Wednesday, June 27, 2012

Khi người Trung Quốc không chuộng người gốc Á

Bạn nói được chút đỉnh tiếng Anh và cần thay đổi chỗ làm? Chỉ cần bạn là người da trắng, là bạn đủ điều kiện để trở thành giáo viên dạy Anh ngữ ở Trung Quốc. Ðó là lời mở đầu của một bài viết của Brittany Tom, đăng trong mục “Behind the Wall” của trang mạng MSNBC.
Các trung tâm dạy ngoại ngữ ở Trung Quốc đang không ngừng tuyển chọn giáo viên dạy tiếng Anh, vì số học sinh muốn học ngoại ngữ này đang ngày càng gia tăng. Ðây là cơ hội kiếm tiền dễ dàng, mà bạn chỉ cần biết chút ít tiếng Hoa hay không biết cũng chẳng sao.

Mà tiêu chuẩn chọn người dạy, thay vì dựa trên khả năng, lại hầu hết dựa trên màu da, và da trắng dù nói tiếng Anh dở vẫn dễ được tuyển hơn màu da khác.
Mike Lee từ Mỹ và Will Evans từ Canada, nộp đơn xin dạy Anh văn qua một cơ quan tuyển giáo viên ở Bắc Kinh có tên New Development School. Cả hai đều lưu loát tiếng Anh nên họ đều tin tưởng mình là ứng viên sáng giá.

Có điều cả hai không biết là, người ta không dựa theo khả năng lưu loát hay thành tích dạy dỗ của họ, mà chủ yếu chỉ trông coi theo hình dạng bên ngoài.

Khi cả hai đứng cạnh nhau, trước mặt người nhân viên tuyển việc, người này chỉ sang phía Evan và nói: “Chúng tôi chọn anh.” Rồi qua sang Lee, nói tiếp, “nhưng không chọn anh này. Rất tiếc là phụ huynh các em học sinh ở đây không muốn một người gốc Á dạy tiếng Anh cho con em của mình.”

Thế là, Lee, một người Mỹ gốc Hàn, đã bị trường này từ chối không nhận cho vào dạy tiếng Anh, mặc dù anh có kinh nghiệm dạy ESL, chương trình dạy Anh ngữ dành cho di dân ở Hoa Kỳ, có tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Trong khi Evans, một người Canada da trắng, anh được nhận không chút đắn đo.

 
Ưu tiên cho da trắng hay người gốc Caucasia

Phân biệt chủng tộc là một thực tế phũ phàng trong kỹ nghệ ESL ở Trung Quốc. Tại đây tiêu chuẩn chọn lựa ưu tiên của nhân viên tuyển mộ phải là, người Mỹ tóc vàng mắt xanh, kế đến là người Anh, Úc và dân các nước nói tiếng Anh có cùng ngoại hình tương tự. Ngoài ra tóc nâu cũng được, nhưng điều kiện diện mạo phải là da trắng.

Byron Vogue, làm việc cho công ty dạy tiếng Anh Stanford English, nói rằng, nhân viên tuyển mộ ở Trung Quốc chỉ thích mướn ứng viên gốc caucasia hơn là người không phải da trắng. Ông nói: “Ở Trung Quốc, người ta quan niệm rằng phụ huynh cho con đi học tiếng Anh, chỉ mong sao con họ được người da trắng dạy, thay vì người Mỹ gốc Á hay da đen.”

Một bài viết của Vogue, đăng trên một diễn đàn ăn khách nói rằng, các công ty ở Trung Quốc tìm người dạy tiếng Anh theo thứ tự ưu tiên như sau:

1. Người Mỹ hay Canada da trắng.

2. Người Anh da trắng.

3. Người Úc, New Zealand và Nam Phi da trắng.

4. Người Mỹ gốc Âu, người Mỹ hay người Anh da đen.

5. Người Mỹ gốc Á hay người Úc da đen, người New Zealand bản địa, Philippines hay Phi Châu.

Evans nhận xét, sở dĩ có sự kỳ thị như thế vì giới phụ huynh ở Trung Quốc không tin là người không phải da trắng lại có thể nói được tiếng Anh chuẩn hơn người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh. Bởi vậy tiêu chí để tuyển giáo viên dạy Anh ngữ ở đây là, cứ chọn người da trắng là cách đơn giản và dễ dàng nhất để bảo đảm rằng ứng viên này mới là người lưu loát tiếng Anh thật sự.

Evans nói: “Tôi nghe nói phụ huynh học sinh rất sung sướng khi thấy có sự hiện diện của người ngoại quốc hoặc người da trắng ở trong trường.” Evans thêm rằng, anh được nhà trường khuyên nên thỉnh thoảng ra ngoài để chào hỏi phụ huynh học sinh.

Các quảng cáo đăng trên báo chí ở Trung Quốc, dùng lời lẽ phân biệt công khai, khỏi cần giấu diếm. Thử tìm từ “giáo viên tiếng Anh” trong mục quảng cáo của báo The Bejingers, có thể thấy ngay hằng chục hàng rao vặt như “Cần giáo viên người Mỹ hay Canada da trắng” hoặc “Ưu tiên cho người da trắng”.

Kỹ nghệ dạy chương trình ESL không phải là thị trường việc làm duy nhất ở Trung Quốc, mà người gốc caucasia mới được ưu tiên chọn lựa.

Việc ưu tiên chọn nhân viên gốc caucasia, khiến nhiều người Mỹ gốc Á cũng như những sắc tộc Á Châu nói tiếng Anh khác nổi giận.

Lee nói: “Ðiều đó làm tôi thấy như mình bị coi ra rìa. Chúng tôi đến đây trên cùng một chuyến tàu, vào cùng một thời điểm, tìm kiếm cùng một cơ may. Thế mà tôi đâu có ngờ màu da của tôi mới là yếu tố quyết định. Tôi thấy mình là người gốc Á mà lại bị kỳ thị ngay trên lục địa Châu Á, quả là điều hết sức kỳ quặc.”

Cần bán một mặt hàng gì đó ở Trung Quốc? Hãy mướn một người da trắng

Việc mướn người da trắng tạm thời làm nhân viên giả hiệu, vì cần có sự hiện diện của họ trong các buổi sinh hoạt hay hội thảo kinh doanh, cũng nở rộ không kém tại Trung Quốc, theo một bài viết khác của LisAurel Winfree.

Cần người: Cần người Tây phương giả bộ nói thành thạo về một đề tài mà họ hoàn toàn mù tịt. Không cần kinh nghiệm. Trả lương hậu.

Ðúng vậy, bạn không nghe lầm đâu, đó là một hình thức mướn người mới ở Trung Quốc, mà người ngoại quốc gọi tên là “face job”. Ðây chẳng qua là người bản xứ “chọn mặt để gửi vàng” đó thôi.

Tại đây, mỗi khi có buổi họp quan trọng, người Trung Quốc cần có sự hiện diện của người ngoại quốc, để cho bầu không khí thêm long trọng. Thế là họ mướn một ông bà “Tây” vào ngồi làm vì cho có. Người Tây phương được xem là giàu có, bởi thế các công ty Trung Quốc thường mướn vào ít nhất một người mắt xanh mũi lõ để tạo ấn tượng rằng, họ có môi giới làm ăn ở ngoại quốc, công ty họ là công ty có uy tín và thanh danh.

Người được mướn làm việc “face job” không khác gì một diễn viên. Công ty tuyển việc sẽ trao cho họ bài viết soạn sẵn, tập dượt thử qua video và được trang bị cả với một xấp danh thiếp. Có người đóng vai một chủ tịch điều hành công ty, có người là bác sĩ chuyên khoa, có người là chuyên viên tài chính. Bài diễn thuyết của họ thường chỉ hời hợt trên bề mặt của vấn đề chứ không đi sâu vào đề tài.

Một người chỉ xưng tên là Jake kể rằng, ông được mướn để nói chuyện về thị trường bán đồ xa xỉ, bao gồm việc bán nữ trang và thuyền buồm. Trong buổi họp, phóng viên báo chí và camera hướng cả vào ông, khiến ông có cảm giác mình chẳng khác gì một VIP thứ thiệt. Ðược hỏi thêm thì Jake cho biết, trong buổi họp có sự hiện diện của nhiều cán bộ nhà nước cao cấp, theo ông, có thể nhờ sự hiện diện của người ngoại quốc mà việc ký kết hợp đồng giữa công ty với chính phủ được chóng vánh hơn.

Ông Jake kết luận: “Tôi sẽ không bao giờ làm những việc như thế này nữa. Nói diễn văn thực thụ hay giả hiệu, không tôi không muốn làm như vậy. Theo tôi, ai ao ước đến Trung Quốc để tìm việc làm, họ sẽ thấy đó là điều không tốt.”
<nguoi-viet.com>

No comments:

Post a Comment