Saturday, August 17, 2013

Xét lại kế hoạch xây phi trường Long Thành

HÀ NỘI (NV) .- Chính phủ CSVN vừa yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khuyến nghị về việc không nên xây dựng phi trường quốc tế ở huyện Long thành, tỉnh Đồng Nai.


Phi trường Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn – nơi mà ACV dự báo là sẽ quá tải vào năm 2020. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Trước đó, nhà cầm quyền CSVN dự tính sẽ khởi công xây dựng một phi trường quốc tế ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tiến trình xây dựng phi trường này sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2014 đến năm 2020. Giai đoạn hai từ năm 2020 đến năm 2030.


Kế hoạch xây dựng phi trường quốc tế Long Thành được soạn thảo cách nay khoảng 10 năm, sau khi có dự đoán rằng, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2020. Khi hoàn thành, phi trường Long Thành sẽ có bốn phi đạo, công suất 100 triệu hành khách mỗi năm, gấp bốn hoặc năm lần công suất của phi trường Tân Sơn Nhất, có thể thay thế hoàn toàn phi trường Tân Sơn Nhất và trở thành phi trường trung chuyển cho các chuyến bay quốc tế qua khu vực Đông Nam Á.

Theo tính toán, chi phí đầu tư cho phi trường Long Thành vào khoảng 8 tỷ đô la và được cho là rẻ hơn chi phí mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất (cần khoảng 9 tỉ đô la).

Tuy nhiên, mới đây, có hai chuyên viên hàng không là ông Lê Trọng Sành (cựu Trưởng Phòng Quản lý phi trường Tân Sơn Nhất) và ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công), khuyến nghị không nên thực hiện dự án này.


Trong khuyến nghị gửi cho Thủ tướng CSVN, hai chuyên viên hàng không này đề nghị hủy dự án xây dựng phi trường quốc tế Long Thành vì phí tổn quá lớn trong khi phi trường Tân Sơn Nhất vừa được mở rộng và nâng cấp, năng lực đã được cải thiện đáng kể.

Cả hai cho rằng, nếu nhu cầu trong tương lai lớn hơn hiện nay thì chỉ cần mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Bắc - nơi đang làm sân Golf Gò Vấp để đảm nhiệm chức năng quốc tế, phía Nam dành cho nội địa. Nếu được mở rộng về phía Bắc, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ có diện tích gấp đôi sân bay Changi của Singapore, vốn là một phi trường lớn ở khu vực châu Á.


Cũng theo hai chuyên viên này, nếu lượng khách quốc tế “bùng nổ” thì có thể dùng thêm phi trường Biên Hòa, vốn là phi trường quận sự, sát Sài Gòn và phi trường này đã có sẵn hai xa lộ kết nối với hệ thống giao thông (quốc lộ 1K và xa lộ Hà Nội). Chưa kể tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (gần Biên Hòa) cũng đang được xây dựng.

Trong trường hợp cần một phi trường quân sự để bảo vệ khu vực bên dưới vĩ tuyến 12, có thể xây dựng phi trường quân sự đó tại Long Thành vì vốn đầu tư thấp, thời gian xây dựng ngắn và Long Thanh hiện nằm “chơi vơi”, không gắn với đâu cả.

Chưa rõ sau khi xem xét, chế độ Hà Nội sẽ nghe bên nào: Các chuyên gia hàng không hay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).


Trong thập niên vừa qua, ACV liên tục hối thúc xây dựng phi trường quốc tế Long Thành vì phi trường Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2020. ACV trù tính, dự án phi trường quốc tế Long Thành sẽ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Giai đoạn 1 của dự án (2014 -2020) sẽ cần khoảng 5.6 tỉ đô la Mỹ, trong đó, vốn do ngân sách cấp và vốn ODA sẽ chiếm khoảng 53%, phần còn lại do tư nhân đóng góp. ACV đang ráo riết vận động để dự án xây dựng phi trường quốc tế Long Thành sẽ được Quốc hội Hà Nội phê chuẩn vào tháng 10 tới.

Để thuyết phục Quốc hội, ACV đã thuê Công ty Tư vấn Hàng không Nhật Bản (JAC) lập dự án. Trong dự án, JAC xác định xây dựng phi trường quốc tế Long Thành là có lợi nhất so với mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất và tận dụng phi trường Biên Hòa.


Theo phác thảo của ACV thì dự án xây dựng phi trường quốc tế Long Thành sẽ tạo ra việc làm cho 24,000 người. Còn tỉnh Đồng Nai thì báo cáo, nếu thu hồi 5,000 héc ta đất cho dự án này thì sẽ phải thu hồi đất của 5,400 gia đình, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sinh kế của 17,000 người. Tổng chi phí bồi thường, tái định cư cho các gia đình bị giải tỏa sẽ khoảng 15,000 tỉ đồng (tính theo giá năm 2010). (G.Đ)

No comments:

Post a Comment