Thursday, January 9, 2014

Nụ cười Dương Tự Trọng

Nụ cười và sự điềm tĩnh của ông Trọng trong phiên xử hôm qua, liệu có ai nỡ trách đó là một nụ cười khinh bạc, ngoan cố như những “bản án dư luận” đã trở thành thông lệ vẫn dành cho những bị cáo “đến chết vẫn cười”?


Giơ tay chào anh em, dặn vợ con không được khóc, Dương Tự Trọng bình thản đón nhận bản án 18 năm tù ngay cả trong lời nói cuối cùng cũng như biểu thị thái độ bằng một nụ cười.

Có không ít cảm thông từ nhiều phía khi hành động phạm tội của Dương Tự Trọng là sự giằng xé giữa cái lý mà một viên sĩ quan công an cao cấp phải giữ, và một bên là cái tình huynh đệ máu mủ ruột rà. Còn nhìn nụ cười của Dương Tự Trọng, chứng kiến sự bình thản của bị cáo đón nhận bản án, tôi lại nhớ tới Khổng Tử.

Sách Tứ thư chép:

Diệp Công nói với Khổng Tử: “Xóm tôi có người ngay thẳng. Người cha ăn trộm dê, người con ra làm chứng”.

Khổng Tử đáp: “Người con ngay thẳng ở xóm tôi khác thế. Cha che giấu cho con, con che giấu cho cha. Sự ngay thẳng ở ngay đó thôi”.

“Sự ngay thẳng” của Nho gia đến thời Lê chẳng có ai tranh luận.

Hoặc gần hơn, ngay hồi thế kỷ 19 thôi, bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) trong điều 31, quyển 1 phần Danh lệ quy định “Thân thuộc tương vi dung ẩn”, (có nghĩa là họ hàng thân thuộc che giấu tội cho nhau), viết rằng: “Trường hợp người thân thuộc bậc đại công trở lên, mà tang phục rất trọng, ông bà ngoại, cha mẹ vợ của cháu, rể, vợ chồng của cháu, anh em của cháu, vợ của anh em mang ơn lớn, nếu phạm tội đều cho phép giấu tội cho nhau”.


Dù tiếng là “hủ nho”, các cụ hoàn toàn đúng khi đề cao giá trị gia đình và việc pháp lý hóa các phạm trù đạo đức cho thấy sự bảo vệ tốt nhất, chính là bảo vệ ngay từ đầu những quan hệ gia đình, rường cột nền tảng của xã hội.

Ngay trong xã hội pháp quyền đương đại, vị tình hay vị pháp đôi khi là một cuộc tranh đấu, nó có ngay trong sự phân vân ở mỗi con người.

Bị cáo Dương Tự Trọng, một quan chức cao cấp trong ngành công an đã tổ chức cho một nghi can trốn đi nước ngoài. Anh ta lôi kéo đồng nghiệp, bạn bè vào vòng lao lý, sử dụng các thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện của pháp luật. Thậm chí, anh dung dưỡng cho tội phạm bị truy nã. Dương Tự Trọng phạm tội và đương nhiên, bị cáo phải trả giá.

Nhưng đôi khi, người ta biết và chấp nhận trả giá cho việc mà họ làm.

Sẽ rất dễ để nói rằng, lẽ ra Dương Tự Trọng, với tư cách là một người em, nên khuyên anh mình ra đầu thú để “cùng lắm là tử hình”.


Sẽ rất dễ dàng nhìn thấy việc một sĩ quan công an cao cấp từng đảm nhiệm vị trí trưởng phòng cảnh sát hình sự phải làm: chìa ra một chiếc còng số 8.

Nhưng còn tình huynh đệ máu mủ ruột rà, còn gia đình và lương tâm?

Chúng ta đòi hỏi sự nghiêm trị của pháp luật, đòi hỏi “pháp bất vị thân”. Nhưng ít nhất vụ án Dương Tự Trọng không thể xếp chung trong với những vụ như “Em giết anh vì một cây xoan”; “Anh giết em khi tranh một bao gạo”; “Con giết bố vì không được cho tiền”; Và mới nhất, cũng hôm qua, cũng trong một phiên tòa ở Quảng Nam là chuyện “con đánh cha ruột đến chết bằng một khúc tre” mà nguyên nhân chỉ vì mâu thuẫn, cãi cọ.

Ừ thì bản chất của pháp luật là vô tình, nhưng cũng không thể vô tình để đánh đồng một tội phạm ngay tình bên cạnh toàn những ác nghịch, bất đạo, bất hiếu, bất mục…mà ngay trong luật Hồng Đức xưa đã coi là những đại ác.

No comments:

Post a Comment