường Tân Sơn Nhất sẽ được sử dụng như thế nào, mã số SGN - Sài Gòn, vẫn sẽ mãi gắn liền với nó. Chính vì điều này, có thể xem rằng Sài Gòn chưa bao giờ bị mất tên, dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm.
Phi trườngLong Thành đang được xây dựng - nguồn google.com
1 comment:
Thời gian vận chuyển nhanh chóng với cước phí hợp lí, giảm tối thiếu các chi phí phát sinh cho khách hàng. Khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ Thái Lan về Việt Nam tại Giaonhan247.com. Giaonhan247.com luôn đặt quyền lợi quý khách hàng lên hàng đầu khi phục vụ, đó là cơ sở để chúng tôi xây dựng niềm tin trong kinh doanh trong suốt thời gian vừa qua. Giaonhan247.com còn cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng từ Nga về Việt Nam với các loại hàng hóa sau: Gấu bông, quà tặng, link kiện điện tử, Điện thoại, mỹ phẩm, chứng từ, hồ sơ, sách, áo quần, visa, giày dép, túi xách…
Post a Comment