Monday, September 3, 2012

Mỹ: 6 tỉ USD cho cuộc bầu cử tổng thống

Tổng chi phí cho cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11 tới sẽ lên đến số tiền khổng lồ 6 tỉ USD - theo ước tính của Center for Responsive Politics (Trung tâm Phản hồi chính trị).

Chi phí bầu cử tại Mỹ gia tăng theo thời gian.

“Ném bom rải thảm” quảng cáo

Cựu Chủ tịch UB Bầu cử LB Mỹ Michael Toner cho rằng: “Đó là một biểu hiện lành mạnh của nền chính trị Mỹ, dấu hiệu về mùa bầu cử sôi nổi. Người Mỹ năm 2011 đã chi đến 7 tỉ USD cho món khoai tây chiên. Chẳng nhẽ nhà lãnh đạo của thế giới tự do lại chẳng đáng giá hơn thế sao?”.

Theo công bố của Trung tâm Phản hồi chính trị - một tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên theo dõi dòng tiền trong nền chính trị Mỹ - tổng chi phí cho cuộc bầu cử tháng 11 tới (gồm bầu cử tổng thống, hạ viện và thượng viện) sẽ vào khoảng 5,8 tỉ USD, cao hơn GDP hằng năm của đảo quốc Malawi và nhiều hơn 7% so với mùa bầu cử năm 2008.

Con số này cao gấp 120 lần so với chi phí cho cuộc tổng tuyển cử ở Anh (49 triệu USD). Tranh cử trên mạng là một trong những lĩnh vực tăng chi phí nhiều nhất, nhưng chưa thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra cho quảng cáo tranh cử trên truyền hình - ước tính chiếm đến một nửa tổng chi phí. “Mô tả đúng nhất thì mọi người đều đang bị


''ném bom rải thảm'' quảng cáo tranh cử” - ông Philip Davies - Giám đốc Trung tâm Eccles Centre về nghiên cứu Mỹ ở London - nhận định.

Đối với những người Mỹ ở các bang bầu cử chiến lược, đích nhắm đặc biệt của các quảng cáo bầu cử, chi phí này thậm chí còn tăng lên. “Tôi thực sự thấy phiền toái” - Katie Loiselle - một giáo viên 26 tuổi tại Virginia, bang trước đây ủng hộ Đảng Cộng hòa nhưng hiện đang dao động – bày tỏ. Loiselle bỏ phiếu cho Tổng thống Obama năm 2008, nhưng giờ thì không biết nên bầu cho ai.

Những cử tri như Loiselle chính là lý do khiến các ứng cử viên mạnh tay chi tiền cho quảng cáo tranh cử trên truyền hình tại Mỹ. Phần lớn số tiền vận động được cho chiến dịch tranh cử được các đối thủ sử dụng để “bôi nhọ” nhau qua các quảng cáo tranh cử. Có khoảng 89% số đoạn video quảng cáo gần nhất của ông Obama mang thông điệp nói xấu đối thủ Romney.


Trong khi đó, ông Romney dùng tới 94% số quảng cáo để “bôi nhọ” đối thủ. Trong tháng 7, các nhóm ủng hộ ông Romney dự chi trung bình mỗi ngày 750.000USD riêng cho quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh tại các bang dao động. Đáp lại, ông Obama và các nhóm ủng hộ đã chi 5,5 triệu USD cho các quảng cáo trong thời gian diễn ra Olympic London và dự chi tổng cộng 49,6 triệu USD cho toàn bộ các hoạt động quảng cáo tại các bang đang còn dao động.

Song Loiselle cho biết sẽ không vội vàng đưa ra quyết định dựa vào các quảng cáo bầu cử, mà chờ đến các cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên vào tháng 10 tới.

Các “quân bài hoang dại”

Một trong những yếu tố đẩy chi phí bầu cử Mỹ lên cao còn là do Super Pacs – hay còn được biết là các siêu “uỷ ban chi tiêu độc lập” - vốn được quyền chi tiêu thoải mái cho quảng bá chính trị, miễn là không có liên hệ trực tiếp với các đảng, hoặc chiến dịch tranh cử của ứng cử viên. Họ được xem là những “quân bài hoang dại” (wild cards) trong mùa bầu cử 2012 (theo cách gọi của Trung tâm Phản hồi chính trị) và không ai có thể dự đoán được về chi phí mà họ bỏ ra.

Mỹ có hệ thống tài chính công do chính phủ điều hành nhằm kiểm soát chi phí tranh cử. Tuy nhiên, ông Obama là ứng cử viên tổng thống đầu tiên đã chọn cách từ bỏ hệ thống này vào năm 2008, điều giúp cho ông có thể chi phí nhiều hơn trong những tuần tranh cử cuối cùng, giúp ông giành chiến thắng trước ứng cử viên John McCain. Bên cạnh đó, các ứng viên muốn có quỹ chi phí phải tổ chức chiến dịch quyên quỹ.


Điều này có nghĩa, cả Tổng thống Obama và ứng viên Cộng hòa Mitt Romney đều phải chi phí khá nhiều cho chiến dịch gây quỹ. Phe chỉ trích cho rằng điều này sẽ khiến các ứng cử viên không còn nhiều thời gian dành cho các cử tri thông thường (và không mấy giàu có). Trong trường hợp ứng viên tranh cử là đương kim tổng thống, các buổi gây quỹ này cũng có nguy cơ làm ông mất tập trung vào công việc điều hành đất nước.

Muốn chiến thắng, khâu truyền thông, quảng bá là số 1. Thành công của ông Obama trong cuộc bầu cử năm 2008 là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy khâu truyền thông, quảng bá đóng vai trò quan trọng như thế nào. Năm 2012, ông Obama đã mạnh tay chi 13,5 triệu USD cho việc quảng bá trên Internet, gấp 6 lần con số 2,3 triệu USD của đối thủ Romney. Điều này khiến không phải ứng cử viên nào cũng có đủ khả năng kham được khoản chi phí khổng lồ.


Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich, ngày 2.5.2012 đã thông báo từ bỏ cuộc chạy đua tranh cử ứng viên Tổng thống Mỹ vì mắc nợ 4,3 triệu USD, dù đã chi 21 triệu USD cho chiến dịch này. Một loạt chính khách trước đó cũng phải bỏ dở cuộc đua chủ yếu do không quyên góp đủ tiền.

No comments:

Post a Comment