Monday, September 10, 2012

Tổng Thống Obama: Ông Là Ai?

Năm 2004, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, Al Gore, ra tranh cử với chiến lược huy động khối thiểu số da màu, lao động, di dân, người nghèo. Một chiến lược mà người Mỹ gọi là “populist”, mang nặng mùi mỵ dân. Ông tìm được một chính khách da đen trẻ, có nhiều tương lai, để đọc bài diễn văn chính trong đại hội đảng Dân Chủ. Đó là nghị sĩ tiểu bang Illinois, Barack Obama, một chính khách cả thế giới chưa bao giờ nghe tên, ngoại trừ một khu vực dân da màu phiá nam Chicago.


Nghị sĩ Obama đọc một bài diễn văn có thể nói là “tạo thời thế”. Cả trăm triệu dân Mỹ bị hút hồn bởi bài diễn văn thật ý nghiã, đáp ứng những ước vọng sâu xa nhất của dân Mỹ. Ông tuyên bố đại ý “không có một Hoa Kỳ bảo thủ hay một Hoa Kỳ cấp tiến, không có một Hoa Kỳ đỏ (Cộng Hòa) hay một Hoa Kỳ xanh (Dân Chủ), mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”. Không ai để ý đến tính mâu thuẫn: một bài diễn văn kêu gọi đoàn kết toàn dân trong đại hội đảng tổ chức để tấn phong ứng viên chống một đảng khác, giữa một rừng diễn văn sỉ vả đảng đối nghịch.


Quan trọng hơn cả là cách đọc diễn văn cực hùng hồn của ông. Người ta nói ông Obama đã nghiên cứu và học cách đọc từ các mục sư da đen nổi tiếng hùng biện như Martin Luther King và Jesse Jackson, rồi sau này Jeremiah Wright. Lúc trầm lúc bổng, khi nhanh khi chậm, lập đi lập lại những câu chủ chốt, dùng những danh từ và hình ảnh dao to búa lớn nhiều khi chẳng ai hiểu là gì,

… Từ một chính khách hoàn toàn vô danh, tên tuổi Barack Obama nổi lên như cồn. Trở thành ngôi sao sáng nhất đảng Dân Chủ. Được mời đi đọc diễn văn trên khắp nước.
Năm 2006, lợi dụng cơ hội ngàn vàng, nghị sĩ Obama quyết định ra tranh cử thượng nghị sĩ liên bang. Ông dễ dàng đắc cử cuộc bầu sơ bộ Dân Chủ, rồi hạ luôn ứng viên Cộng Hoà trong một địa bàn mà cử tri da đen chiếm hơn hai phần ba dân số, trở thành một trong hai thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho tiểu bang Illinois.

Ngồi chưa nóng ghế, thượng nghị sĩ Obama đã nhẩy ra tranh cử tổng thống chưa đầy hai năm sau. Đối thủ của ông trong nội bộ đảng đều là các chính khách nặng ký: TNS John Edwards (cựu ứng viên phó của John Kerry năm 2004 chống Bush), TNS Joe Biden (bây giờ là phó tổng thống), một lô nhân vật kỳ cựu nữa, và nhất là cựu đệ nhất phu nhân, Hillary Clinton. Không ai nghĩ ông Obama có một mảy mai hy vọng nào. Chỉ là một loại ngựa non háo thắng hay ếch ngồi đáy giếng, không biết trời cao đất rộng.


Nhưng con ếch đó đã chứng minh tất cả mọi người đều sai lầm hết. TNS Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Leo lên ngôi vị tột đỉnh với vỏn vẹn hai năm trên sân khấu chính trị. Hoàn toàn nhờ tài đọc diễn văn, không hơn không kém. Chỉ vạch rõ yếu điểm lớn nhất của thể chế dân chủ Mỹ: bầu người lãnh đạo dựa trên khả năng mồm mép trong khi chẳng ai biết người đó là ai, dù đất nước đang trực diện khủng hoảng kinh tế lớn nhất thế kỷ.

Tốc độ leo thang của TT Obama nhanh đến mức chẳng ai kịp nhìn ra quá khứ của ông, để rồi chẳng ai biết rõ ông là ai. Người ta chỉ say sưa với chủ trương “ba phải” đại đoàn kết mà chẳng hiểu ông có quan điểm chính trị như thế nào, có khả năng gì, và sẽ làm gì để thực hiện đại đoàn kết và thay đổi Hoa Thịnh Đốn. Năm 2008, chẳng ai biết Barack Obama là ai, nhưng lạ lùng thay, đến 2012, sau khi đã làm tổng thống ba năm rưỡi, ông vẫn là câu hỏi vĩ đại.
Trên giấy tờ, ông sanh tại Hạ Uy Di, nhưng gần một phần ba dân Mỹ vẫn cho rằng ông sanh tại Kenya. Ông là nửa trắng nửa đen, nhưng luôn luôn tự nhận, suy nghĩ và hành động, cũng như được coi như là da đen không có một chút trắng nào. Ông khẳng định là Tin lành, nhưng gần một nửa dân Mỹ vẫn cho rằng ông là Hồi giáo.

Đối nội, ông chỉ trích TT Bush vô trách nhiệm vì mắc nợ quá mức, nhưng chính ông tăng công nợ gấp ba lần TT Bush. Ông đả kích bảo hiểm y tế toàn dân của bà Hillary là thiên tả trước khi ban hành bảo hiểm y tế toàn dân còn thiên tả hơn nữa. Ông đòi tăng thuế nhà giàu nhưng lại gia hạn luật giảm thuế của TT Bush.

Ông tranh cử với khẩu hiệu đại đoàn kết toàn dân nhưng mau mắn trở thành tổng thống tạo phân hoá nhất lịch sử Mỹ. Ông bác bỏ những chỉ trích ông theo chủ nghiã xã hội nhưng lại dùng bạn bè và chuyên gia cực tả và cộng sản làm cố vấn hay phụ tá. Ông ủng hộ nhóm Occupy Wall Street trong khi nhận bạc triệu của tài phiệt Wall Sreet.


Đối ngoại, ông chỉ trích TT Bush là cao bồi coi thường đồng minh nhưng cuối cùng quan hệ Mỹ với các đồng minh truyền thống như Anh, Pháp, Đức, Nhật, lạnh như băng đá Alaska. TT Obama chống chiến tranh Iraq, nhưng lại đôn quân vào Afghanistan. Ông tố giác TT Bush vi phạm công pháp quốc tế khi đánh Saddam Hussein, nhưng chính ông lại ra lệnh tham chiến tại Libya, giết TT Khadafi, mà không cần xin phép quốc hội nhân danh “nhân đạo”, nhưng nhắm mắt trước cảnh cả chục ngàn dân Syria bị thảm sát. Ông kêu gọi một chính sách hoà hoãn, tôn trọng khối Hồi giáo, nhưng tăng gấp mười những tấn công của máy bay không người lái giết khủng bố trên lãnh thổ các nước độc lập như Pakistan, Yemen, giết Bin Laden trên đất Pakistan rồi thông báo cho TT Pakistan sau khi CNN đã phổ biến tin cho cả thế giới. Quan hệ với đồng minh chiến lược Pakistan không khác nào quan hệ mẹ chồng nàng dâu.

Những mâu thuẫn này chỉ khiến thiên hạ ngày càng mù mờ về con người của TT Obama. Ông là Mỹ thật hay Kenya, Tin lành hay Hồi giáo, diều hâu hay bồ câu, ôn hòa hay cấp tiến, bạn dân nghèo hay bạn tài phiệt? Chưa ai có câu trả lời rõ rệt. Cuộc tranh cử năm nay đáng lẽ phải làm sáng tỏ vấn đề khi TT Obama có trách nhiệm báo cáo thành quả cho cử tri, nhưng thực tế, thiên hạ chỉ thấy ông chú tâm đánh đối thủ và lại hứa hẹn tiếp tục.

Với hơn ba tháng trước ngày bầu lại, ta hãy thử xét lại vấn đề.

CON NGƯỜI TT OBAMA

Trước hết, phải nói ngay vấn đề nơi sanh của ông thật ra không có nghiã lý gì nữa. Hiến Pháp Mỹ đòi hỏi

phải sanh tại Mỹ mới được ứng cử tổng thống. Chuyện này quan trọng khi ông Obama còn đang tranh cử, chứ bây giờ thì gạo đã thành cơm từ lâu rồi. Bây giờ có khám phá ra ông sanh tại Kenya thì cũng không tòa nào dám phán ông Obama là tổng thống bất hợp pháp, không ai dám nghĩ đến chuyện truất nhiệm ông vì sẽ chỉ tạo ra đại loạn với tất cả dân da màu xuống đường đốt phá chống lại cái mà họ sẽ gọi là âm mưu kỳ thị da đen của Mỹ trắng. Hàng triệu dân cấp tiến sẽ đồng ý. Nước Mỹ sẽ đi vào đại loạn.

Tranh cãi về vấn đề tôn giáo của ông cũng sẽ chẳng đi đến đâu. TT Obama sẽ vẫn tiếp tục khẳng định mình là Tin Lành, nhưng quá khứ ông vẫn còn quá nhiều liên hệ với Hồi giáo, để rồi vấn đề sẽ còn được tranh cãi suốt lịch sử Mỹ.

ĐỐI NGOẠI

Cả hai cuốn sách Obamas Wars của nhà báo kỳ cựu Bob Woodward (người khui ra vụ Watergate khiến TT Nixon mất chức), và The Obamians của nhà báo James Mann đều ghi nhận TT Obama không bao giờ lấy quyết định trong các buổi họp nội các, chỉ ghi nhận ý kiến, đặt câu hỏi, rồi cho biết sẽ suy nghĩ và quyết định sau. Sau đó, ông gặp nhóm phụ tá thân tín, thảo luận lại, rồi mới lấy quyết định.

Ê-kíp đối ngoại của TT Obama thực sự là một nhóm thanh niên cấp tiến trẻ, khoảng tuổi ba mươi, với những tên lạ hoắc đối với quần chúng, như Denis McDonough (lo về an ninh), Michael McFaul (Nga và Đông Âu), Stuart Levey (Iran và Bắc Hàn), Greg Craig (người xúi TT Obama ký sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo), Mark Lippert (trung úy hải quân, thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia!), Samantha Power (nhân quyền), Suzan Rice (Liên Hiệp Quốc), Valerie Jarrett (cố vấn đặc biệt). Đây là những người không bao nhiêu kinh nghiệm, không quyền hành, không thông qua quốc hội, nhưng có tiếng nói lớn bên cạnh tổng thống.


Nói trắng ra, nội các với ngoại trưởng Hillary, bộ trưởng quốc phòng Robert Gates, bộ trưởng Y Tế Kathleen Sebelius, bộ trưởng An Ninh Janet Napolitano, … chỉ là mặt nổi với những người có kinh nghiệm và uy tín để trấn an dư luận trong và ngoài nước. Ê-kíp nổi này có khuynh hướng thực tiễn (realist) so với ê-kíp phụ tá đặc biệt trong hậu trường có khuynh hướng lý tưởng hơn (idealist), chủ trương Mỹ cần coi trọng những vấn đề nhân đạo, nhân quyền hơn và can thiệp khi cần thiết.

Sự hiện diện của hai ê-kíp đối nghịch này thỉnh thoảng đưa đến những quyết định tréo cẳng ngỗng mà mọi người đều thấy rõ. Chẳng hạn như TT Obama chỉ trích TT Bush đánh Iraq mà lại quyết định đánh Libya vì áp lực mạnh của các bà Samantha Power và Suzan Rice trong khi bộ trưởng Quốc Phòng Gates chống và ngoại trưởng Hillary dè dặt. Các bà Power và Rice nhìn chính sách đối ngoại của Mỹ với con mắt cấp tiến lý tưởng: Mỹ cần phải “thế thiên hành đạo” vì lý do nhân đạo, trong khi phe thực tiễn lo sợ Mỹ lại dính dáng vào một cuộc chiến với một xứ Hồi giáo nữa.
Rõ ràng là nhóm phụ tá cấp tiến gần gũi với TT Obama có tiếng nói mạnh trong chính sách đối ngoại của tổng thống mặc dù thỉnh thoảng, chủ trương can thiệp cũng gặp những giới hạn thực tiễn như khi Mỹ bó tay nhìn các cuộc đàn áp đối lập tàn bạo nhất tại Syria, và múa võ mồm trước lưỡi bò Trung Cộng.

IRAQ VÀ AFGHANISTAN

Quan điểm rõ ràng duy nhất của TT Obama khi còn tranh cử là bài diển văn chống chiến tranh Iraq mà ông đã đọc năm 2002 trong một lần vận động tranh cử tại Chicago, trước khi TT Bush đánh Iraq, và lời hứa sẽ rút quân càng sớm càng tốt khỏi Iraq. Ông biết quan điểm này gây thắc mắc trong giới lãnh đạo quân sự, và cũng ý thức sẽ tạo thêm mâu thuẫn và ưu tư trong hàng ngũ tướng lãnh nếu ông từ chối yêu cầu đôn quân tại Afghanistan của tướng Petraeus, người hùng Iraq và Afghanistan, nên đành chấp nhận đôn quân tại đây.

TT Obama chỉ trích TT Bush vi phạm nhân quyền khi bắt nhốt và tra tấn khủng bố mà không đưa ra tòa. Nhưng ông lại gia tăng các cuộc đột kích máy bay không người lái, vừa kín đáo vừa tiện lợi hơn, giết luôn cho tiện, kể cả khủng bố có quốc tịch Mỹ. Tránh được những sai lầm của TT Bush khi bắt nhốt rồi tra tấn tù khủng bố.


Ông ý thức được yếu điểm lớn của đảng Dân Chủ, mang tiếng là đảng bồ câu, rất yếu trong vấn đề an ninh, quốc phòng. Trong thời điểm hậu 9/11, ông sẽ không có hy vọng thắng được đảng Cộng Hoà. Do đó ông lựa cuộc chiến Afghanistan và chống Al Qaeda để khoác chiếc áo diều hâu để “cân bằng” quan điểm, vớt điểm với khối độc lập và bảo thủ.

Nhìn cho kỹ, TT Obama vẫn là người thiên về “chủ hòa” trong truyền thống của đảng Dân Chủ. Các quyết định “diều hâu” của ông trong cuộc chiến chống khủng bố, Afghanistan, và Libya, chỉ là những bình phong cần thiết để làm mờ bớt hình ảnh bồ câu quá yếu của đảng Dân Chủ. Mấy ông Na Uy đã nhìn thấu bình phong đó nên mới tặng Nobel Hoà Bình cho TT Obama, một phần để hậu thuẫn TT Obama, phần khác để trói tay ông khiến ông khó thay đổi lập trường.

ĐỐI NỘI

Một đạo diễn Hồ Ly Vọng gốc Tiệp Khắc, Milos Fordman viết trên New York Times, biện hộ TT Obama không theo chủ nghiã xã hội (socialist) như nhiều người chỉ trích. Ông mô tả cuộc sống hãi hùng trong chế độ CS Tiệp như ba giờ sáng bị công an gõ cửa mang đi biệt tăm luôn, và nhiều chuyện kinh hãi khác để xác nhận TT Obama không phải là theo XHCN. Lập luận cực kỳ ngớ ngẩn này được đăng trên New York Times chỉ làm mất thêm uy tín của tờ báo phe ta này thôi. Ông đạo diễn xi-nê-ma này không có một chút ý thức chính trị, đã lẫn lộn tư tưởng xã hội với chế độ CS kiểu Xít-ta-lin. Không ai nói Obama là Xít-ta-lin hết. TT Obama dù muốn cũng không có cách nào ra lệnh FBI nửa đêm gõ cửa bắt công dân Mỹ đi thủ tiêu.


Khối bảo thủ chỉ đả kích TT Obama có tư tưởng thiên tả ở điểm muốn xây dựng một Nhà Nước vú em vĩ đại, tung ra đủ loại thuế để lấy tiền chi trả cho guồng máy thư lại khổng lồ với hàng vạn công chức áp đặt hàng trăm ngàn thủ tục luật lệ mà vẫn vô hiệu, chủ trương mua phiếu cử tri bằng đủ loại trợ cấp, ủng hộ yêu sách của nghiệp đoàn để lấy hậu thuẫn chính trị của họ. Đây là mô thức chính trị của các đảng dân chủ xã hội Âu Châu. Điển hình là tân TT Francois Hollande của Pháp, vừa đắc cử đã mau mắn ra luật tăng thuế tối đa lên 75% lợi tức.

Lời tuyên bố mới nhất của TT Obama, khẳng định sự thành công của các doanh gia là do công sức và giúp đỡ của Nhà Nước phản ánh rõ rệt vai trò Nhà Nước vú em trong triết lý kinh bang tế thế của ông.

Ở đây, người ta thấy TT Obama là người rõ rệt thiên tả theo mô thức Âu Châu. Bộ luật rườm rà gần 3.000 trang cải tổ y tế với Nhà Nước áp đặt bảo hiểm y tế cho toàn dân bất chấp ảnh hưởng trên ngân sách, chi phí y tế chung, suy xụp kinh tế và thất nghiệp, chỉ là một bằng chứng điển hình của mô thức xã hội này.

Giống như chính sách đối ngoại, các chính sách đối nội của TT Obama cũng được ra đời và thực hiện theo kiểu “song hành”, qua một nội các nổi nhưng không có thực quyền, và một ban tham mưu trong hậu trường với các phụ tá, được gọi là Sa Hoàng (csar), phần lớn là thành phần trẻ cấp tiến, có khi cực đoan như ông Van Jones lo về năng lượng sạch trước đây là đảng viên Đảng Cộng Sản Mỹ.
Nói tóm lại, bỏ qua các vấn đề cá nhân của ông, bất chấp những lời hô hào không có đỏ hay xanh, TT Obama hiển nhiên là một chính khách trong thâm tâm có tư tưởng bồ câu, thiên tả nhất trong các tổng thống trong lịch sử cận đại Mỹ. Ông dựng lên một nội các nổi gồm những người có tên tuổi, kinh nghiệm, có tiếng ôn hoà, chủ trương thực tiễn. Nhưng lại đặt niềm tin và lấy quyết định theo nhóm phụ tá và cố vấn trẻ, ít kinh nghiệm và cấp tiến cực đoan hơn.
Nhưng cuối cùng thì ông vẫn là chính trị gia thuần túy, sẵn sàng làm mọi chuyện, nói mọi điều, hứa mọi thứ cần thiết để đạt thắng lợi cá nhân. Câu nói của TT Obama với TT Medvedev nói lên hết: ông đừng làm khó tôi bây giờ, đợi bầu cử xong tôi sẽ dễ nói chuyện hơn.

No comments:

Post a Comment