Wednesday, November 21, 2012

Lễ Tạ Ơn ở Mỹ

Mùa thu năm 1621, tại một khu canh tác ở Plymouth, Massachusetts, nhóm người Âu Châu cùng với thổ dân da đỏ Wampanoag họp nhau để tạ ơn Thượng Đế đã cho họ có được một mùa gặt hái tốt đẹp đầu tiên ở Tân Thế giới. Những di dân từ Châu Âu này (sử gọi là Pilgrims) mừng lễ Tạ Ơn lần đầu chỉ còn phân nửa trong số 102 người đã tới được Plymouth trên con tàu Mayflower, vì không chịu được những nguy hiểm và bệnh tật nơi vùng đất mới. 


Lễ Tạ Ơn đầu tiên này kéo dài ba ngày nhưng không rõ vào thời điểm nào sau mùa gặït hái, có lẽ giữa khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 11.

Thực đơn họ dùng gồm thịt nai, tôm cua và bắp, không có gà tây tuy có rất nhiều trong vùng, cũng không có sữa, phó mát, bánh mì, bơ, khoai tán hoặc bánh bí đỏ... như bây giờ.

Lễ Tạ Ơn lần đầu tại Plymouth

- Ngày lễ Tạ Ơn toàn quốc đầu tiên khắp nước Mỹ được mừng từ năm 1789 do quyết định của George Washington, nhưng vào những ngày khác nhau tùy năm. Năm 1863 Abraham Lincoln đặt vào ngày Thứ Năm cuối cùng của tháng 11.

- Năm 1939 Tổng thống Franklin Roosevelt đổi ngày lễ cho sớm hơn 1 tuần để mùa mua sắm trước lễ Giáng sinh được dài hơn, nhưng công luận Mỹ không chịu. Báo chí gọi ngày Thanksgiving này là "Franksgiving".

- Tới năm 1941, Quốc hội quyết định lễ Tạ Ơn mừng vào ngày Thứ Năm tuần lễ thứ tư của tháng 11 và là một ngày nghỉ lễ toàn quốc.

- Canada cũng mừng lễ Tạ Ơn, nhưng vào ngày Thứ Hai tuần lễ thứ hai của Tháng 10.

- 90% gia đình Mỹ có ăn gà tây dịp lễ Tạ Ơn. Muốn "phong phú” hơn, họ chế ra món "turducken": gà tây (turkey) bên trong nhồi vịt (duck) và bên trong vịt nhồi thịt gà (chicken). Món này được "sáng chế” vào thập niên 1980 tại Louisiana.

Buổi diễn hành truyền thống ngày Thanksgiving tại New York

- Benjamin Franklin một trong những quốc phụ lập nước, đã muốn con gà tây được dùng làm quốc điểu (national bird) của Mỹ, lấy cớ nó gốc gác ở đây, nhưng đành chịu thua, phải để cho chim đại bàng đầu trọc (bald eagle) thay thế!

- Mỗi năm khoảng 45 triệu gà tây được tiêu thụ mỗi mùa lễ Tạ Ơn, tức là 1/6 tổng số gà tây bán hàng năm ở Mỹ.

- Năm 1947 Tổng thống Truman bắt đầu truyền thống chọn một con gà tây để tha chết và gửi về sống cho hết đời ở Mount Vernon, Virginia.

- Đêm trước lễ là thời gian bar rượu bán chạy nhất, còn hơn cả New Eve's Eve, St Patrick's Day và Super Bowl...,vì lẽ đây là dịp đoàn tụ gia đình, bè bạn, kéo nhau ra bar vui vẻ nhậu nhẹt là chuyện dĩ nhiên

- Football được chơi vào ngày lễ Tạ Ơn từ năm 1920. Đội Detroit Lions chơi mỗi năm dịp lễ này từ năm 1934 đến nay (trừ 6 năm trong thế chiến II). Đội Dallas Cowboys cũng thế, bắt đầu chơi mỗi năm từ 1966.

Thanksgiving Day Football

- Năm 1924, nhân viên Macy's diễn hành 6 miles từ Harlem đến Herald's Square để khởi động mùa lễ. Họ ăn mặc như các chú hề, hiệp sĩ và cowboys, cùng đi với các ban nhạc và thú vật thật của Sở Thú Central Park. Đến năm 1927, Goodyear đưa vào cuộc diễn hành những bong bóng bay như hình chú mèo Felix. Đây là buổi diễn hành thành công nhất từ đó và vẫn còn tiếp tục hàng năm cho đến nay, với 3.5 triệu người coi ở New York và khoảng 50 triệu người xem trên truyền hình.

- Ngày sau lễ Tạ Ơn được gọi là Black Friday, ngày khởi động chính thức mùa mua sắm. Từ ngữ này bắt nguồn năm 1960 ở Philadelphia, lúc đó là thành phố có nhiều m+all nhất nước Mỹ, mô tả cảnh ào ạt người đi bộ mua sắm và xe cộ đông đảo gây xáo trộn môi trường, nhưng sau đó thương giới thay đổi ý nghĩa của từ ngữ để chỉ thu nhập rất cao, biến từ màu đỏ thành đen. Ai cũng tưởng đây là ngày mua sắm nhiều nhất, nhưng ngày trước lễ Giáng Sinh mới đúng ý nghĩa này.

No comments:

Post a Comment