Nhan sắc lộng lẫy của Thẩm Thúy Hằng
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1941 tại Hải Phòng sau đó theo gia đình di cư vào Nam. Khi mới 16 tuổi, vượt qua hơn 2.000 cô gái đẹp khác, Nguyễn Kim Phụng đã đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển diễn viên của một hãng phim lớn tại Sài Gòn. Sau cuộc thi này, cô bắt đầu lấy nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng và được gửi sang Hong Kong dự lớp đào tạo diễn xuất ngắn ngày.
Thẩm Thúy Hằng được coi là minh tinh số 1. Bà từng hợp tác với những hãng phim nước ngoài
Vào năm 1956, chỉ với bộ phim Người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng đã trở thành ngôi sao điện ảnh và có được sự hâm mộ nồng nhiệt của khán giả màn ảnh rộng lúc bấy giờ. Kể từ đó, bà tham gia rất nhiều bộ phim nổi tiếng như Ngưu Lang Chức Nữ, Trà Hoa Nữ, Tấm Cám, Sự tích Trầu Cau,…Thẩm Thúy Hằng đã trở thành minh tinh số 1.
Mức catse mà bà nhận được cho mỗi vai diễn là 1 triệu đồng (tương đương 1 kg vàng 9999 thời bấy giờ).
Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra thành lập hãng phim riêng mang chính tên của bà là hãng phim Thẩm Thúy Hằng (tiền thân của hãng phim Vilifilms sau này).
Thẩm Thúy Hằng liên tục nhận được những giải thưởng cao của điện ảnh Châu Á và quốc tế: Hai lần đoạt giải diễn viên xuất sắc Á Châu tại LHP Đài Bắc, Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 – 1974, Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Mascova và Tasken tại Liên Xô năm 1982...
Có thể nói, Thẩm Thúy Hằng là một người đẹp toàn tài bởi ngoài khả năng diễn xuất, quản lý hãng phim, Thẩm Thúy Hằng còn gặt hái được không ít thành công trong lĩnh vực kịch nói, cải lương, tân nhạc.
Về đời tư, Thẩm Thúy Hằng kết hôn với GS TS Nguyễn Xuân Oánh. Ông Oánh từng học ngành kinh tế tại Đại học Harvard, từng làm việc cho Ngân hàng thế giới trước khi về nước đảm nhận vai trò Thống đốc Ngân hàng Quốc gia vào năm 1963.
Thẩm Thúy Hằng và chồng
Sau này khi đất nước giải phóng, ông Nguyễn Xuân Oánh trở thành cố vấn kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cũng được bầu vào Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đại biểu Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Còn Thẩm Thúy Hằng tiếp tục làm nghệ thuật.
Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Vợ chồng Thẩm Thúy Hằng có 4 người con trai hiện ở nước ngoài và đều thành đạt. Hiện tại, sau khi ông Nguyễn Xuân Oánh mất, Thẩm Thúy Hằng gần như lui về ở ẩn. Bà chỉ thi thoảng xuất hiện với những hoạt động từ thiện.
NSƯT Thanh Nga
Thanh Nga còn được mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu", là nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng nhất của Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh sự nghiệp huy hoàng trên sân khấu cải lương, Thanh Nga còn tỏa sáng trong lĩnh vực điện ảnh với các bộ phim như: Đôi mắt người xưa, Hai chuyến xe hoa, Loan mắt nhung, Mùa thu cuối cùng, Nắng chiều, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Lan và Điệp, Sau giờ giới nghiêm, Triệu phú bất đắc dĩ, Xa lộ không đèn, Năm vua hề về làng, Người cô đơn ...
Khuôn mặt trái xoan với vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm của NSƯT Thanh Nga
Về đời tư nghệ sĩ Thanh Nga từng trải qua 3 đời chồng. Người đầu tiên là ông Nguyễn Minh Mẫn. Do vung tiền tiêu pha tới mức thâm lạm công quỹ, ông Mẫn phải ngồi tù. Sau đó, Thanh Nga lấy nghệ sỹ Thành Được (ở Đoàn Cải lương Sài Gòn I) trước khi kết hôn với đạo diễn Phạm Duy Lân.
Nghệ sĩ Thanh Nga được chồng hết mực yêu chiều và tôn thờ. Theo lời kể của NSƯT Kim Cương - người bạn thân của Thanh Nga thì: "Hầu như anh Lân tháp tùng bên cạnh vợ 24/24 h. Thậm chí, mỗi lần Thanh Nga tắm, anh ấy cứ đứng trước cửa nhà tắm chầu chực sẵn. Là bạn bè thân, chúng tôi thường trêu: "Ông cứ đi đi, Thanh Nga nó ở trong nhà tắm thì ai mà bắt cóc được".
Anh Lân chỉ lặng lẽ nói: "Đứng đây để tiện có gì Nga kêu còn nghe, chứ đi xa lỡ có việc gì Nga kêu không nghe".
NSƯT Thanh Nga ra đi khi mới 36 tuổi
Tuy vậy, hồng nhan thì bạc mệnh. Khoảng 11h đêm 26/11/1978, sau khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Thanh Nga và chồng đã bị sát hại khi mới 36 tuổi. Dù sau đó, thủ phạm đã bị bắt và bị kết án tử hình nhưng hàng vạn khán giả Sài Gòn vẫn không nguôi phẫn nộ. Họ đã tới tiến đưa người nghệ sĩ mà họ hết mực yêu quý về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau này, trong các câu chuyện được kể lại, người ta vẫn kể về việc Thanh Nga không ít lần bị hãm hại nhưng không thành công, ngoại trừ phát súng oan nghiệt này.
Còn Kiều Chinh và Thanh Lan, dù số phận không quá "bạc" như Thẩm Thúy Hằng và Thanh Nga, nhưng cuộc đời của hai hồng nhan này cũng khá truân chuyên.
Kiều Chinh
Kiều Chinh (sinh năm 1937), tên thật là Nguyễn Thị Chinh, là một nữ diễn viên nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và từng tham gia trong một số phim của Hollywood.
Nghệ sĩ Kiều Chinh khi còn trẻ
Bà đã từng tham gia các phim như Hồi chuông Thiên Mụ, Mưa rừng (1962), Bão tình, Chiếc bóng bên đường, Hè muộn...Bà vừa là diễn viên chính và là người sản xuất bộ phim phản chiến Người tình không chân dung (1971). Cuốn phim sau này đã được tái bản và trình chiếu trong Ðại hội điện ảnh Việt Nam quốc tế (Vietnamese International Film Festival) tại Hoa Kỳ năm 2003. Cũng tại đó, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu suốt đời (Lifetime Achievement Award).
Trong thập niên 1960, Kiều Chinh cũng xuất hiện trong nhiều cuốn phim của Hoa Kỳ. Sau năm 1975, Kiều Chinh sang định cư ở Mỹ và vẫn tiếp tục tham gia đóng phim. Năm 1996, Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh: A journey home của đạo diễn Patrick Perez/ KTTV.
Dù đã có tuổi nhưng nghệ sĩ Kiều Chinh vẫn toát lên vẻ đẹp sang trọng. Bà đã trở về Việt Nam trong năm 2012 khi bộ phim Ngọc Viễn Đông được công chiếu
Năm 2012, Kiều Chinh trở lại với điện ảnh Việt Nam qua một vai diễn rất ấn tượng trong bộ phim Ngọc Viễn Đông. Hiện tại, Kiều Chinh đang sống ở California. Ở đó, bà có một ngôi nhà được trang trí và thiết kế theo đúng kiểu các ngôi nhà ở Việt Nam.
Thanh Lan
Thanh Lan là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trong cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu.
Với điện ảnh, ngay trong bộ phim đầu tiên Tiếng hát học trò, Thanh Lan đã đoạt giải Diễn viên triển vọng. Cuối năm 1974, Thanh Lan đoạt giải Diễn viên đẹp nhất miền Nam Việt Nam. Bà cũng đã tham gia các phim nổi tiếng khác như Ván bài lật ngửa, Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, Biệt động Sài Gòn, Đằng sau một số phận... Ngoài ra, Thanh Lan cũng đã lồng tiếng giọng Huế cho vai Nguyệt do diễn viên Minh Châu đảm nhiệm trong phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Thanh Lan hiện đang sống ở Mỹ
Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm bộ phim điện ảnh đầu tay Đan Thanh do cô viết kịch bản và đạo diễn, với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc đóng vai chính. Nhưng chưa kịp thực hiện thì cô rời Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư. Hiện tại, bà vẫn xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hải ngoại.
No comments:
Post a Comment