Thưa anh nhà báo,
Cố gắng tử tế, đoan trang cỡ nào, tụi em vẫn bị người đời khinh bỉ, đánh giá một cách tàn tệ, mặc dù ai cũng biết kiểu sống nào cũng đều là đồng tiền hai mặt. Mà mặt trái thường là được che dấu rất kỹ, bởi ở đó luôn là những sự thật phũ phàng và người ngoài cuộc bao giờ cũng tò mò muốn biết thứ bề trái dẫy đầy nhiêu khê, sóng gió đó.
Vạch áo cho người xem lưng; nghề bỉ ổi đó, tốt lành gì mà phơi bày ra; bứt dây động rừng... Nhưng khu rừng chúng em ở là một thứ rừng hoang còn e ngại gì mà giấu với diếm. Thẳng thừng ra cho mọi người cùng biết. Biết để cảm thông hay oán ghét thêm đối với tụi em cũng chỉ là nước chảy đá mòn thôi. Chẳng thà biết để rồi bênh hay chống, thương hay ghét, còn hơn ngồi một chỗ mà tưởng tượng rồi phun nước miếng hoặc như những nhà “có ăn có học” nhưng không bao giờ coi chúng em là “khúc ruột” của cộng đồng.
Điển hình như tuần trước đây, đọc báo Mỹ thấy sở nhân dụng loan báo quận Cam có tỉ lệ thất nghiệp khá cao: 4,7%. Con số này đâu có chính xác. Theo em biết, số người thất nghiệp phải ít hơn, nếu kể đến hai, ba ngàn Kiều Nương tụi em ở riêng quận Cam, tuy bề ngoài tưởng như thất nghiệp nhưng thực tế tụi em có job đều đều, chỉ vì không hân hạnh được khai báo thôi. Em có thể cam đoan là đa số mọi motel trong vùng, chỗ nào cũng có sự hiện diện ít nhiều của tụi em, tùy khả năng giao tế và quảng bá rộng hẹp. Có khi ở cùng phòng, khi khác phòng, đơn ca hoặc song ca, hay tam ca. Đàn ông khi đi chơi, nhiều anh thích rủ bạn bè cùng đi, nếu chỉ có một đứa như em hành nghề đơn độc một người phải chờ, hơi bất tiện. Vì thế có mấy chị rủ nhau cùng làm một “sở” để các anh cùng vui một lúc.
Gái tụi em được cái tính tốt là không cạnh tranh nhau như các loại doanh thương khác (nói xấu nhau, chê bai nhau thì có). Tụi em biết nhau thường là do các anh đi chơi rồi kể lại cho tụi em chứ thực ra tụi em chưa chính thức có “hội ái hữu” như một số đoàn thể khác. Vì vậy tụi em không có tệ nạn tranh nhau làm chủ tịch hội. Thông thường tụi em hành nghề tại những tụ điểm massage, có bảng hiệu, địa chỉ và số điện thoại đàng hoàng. Cũng có những tiệm hành nghề dưới nhãn hiệu “Health care center,” “Skin care place,” “ Body pressure” hoặc “massage therapy.” Trưng bày như vậy, thật ra đâu có gì sai, bởi nơi này làm cho người đến được vui sướng thoải mái, thức tỉnh thể lực lười biếng, giống như những nơi bác sĩ làm việc. Khác nhau giữa tụi em và các bác sĩ y khoa là ở chỗ các bác sĩ cần chẩn mạch để biết rõ bệnh tình rồi mới cho thuốc và chữa trị, còn tụi em không bao giờ cần chẩn bệnh cả, chữa liền. Các bác sĩ y khoa sau tên và họ còn có thêm chữ MD nữa, có nghĩa là medical doctor. Nhiều người không rành tiếng Mỹ hiểu nhầm là “Mời dô.” Hiểu như thế đối với mấy vị lương y như từ mẫu hoàn toàn sai. Còn đối với mấy bác sĩ thích mau chóng làm giàu, khám bệnh chớp nhoáng cho xong việc, hiểu như thế là chưa đủ.
Muốn đi giải trí và tìm hiểu tận tình tụi em quí vị phải chịu khó tìm đọc trong các báo, kể cả báo Mỹ, báo Việt, báo Mễ, báo Tàu, và nhất là báo Đại Hàn để biết số điện thoại mà gọi lấy hẹn trước. Nói chung, tờ nào càng nổi tiếng càng được tụi em đăng nhiều quảng cáo. Một số báo bị mấy nhà đạo đức giả cho rằng đăng quảng cáo cho tụi em hành nghề như thế là tiếp tay hỗ trợ cho công việc làm không hợp pháp. Tuy nhiên, em cho rằng những ai nghĩ như vậy là không đúng, vì em nghĩ rằng người làm báo ít ra cũng thuộc thành phần “trí thức,” đời nào họ lại làm chuyện “bất hợp pháp” như vậy. Em nghĩ, do ban điều hành báo là những người có ăn học, qua Mỹ cũng lâu nên họ am tường luật pháp Mỹ. Họ muốn dành quyền bình đẳng đăng quảng cáo cho mọi người (equal opportunity), cho nên đăng quảng cáo làm massage, dù là massage không có license cũng phải giữ luật bình đẳng. Hơn nữa, việc đăng quảng cáo cho tụi em có chết thằng “Tây đen” nào đâu mà lại còn kiếm thêm chút lợi tức cho tờ báo, từ đó tăng lương cho nhân viên tòa soạn, vậy cũng tốt thôi! Hiện nay em đăng quảng cáo như thế này “Các anh cần vui vẻ, thoải mái xin gọi em…”
Em chắc quí vị phụ trách tòa soạn lo việc quảng cáo đều thông minh và hiểu rằng em mời gọi các anh đến để em hát karaoké cho các anh nghe, hầu thoải mái tâm hồn. Chỗ này, phải bốc thơm quí vị nhà báo một phát. Thật đúng là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, vừa thông minh, tự trọng, lại vừa có lương tâm trong sáng!
Đây nói sang cuộc hành trình tìm “thoải mái.” Khi bước vào mấy tiệm massage, đầu tiên là các anh phải đóng lệ phí từ 30 đồng đến 50 đồng, tùy từng tiệm và phải đóng bằng tiền mặt. (Số tiền này không cố định mà du di theo tình trạng kinh tế lên xuống như giá xăng dầu, thường ít khi xuống lắm.) Đấy là tiền massage cho nửa giờ đầu. Nếu muốn được massage lâu hơn phải đóng thêm. Tiền này là của chủ, tụi em không được rớ tới. Đối với khách quen, các anh đã biết rõ tụi em, các anh có thể gọi cô nào mà các anh ưa thích. Nếu cô đó đang bận các anh có thể ngồi chờ hoặc yêu cầu chủ tiệm gọi tất cả các cô khác ra cho các anh ngắm nghía và chọn lựa. Cô gái được chọn sẽ mời anh vào một phòng riêng, đóng cửa lại và “làm việc.” Đối với khách lạ, lần đầu tiên tụi em phải giả vờ xoa bóp qua loa. (Thực ra tài nghệ tụi em cũng chỉ cỡ đó thôi.) Rồi tụi em phải hỏi xem anh đó có là cảnh sát không, có là “undercover” không?... Nếu anh đó “không,” tụi em mới nói giá cả. Thông thường tụi em đòi một trăm hoặc hơn. Anh nào rộng rãi hoặc ngây thơ, đồng ý giá đó, tụi em làm. Anh nào sành sõi, biết giá rồi, tụi em chỉ tính có tám chục, cộng thêm tiền típ. Kể ra chỉ làm thông thường không quá 30 phút mà kiếm được bấy nhiêu tiền cũng khá rồi nhưng “chặt” được thêm tiền, tội gì không chém.
Phải tế nhị, hiểu ý chủ, thường chủ không thích khách bỏ đi, do đó phải cố gắng ép lòng, đừng để mất khách, chủ giận, không cho tụi em làm nữa. Chính vì thế nên hồi làm trên Los, em có một ông khách biết được yếu thế này của tụi em. Lần đầu ông ta trả em tám chục, lần sau bớt xuống còn năm chục, rồi cuối cùng hạ xuống còn hai chục. Lúc đó, giận quá, em đuổi anh ta ra khỏi phòng rồi nghỉ làm ở tiệm đó luôn, sang làm tiệm khác. Nhằm lúc ế độ, có những khách là người Mễ hành nghề lao động chỉ có hai chục, em cũng làm, nhưng không “topless.” Tiền nào của đó mà! Sở dĩ tụi em phải hỏi khách có phải là cảnh sát hoặc undercover không vì tụi em biết luật. (Do các khách hàng am tường luật lệ chỉ bảo.) Theo luật pháp Cali, một người cảnh sát muốn bắt tụi em phải thâu băng làm bằng chứng mới có thể đưa tụi em ra tòa. Khi họ thâu băng, nếu tụi em hỏi họ có phải là cảnh sát hoặc undercover không, họ phải nói thật. Nếu họ nói dối, ông tòa sẽ hủy bỏ vụ xử và tụi em sẽ được “thơ thới” ra về. Riêng em, bây giờ làm riêng, đa số là khách quen, em không cần phải hỏi câu này.
Hơn nữa em cũng đã ở trong nghề mấy năm rồi nên em không cần hỏi vì em biết cho dầu có hỏi và cảnh sát có nói dối mình họ vẫn bắt mình rồi đưa mình ra tòa được. Trong cuốn băng ghi âm hoặc cả thu hình, họ sẽ xóa bỏ khúc đối thoại hoặc khúc phim hình đó đi, rồi mới trình bằng chứng cho ông tòa. Chính vì có những khúc mắc này nên cảnh sát không thèm bắt tụi em. Chẳng ăn giải gì mà phải dối trá, có khi còn mất cả job. Hơn nữa, nghề tụi em đối với trật tự, an ninh xã hội đâu có tạo ra ảnh hưởng gây cấn gì đâu? Hồi còn làm trên Los có lần em bị bắt. Cũng may lúc đó em đang ngồi chờ khách nên chỉ bị đóng tiền phạt vi cảnh vì tội hành nghề massage không có license thôi. Sau đó, có lần em bị bắt vì hành nghề mãi dâm nhưng cũng chỉ bị đóng tiền phạt và ba tháng tù treo vì mới vi phạm lần đầu.
Lần đó ra tòa, người luật sư của em chính là người khách hàng quen Mỹ trắng, đứng ra bào chữa cho em. Ông không tính tiền thù lao, bù lại em tặng ông ta năm lần “free.” Not bad at all. Ông còn bảo em việc hành nghề bất hợp pháp của tụi em thực ra không có gây gì nguy hiểm cho xã hội. Nếu chạy xe vượt đèn đỏ còn có thể gây tai nạn chết người chứ còn làm như tụi em chỉ giúp cho người ta vui sướng thêm thôi. How do you think? Từ dạo đó trở đi, có lẽ nhờ ơn trên phù hộ, độ trì (tuần nào em cũng chở mẹ em đi chốn linh thiêng cúng vái) nên em không bị bắt nữa. Em chỉ sợ nhất là luật “Three strikes,” vì nếu ở Cali mà vi phạm cùng một tội đến lần thứ ba bị xử nặng lắm.
Em biết trong xã hội Việt Nam, thiên hạ rất khinh rẻ người hành nghề như tụi em. (Họ giả vờ làm bộ thương xót cô điếm Kiều Nương trong truyện Nguyễn Du, chớ thực tế không phải vậy đâu.) Nhưng ở tại Mỹ này, em thấy có nhiều cô sinh viên Đại Hàn sang du lịch Hoa Kỳ thường hay ở lại đây làm gái, kiếm tiền để dành trước khi về nước lấy chồng. Bây giờ cũng có nhiều cô ở Việt Nam được bảo lãnh theo diện du lịch, ở lại “nhảy dù” trong vài ba tháng rồi mới trở về Việt Nam. Sau đó đến lượt các cô khác sang. Các cô này một số ở Việt Nam đã tốt nghiệp “đại học Bình Khang” rồi.
Nghĩ cho cùng, sở dĩ em bạch hóa khúc mắc của nghề nghiệp này vì em thấy chỉ có “người xấu chứ đâu có nghề nào xấu.” Hơn nữa, em thấy nghề làm báo của mấy anh có phần nào giống giống nghề của tụi em. Nói thật mích lòng, còn nói không đúng bị cho là “nhà báo nói láo ăn tiền.” Đời tụi em có tội tình gì mà phải bị lời ong tiếng ve soi mói, khinh bỉ, tách rời, mắng chưởi. Người ta làm nghề lâu năm, thâm niên công vụ, lương lậu tăng cao. Còn tụi em, càng lâu càng già, càng sớm bị phế thải. Đời tụi em, thật ra có gì vui đâu!
No comments:
Post a Comment