Monday, May 21, 2012

Houston: sự thành hình và cộng đồng Việt Nam tại thành phố này

Bản đồ thành phố Houston



Tháng 8 năm 1836, chỉ 04 tháng sau chiến thắng của tướng Sam Houston trong cuộc chiến đánh tan kẻ thống trị độc tài Mexico, giành độc lập cho Texas,..hai anh em nhà Allen là Augustus Allen và John Kirby Allen bỏ tiền ra mua một vùng đất đầm lầy mênh mông mà kẻ bán, người mua cũng chưa bao giờ đặt chân đến.
Vì sao anh em nhà Allen bỏ ra 9428 Mỹ kim để mua 6642 acres (27 km2) vùng đầm lầy nầy, một quyết định có vẻ không hợp lý cho cuộc đầu tư địa ốc? Sáu mươi năm trước, đại tướng Washington đánh bại quân thù và trở nên vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa Hoa kỳ. Ngày nay tướng Sam Houston, người bạn chí thân của anh em Allen, người hùng vừa mới chiến thắng quân thù Mexico và ông cũng có thể trở thành vị Tổng thống của Texas, nên anh em Allen mới nhanh chóng quyết định phải tìm một địa điểm, một vùng để có thể lập thủ đô cho Texas sau này. Trong một buổi tiệc ăn mừng chiến thắng, thực khách với y phục đại lễ, tướng Sam Houston ngồi đầu bàn, bà Charlotte Allen vợ của Augustus Allen, đứng lên tuyên bố: “Thưa tướng Houston, tôi xin được thỉnh cầu vinh dự đặt tên một địa điểm, và tôi xin gọi tên một thành phố mới theo tên của vĩ nhân ngồi đầu bàn tiệc nầy, đó là Houston”.


Vài ngày sau, sự thành lập thành phố Houston bắt đầu từ ngày 30-8-1836, được chính thức công bố trên các báo ở New York và Atlanta. Đúng 150 năm sau, năm 1986, thành phố Houston đặt ra một danh hiệu, một giải thưởng văn hoá mới: Houston’s Poet Laureate (Thi sĩ Công Huân Danh Dự của thành phố Houston thành phố lớn hàng thứ 4 của Hoa Kỳ) và giáo sư Bùi Tiên Khôi, bút hiệu Huy-Lực, một thi sĩ tỵ nạn Việt Nam với tập thơ Anh ngữ nổi tiếng “America, my first feelings” xuất bản năm 1981, được thành phố vinh danh vào giải thưởng này.
Từ năm 1930, nhiều nhân vật danh tiếng như Lyndon Johnson, Howard Hughes, Clark Gable đã đến định cư ở Houston để phát triển sự nghiệp và thành công lẫy lừng. Lyndon Johnson trở thành Tổng thống Hoa kỳ, Howard Hughes Kỹ nghệ gia tỷ phú, Clark Gable Tài tử màn bạc danh tiếng khắp hoàn cầu. Nhiều nhà báo đã phỏng vấn họ trong những ngày đầu đến Houston. Ba nhân vật danh tiếng này, đều trả lời: “I am an Houstonian by choice, not by chance” (Tôi là người Houston do sự lựa chọn, chứ không phải do sự tình cờ).
Tổng Thống Johnson
Năm 1837, một năm sau thành phố Houston được chính thức thành lập, đại tướng Sam Houston trở thành Tổng thống nước Cộng hòa Texas và Houston là thủ đô của Texas lúc bấy giờ. Texas gia nhập vào Liên bang Hoa kỳ năm 1845, là tiểu bang thứ 28. Thành phố Houston vào ngày thành lập chỉ là một vùng sình lầy mênh mông, cây cối um tùm, với cá sấu và những đàn muỗi to tướng, olympian mosquitoes. Vùng đất này, trung bình chỉ cao hơn mặt nước biển từ 10 đến 12 thước. Ba năm sau ngày thành lập, năm 1839 nhóm người đầu tiên đến Houston khai phá, bị một trận bịnh dịch sốt rét vàng (yellow fever) giết chết một phần ba nhân số trong đó có John Kirby Allen; một phần ba ngã bệnh không lao động được, nhưng những người sống sót vẫn kiên gan bền chí không ngã lòng.

Đầu thập niên 1920 dân số Houston vào khoảng 45,000 người và khi kỹ nghệ máy lạnh ra đời để chế ngự khí hậu khắc nghiệt như thiêu đốt con người vào mùa hè, thành phố mới bắt đầu phát triển nhanh chóng vượt bực. Theo cuộc kiểm tra dân số năm 1930, lần đầu tiên thành phố Houston là đô thị lớn nhất của tiểu bang Texas.


Năm 1975, thành phố Houston với dân số 1500000 nếu kể luôn những vùng phụ cận dân số khoảng 2600000; tỷ lệ thất nghiệp rất thấp chỉ 2%. Thành phố có 10 trường đaị học tốt như đại học Rice được sắp xếp vào hàng đầu tương đương với đại học Harvard, Stanford, MIT… Khí hậu ôn hoà nhiệt đới gần giống Sài Gòn hơn các tiểu bang khác, thành phố phát triển thịnh vượng bậc nhất với tài nguyên dầu hoả năng lượng khí đốt, với Trung tâm Không gian nổi tiếng khắp hoàn cầu. Đây là thành phố của tương lai cho những người tỵ nạn can trường và đàn con cháu cần cù, kiên nhẫn đầy nghị lực của họ, sẽ có nhiều cơ hội tốt đẹp tiến lên. Tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, các công ty cần người đăng báo tuyển dụng khắp nơi. Chỉ hai tuần sau khi đến Houston, tôi được Đại học Cộng đồng Houston tuyển dụng và khởi sự công việc vào đầu năm 1976.
Theo tài liệu của đại học Rice, trước năm 1975, thành phố Houston có khoảng 100 người Việt Nam, gồm 50 người vợ Việt theo chồng về nước sinh sống, cộng với khoảng 50 sinh viên du học và công chức tu nghiệp. Lễ Giáng sinh 1975, Cộng đồng Việt Nam ở Houston quy tụ ăn mừng đêm Chúa ra đời, khoảng hơn 100 người tham dự, và lễ Giáng sinh năm sau 1976, số người Việt Nam đông hơn, khoảng 300 người. Đó là hai lễ hội quý hiếm đầu tiên để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sống ở Hoa kỳ và thăm hỏi tin tức người thân.

Năm 1976, Hoa kỳ kỷ niệm 200 năm lập quốc với dân số 226 triệu người, cũng năm 1976 thành phố Houston kỷ niệm 140 năm thành lập với dân số 1 triệu 550 ngàn người và Hội Người Việt Quốc Gia Houston thành hình vào cuối năm 1976 khoảng 400 hội viên và gia đình.

Năm 1978, kỹ nghệ khai thác dầu hoả bùng phát, thành phố Houston trở nên một đô thị thịnh vượng, giàu có hấp dẫn nhất của quốc gia Hoa kỳ. Hãng Hughes Tool Co. một hãng chế tạo dụng cụ khai thác dầu hoả bắt đầu tuyển dụng hàng trăm công nhân thợ tiện (machinist) với số lương $7 dollars/1 giờ, trong lúc lương tối thiểu chỉ khoảng $2 dollards rưỡi/1 giờ. Với chức vụ giáo sư cố vấn, tôi đã được đại học chấp thuận tổ chức 4 lớp đào tạo thợ tiện cấp tốc có giáo sư người Việt giảng dạy để cung cấp nhu cầu nhân dụng. Mỗi lớp tối đa 25 người, có 4 lớp thời giờ khác nhau: Lớp buổi sáng, lớp buổi chiều, lớp thứ bảy và lớp chủ nhật. Một trăm người Việt học nghề thợ tiện đầu tiên được hãng Hughes Tool Co. tuyển dụng hoàn thành công việc vô cùng tốt đẹp, với trí thông minh bén nhạy nhanh chóng học hành, với sự cần cù kiên nhẫn chịu khó, ít từ chối khi được yêu cầu làm giờ phụ trội, khiến ban giám đốc công ty vô cùng vui lòng nể phục và danh tiếng công nhân Việt được báo chí ca ngợi tuyên dương. Lúc đầu người Việt từ những tiểu bang lân cận, sau đó trên toàn Hoa kỳ, bà con Việt Nam lũ lượt dồn về Houston nơi dễ làm ra tiền để từng bước, từng bước phát triển tiến lên. Những bác sĩ dược sĩ kỹ sư thành phần trí thức khi ra đi tìm tự do chỉ có hai bàn tay trắng tiến về Houston làm nghề thợ tiện để có tiền sinh sống, và tiếp tục học thêm mong trở lại nghề nghiệp cũ ở quê hương.

Năm 1980, người Việt Nam ở Houston đã có trên bảy ngàn, tôi đã thiết lập được chương trình phát thanh “Tiếng nói của Việt Nam Tự do” (The Voice of Free Viet Nam) để giới thiệu văn hoá Việt Nam và hổ trợ các sinh hoạt cộng đồng. Khí hậu ấm áp, lôi cuốn những người Việt ở các tiểu bang tuyết đông lạnh lẽo giá buốt, công việc kiếm tiền làm ăn dễ dàng thuận lợi hấp dẫn nhiều người Việt từ những nơi xa xôi cực nhọc với đồng lương tối thiểu, một số đông khác không chịu nổi cảnh cô đơn lưu lạc, muốn tìm cơ hội thăng tiến hoà hợp với người đồng hương, tất cả lũ lượt kéo về Houston, cuộc di cư lần thứ hai diễn ra nhộn nhịp làm ngạc nhiên các nhà hoạch định chánh sách định cư Hoa kỳ. Trong năm 1975 từ ba trại ty nạn trong nội địa Hoa kỳ: Fort Chaffee (tiểu bang Arkansas); Camp Pendleton (tiểu bang California); Camp Elgin (tiểu bang Florida) Cơ quan Di trú Hoa kỳ quyết phân tán chia đều người Việt ty nạn đến định cư rải rác khắp 50 tiểu bang trong nuớc để người Việt học hỏi hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ tốt đẹp, nhanh chóng hơn. Năm 1980, sau 5 năm kinh nghiệm lưu lạc xứ người, nhu cầu đồng hương cùng chung nguồn cội, tiếng chim kêu tha thiết gọi đàn, người Việt lại lần nữa ra đi.
Năm 1981, cộng đồng Việt Nam ở Houston, đã có ít nhất 10000 người. Theo tài liệu nghiên cứu của đại học Rice do tiến sĩ Fred R. von der Mehden viết và ấn hành đầu năm 1982: “Năm 1981 cộng đồng Việt Nam ở Houston đã có 5 tạp chí (magazines) 3 tờ báo (newspapers) và một tờ báo có đến 10 ngàn độc giả”.

Tiếp theo chương trình thuyền nhân ty nạn (Vietnamese Refugee Program) hai chương trình “Ra đi có trật tự” (Orderly Departure Program) Chương trình H.O. (Humanitarian Operation Program), người Việt định cư tại Houston càng gia tăng nhanh chóng, dân số thật sự khác xa với con số chính thức trong các cuộc kiểm tra dân số của Census Bureau năm 1990 và 2000.

Năm 1990 theo Census Bureau của Hoa kỳ, người Việt định cư tại Houston chỉ có khoảng 20 ngàn người. Tết Nguyên đán năm 1989, mùa đông lạnh nhất thập niên 1980, hội Ái hữu Quang Trung Bình định tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống đa tại George R. Brown Convention Center, một hội trường sang trọng tân kỳ bậc nhất của Houston với chương trình văn nghệ do 20 nghệ sĩ tài danh hải ngoại, đã có hơn 3,000 người Việt bất chấp tuyết rơi, mua vé tham dự. Nếu cứ tính trung bình 20 người Việt ở Houston thì có 1 người mua vé tham dự, như vậy dân số Việt Nam ở Houston và vùng phụ cận, năm 1989 cũng đã hơn 60 ngàn người. Con số phỏng đoán này cũng được các cơ quan thiện nguyện, truyền thông báo chí sử dụng như một con số tối thiểu đáng tin nhất. Tính đến nay, thành phố Houston và vùng phụ cận có hơn 150 ngàn người Việt Nam định cư và sinh hoạt trong hơn 40 hội đoàn, trong đó có hai hội: Hội Ái Hữu Biên Hoà và Hội Quang Trung Bình Định hoạt động thường xuyên đều đặn, nhiều uy tín. Mùa hè năm 2011 tình cờ gặp bà Kathryn J. Whitmire, Thị trưởng thành phố Houston năm 1986. Bà là Trưởng ban tổ chức buổi lễ trao giải thưởng Houston’s Poet Laureate cho tôi. Kathryn, một phụ nữ xinh đẹp, yêu thích thi ca và rất quý mến tôi, nên đồng ý ngay vài chi tiết khác thường do tôi đề nghị trong thủ tục hành lễ, được tổ chức trọng thể tại khách sạn sáu sao với gần hai ngàn người tham dự, trong năm 1986.
Huy Lực Bùi Tiên Khôi

No comments:

Post a Comment