Monday, September 3, 2012

VEF - Quỹ Giáo Dục Việt Nam Của Hoa Kỳ


Vietnam Education Fund , Quỹ Giáo Dục Việt Nam do chính phủ Mỹ thành lập và tài trợ từ năm 2000 , đã hoàn tất đợt phỏng vấn để tuyển chọn du sinh Việt sang Mỹ năm 2013 , cũng là dịp kỷ niệm mười năm hoạt động của VEF ở Việt Nam .

Sinh viên VN tại Hội Chợ Giáo Dục Hoa Kỳ tổ chức tại Hà Nội hôm 08/4/2011 ( AFP photo )


Trong số 77 ứng viên tháng Tám vừa qua , 73 sinh viên đã được sự giới thiệu phỏng vấn , 62 người đã trúng tuyển học bổng của VEF Quỹ Giáo Dục Việt Nam , 11 người còn lại được đưa vào danh sách dự bị .

Cũng trong đợt này , 4 ứng viên đã tốt nghiệp đại học với thành tích ưu tú và xuất sắc đều trúng tuyển Visiting Scholar Candidates , tức cũng được học bổng của VEF để sang học cấp cao học tại những đại học danh tiếng của Mỹ .
Trở về từ Việt Nam sau hai tuần làm việc trong trách nhiệm phỏng vấn và tuyển chọn , ông Steven Pappas , cố vấn cao cấp Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ , thành viên Hội Đồng Quản Trị Quỹ Giáo Dục Việt Nam , cho biết cũng như mọi năm trước , các ứng viên được chọn cho năm 2013 sẽ là du học sinh Việt Nam qua Hoa Kỳ trong các ngành Khoa Học , Kỹ Thuật , Toán , Kỹ Sư , Công Nghệ Sinh Học ... vân vân ...

« Ứng viên được chia đều giữa đại học miền Bắc , miền Trung và miền Nam . Trong số 77 sinh viên được phỏng vấn thì 35 ở miền Bắc và miền Trung , 35 người khác ở các địa phương còn lại của Việt Nam .

Năm 2013 là dịp kỷ niệm mười năm hoạt động của Quỹ Giáo Dục Việt Nam , vì thế trong cuộc họp vừa qua Hội Đồng Quản Trị VEF đã đồng ý nâng số học bổng lên 60 , được coi là nhiều nhất tính từ trước đến giờ » .

Tiêu chuẩn

Nhân viên của trường Washington State University đang tư vấn cho một SV VN tại Hội chợ Giáo Dục Hoa Kỳ tại HN hôm 08/04/2011 ( AFP photo )

Theo tiêu chuẩn của Quỹ Giáo Dục Việt Nam , ứng viên được học bổng phải có điểm cao từ bậc đại học , phải có khả năng Anh ngữ . Trình độ học vấn của ứng viên được thể hiện qua bằng cấp , phiếu điểm và quan trọng nhất là phần phỏng vấn phỏng vấn trực tiếp của VEF .

Bên cạnh đó , sinh viên còn cần thư giới thiệu của đại học mình đang học và của giáo sư trong nước :

« Họ còn phải trải qua kỳ thi TOEFEL để khảo sát khả năng Anh ngữ , phải đạt điểm xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp để chứng tỏ mình đủ sức theo học tại Hoa Kỳ .

Kế đến , giai đoạn gay go nhất của việc tuyển chọn là ứng viên phải qua phỏng vấn bởi mười vị giáo sư chọn lọc của mười đại học ở Hoa Kỳ , sinh viên đủ sức thuyết phục nhất sẽ lãnh nhận học bổng của VEF để sang học tại các trường cao đẳng hoặc đại học ở Mỹ » .

Sau khi đậu tuyển chọn , tức đã nắm trong tay thư giới thiệu của các vị giáo sư phỏng vấn , đồng thời bằng học bổng mà VEF cấp , sinh viên sẽ tự ghi danh vào đại học nào ở Hoa Kỳ mà họ muốn theo học .

Đối với ông Steven Pappas , điểm đáng chú ý , có thể nói một thay đổi đáng kể của Quỹ Giáo Dục Việt Nam cho năm 2013 , là ngoài danh sách 62 sinh viên trúng tuyển , 11 người còn lại được lên danh sách chờ :

« Nghĩa là nếu có sinh viên nào đã trúng tuyển mà vì lý do cá nhân , hoàn cảnh gia đình hoặc thay đổi ý kiến thì người nằm trong danh sách chờ sẽ được đôn lên và thế vào chỗ của sinh viên đó » .

Từ năm 2000 , Quỹ Giáo Dục Việt Nam VEF khởi sự làm việc trong tư cách độc lập , không qua trung gian của những công ty tư vấn giáo dục trong hay ngoài nước .

Nếu không tính những người vừa trúng tuyển năm học 2013 hồi Tháng Tám vừa qua , mà chỉ kể từ khi chính thức hoạt động năm 2003 đến nay , Quỹ Giáo Dục Việt Nam đã cấp học bổng cho 389 nghiên cứu sinh Việt Nam sang các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ , trong đó 52 người đã nhận bằng Thạc Sĩ , 83 người đã hoàn tất bằng Tiến Sĩ . Mục tiêu của Quỹ Giáo Dục Việt Nam là sau khi tốt nghiệp những người này đều phải trở về nước .

Với tổng kinh phí khoảng một trăm triệu đô la , hàng năm Quỹ Giáo Dục Việt Nam có thể chi trả năm triệu đô la vào các khâu tuyển chọn , phỏng vấn , tổ chức những đợt thi tuyển cũng như những chương trình sinh hoạt giao lưu khác nữa cho du học sinh Việt ở Mỹ cũng như sinh viên ở Việt Nam .
Các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của VEF đều do Tổng Thống Hoa Kỳ bổ nhiệm . Hai đối tác chính của Quỹ Giáo Dục Việt Nam là Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoa Kỳ và Tổ Chức Giáo Dục Quốc Tế Hoa Kỳ .

No comments:

Post a Comment