Johnny Huỳnh, đứng phía trước, và George Huỳnh trên xe bus chở các em học sinh từ Boston đến trường trung học Boston Latin School vào ngày 30 tháng 11, 2011. Dù cha mất, mẹ bị bệnh tâm thần, hai anh em đã quyết chí để được vào trường đại học nổi tiếng nhất nước Mỹ. (Hình: Yoon S. Byun/ Getty Images)
BOSTON – Cha tự tử, mẹ bị bệnh tâm thần, sống trong khu phố lao động nghèo khốn của một thành phố đông người. Đây là hoàn cảnh mà hai anh em Mỹ gốc Việt phải đối phó để rồi vượt lên trên để tiến tới ước mơ của họ. Câu chuyện phấn đấu của hai anh em họ Huỳnh đã được một ký giả Mỹ đưa lên báo hai năm trước, và giờ đây một lần nữa, câu chuyện được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội với những chi tiết gây xúc động cho nhiều người trong mấy ngày qua.
Họ đã đọc câu chuyện của Johnny Huỳnh, 19 tuổi, và George Huỳnh, 17 tuổi.
Ước mơ của hai anh em thật sự là ước mơ của người Mỹ: Sống trong cảnh túng thiếu, nghèo xác xơ nhưng cố gắng vươn lên từ một khu vực có đời sống khó khăn nhất ở Boston. Người em đã giành được một chỗ ngồi trong trường đại học Yale, và hai năm trước, người anh cũng được vào một trường nổi tiếng của nước Mỹ.
Kể từ hôm thứ Hai vừa qua, mạng Twitter đã bắt đầu rộn ràng với câu chuyện về hai anh em Mỹ gốc Việt bất chấp cảnh nghèo khổ từ nhỏ đến lớn của mình, để được nhận vào hai trường đại học hàng đầu, thực hiện một ước mơ mà ai cũng mong trở thành sự thật.
Hai anh em họ Huỳnh đã vượt lên cao bất kể những khó khăn trong gia đình, từ sự bạo động mà người cha đã gây ra cho người mẹ trước khi ông tự sát, cơn bệnh tâm thần của mẹ và một cuộc sống gần như cùng quẫn ở một trong những khu khốn khó nhất ở Boston. Vậy mà hai thiếu niên từ khu phố này đã trở thành những học sinh đạt điểm A xuất sắc nhất trường.
Gần đúng hai năm trước đây, 2011, ký giả Billy Baker viết cho nhật báo Boston Globe đã đưa câu chuyện của hai anh em họ Huỳnh để cho thấy họ biết tận dụng khả năng, trí khôn của mình để hoàn thiện bản thân
Kể lại câu chuyện của hai anh em này thông qua Twitter, ông Baker tiết lộ cho những người không biết nhiều về cuộc tranh đấu của George Huỳnh gian nan như nào, để thoát lên từ một trong những khu phố nghèo nhất của Boston để được nhận vào đại học Yale, và Johnny, 19 tuổi, hiện thời đang theo học UMass Amherst.
Ông David Huỳnh, cha của họ, là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, từng chiến đấu sát cánh cùng với người Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Sau ngày tàn chiến cuộc năm 1975, ông bị chấn thương tâm lý vì bị Cộng Sản bắt vào trại tù cải tạo. Đối với những ai từng sống dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam, “cải tạo” là một từ ngữ rùng rợn, đồng nghĩa với sự hành hạ tra tấn bạo tàn.
Mẹ của anh em Huỳnh là bà Bùi Nhung, trẻ hơn ông David bốn tuổi, đã không muốn kết hôn với ông, vì thấy ông hơi bị mất quân bình về tâm lý sau thời chiến.
Tuy nhiên, cha mẹ ép bà lấy ông, nhắc nhở bà rằng nhờ chuyện ông đi lính và làm việc với người Mỹ thì họ sẽ được đến Hoa Kỳ dễ dàng hơn theo chương trình H.O.
Hai con trai và một con gái được sinh ra tại Hoa Kỳ, gia đình sống nghèo túng, và bà Nhung phải chịu đựng sự bạo động của chồng xuất phát từ những nỗi kinh hoàng trong quá khứ của ông, ngoài chuyện bà phải chiến đấu với chứng bệnh tâm thần của riêng mình.
Cha của hai anh em đã bỏ nhà trong khu phố khổ cực Dorchester và khi qua đời, ông để lại một người vợ không biết nói tiếng Anh cùng ba đứa con không nói rành tiếng Việt.
Tuy nhiên, Johnny và George đã khởi lên niềm hy vọng khi họ được vào học ở một ngôi trường nổi tiếng là Boston Latin School, trường công lập đầu tiên và lâu đời nhất vẫn tồn tại ở Hoa Kỳ, nơi mà các vị Quốc Phụ của đất nước Mỹ, như ông John Adams và ông Benjamin Franklin từng theo học.
Thành tích học hành xuất sắc của họ ở trường này đã làm cho nhà báo Billy Baker chú ý và tò mò muốn tìm hiểu về sự tận lực hàng ngày của Johnny, lúc đó tuổi 17 và George, hồi ấy 15 tuổi, quyết chí tận dụng những cơ hội mong manh dành cho họ.
Trong bài ông Baker viết trên báo Boston Globe hai năm trước, khi Johnny mô tả một chiếc áo khoác nhãn hiệu North Face mà nhiều bạn học của mình có, Johnny nói với ông, “Em ganh tị. Nhưng em chỉ ganh tị là vì em phải làm việc để kiếm cho được những thứ mình cần dùng. Đó là sự lựa chọn duy nhất của em.”
Hai em trai nghèo đến nỗi khi bài viết về họ được công bố thì họ lo rằng mình sẽ không có tiền mua nổi số báo ra hôm ấy.
Ông Baker đã đưa họ đến nhà in báo để được trao ấn bản đầu tiên, và sau khi đăng bài báo ấy, ông nhận ra rằng ông không thể để mặc họ sống ra sao thì sống. Và ông tiếp tục liên lạc với hai em.
Là một người cha có hai đứa con, ông Baker nói, “Tôi vẫn ở gần hai em ấy, một phần là vì nghĩa vụ, nhưng chính yếu là vì tôi quan tâm đến họ. Họ tạo cảm hứng cho tôi. Và họ vui lắm.”
Câu chuyện không dừng lại ở đó. Ông Baker giúp đỡ cậu em George với bài vở của em, và khuyến khích em nhắm mục tiêu cao bằng với mức độ mà số điểm và khả năng mà em có thể vươn tới.
Và rồi trong ngày thứ Ba, 17/12 vừa qua, trong một loại trao đổi trên mạng Twitter đầy cảm xúc, ông Baker tiết lộ rằng George Huỳnh đã được nhận vào trường Yale, và thêm một niềm vui nữa – em đã tháo bỏ niềng răng của mình.
Nhìn nhận mình có khóc trên Twitter, sau đó ông Baker tiết lộ rằng ông đã đem George đi ăn một bữa ăn tối thịnh soạn để chúc mừng.
“Và chúng tôi đã đến tiệm Wahlburgers! Dường như phù hợp cho một đứa trẻ Dorchester ăn mừng với một chiếc bánh burger do chính Wahlberg dọn ra.”
Vào năm 1988, khi còn trẻ tuổi và hung hăng chưa nổi tiếng, Mark Wahlberg từng tìm đánh hai người đàn ông Việt Nam trong khu phố nghèo chỉ vì họ là người Á Đông. Một nạn nhân bị bất tỉnh hôn mê, một người bị mù một con mắt từ đó cho đến nay mà không được bồi thường mặc dù có dự lên tiếng của báo chí trong vùng. Wahlberg chỉ bị tù 45 ngày cho vụ tấn công đó.
Giờ đây, cũng từ khu vực Dorchester nơi mà hai nạn nhân Việt Nam bị đánh, hai anh em họ Huỳnh đã làm rạng danh không chỉ người Mỹ gốc Việt mà cả những người phải đối phó với cảnh nghèo túng mỗi ngày.
No comments:
Post a Comment