Tuesday, June 12, 2012

3 năm suy thoái, dân Mỹ "bốc hơi" 40% của cải

Cuộc suy thoái kinh tế gần đây đã làm "bốc hơi" số của cải mà người Mỹ tích lũy gần 20 năm qua, trong đó tầng lớp trung lưu giảm nặng nhất - theo dữ liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 11-6.



Bộ Lao động Mỹ hôm 1-6 báo cáo tỉ lệ thất nghiệp đang ở mức 8.2% trong tháng 5-2012.
FED cho biết giá trị tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình giảm 39% chỉ trong vòng ba năm, từ $126,400 USD năm 2007 còn  $77,300 USD năm 2010, đưa tài sản dân Mỹ trở lại gần bằng mức năm 1992.
Dữ liệu trên đại diện cho một trong những biểu hiện rõ ràng nhất suy thoái kinh tế đã làm thay đổi tình hình tài chính gia đình. Trong vòng ba năm, người Mỹ đã chứng kiến quá trình "bốc hơi" tài sản mà cả một thế hệ đã tích lũy.
"Thật khó để phóng đại tính chất nghiêm trọng của sự sụp đổ kinh tế - nhà kinh tế Mark Zandi tại Moody cho biết - Chúng ta đang rơi tự do".


Suy thoái kinh tế đã tạo ra cơn biến động lớn nhất trong tầng lớp trung lưu. FED cho biết chỉ khoảng một nửa người Mỹ trung lưu đứng vững trên nấc thang kinh tế trong suy thoái. Giá trị tài sản ròng trung bình như nhà, xe, cổ phiếu trừ các khoản nợ, sụt giảm thê thảm. Ngược lại, con số này ở các gia đình giàu có lại tăng nhẹ!
Người Mỹ đang cố gắng cân bằng lại ngân sách gia đình nhưng không dễ dàng khắc phục được thiệt hại. Thu nhập trung bình cũng giảm gần 8%, chỉ còn $45,800 USD/năm vào năm 2010. Giá trị thị trường trung bình các tài sản hưu trí giảm 7%, còn $44,000 USD.
Nhưng sự bùng nổ thị trường nhà đất gây ra nhiều tổn thương hơn. Giá trị trung bình trong cổ phần nhà của người Mỹ giảm 42% từ năm 2007 đến năm 2010. Các gia đình nghèo nhất phải chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự sụt giá bất động sản.
Ông Rakesh Kochhar, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pew Hispanic Center, nói hiện tại thị trường nhà đất đang hấp hối khiến nhiều người Mỹ thận trọng với việc chi tiêu, ngay cả khi thiệt hại của họ chỉ là trên giấy tờ. Theo FED, giấy tờ tài sản đã giảm khoảng 11 điểm phần trăm, khoảng 1/4 tài sản dân Mỹ.
Nghiên cứu cũng cho thấy sự chênh lệch giàu có giữa người da trắng, người da đen và người gốc Tây Ban Nha cao kỷ lục.

Tuy nhiên, các dữ liệu theo quý mới đây của FED cho thấy giá trị ròng của người dân Mỹ đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn sau năm 2010, khi thị trường chứng khoán tăng trở lại. Trong quý 1 năm nay, giá trị ròng của người dân Mỹ tăng nhiều nhất trong vòng 7 năm qua.
Mặc dù đã có một số dấu hiệu phục hồi, như giá nhà đất bắt đầu ổn định và tỉ lệ thất nghiệp đã giảm, nhưng các nhà kinh tế của FED cho rằng những cải thiện đó không làm thay đổi nhiều kết quả khảo sát.

No comments:

Post a Comment