Thursday, September 27, 2012

Văn chương trong Bình Ngô đại cáo là của Nguyễn Trãi

Hôm qua, dư luận trong cả nước đã xôn xao khi tiến sỹ Đỗ Văn Khang (nguyên Giảng viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) đăng đàn khẳng định tác phẩm được coi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam, Bình Ngô đại cáo không phải của danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Để rộng đường dư luận, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi cùng PGS Trần Nho Thìn, Phó chủ nhiệm bộ môn Văn học trung đại thuộc khoa Văn, trường đại KHXH&NV Hà Nội xung quanh nhận định này.

Nguyễn Trãi chính là tác giả của Bình Ngô đại cáo

Mở đầu cuộc trao đổi cùng Người đưa tin, PSG Trần Nho Thìn khẳng định: "Điều này không có gì lạ. Xưa nay mọi người đều biết Nguyễn Trãi là người viết thay Lê Lợi theo lệnh của Lê Lợi. Chính vì viết thay nên Nguyễn Trãi xưng "ta", (theo chữ Hán là "ngã"), đó là điều dễ hiểu. Thông tin này không có gì mới, trong Đại Việt sử kí toàn thư do Ngô Sĩ Liên viết đã nhắc đến vấn đề này. Chúng ta biết rằng, Ngô Sĩ Liên khởi thảo Đại Việt sử kí toàn thư năm 1479, chỉ sau sự kiện thắng quân Minh hơn 50 năm (1427). Trong tác phẩm đã ghi rõ: “Khi quân Minh rút thì vua Lê Lợi sai văn thần Nguyễn Trãi soạn Bình Ngô đại cáo. Vì vua Lê Lợi sai soạn nên tư tưởng, ý đồ có thể của Lê Lợi nhưng văn chương là của Nguyễn Trãi”.

PGS chuyên ngành Văn học trung đại này còn đưa ra một chứng cứ khác là câu chuyện về Lê Quý Đôn trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ: "Trong tác phẩm này, Phạm Đình Hổ có ghi lại một giai thoại rất hay về nhà bác học thế kỉ XVIII Lê Quý Đôn như sau: "Trong năm Cảnh Hưng (Niên hiệu của Lê Hiển Tông dùng từ năm 1740-1786), triều đình sai làm lại sổ sách về đất đai của dân, nhân thể, cũng muốn rút bớt ân trạch đối với những công thần khai quốc thuở trước. Khi xem đến đạo sắc ban cho Nguyễn Trãi, quan Hộ Bộ Thị Lang là Bảng Nhãn Lê Quý Đôn liền xé đi và nói: Đây là loạn thần tặc tử, còn giữ đạo sắc làm gì? Nói chưa dứt lời thì tự dưng ông liền bị ngất lịm đi và trong cơn mơ màng thấy vị quan lớn ấy ngồi trên sập, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thêu kim tuyến ngũ sắc, hai bên chỗ của quan lớn ngồi có người hầu, tả hữu rất uy nghiêm. Lính giải ông Bảng Nhãn Lê Quý Đôn vào, bắt quỳ xuống dưới thềm. Vị quan ngồi trên sập quát lớn:


Tế Văn Hầu (Tước vị của Nguyễn Trãi - PV) chính là ta đây. Ngươi chỉ là một kẻ tiểu sinh mới học, sao dám xúc phạm đến bậc bề tôi khai quốc công thần. Tội ngươi đáng chết, không thể tha thứ. Đường công danh sự nghiệp, hẳn nhiên ta không thèm sánh với ngươi. Ta vẫn biết ngươi thường tự kiêu là tay giáp bảng, vậy ngươi hãy về mà đọc lại bài Bình Ngô đại cáo của ta, nếu ngươi viết được hay hơn thì được quyền xé đạo sắc của ta, ta không bắt lỗi. Khi tỉnh dậy, Bảng Nhãn Lê Quý Đôn liền vội viết trả đạo sắc như cũ. Tôi nhắc lại chuyện này để khẳng định, vấn đề này đã được đề cập đến từ rất lâu rồi, không có gì mới". Còn về sự kiện khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416, ông phân tích sự kiện này quá xa so với sự kiện chiến thắng quân Minh năm 1427, thậm chí không ăn nhập gì cả. Ông cũng cho biết: "Hiện nay, thời điểm Nguyễn Trãi tham gia cuộc kháng chiến chống quân Minh với Lê Lợi lúc nào người ta cũng chưa xác định rõ nhưng chắc chắn ông có tham gia làm văn thần, mưu sĩ cho Lê Lợi".

No comments:

Post a Comment