Năm ngoái, trong chuyến đi du lịch Mexico, David House mang theo máy điện toán xách tay, dự trù sẽ làm một số công việc trong khi du ngoạn, câu cá hay nghỉ ngơi trên bờ biển nơi này.
Mọi sự
diễn tiến tốt đẹp, cho cả cuộc đi chơi cũng như công việc làm, cho tới
khi người cựu nghiên cứu sinh tại Ðại Học MIT này bay về đến phi trường
Chicago, nơi các nhân viên liên bang tịch thu máy điện toán của anh, giữ
trong gần hai tháng, và có thể đã chia sẻ dữ kiện lưu trữ trong máy của
anh với các cơ quan khác trong chính phủ Mỹ.
Các nhân viên quan thuế này không có trát tòa. Họ cũng không truy tố
anh House về tội gì. Và anh cũng không thể làm gì để ngăn cản việc tịch
thu này.
House, năm nay 24 tuổi, rơi vào tình trạng mà các nhà tranh đấu bảo
vệ dân quyền gọi là “Vùng Không Hiến Pháp-Constitution-free zone” tại
các cửa biên giới Mỹ, nơi tòa án đã cho nhiều ngoại lệ đối với Tu Chính
Án Thứ Tư - ngăn cản việc có sự khám xét và tịch thu không hợp lý.
Miễn là họ không sử dụng các biện pháp khám xét xâm phạm thân thể
người khác, như bắt cởi quần áo, các nhân viên chính phủ không cần phải
chứng minh là họ “có lý do để nghi ngờ” để tịch thu bất cứ món đồ gì họ
muốn, kể cả máy điện toán xách tay, theo một phán quyết năm 2008 của Tòa
Kháng Án.
Anh House bị chính phủ Mỹ để ý vì từng gặp và giúp đỡ Bradley
Manning, người binh nhì Lục Quân Mỹ tiết lộ các hồ sơ bí mật của chính
phủ cho trang mạng WikiLeaks.
Nhưng hiện có rất nhiều người khác, thường xuyên phải ra ngoại quốc
vì công việc và mang theo các dữ kiện quan trọng trong máy tính xách tay
hay điện thoại của họ, không hề biết rằng giới chức chính phủ có quyền
xem xét, sao chép hay ngay cả tịch thu các máy này.
Ông Robert Plotkin, một luật sư chuyên về bằng sáng chế, thỉnh thoảng
phải ra ngoại quốc mang theo các tài liệu và dữ kiện riêng của các thân
chủ trong máy điện toán xách tay của mình, đã ngạc nhiên và lo lắng khi
mới biết được thời gian gần đây rằng chính phủ có thể tịch thu máy của
ông mà không cần nêu lý do khi về lại Mỹ. “Tôi có bổn phận pháp lý để
gìn giữ bí mật của các dữ kiện đó cho các khách hàng của tôi,” ông nói.
“Nếu tôi hợp tác trong việc lục soát này, tôi nghĩ rằng các thân chủ của
tôi có thể đưa đơn kiện tôi về tội vi phạm sự bí mật đó.”
Cơ Quan Quan Thuế và Biên Phòng Mỹ (CBP) cho hay trong khoảng hơn 340
triệu người qua các cổng biên giới vào Mỹ năm 2011, có khoảng 5,000 máy
điện toán xách tay, điện thoại di động, iPods hay máy chụp hình bị khám
xét.
Một tổ chức bảo vệ dân quyền Mỹ, American Civil Liberties Union
(ACLU) đang nộp đơn kiện để đòi tòa phải công nhận rằng do vai trò thiết
yếu của máy điện toán trong thời đại này, việc khám xét cũng phải coi
như sự xâm phạm quá lố. (V.Giang)
No comments:
Post a Comment