Bị “bạn thân” phản bội
Chồng thành đạt, kinh tế gia đình ổn định nên chị T. Hà (Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính) chỉ coi việc đi làm là để cho đỡ buồn. Thế nên chị không có ý định chia bè, chia phái hay phấn đấu để kiếm một vị trí cao hơn. Chị hòa nhã, thân thiện với tất cả mọi người.
Tính tình nền nã nên gần như không bao giờ buôn chuyện ở cơ quan, càng không bao giờ có chuyện nói xấu người nọ, người kia. Sống “biết điều” như thế mà chị vẫn không tránh khỏi bị người ta ghen ghét, nói xấu.
Bình thường, dù thân thiết nhưng chị Hà rất ít khi tâm sự chuyện riêng, chuyện gia đình với Q. Một lần lỡ miệng kể cho Q. nghe chuyện tình lãng mạn ngày xưa trước khi lấy chồng, rồi chuyện vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau.
Vài ngày sau, không hiểu có chuyện gì mà vừa đi làm về là chồng mặt hằm hằm lôi chị vào phòng riêng nói chuyện. Anh kết tội chị vẫn nhớ nhung tình cũ, chê chồng con ở cơ quan. Chị ngớ người, hỏi ra mới biết anh tình cờ gặp Q. ở quán nước, Q. nói chị buôn chuyện ở cơ quan như vậy.
“Tôi cũng định nói cho bõ tức xong rồi lại thôi. Giờ biết bụng dạ người ta rồi nên cạch mặt ra. Đúng là chả tin tưởng ai được, bạn bè chơi với nhau bao năm còn chưa chắc lường được lòng dạ nhau, huống chi người mới gặp vài tháng, chỉ biết nhau ở công việc”, chị Hà chia sẻ.
Không nên chia sẻ chuyện riêng tư
Công sở là nơi làm việc, có tính cạnh tranh cao nên đông nghiệp đang thân nhau vẫn dễ dàng chuyển thành đối thủ. Theo chuyên gia tâm lý Võ Thanh Giang (Trung tâm tư vấn tâm lý Linh Tâm), không nên chia sẻ chuyện riêng tư, chuyện vợ chồng với đồng nghiệp nơi công sở.
Môi trường làm việc nhiều nữ là môi trường nhiều chuyện. Ảnh minh họa
Bà Giang phân tích: “Với chuyện riêng tư không nên nói với đồng nghiệp ở cơ quan. Bởi hôm nay có thể là bạn, mai có thể là đối thủ. Khi họ biết quá nhiều chuyện riêng của mình, họ sẽ nắm được điểu yếu và sẵn sàng “tung đòn” bất cứ lúc nào. Họ thân với mình, họ còn thân với những người khác nữa. Họ có thể kể chuyện của mình với những người khác nữa. Chuyện riêng tư, chuyện vợ chồng nên tâm sự với người thân thiết, ruột thịt. Đương nhiên là với đồng nghiệp nào đó thân thiết, hiểu nhau, đồng cảm, có nhiều cái chung và có một khoảng thời gian dài để kiểm nghiệm những điều đó thì vẫn có thể làm bạn và chia sẻ được”.
Bà Giang cho biết, môi trường làm việc nhiều nữ là môi trường nhiều chuyện, phụ nữ cũng là đối tượng dễ nảy sinh sự đố kỵ hơn nam giới.
“Nam giới ít khi nhìn nhau, ít để ý đến tiểu tiết, ghen tị thì chỉ ghen tị công việc, sự nghiệp. Còn phụ nữ thì có quá nhiều thứ để so bì với nhau từ manh quần tấm áo, từ cái xe đi, gia đình, chồng con… Tính cách phụ nữ lại thích buôn dưa lê, thích bình phẩm về người khác. Thế chuyện ganh ghét, đố kỵ xảy ra nhiều hơn với phụ nữ”, bà Giang nói.
“Trước hết phải tự bảo vệ mình, thận trọng, tránh sơ hở trong lời ăn tiếng nói, trong công việc, trong quan hệ với mọi người. Bởi vì kẻ thù của mình cũng chỉ chờ sơ hở để họ làm những điều không tốt”, bà Giang nói thêm.
No comments:
Post a Comment