Monday, September 24, 2012

Nhật thay đổi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

Thế giới đang chứng kiến một quá trình thay đổi chậm rãi nhưng chắc chắn ở Nhật Bản theo hướng cứng rắn hơn trong ngoại giao và quân sự, trước sự mạnh lên nhanh chóng của Trung Quốc.

Máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật tại khu vực quần đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo.

Sự thay đổi, tuy có thể hiện cả trong các vấn đề xã hội, được bộc lộ rõ ràng nhất ở chính sách đối ngoại và chiến lược quân sự. Xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi sự mạnh lên nhanh chóng của Trung Quốc, bên cạnh nhận thức của giới cầm quyền về việc tái thiết lập tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực sau hai thập niên đi xuống.

Những thay đổi của Nhật Bản được thể hiện trong sự gia tăng vai trò của Lực lượng Phòng vệ (SDF), cũng như nỗ lực của các chính trị gia hàng đầu nhằm chỉnh sửa hiến pháp và quan điểm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Hoa Đông, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta hồi tuần trước đã thể hiện "mối quan ngại sâu sắc về nguy cơ xảy ra xung đột".



Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cũng nhấn mạnh rằng, Nhật Bản, ngay cả khi đang dần ngả về hữu khuynh, vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực quân sự. Theo họ, Nhật mới đang chỉ chuyển dần sang trung dung, sau nhiều thập niên là một quốc gia tha thiết theo đuổi hòa bình.

"Sau Thế Chiến thứ hai, chính sách của Nhật Bản là không khoa trương và chú trọng hợp tác", Narushige Michishita, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo, người tự miêu tả bản thân là có quan điểm ôn hòa, nói. "Chúng tôi từng nỗ lực hết mình để tránh xa mọi cuộc đối đầu và đụng độ nào với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, đang có một suy nghĩ lan truyền rộng rãi trong công chúng Nhật Bản, rằng hòa nhã không giải quyết được vấn đề".

Một cuộc thăm dò được thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy, người dân Nhật Bản đang ngày một quan tâm hơn tới các vấn đề an ninh. Họ biết đất nước của mình đang đối mặt với những mối đe dọa từ bên ngoài. Dữ liệu do chính phủ Nhật Bản cung cấp cho hay, 25% người dân Nhật Bản cho rằng nên tăng cường sức mạnh quân sự. Cách đây 3 năm, con số này chỉ là 14%, trong khi vào năm 1991, chỉ có 8% người dân đồng tình với ý kiến trên.


Sự thay đổi trong tư duy bước đầu được thể hiện ở các nhà lãnh đạo đất nước, bao gồm cả Thủ tướng Yoshihiko Noda, người đã khôi phục liên minh quân sự Nhật - Mỹ như một "hòn đá tảng" trong chính sách đối ngoại của Tokyo. Chỉ cách đây ba năm, cựu thủ tướng Yukio Hatoyama vẫn thể hiện mong muốn xây dựng một "cộng đồng Đông Á" hài hòa, trong đó có Trung Quốc, thay vì tập trung vào mối quan hệ với Washington.

Tuy nhiên, bản thân ông Noda vẫn được đánh giá là ôn hòa hơn so với những người đang mong chờ bước lên ghế thủ tướng Nhật. Shigeru Ishiba, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ Tự do, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Wall Street Journal đã tuyên bố rằng Lực lượng phòng vệ hoàn toàn có thể bắn các phát súng cảnh cáo đối với những "kẻ xâm phạm lãnh thổ". Một ứng cử viên thủ tướng hàng đầu khác, Nobuteru Ishihara, con trai của Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara nổi tiếng với quan điểm bài Hoa, mới đây cho biết, một phần của đất nước "sẽ bị nẫng tay trên" nếu Nhật Bản lơ là cảnh giác.

Những cuộc thảo luận kêu gọi mạnh mẽ hơn trước Trung Quốc xuất hiện nhiều trong mùa hè này ở Nhật, vốn trước đây chỉ thu hút sự quan tâm của những người phái hữu, theo chủ nghĩa dân tộc. Nhưng gần đây, chủ đề an ninh quốc gia và lãnh thổ "trở nên ngày càng quan trọng đối với dân thường", Yuichi Hosoya, giáo sư chính trị quốc tế của đại học Keio, nhận xét. "Các chính trị gia không thể phớt lờ chuyện này".

Cuộc diễn tập bắn đạn thật thường niên diễn ra tại trường bắn Higashi-Fuji, tỉnh Shizuoka, ngay chân núi Phú Sĩ nổi tiếng, phía tây nam Tokyo

Theo ông Hosoya, cho dù ai trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Noda, Nhật chắc chắn sẽ nghiêng về quan điểm cứng rắn hơn trong ngoại giao và quân sự trong tương lai.

Dấu hiệu rõ ràng nhất trong chính sách an ninh mới của Nhật Bản đã xuất hiện từ hai năm trước, dưới thời thủ tướng Naoto Kan, khi chính phủ nước này quyết định đại tu chiến lược quốc phòng, tập trung đối phó với sự gia tăng sức mạnh hải quân của Trung Quốc, cùng lời hứa sẽ giám sát chuỗi đảo ở khu vực tây nam nhiều hơn.

Chiến lược xác định Bắc Kinh là trọng tâm cho những mối quan ngại của Tokyo về vấn đề quân sự sự là nguyên nhân chính dẫn tới sự căng thẳng leo thang ở chuỗi đảo không người này và vùng biển xung quanh nó. Mặc dù các tranh chấp ở khu vực này đã diễn ra hàng thế kỷ, nhưng theo các chuyên gia, Nhật Bản đang thực hiện các biện pháp chưa từng có để tuyên bố chủ quyền và giám sát những vùng biển nói trên.

Hiện tại, Tokyo đã lên kế hoạch triển khai quân đội tại hòn đảo phía tây nam Yonaguni vào năm 2015. Phát ngôn viên bộ quốc phòng cho hay, khi đó Nhật Bản sẽ lần đầu tiên có sự hiện diện quân đội ở mọi nơi trong "chuỗi đảo thứ nhất" kéo dài từ Okinawa tới Đài Loan, bao gồm cả quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Các binh sĩ đổ bộ từ một chiếc trực thăng UH-60JA. Ảnh: AP

"Đây chính là ưu tiên lớn nhất trong thời điểm hiện tại, nhằm củng cố quốc phòng ở khu vực tây nam Nhật Bản", Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Tuy nhiên, ông Morimoto cũng cho biết, ông không nghĩ người dân Nhật Bản sẽ ủng hộ việc sử dụng vũ lực bừa, đồng thời bác bỏ ý tưởng rằng Tokyo đang đi theo hướng hữu khuynh. Tiến hành "các hoạt động quân sự để gây ra mối đe dọa không cần thiết cho các quốc gia láng giềng", theo lời ông Morimoto, "chỉ gây nguy hiểm cho sự ổn định ở khu vực".

Phía Trung Quốc cho hay, Nhật Bản đã đe dọa sự ổn định ở khu vực theo một cách khác, bằng việc mua lại quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tuần trước. Bắc Kinh đã lên án hành động mà họ cho "bất hợp pháp" này và gửi tàu tới vùng biển Nhật Bản. Trong khi đó, làn sóng phản đối ở Trung Quốc cũng đang không ngừng gia tăng, khi người dân nước này liên tục tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống Nhật tại hơn 50 thành phố. Thương vụ mua bán quần đảo Shenkaku/Điếu Ngư, theo một bài báo được đăng trên hãng tin Xinhua của Trung Quốc, đã nhấn mạnh việc "Nhật Bản không thể hiện bất cứ sự hối hận chân thành nào trước cuộc xâm lược trong quá khứ, thay vào đó, họ đang cố gắng phục hồi thanh thế đã mất".
Thay đổi Hiến pháp?

Tên lửa đối đất được phóng ra gần một xe tăng đang di chuyển. Trong đợt diễn tập này, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã ra mắt một số xe tăng thế hệ 10, thay thế cho những xe tăng thế hệ cũ được sử dụng trong hơn hai thập kỷ qua. Những xe tăng thế hệ mới có thể tấn công những mục tiêu cách xa khoảng một km. Ảnh: AP

Bằng chứng lớn nhất về quyết tâm từ bỏ chủ nghĩa quân phiệt sau Thế Chiến thứ hai của Nhật Bản được thể hiện ở Điều 9 trong Hiến pháp của nước này, với lời hứa sẽ không bao giờ duy trì lực lượng lục quân, hải quân và không quân. Nội dung Điều 9 chưa bao giờ được thay đổi, nhưng sự giải thích điều này đã được nới lỏng, đặc biệt vào năm 1954, khi Nhật Bản thành lập tổ chức SDF vì mục đích phòng vệ.

Tuy nhiên, SDF, với tư cách là tổ chức quốc phòng duy nhất, cũng chịu những hạn chế quan trọng. Lực lượng này không được sở hữu tên lửa tầm xa hay tàu sân bay. Mặc dù tham gia các sứ mệnh giữ gìn hòa bình ở nước ngoài, SDF không thể tham gia vào chiến sự dù để bảo vệ đồng minh.

Tuy nhiên đang xuất hiện này càng nhiều các nỗ lực nhằm thay đổi điều luật hạn chế về "phòng vệ tập thể". Thủ tướng Noda muốn thay đổi. Chính trị gia nổi tiếng nhất ở Nhật Toru Hashimoto, người vừa thành lập một chính đảng mới, cũng muốn thay đổi. Đảng Dân chủ Tự Do (LDP) nhiều khả năng sẽ thay thế đảng của ông Noda sau nhiệm kỳ này, thậm chí còn có bước đi mạnh mẽ hơn. Họ đã đề ra kế hoạch viết lại hiến pháp và sửa đổi Điều 9, cho phép Nhật "phòng vệ tập thể" và "biến Nhật thành một quốc gia thực sự có chủ quyền".

Shigeru Iwasaki

Hiến pháp Nhật Bản chưa từng được thay đổi, và mọi sửa đổi muốn được hiện thực hóa cần nhận được sự ủng hộ của hai phần ba số nghị sĩ ở mỗi trong hai viện quốc hội, cũng như thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Một số chính trị gia của nước này đã theo đuổi việc thay đổi điều khoản hòa bình trong hiến pháp suốt nhiều thập kỷ qua mà chưa có kết quả, nhưng ngày nay các tiếng nói phản đối họ đã giảm đi.

"Tôi vẫn chưa thấy điểm gbùng nổ cho việc thay đổi hiến pháp", bởi bất cứ sự thay đổi nào cũng cần có sự đồng thuận sâu sắc, ông Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh Tokyo, nói. "Nhưng chúng ta đang di chuyển theo hướng đó."

Để chứng minh quan điểm này, ông Nishihara đã nhắc tới việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hồi năm ngoái của chính phủ Nhật Bản. SDF mới đây cũng đã tham gia một cuộc tập trận chung về rà phá ngư lôi do Mỹ tổ chức ở Eo biển Hormuz.


"Chủ trương hòa bình vẫn còn đủ mạnh để tác động tới chính sách của Tokyo", ông Nishihara nói. "Do đó, chính phủ cần hết sức cẩn trọng. Các bước đi phải được tiến hành thật chậm rãi."

No comments:

Post a Comment