Trước 1975, Sài Gòn – Hòn ngọc viễn đông, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 3 triệu dân cũng kẹt xe triền miên bởi sự có mặt của các loại xe gắn máy Nhật, thường được gọi chung là xe Honda.
Sài Gòn tấp nập những ngày cuối tuần với từ “bát phố” của lính và dân chen chúc cùng các cửa hàng trên những con đường ở khu trung tâm, mà sau 30.4.1975 bị gọi là sự “phồn vinh giả tạo”.
Ít ra, sự “phồn vinh giả tạo” ấy cũng khiến không ít người miền Bắc ngỡ ngàng, hụt hẫng, bên trong cái vẻ ngoài đắc thắng. Nó phủ nhận đường lối tuyên truyền của miền Bắc về một miền Nam khốn khổ, “oằn oại dưới gót ngoại xâm”.
Sài Gòn ngày ấy cũng ngạt thở với lựu đạn cay trong các cuộc biểu tình triền miên của các phe tranh đấu, từ Cộng sản đến dân chủ.
Sài Gòn ngày ấy, văn chương và văn nghệ giải trí cực thịnh, tự do và phong phú. Sự kiểm duyệt đối với báo chí minh bạch và đủ để cho những tiếng nói đối lập được lắng nghe. Cho dù chính quyền lệ thuộc Mỹ, nhưng Sài Gòn đã có những sinh hoạt chính trị đa nguyên và dân chủ.
Toàn bộ nền văn học và mô thức tiến bộ đó đã bị xóa sổ sau ngày giải phóng.
Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, ở thành phố hay đất nước này, nếu không có quán nhậu và không có nạn tham nhũng thì nó sẽ vận hành ra sao?
Sài Gòn cũng sẽ mỗi ngày một đông hơn, ngoài sự phát triển dân số cơ học, đó là dòng người nhập cư đủ mọi thành phần, từ một nông dân đến một trí thức trẻ, từ Nam chí Bắc. Ai cũng sẽ tìm được cho mình một chỗ đứng, một cơ hội trong nền kinh tế tương đối tự do này.
Sài Gòn ngày nay giàu có, và những người giàu có nhất mang tính đặc trưng, có lẽ không cần tránh né, cũng như thời kỳ sau 1954, là những người miền Bắc di cư sau 1975.
Dù sao, Sài Gòn lúc nào cũng là vùng đất của sự dung nạp và độ lượng. Sài Gòn là cửa ngõ của Việt Nam với thế giới và sẵn sàng tiếp nhận mọi loại người, mọi nền văn hóa. Ở đây, người ta có thể tìm thấy mọi khác biệt mà không hề có xung đột.
Mặc dù vẫn có những phong trào do Thành phố phát động cho thanh niên, nhưng nó chỉ chủ yếu mang tính chính trị, không ảnh hưởng gì đến đời sống cũng như suy nghĩ của người thành phố.
Người thành phố thực dụng và tiến xa hơn những gì còn được gọi là truyền thống dân tộc hay cách mạng. Người Sài Gòn ngày nay ít nhiều đã mang tính toàn cầu của sự hội nhập.
Hơn ở đâu hết, trí thức trẻ là một nguồn nhân lực vô cùng lớn và luôn được bổ sung từ khắp mọi miền của đất nước. Họ thật sự là niềm hy vọng cho thành phố, cũng như đất nước này. Họ có một lối sống thị dân với những hoài bão đích thực.
Hưởng thụ và làm việc cật lực. Họ cũng mang đến cho thành phố một dáng vẻ văn minh, không chỉ vật chất với các phương tiện của cuộc sống hiện đại, mà còn là một phong thái văn hóa trên ngưỡng cửa của ý thức tự do.
Sài Gòn bây giờ được chính thức gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng không vì thế mà hai tiếng Sài Gòn mất đi, ngay cả với người Hà Nội, khi nói về nó.
No comments:
Post a Comment