Saturday, June 30, 2012

Nhìn lại những chiêu đạo nhái của phim Việt


Mỗi năm, cộng đồng người yêu phim Việt lại phát hiện thêm những tác phẩm điện ảnh “đạo chích”.

Liên tiếp những vụ "đạo cóp" trong phim Việt đã bị khui ra thời gian gần đây. Mới nhất có thể kể đến nghi án đạo poster của Cưới ngay kẻo lỡ hay đạo kịch bản của Cạm bẫy đang phát sóng trên giờ vàng VTV3.
1. Đạo kịch bản
Có thể nói đạo kịch bản là chiêu thường thấy nhất trong phim Việt. Xôn xao nhất có thể kể đến bộ phim Giao lộ định mệnh của Victor Vũ với nghi án đạo tới 80% kịch bản phim Shattered (đạo diễn Wolfgang Petersen). Giao lộ định mệnh ra mắt năm 2010, trong khi Shattered lại được thực hiện từ năm 1991. Sự giống nhau hoàn toàn về cốt truyện đã khiến Giao lộ định mệnh bị loại khỏi Cánh Diều Vàng 2010.

Giao lộ định mệnh

Shattered


Cũng ồn ào dư luận không kém là vụ việc tranh cãi xem ai đạo ai giữa hai phim Cô dâu đại chiến (lại của đạo diễn Victor Vũ) và Xin thề anh nói thật (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Mặc dù Cô dâu đại chiến là phim điện ảnh, còn Xin thề anh nói thật là phim truyền hình nhưng kịch bản của hai bộ phim này lại có nhiều điểm khá giống nhau, trong đó có ý tưởng xây dựng nhân vật chính là một anh chàng đào hoa, sát gái. Mặc dù sự phát triển câu chuyện của Cô dâu đại chiến về sau hoàn toàn khác vớiXin thề anh nói thật, nhưng những yếu tố đó đã khiến “cuộc chiến” giữa hai bên ầm ĩ trên báo chí suốt một thời gian dài.

Cô dâu đại chiến

Xin thề anh nói thật
Bên cạnh đó, Em hiền như ma sơ - tác phẩm được cho là “thảm họa” năm 2010 cũng bị nghi ngờ đạo kịch bản bộ phim Mỹ Những bà sơ hành động. Vũ điệu đam mê cũng bị dư luận nhận xét là có nhiều điểm giống với bộ phim đình đám Step up của Mỹ. 

Đối diện với những nghi án đạo phim kiểu này, đạo diễn thường có cách trả lời rất chung chung, vòng vèo hoặc đổ thành “tư tưởng lớn gặp nhau”. Chẳng hạn khi bị đặt câu hỏi về sự giống nhau kỳ lạ giữaGiao lộ định mệnh và Shattered, đạo diễn Victor Vũ đã dẫn giải dài dòng về những khuôn mẫu của Hollywood, về sự giống nhau “tình cờ” của ý tưởng nhưng lại không chỉ ra được những điểm khác nhau đáng kể giữa hai bộ phim. 

Phim điện ảnh đã vậy, phim truyền hình Việt cũng không hề kém cạnh với những vụ đạo kịch bản đã được báo chí điểm mặt chỉ tên trong thời gian qua. Chẳng hạn như Sắc đẹp và danh vọng bị nghi “copy” ý tưởng và tình tiết phim Sắc đẹp vĩnh cửu của Hồng Kông; hay Gió nghịch mùa bị nghi giống phim Khăn tay vàng của Hàn Quốc… Và mới đây nhất, cả bộ phim đang phát sóng trên giờ vàng VTV3, Cạm bẫy cũng dính nghi án đạo nhái với phim Hồng Kông Bẫy tình 2.

2. Đạo poster

Thiết kế poster để vừa hấp dẫn khán giả, vừa thể hiện được nội dung phim là việc rất quan trọng và khó khăn, nên “copy” poster phim có vẻ là việc nhanh, gọn và nhẹ nhàng nhất. Khá nhiều poster phim Việt đã bị vạch trần là "hàng đạo". Poster phim Khi yêu đừng quay đầu lại (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) với hình ảnh khuôn mặt người có một nửa bị rạn vỡ hoàn toàn giống với poster phimDorian Gray (đạo diễn Oliver Parker). 

Poster "Khi Yêu đừng quay đầu lại"

Poster phim "Dorian Gray"
Phim Vũ điệu đam mê không chỉ bị nghi đạo kịch bản của Step up mà còn bị cho là "copy" poster của phim này với thế đứng của nhân vật, màu sắc trên poster và thậm chí là kiểu chữ giống nhau.
Mới đây, bộ phim gây cơn sốt tại rạp chiếu của đạo diễn Charlie Nguyễn Cưới ngay kẻo lỡ cũng dính nghi án đạo poster của hai bộ phim Hàn. Tuy nhiên, đạo poster không gây ra những cơn sóng dư luận ầm ĩ như đạo kịch bản, và các sự việc cũng nhanh chóng đi vào quên lãng với lý lẽ: poster phim thì hàng trăm hàng nghìn cái giống nhau, đâu chỉ phim Việt!
3. Đạo nhạc phim

Bộ phim Thứ ba học trò có sự góp mặt của nhiều sao Việt như Đan Trường, Thanh Thảo, Đông Nhi… khiến người xem sốc khi lấy nguyên đoạn nhạc trong bộ phim nổi tiếng Trái tim mùa thu của Hàn Quốc làm nhạc nền cho mình. Hay như phim Sắc đẹp danh vọng cũng làm cộng đồng anime tức giận khi lấy bản nhạc nền chính trong phim hoạt hình lừng danh Clannad để minh họa cho một đoạn nhảy múa chẳng liên quan gì đến giai điệu trong sáng của bản nhạc. 

Việc “đi tắt đón đầu” một công đoạn có thể tiết kiệm được phần nào thời gian và tiền bạc, nhưng chắc chắn sẽ không thể mang lại kết quả tốt. Khán giả luôn thông minh và tinh tường trong việc phân biệt công sức lao động sáng tạo chân chính và sự sao chép tinh vi. 

No comments:

Post a Comment