Giữa lúc quan hệ Nhật - Trung căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, 2 quan chức cấp cao Mỹ liên tục công du châu Á - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng. Đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du 6 nước, tiếp đến là chuyến đi của người đứng đầu Lầu Năm Góc Leon Panetta. Cả hai đều tới Trung Quốc và cùng đề cập vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với các bên tại biển Đông lẫn Hoa Đông. Ngoài mục đích đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển, Washington còn có lý do khác để quan ngại. Đó là vì Washington đã ký hiệp ước an ninh với 3 trong số các bên đang tranh chấp với Bắc Kinh.
Hạm đội 7 của Mỹ hiện có căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản - Ảnh: Navy.mil
Nhiều ràng buộc
Sau Thế chiến 2, Nhật Bản trở nên kiệt quệ vì thua trận. Đồng thời, Điều 9 của Hiến pháp nước này quy định rõ: “Người dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ quyền phát động chiến tranh, và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực làm công cụ giải quyết xung đột quốc tế”. Năm 1947, Nhật Bản đã thông qua điều này. Theo đó, Nhật bị cấm duy trì quân đội cũng như sử dụng vũ lực nhằm đạt được những mục đích chính trị. Lực lượng vũ trang của nước này bị thay thành “lực lượng phòng vệ” mang tính chất dân sự nhưng được trang bị vũ khí.
Vì khả năng quốc phòng Nhật Bản bị giới hạn nên Tokyo buộc phải cần đến sự hỗ trợ từ Washington. Năm 1951, hai bên ký hiệp ước an ninh đầu tiên. Đến năm 1960, Washington và Tokyo ký kết thêm Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật. Kể từ đây, liên minh giữa hai nước chính thức hình thành. Theo đó, Washington chịu trách nhiệm bảo vệ Tokyo. Đổi lại, Mỹ được phép mở căn cứ quân sự tại Nhật nhằm “duy trì hòa bình và an ninh ở vùng Viễn Đông”. Không giống như liên minh quân sự NATO, Nhật Bản không bị buộc phải bảo vệ lãnh thổ cho Mỹ trong trường hợp đồng minh bị tấn công. Dựa vào đó, Lầu Năm Góc đến nay vẫn duy trì một lực lượng quân sự đáng kể tại đảo Okinawa với khoảng 47.000 quân nhân.
Ngoài ra, tờ Yomiuri Shimbun ngày 21.9 dẫn lời Trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Á Kurt Campbell điều trần trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện. Tại phiên điều trần, ông Campbell nhấn mạnh rằng nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc Điều 5 theo Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Điều 5 cũng quy định các bên phải báo cáo về “bất cứ vụ tấn công vũ trang và mọi biện pháp cần thiết” lên Hội đồng Bảo an LHQ để chặn đứng những hành động này. Hồi năm 2010, Ngoại trưởng Clinton cũng từng tuyên bố tương tự khi tàu Trung Quốc và Nhật đụng độ nhau gần Senkaku/Điếu Ngư, theo Bloomberg.
Củng cố hệ thống phòng vệ
Giữa lúc tình hình khu vực bất ổn, chỉ trong vòng 9 tháng, Washington - Tokyo thông qua hai thỏa thuận quân sự quan trọng. Theo đó, Mỹ sẽ triển khai thêm một radar cảnh báo sớm X-band trên lãnh thổ Nhật. Trước đó, một radar X-band đã được đặt tại căn cứ Shariki thuộc thành phố Tsugaru ở đảo Honshu của Nhật. Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đang triển khai một số hệ thống cảnh báo sớm trên các tàu khu trục, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, đồn trú tại châu Á - Thái Bình Dương.
No comments:
Post a Comment