Friday, September 28, 2012

Những bộ phim về tình dục gây nhiều tranh cãi

Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật và sự đồi bại khiêu dâm khiến nhiều bộ phim đề tài này bị phản đối gay gắt. Một vài tác phẩm trong số đó giành được giải thưởng lớn tại những LHP uy tín như Cannes hay Berlin.

1. In The Realm of Senses (1976)

In The Realm of Senses là một bộ phim hợp tác giữa Pháp và Nhật vào năm 1976 và được thực hiện bởi đạo diễn danh tiếng người Nhật Bản Nagisa Oshima. Dựa trên một câu chuyện có thật của một cô gái điếm, In The Realm of Senses lấy bối cảnh tại thủ đô Tokyo vào năm 1936, xoay quay Sada Abe - một cô gái điếm đã giải nghệ giờ làm người phục vụ trong khách sạn. Chủ khách sạn là Ishida gạ gẫm cô và cả hai bước vào mối quan hệ tình cảm mãnh liệt. Ishida đã bỏ vợ và gia đình để theo đuổi Abe. Còn Abe, cô ngày càng muốn sở hữu và chiếm đoạt Ishida một cách cuồng nhiệt.

"In The Realm of Senses" đưa người xem bước vào lãnh địa của những cảm xúc trần trụi nhất. Ảnh: Argos Films

Ngay từ khi vừa mới ra mắt, In The Realm of Senses đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại nước Nhật bởi những cảnh quay trần trụi. Nữ diễn viên chính Eiko Matsuda thậm chí còn bị cấm trở về nước và cô đã phải lưu lạc trong suốt 20 năm. Được trình chiếu tại LHP Cannes nhưng In The Realm of Senses đã bị nhiều nhà phê bình đánh giá là một bộ phim porno.

Phải tới vài năm sau, bộ phim này mới được công nhận là một tác phẩm nghệ thuật. Khai thác tâm lý của con người và đời sống tình dục một cách trần trụi, In The Realm of Senses thực sự đưa người xem bước vào lãnh địa của những cảm xúc mãnh liệt nhất, chân thực nhất của các nhân vật. Phim cũng tạo nên một cuộc cách mạng về tình dục tại nước Nhật lúc bấy giờ.

2. Romance (1999)

Nữ đạo diễn Catherine Breillat rất táo bạo khi mời nam diễn viên phim khiêu dâm Rocco Siffredi xuất hiện trong bộ phim Romance của mình. Khi anh bạn trai ủy mị từ chối làm tình với Marie, cô đã tìm đến những người đàn ông khác để thỏa mãn dục vọng của mình. Với Marie, đó là một chuyến đi khám phá tình dục, khám phá những khao khát kìm nén bên trong một người phụ nữ và khám phá chính bản thân mình.

Cảnh trong phim "Romance". Ảnh: Trimark Pictures Inc

Romance được xếp vào loại R (cấm trẻ em dưới 17 tuổi) khi được trình chiếu tại Mỹ và một số nước châu Âu. Các nhà phê bình danh tiếng đã đánh giáRomance như là một trong số những bộ phim táo bạo nhất thế giới. Cống hiến cho khán giả những hình ảnh mang tính nghệ thuật cao, tác phẩm này đã được đề cử cho giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Liên hoan phim độc lập của Anh quốc vào năm 1999.

3. Pola X (1999)

Được dựa trên tiểu thuyết Pierre: or, The Ambiguities của tác giả Herman Melville, nhân vật chính của Pola X là Pierre - một chàng trai trẻ sống với mẹ tại một tòa lâu đài ở Normandy gần sông Seine. Mỗi buổi sáng, Pierre lái chiếc xe mà anh được thừa kế từ người cha tới thăm Lucie - vị hôn thê của mình. Một đêm, trên đường tới nhà Lucie, Pierre gặp một người phụ nữ rất đẹp trong rừng. Cô ấy nói rằng mình chính là người em gái đã thất lạc từ lâu của Pierre. Sắc đẹp của cô gái khiến Pierre mê mẩn và anh lao vào một thứ tình cảm kỳ lạ, không lối thoát và đầy bi kịch.

"Pola X" có sự tham gia của huyền thoại điện ảnh Pháp Catherine Deneuve. Ảnh:WinStar Cinema

Pola X được coi là bộ phim hay nhất của tài tử đoản mệnh Guillaume Depardieu. Với những cảnh quay làm tình trần trụi và gây sốc, Pola X đã khiến người xem thực sự choáng ngợp trước cách xây dựng câu chuyện táo bạo của đạo diễn Leos Carax. Phim có sự tham gia của huyền thoại màn bạc Pháp - Catherine Deneuve. Pola X từng được chọn để tham dự Liên hoan phim Cannes vào năm 1999.

4. Baise Moi (2000)

Ngay từ cái tên - Baise Moi, phim đã gây được sự tò mò của người xem và tạo nên những con sốt mạnh mẽ trên thị trường phim ảnh ngay từ khi mới ra mắt. Nhân vật chính của phim là hai cô gái làng chơi Nadine và Manu. Một trong hai cô gái là Manu không những bị bạn trai đối xử tệ bạc, mà sau đó còn bị một bọn côn đồ cưỡng bức rất dã man. Còn Nadine thì trọng thương sau một vụ hãm hiếp. Hai cô gái đã hợp lại với nhau và quyết tâm đi trả thù những gã đàn ông khốn nạn. Bằng vẻ đẹp cơ thể, họ đã quyến rũ các nạn nhân để rồi bắn chết từng người trong số họ.

"Baise Moi" đề cập tới tình dục và bạo lực thông qua cuộc trả thù của 2 cô gái điếm. Ảnh:FilmFixx

Tính dục và bạo lực của Baise Moi được phơi bày trên màn ảnh không chút ngần ngại và che giấu. Đó chính là lý do khiến bộ phim bị cấm chiếu ở rất nhiều nước trên thế giới. Phim được thực hiện bởi hai đạo diễn Virginie Despentes và Coralie Trinh Thi - một người gốc Việt. Sự tham gia diễn xuất của nhiều ngôi sao cấp ba cũng khiến cho bộ phim từng bị giới truyền thông liệt vào hàng phim đồi trụy, bạo lực khiêu dâm.

Tuy nhiên, thực tế đạo diễn của Baise Moi muốn truyền tải một vấn đề xã hội bằng cách trần trụi và chân thực nhất để giúp người xem cảm nhận được về cuộc sống của những cô gái bị xã hội coi là cặn bã. Có thể nói Baise Moi giống như là một phiên bản mạnh mẽ hơn của bộ phim nổi tiếng Thelma & Louise.

5. Intimacy (2001)

Jay là một bartender bị ruồng bỏ bởi chính gia đình của mình do vợ anh đã hết hứng thú với mối quan hệ của họ. Giờ đây khi cô đơn sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, hàng tuần Jay đều làm tình với một người phụ nữ mà đến cái tên anh ta cũng không hề biết. Mới đầu họ tìm đến nhau chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục, nhưng về sau Jay phát hiện ra rằng anh đã yêu người phụ nữ đó. Nhưng Claire - tên thật của người phụ nữ đó - lại đã có gia đình và một cậu con trai. Jay đã quyết định chấm dứt mối quan hệ của họ...

"Intimacy" đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim lớn. Ảnh: Empire Pictures Inc

Intimacy đã giành giải thưởng Gấu Vàng dành cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Berlin vào năm 2001. Nữ diễn viên Kerry Fox đồng thời giành Gấu Bạc cho Nữ diễn viên xuất sắc. Intimacy khai thác khía cạnh sex có phần hơi trơ trẽn nhưng cũng không kém sự tinh tế. Người xem bị lôi cuốn vào những diễn biến và sự thay đổi tâm trạng của hai nhân vật chính, mỗi khi họ làm tình. Việc sử dụng nhạc nền là những ca khúc pop nổi tiếng ở thập niên 70 và 80 điểm thêm tính nghệ thuật cho phim.

6. The Piano Teacher (2001)

Động chạm vào những vấn đề cấm kỵ trong cuộc sống, The Piano Teacher đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau và cả những lời chỉ trích gay gắt. Từ cuốn tiểu thuyết Die Klavierspielerin của nữ tác giả Elfriede Jelinek, đạo diễn lừng danh Michael Haneke đã khắc họa rõ nét những xúc cảm dục vọng giữa một giáo viên dạy dương cầm ở tuổi trung niên và cậu học trò trẻ tuổi. Những cảnh quay mạnh bạo kích thích thần kinh của người xem đến cao độ. Nhưng trên hết, khi phim kết thúc để lại trong người xem ấn tượng về một câu chuyện tình yêu đẹp và mang màu sắc buồn bã.

"Cô giáo dạy dương cầm" là một bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Pháp và Áo kết hợp sản xuất. Ảnh: Kino International

The Piano Teacher là một trong số những bộ phim có đề tài về tình dục giành được nhiều giải thưởng điện ảnh nhất. Phim đã đoạt hàng chục giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có 3 giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2001. Tính dục trong The Piano Teacher rất đậm nét, nhưng không tạo nên cảm giác tục tĩu, trơ trẽn mà trái lại đầy tính nghệ thuật từ góc quay, cảm xúc và tâm trạng được thể hiện qua diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên chính.

7. Ken Park (2002)

Xoáy sâu vào đời sống thực tế của nhiều thanh niên trẻ ở Mỹ, Ken Park vẽ nên một bức tranh chân thực về giới trẻ mà ít ai có đủ can đảm đưa nó lên màn ảnh. Phim xoay quanh những con người trẻ tuổi và mối quan hệ của họ với gia đình, bè bạn và những khám phá tình dục ở tuổi dậy thì. Ken Park cho thấy rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ toàn màu hồng, mà đôi khi chúng ta nên nhìn nhận và dũng cảm đối mặt với thực tế đầy bi kịch.

"Ken Park" đề cập tới nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại. Ảnh: Vitagraph Films

Bốn người bạn trẻ Shawn, Tate, Peaches và Claude đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn trong cuộc sống thường ngày như quan hệ tình cảm nam nữ, bạo lực, tự sát ở tuổi vị thành niên, giết người,... Kinh phí hạn hẹp chỉ có 1,3 triệu USD nhưng cảm xúc mà Ken Park đem tới cho người xem dường như là vô giá. Cuộc sống hiện đại với những mối quan hệ dễ dãi, sự thờ ơ lãnh đạm giữa người với người chính là nguyên nhân dẫn tới bi kịch của những người trẻ tuổi.

8. 9 Songs (2004)

Trong số những bộ phim về đề tài tình dục gây nhiều tranh cãi nhất không thể không nhắc tới 9 Songs của đạo diễn người Anh Michael Winterbottom. Bộ phim kể một câu chuyện tình yêu kéo dài 12 tháng giữa Matt - một nhà khí hậu học người Anh và cô sinh viên thực tập người Mỹ Lisa. Họ gặp gỡ nhau tại một buổi trình diễn âm nhạc tại London và sau đó, cả hai đã lao vào một tình yêu đầy đam mê, nhục dục.

"9 Songs" từng bị báo chí nước ngoài nhận xét là "mấp mé giữa ranh giới nghệ thuật và sự khiêu dâm". Ảnh: Optimum Releashing

Điểm độc đáo nhất của 9 Songs chính là cách dẫn dắt câu chuyện. Trong suốt bộ phim, khán giả được thưởng thức 9 ca khúc nhạc rock and roll được thể hiện bởi 8 ban nhạc. Xen giữa những màn trình diễn đó là các cảnh làm tình nóng bỏng và đầy cảm xúc của Matt và Lisa. Những bản nhạc lúc nhẹ nhàng êm dịu, lúc lại mạnh mẽ đầy kích động cũng thể hiện cho những trạng thái tình dục của con người: từ khúc mào đầu mơn trớn cho tới lúc hưng phấn tột độ.

9. Shortbus (2006)

Từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes vào năm 2006, Shortbusthuộc thể loại tâm lý hài do đạo diễn John Cameron Mitchell thực hiện. Lấy bối cảnh tại thành phố New York ồn ào, phồn hoa, phim là câu chuyện về 7 con người xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Họ gặp gỡ tại quán bar Shortbus dành cho người đồng tính và tìm đến với nhau. Không đơn thuần là một bộ phim có đề tài tình dục thông thường, Shortbus còn lột tả một cách sâu sắc nỗi cô đơn của những con người luôn kiếm tìm ý nghĩa thực sự của tình dục trong cuộc sống riêng của họ.

Bên cạnh yếu tố tính dục, "Shortbus" còn khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Ảnh: THINKFilm

Chuyện chăn gối của những người đồng tính được thể hiện trong Shortbus có phần táo bạo khiến nhiều khán giả có cảm giác ghê tởm. Không ít người cho rằng đây chỉ là một bộ phim cấp ba không hơn không kém.

Tuy nhiên, những nhà phê bình điện ảnh lại đánh giá rằng đây là một bộ phim có nhiều giá trị sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh. 7 con người với 7 thân phận khác nhau nhưng đều có một điểm chung là muốn khám phá dục vọng của bản thân. Shortbus đã giành được nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế lớn và nhận được nhiều lời khen ngợi từ các chuyên gia điện ảnh hàng đầu.

10. Antichrist (2009)

Được đề cử tranh giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 2009, không giành giải nhưng Antichrist là bộ phim gây nhiều tranh cãi và để lại ấn tượng nhất. Phim bắt đầu bằng hình ảnh một cuộc làm tình cuồng nhiệt của một đôi vợ chồng. Họ quấn lấy nhau như những con thú mà không hề nhận ra cậu con trai nhỏ của họ đã chết khi lao ra ngoài cửa sổ và rơi xuống mặt đất phủ đầy tuyết trắng. Quá đau xót, hai vợ chồng lui về ở ẩn trong một căn nhà nhỏ sâu trong rừng. Từ đây hàng loạt hiện tượng kỳ bí đã xảy ra với họ.

"Antichrist" của đạo diễn Lars von Trier đã gây ra biết bao tranh cãi trong dư luận tại Liên hoan phim Cannes 2009. Ảnh: IFC Films

Antichrist khiến khán giả như phiêu bồng với những hình ảnh đầy tính nghệ thuật ghi lại cuộc truy hoan của đôi vợ chồng trong phim. Nhưng phim cũng gieo rắc một nỗi sợ hãi và ám ảnh bởi những cảnh rùng rợn kích thích cao độ thần kinh của người xem. Antichrist khai thác tới tận cùng cảm xúc tối tăm nhất trong mỗi con người và biến nó trở thành một nỗi bi phẫn ngọt ngào, đưa người xem đến với nhiều cung bậc trạng thái tâm lý khác nhau.

Phim đã giành tới gần 20 giải thưởng điện ảnh quốc tế. Nữ diễn viên chính Charlotte Gainsbourg được vinh danh tại Liên hoan phim Cannes 2009 với danh hiệu Nữ diễn viên xuất sắc.


In the Realm of Senses
  25.0%
1,530 phiếu
Romance
  8.4%
514 phiếu
Pola X
  7.4%
451 phiếu
Baise Moi
  6.3%
384 phiếu
Intimacy
  1.9%
116 phiếu
The Piano Teacher
  8.3%
506 phiếu
Ken Park
  3.2%
193 phiếu
9 Songs
  15.6%
951 phiếu
Shortbus
  6.5%
400 phiếu
Antichrist
  17.5%
1,068 phiếu

No comments:

Post a Comment