Wednesday, November 21, 2012

Đại bàng trên huy hiệu nước Mỹ

Nước Mỹ đang vào mùa Lễ Tạ Ơn. Nhiều người đã quen thuộc hình ảnh gà tây (turkey) - biểu tượng của Thanksgiving. Điều ít người biết hơn là cách nay 230 năm, gà tây từng được cân nhắc làm biểu tượng của Hoa Kỳ.


Người cổ suý cho ý tưởng này là ông Benjamin Franklin, một trong những khai quốc công thần, và là nhân vật để lại chân dung trên tờ bạc $100 ngày nay. Lúc đó vào cuối thế kỷ 18, giữa không khí chánh trị với nhiều khuynh hướng muốn kết hợp các tiểu bang thuộc địa nên một quốc gia độc lập. Nhiều hội nghị hiệp thương mở ra với các phái đoàn từ 13 tiểu bang miền Đông/Đông Bắc. Trong số này có những nhân vật lịch sử như Thomas Jefferson, tác giả chánh của bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence), hay John Adams, vị Tổng Thống thứ 2 của Hoa Kỳ...


Quốc huy Hoa Kỳ

Một trong những quyết định gây nhiều tranh cãi là việc chọn con vật biểu tượng quốc gia. Benjamin Franklin thích hình ảnh con gà tây bản địa, ca ngợi sự gan dạ của nó. Tuy nhiên, đa số các phái đoàn lại ưng ý hình tượng con đại bàng "đầu hói" (bald eagle). Tháng Sáu 1782, các "Founding Father" (các nhà lập quốc) chánh thức chọn đại bàng làm biểu tượng cho tân quốc gia Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Thật sự, không phải những vị tạo lập Hoa Kỳ nghĩ ra hình tượng đại bàng trước tiên. Từ thượng cổ, nhân loại đã tôn vinh hình tượng đại bàng vì vẻ uy nghi của nó. Hình ảnh đại bàng là biểu tượng của sự sáng suốt, lòng quả cảm, nhất là của quyền lực lẫm liệt. Trên không trung, đôi cánh đại bàng xoải rộng phô bày mãnh lực cùng ý chí tự do. Đại bàng từng được dùng làm biểu tượng sức mạnh vô địch của đế chế La Mã Cổ Đại. Thời Âu Châu Trung Cổ, đại bàng cũng hiện ra trên khiên / triện của các Hoàng Đế mang tâm hồn chinh phục như Charlemagne hay Napoleon, v.v...

Biểu tượng đại bàng trên huy hiệu của Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Một trong những lý do các phái đoàn hiệp thương thời lập quốc chọn đại bàng "bald eagle" vì họ nghĩ nó là loài chim đặc hữu ở Bắc Mỹ. Đại bàng "đầu hói" (bald eagle) thực ra chỉ trên tên gọi. Thực tế, đầu nó có lông màu trắng, mỏ quặp, mình lông đen. Ngày nay, ước lượng trên thế giới có khoảng 70,000 đại bàng cùng chủng loại. Có thể tìm thấy chúng nhiều nhất ở Alaska, hoặc dọc bờ biển vùng Tây Bắc
Hoa Kỳ.

Trước kia, "bald eagle" từng có lúc bị liệt vào loại động vật sắp tuyệt chủng. Người nào bị bắt quả tang đang tàng trữ lông đại bàng, hoặc một phần chi thể của nó, có thể bị khởi tố, phải nộp tiền phạt, thậm chí ngồi tù. Chỉ có thổ dân da đỏ được miễn trừ vì các lý do văn hoá và lịch sử. Sau nhiều năm được bảo vệ nghiêm ngặt, tự do sinh sôi nảy nở, nay dân số đại bàng "đầu hói" đã lên khá nhiều.

Cũng thường có không ít nhầm lẫn giữa đại bàng (eagle) và chim ưng (hawk). Chim ưng cũng giống đại bàng nhưng không dũng mãnh và oai vệ bằng. Về kích thước, đại bàng thường to lớn hơn. Đôi cánh đại bàng giăng ra hết cỡ có thể rộng đến 8 feet (2.4m). Chim ưng, ngược lại, con to lắm sải cánh cũng không hơn chiều cao một người tầm thước (5 feet hoặc 1.5m).

Quốc huy HK trên trang bìa sổ Thông Hành.

Trở lại với các nhà lập quốc. Đã chọn đại bàng làm biểu tượng quốc gia, người ta quay sang tìm cách vẽ mẫu quốc huy. Sau nhiều điều chỉnh, sửa đổi, họ chọn bản sơ mẫu của ông Charles Thomson, lúc đó là thơ ký của hội nghị hiệp thương. Trên quốc huy Hoa Kỳ, chân phải con đại bàng gắp nhành nguyệt quế, chân trái gắp một nắm 13 mũi tên (tượng trưng cho 13 tiểu bang khởi thuỷ). Mỏ nó gặm bảng khẩu hiệu với dòng chữ Latin "E Pluribus Unum", nghĩa Anh ngữ là "Out of many, One" -- hàm ý từ nhiều tiểu bang thuộc địa, từ đa sắc dân-chủng tộc-tôn giáo-nguồn cội... người ta hiệïp quần, đồng tâm tạo nên một nước mới, mang tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Ở Mỹ, người ta có thói quen trưng bày quốc huy hoặc huy hiệu đại bàng nơi các công sở. Quốc huy cũng được dùng chánh thức trên hộ chiếu, quân hàm, huy hiệu các toà đại sứ Hoa Kỳ trên thế giới. Biểu tượng đại bàng cũng xuất hiện thường xuyên trên ấn triện của nhiều tiểu bang, trên con dấu đóng mộc cho thơ từ chánh thức, trên mặt sau các đồng tiền, trên tiền giấy, kể cả trên các con tem của Bưu Điện Hoa Kỳ...


Biểu tượng đại bàng trên mặt sau các đồng xu.

Cũng từng có những tác phẩm lừng danh lấy cảm hứng từ huy hiệu nước Mỹ. Trên tường Nhà nguyện St. Paul's Chapel ở New York City có một bức tranh lớn vẽ quốc huy Hoa Kỳ. Sàn Thượng Viện được trải tấm thảm nổi tiếng có kết quốc huy (diện tích 22x40 feet). Nguyên thuỷ tấm thảm được kết năm 1786. Sau khi Quốc Hội dọn nhà từ Philadelphia về thủ đô mới Washington, D.C., tấm thảm đó bị thất lạc. Đến năm 1978, chánh phủ Hoa Kỳ cho chế một phiên bản khác, giống y -- là tấm thảm trên sàn Thượng Viện ngày nay.
TD

No comments:

Post a Comment