Nỗ lực của quân đội Miền Nam, với nhiều người, đã không thể tránh một kết cuộc buồn trong ván cờ lịch sử giữa các siêu cường. Thời điểm xích sắt của chiến xa Bắc Việt cày lên thảm cỏ Dinh Độc Lập cũng có thể là thực tế cay đắng cho không ít người từng mang ảo tưởng về cộng sản.
Nhìn lại những năm tháng hậu chiến, ngay từ Tháng Năm 1975, hàng trăm ngàn Quân Dân Cán Chính VNCH bị đưa đi "Học Tập Cải Tạo". Trong số những người chịu tù đày miễn xét xử này, không ít đã chẳng bao giờ trở lại.
Sang Tháng Giêng 1976, bức tượng Thương Tiếc -- biểu tượng linh thiêng của xương máu người lính Miền Nam -- tại nghĩa trang quân đội Biên Hoà bị giật đổ. Đến Tháng Ba 1976, hằng ngàn dân chúng, đa phần phụ nữ, thanh niên, trẻ em trong các gia đình có liên hệ mật thiết với chế độ VNCH, bị lùa vô rừng trong chương trình "Kinh Tế Mới" thảm khốc. Hai đợt đổi tiền (Tháng Chín 1975 và Tháng Sáu 1978) khiến hằng triệu dân chúng Miền Nam trắng tay. Nhà đương cuộc cộng sản cũng mở cuộc trấn lột hằng ngàn cơ sở dinh thự, cả công quyền lẫn dân sự của Miền Nam. Trong số này có Trung Tâm Đắc Lộ, một cơ sở tôn giáo đắc lực trên đường Yên Đổ Quận 3 Sài Gòn, đã bị tịch thu, hoá thành toà soạn một tờ báo của đoàn thanh niên cộng sản...
Các chánh sách này khơi ngòi sự phản kháng ngay lập tức, và kéo dài đến tận ngày nay. Đã 37 năm trôi qua, có lẽ cũng đủ, để xác nhận sự bất phục rộng rãi của người Việt, tại quốc nội lẫn hải ngoại, đối với hệ thống cai trị của đảng cộng sản -- biểu hiện qua vô số nỗ lực của nhiều người, nhiều tổ chức, kháng cự lại Hà Nội, mở đường quang phục xứ sở.
Sau ngày Miền Nam thất thủ
Tháng Tám 1975, hai cựu sĩ quan quân đội Miền Nam Trần Học Hiệu và Nguyễn Bá Đề lập "Lực Lượng Nhân Dân Vũ Trang Phục Quốc Việt Nam". Chỉ với vài chục tay súng, họ đã gây nhiều khốn đốn cho lực lượng cộng sản trú phòng vùng Xuân Lộc.
Tháng Hai 1976, xuất hiện "Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam", gom góp hằng trăm người. Họ cắt đặt chỉ huy ở những cấp sư đoàn, dự định đánh chiếm Sài Gòn và vùng phụ cận cuối năm 1976. Kế hoạch bất thành, thủ lãnh nhóm này là giáo sư Trần Thanh Đình sau đó bị xử tử.
Tháng Ba 1976, kháng chiến quân thuộc tổ chức "Đệ Tam Cộng Hòa" nổ bom ở Hồ Con Rùa, Quận I Sài Gòn. Vụ này đưa đến việc bắt bớ hằng trăm nhân vật thức giả Sài Gòn, trong đó có thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
Cuộc phản kháng gây chấn động dư luận nhiều nhất khi đó có lẽ là vụ nhóm "Dân Quân Phục Quốc" khởi nghĩa tại Nhà Thờ Vinh Sơn trên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn. Tổ chức này do ông Nguyễn Việt Hưng, một cựu sĩ quan quân đội Miền Nam cầm đầu. Chỉ vài tuần sau ngày Miền Nam thất thủ, Nhà Thờ Vinh Sơn trở thành căn cứ bí mật của Dân Quân Phục Quốc. Việc bại lộ, an ninh cộng sản vây hãm suốt mấy ngày mới triệt hạ được vài chục tay súng. Thủ lãnh Nguyễn Việt Hưng và vài linh mục đồng bạn bị tử hình, một số khác lãnh án khổ sai chung thân. Đây có thể là cuộc kháng cộng sớm sủa nhất, lớn nhất tại quốc nội.
Từ các cuộc kháng cự trong vòng 1 năm sau ngày Miền Nam thất thủ, có ít nhất 48 người bị xử tử.
Phản kháng ở quốc nội
Cuối năm 1976 đến đầu 1980, tiếp tục có nhiều tổ chức kháng cộng. Đáng chú ý khởi nghĩa 1978 của "Mặt Trận Cứu Nguy Dân Tộc". Đứng đầu là ông Huỳnh Long Sơn, một cựu sĩ quan Miền Nam. Tổ chức này hoạt động trên vùng đồi núi tỉnh Bình Định, hạ sát một số cấp chỉ huy của đảng cộng sản ở địa phương, khiến nhà đương cuộc một phen khốn đốn.
Ở Huế năm 1978, có ông Phan Ngọc Lương, người của Đại Việt Cách Mạng Đảng, cũng là cựu sĩ quan VNCH, đã mở cuộc kháng chiến phục quốc tại Chín Hầm, quy tụ hằng trăm người. Khi việc vỡ lỡ, thủ lãnh Phan Ngọc Lương và ít nhất 8 đồng bạn bị tử hình; 7 tù chung thân; vài chục người lãnh án nặng nhẹ khác nhau.
Khác các phản kháng đầu tiên, những cuộc khởi nghĩa này được tổ chức quy mô hơn, lan ra khỏi Sài Gòn, gây không ít bối rối cho nhà cầm quyền cộng sản. Chúng có thể đã góp phần dọn đường cho những nỗ lực phục quốc vào giai đoạn sau.
Phục quốc từ hải ngoại
Thập niên 1980 chứng kiến 3 nỗ lực phục quốc lớn. Đầu tiên là ông Võ Đại Tôn từ Úc Châu - Australia. Ông là người thành lập tổ chức "Liên Minh Quang Phục Việt Nam" và cũng từng phục vụ trong Quân Lực VNCH. Năm 1980, ông tuyên bố chiến dịch "Người Về", đơn thân độc mã mở đường trở lại quê hương, tham vọng nối kết các lực lượng phục quốc. Ông bị sa cơ vào tháng 10-1981, trong vùng núi rừng biên giới Lào-Việt, và thọ ngục cộng sản 10 năm liền. Ông Võ Đại Tôn là người có các tiếp xúc với Tướng Vang Pao, thủ lãnh Kháng Chiến Lào Tự Do, với mưu đồ kết hợp khối đồng minh, mở cuộc kháng chiến diệt cộng sản trên toàn cõi Đông Dương.
Chính người của Tướng Vang Pao đã yểm trợ và hộ tống Võ Đại Tôn trên đường trở lại quê nhà.
Võ Đại Tôn |
Lê Quốc Tuý |
Cả 3 nỗ lực phục quốc lớn này đều xuất phát từ hải ngoại, chủ trương xâm nhập quốc nội, dùng võ lực kết liễu nhà cầm quyền cộng sản. Ít nhiều họ đều tận dụng tình cảnh quốc tế vào lúc Hà Nội bị cô lập sau cuộc phiêu lưu quân sự sang Cam Bốt. Các nỗ lực bất thành, cũng như chí khí của người kháng chiến phục quốc, có thể truyền kinh nghiệm cho những phản kháng mang tính cách chánh trị, nặng phần lý luận vào giai đoạn sau này.
Hoàng Cơ Minh |
Nhiều khuynh hướng, 1 giải pháp
Có thể nói, từ năm 1988 trở về sau (trùng với thời điểm Hà Nội chấp nhận triệt thoái khỏi Cam Bốt), hầu như không còn thấy các nỗ lực phục quốc bằng võ lực có tổ chức quy mô nữa. Tuy nhiên, sự phản kháng đường lối cộng sản không hề giảm, chỉ làm đậm thêm các vận động ngầm, liên lỉ nhiều năm trước. Từ năm 1978, Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế và các đồng bạn trong "Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ", một tổ chức tranh đấu bất bạo động, đã bị bắt giam. Ra tù, ông mở "Cao Trào Nhân Bản" tiếp tục cổ suý cho nhân quyền, bài xích nền độc tài cộng sản, đòi hỏi tự do tuyển cử. Trong giới trí thức cùng thời, chọn ở lại VN sau 1975, còn có Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt. Ông xuất thân Đại học Vạn Hạnh cũ, cũng chịu nhiều năm tù đày, biệt giam vì đối lập đảng cộng sản.
Nguyễn Đan Quế |
Thích Quảng Độ |
Thanh Dũng
<baotre online>
No comments:
Post a Comment