Monday, September 3, 2012

Mối tình lớn của Trúc 'Mẫu hậu' và trùm Năm Cam

Giới giang hồ nói rằng cuộc đời Năm Cam có nhiều người đàn bà, nhưng chỉ có Trúc 'Mẫu hậu' là người đàn bà mà ông không bao giờ có thể thay thế.

Ngày Năm Cam bị đưa ra xét xử, đứng trước vành móng ngựa cùng ông trùm tội phạm Năm Cam, có 3 người đàn bà hết sức đặc biệt. Cả ba người đàn bà đang rầu rĩ trước tòa ấy là ba nhân vật hết sức đặc biệt trong giới xã hội đen và có vị trí trong thế giới ngầm, chỉ kém mỗi ông trùm. Đó là: Trúc "Mẫu hậu", con "Hồ Ly chín đuôi" Kim Anh (theo cách gọi cô nhân tình bé bỏng của chính Năm Cam) và nữ tặc Hà "Trề". Giới giang hồ nói rằng cuộc đời Năm Cam có nhiều người đàn bà, nhưng chỉ có Trúc "Mẫu hậu" là người đàn bà không bao giờ có thể thay thế.

Danh xưng “Mẫu hậu” từ đâu ra?

Trúc “Mẫu hậu” là người đàn bà đã “tặng” cho Năm Giao - một tay anh chị có tầm cỡ, một kỷ niệm đã trở thành biệt danh Năm Dép đầy nhục nhã. Phan Thị Trúc sinh năm 1946, là vợ chính thất của Năm Cam từ khi mới 16 tuổi (khi ấy ông trùm mới 15 tuổi) vốn là một phụ nữ xinh đẹp và hiền lành. Bà là con một người gác-dan (gác cửa ra vào) trường Marie Curie và bà Tư bán trái cây, nhưng khi gặp Năm Cam đã bỏ nhà theo Năm Cam sống ở khu vực trại gà Thanh Tâm cho đến khi có thai đứa con gái là Lan (vợ Hiệp "Phò mã").

Phiên xử Năm Cam và đồng bọn năm 2003

Thời mới lấy nhau, đang bụng mang dạ chửa, Năm Cam đi tù, Trúc phải nuôi cả mình, nuôi cả đứa con trong bụng và cả ông chồng nhí đang ở tù Chí Hòa vì tội giết người. Vì những lý do nặng tình nghĩa từ thuở còn hàn vi như vậy nên Năm Cam dù nổi tiếng là kẻ lăng nhăng cũng không bao giờ bỏ vợ và cũng luôn dành cho Trúc một vị trí cao nhất trong gia đình có đến 3 - 4 dòng con. Khi đã trở thành ông trùm của thế giới ngầm, Năm Cam vẫn không dám làm buồn lòng vợ chính. Nhờ vậy, biệt danh “Mẫu hậu” ra đời, kèm theo uy lực trong hệ thống tập đoàn Năm Cam.

Máu tham đã làm cho Trúc “Mẫu hậu” kiếm thêm tiền bên cạnh hoạt động của chồng bằng cách cho vay và cầm cố tài sản của những con bạc “khát nước”. Khi Năm Cam bị bắt năm 1995, hoạt động tài chính của gia tộc Năm Cam cũng không vì thế mà bị đình trệ nhờ vào tài năng quản trị của Trúc và con rể (ông phò mã nổi tiếng). Giang hồ sợ uy của Năm Cam nên hết lòng xưng tụng “chị Năm”, “mợ Năm”. Chính vì vậy mới xảy ra việc Năm Giao hỗn hào bị Trúc nhờ Lai Em điệu cổ về cho Trúc rút dép tát vào mặt.

Năm Cam từng kể lại một chi tiết, thấy Năm Cam bồ bịch vợ lớn vợ bé tối ngày, nghe lời Kim Anh và Hà "Trề", bà vợ chính của Năm Cam bèn bỏ ra 10 triệu đồng để đi tân trang nhan sắc đã bước qua ngưỡng “tri thiên mệnh” nhằm mục đích giữ chân ông chồng háo sắc. Vì chuyện này, Năm Cam giận dữ bèn “cấm vận” Trúc suốt cả 10 ngày...
Cũng vì máu tham, Trúc cãi lời chồng khi Năm Cam sắp bị bắt nên phải trả giá đắt: Năm Cam dặn vợ lập tức hủy ngay cuốn sổ bìa đỏ ghi chép đầy đủ những họ tên và số tiền nợ trong thời gian dài hoạt động cờ bạc của tập đoàn. Nhưng xót của, Trúc chỉ giấu mà không hủy nên khi bị bắt, khám xét, thị không còn cách nào chối cãi! Ấy vậy khi gặp nhau trong trại giam, dù cơ hội ấy hết sức hiếm hoi, hai vợ chồng không hề trách nhau dù chỉ là một tiếng! Với Năm Cam, chỉ có Phan Thị Trúc là vợ, và ngược lại...

Trúc "Mẫu hậu" khi còn thụ án.

Duyên chòm xóm, nghĩa vợ chồng...

Hồi Năm Cam chưa giàu có, gia đình chui rúc trong cái xóm ổ chuột. Sau này khi có được một chút, việc đầu tiên Năm Cam làm là: dọn nhà ra khỏi khu hẻm Sáu Căn.

Giải thích cho việc này, Năm Cam chỉ nhún vai với giọng khôi hài: “Cứ ở đây miết, trong xóm lấy trong xóm... tới lúc nào mới ngửa mặt nhìn đời nổi, hồi đó tụi mình cũng vậy... vợ chồng cùng xóm không hà!”. Quả thực, như một phong trào, thanh niên nam nữ thời Năm Cam có đi đâu xa hơn con đường Tôn Đản để kén vợ tìm chồng?

Thoạt đầu anh Mười Côn Lôn với mã ngoài đẹp trai, đàn giỏi hát hay đã cưa đổ chị Kiên cùng xóm. Họ nên vợ nên chồng bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ chị Kiên vốn sợ có một anh con rể là dân anh chị. Kế đến, Nô cao giò lấy chị Nữa - em gái của anh Mười Côn Lôn.

Năm Cam, dù lúc ấy còn là một cậu bé con 16 tuổi, chộn rộn với những cuộc tình đang diễn ra xung quanh của các bậc đàn anh, cũng bắt đầu để ý và xoắn xuýt cạnh một cô gái lớn hơn một tuổi.

Là con của một ông gác cổng trường Maria Curie, Trúc theo chị Kiên vợ anh Mười Côn Lôn đi gánh nước mỗi tối và được mọi người gán ghép với Năm Cam. Một vài lần, họ cùng hẹn hò và cùng nhau uống đậu đỏ, bánh lọt ở gần xóm, một hành động “cả gan” của đôi lứa thuở bấy giờ. Tư Xẩm thương em nên cũng nhờ người đến nói chuyện cùng bà Sáu, mẹ của Trúc. Bà Sáu cau mày trả lời: “Hai đứa còn con nít trân, lấy nhau về rồi sống làm sao?”.

Buồn tình, Năm Cam bỏ nhà đi bụi...

Vợ chồng Bảy Long vốn thương Năm Cam như em thời còn ở hẻm Sáu Căn, nay họ đã dọn qua khu trại gà Thanh Tâm, bèn cho Năm Cam tá túc. Trúc lén mẹ theo chị Kiên đi qua tìm Năm Cam. Qua được vài lần, Trúc quyết định trốn theo Năm Cam. Năm 16 tuổi - chưa thực sự bước qua tuổi thiếu niên, Năm Cam đã nghiễm nhiên có vợ và động trời hơn - chỉ vài tháng sau Trúc đã có thai!

Bất đắc dĩ, Năm Cam đưa vợ về xóm cũ, Năm Cam đã bắt đầu cú trượt đầu đời. Năm Cam đi tù lần đầu trong đời bởi một tội danh mà thời ấy ai nghe cũng chết khiếp: Giết người!

Khởi đầu gian truân kiếp vợ chồng giang hồ...

“Ê Năm Cam... anh Bảy của mày bị đón đường kìa!” - Rễ Đen một thanh niên ở cùng hẻm chạy hớt hơ hớt hải vào báo.

Buông chén cơm xuống bàn, Năm Cam lật đật chạy ra... Đi ngang ngạch cửa, Năm Cam rút luôn con dao lạn cá của Tư Xẩm dắt từ lúc trưa. Vừa ra đến đầu hẻm 148, Năm Cam nhìn thấy chiếc xe đạp nằm chỏng chơ giữa lộ nhựa. Được, Lót - hai anh em khét tiếng của con đường Tôn Đản đang vây Bảy Xi và Nô "Cao giò".

Chợt Được vung dao, Nô cao giò dính một nhát vào lưng vội co giò chạy. Ngay lập tức, Lót ôm chặt hai tay Bảy Xi cho em trai vung con dao phở chém tới tấp.

Bảy Xi cố vùng vẫy nhưng vô vọng bởi sức khoẻ của Lót hơn anh ta xa nên đã trúng liên tiếp mấy nhát dao, trong đó có nhát ở gần cổ khá sâu, máu loang ướt cả chiếc áo Bảy Xi đang mặc, Bảy Xi coi như chỉ còn chờ chết. Vừa chém hai anh em Lót, Được vừa chửi thề om tỏi.

“Anh Lót, buông anh Bảy tui ra...”, Năm Cam la lớn.

Thay vì buông ra, Lót cười lạt, co giò đạp thằng nhóc phá đám đi chỗ khác. Trong tích tắc, Năm Cam rút dao đâm gần nách Lót với ý đồ làm anh ta bị đau phải buông Bảy Xi ra.

Vừa rút dao ra, máu từ hông nạn nhân vọt ra như ống nước bị bể! Trong nháy mắt, vòng tay ôm Bảy Xi nới lỏng và Lót khuỵu xuống đất. Thấy anh bị đâm, Được khựng lại. Bảy Xi chỉ chờ có vậy, vội giật lấy dao trên tay Năm Cam lao vào. Ở đằng sau, Nô "Cao giò" đã quay lại với khúc gậy tre trên tay vụt thẳng cánh vào tay Được.

Dính cả chục nhát dao vào vùng bụng, Được gục xuống, con dao phở vống ra khỏi tay... “Dọt lẹ!", Bảy Xi nói. Bảy Xi, Nô cao giò và Năm Cam lập tức trốn qua nhà Bảy Long sau khi đi băng bó vết thương.

Ngay hôm sau, Tư Xẩm qua nhà Bảy Long báo cho cả 3 biết: Lót đã chết tại chỗ còn Được đưa đi cấp cứu, chưa biết cụ thể tình trạng sức khoẻ! Nô với bản tính đa tình, đã có cho mình một gia đình thứ ba từ lâu, nay lập tức cuốn gói lên Lái Thiêu để ẩn náu. Bảy Xi dắt em vợ đi theo Nô nhưng nhanh chóng nhận ra khó tồn tại nổi nếu bám vào cây cọc mục là cô vợ bé của Nô "Cao giò". Cô ta chỉ quen được chiều chuộng và chấp nhận làm vợ bé cho gã giang hồ quận 4 này vì có thể dựa hơi gã để sừng sộ với các bạn hàng khác ở chợ. Nay Nô chỉ có thể chường mặt vào ban đêm, không dám to tiếng với cả một đứa trẻ con, cô đâm ra ngán ngẩm và tỏ thái độ không mấy gì niềm nở với cả ba kẻ đào tẩu.

Túng thế, Bảy Xi tìm cách liên lạc với gia đình. Dì Hai Ngọt, chị ruột của mẹ Bảy Xi, đã tìm lên để gặp cháu trai. “Để tao liên lạc với thằng Đạo xem sao!”, Dì Hai Ngọt nói.
Đạo, anh con trai lớn của dì Hai Ngọt, thoát ly gia đình để theo kháng chiến từ sau ngày đạo luật 10/59 của cố vấn Ngô Đình Nhu ra đời, đem máy chém đi khắp nơi chặt rơi khoảng hơn 3.000 cái đầu được coi là cộng sản. Anh Đạo được tổ chức đưa vào chiến khu theo ngõ Tân Uyên Bình Dương. Nghe đâu, anh ta cũng có một chức vụ không xoàng... Dì Hai Ngọt tổ chức đưa cả 3 kẻ đào tẩu đến Bến Cát và tạm thời trú ngụ ở một gia đình có cảm tình với Việt Cộng, vốn đã nhiều lần lui tới thăm con trai nên mạng lưới liên lạc của chiến khu Tam giác Sắt đã thông báo cho Đạo việc mẹ con anh ta đến tìm.

Sau cả tuần lễ chờ đợi, Đạo đột ngột xuất hiện lúc nửa đêm. “Để tôi hỏi ý kiến của tổ chức mới được”, Đạo nói. Gần sáng Đạo ra đi mang theo toàn bộ lý lịch của cả 3 nhân vật đang trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật chế độ Sài Gòn. Ở đây, Bảy Xi và em vợ thắp thỏm chờ đợi trong khi Nô cao giò vẫn không dứt khoát lắm.

“Vào trong chiến khu để làm gì cơ chứ?”, Nô "Cao giò" hỏi. “Ít ra, cũng không ở tù!” - Bảy Xi trả lời ngắn gọn. “Nhưng cũng phải cầm súng đánh nhau, lỡ có gì...” – Nô rụt rè nêu lên ý kiến. “Mẹ kiếp, sống chết có số... Cậu sợ gì?”, Bảy Xi cáu kỉnh. “Nếu thế, thì vào trong chiến khu hay vô tù, có gì khác nhau cơ chứ?”.

“Sao không khác? Ở tù...” - Vừa tính trả lời, Bảy Xi chợt nhận ra Nô "Cao giò" nói có lý. Với ai, có lý tưởng thì vào chiền khu cầm súng là mục đích ở đời, còn với bọn giang hồ đâm chém như gã và Nô "Cao giò", vào tù để sau đó ít lâu trở về xem ra có lý hơn! Tuy vậy, lỡ nhờ dì Hai Ngọt và anh Đạo rồi, cứ chờ xem sao đã.

Năm Cam, với nhận thức còn non nớt của mình, chẳng để ý gì đến cuộc tranh luận của hai ông anh. Tuy nhiên, hắn lại tỏ vẻ thích thú khi được đi đây đi đó, dù có phải trốn chui trốn lủi...

3 ngày sau, đột nhiên người chủ nhà gọi cả dì Hai Ngọt lẫn 3 kẻ trốn chạy vào phòng khách để thông báo: “Ở trong đó, mấy anh không chấp nhận việc bỏ vào chiến khu chỉ vì phạm pháp vì hình sự... Tóm lại, dì đưa mấy chú ấy về đi!”. Cuộc đào tẩu bằng cách trốn vào chiến khu coi như bất thành...

“Coi như để mình tôi chịu cho! Anh Bảy có về lo giùm vợ con tui...”, Năm Cam nói. 3 hôm sau, cả 3 anh em lên xe hơi của luật sư Trần Văn Trai một thành viên của đảng Cần Lao, đến trình diện ở văn phòng dự thẩm. Họ được chuyển qua giam ở Khám Chí Hoà. Sau 18 tháng giam giữ, Năm Cam, Bảy Xi, Nô "Cao giò" bước ra tòa.

Cuộc đảo chính 1.11.1963 lật đổ Ngô Đình Diệm và chế độ gia đình trị đã buộc hàng loạt đảng viên Cần Lao phải đi tù, trong đó có cả ông luật sư Trai, người biện hộ cho Năm Cam. Do nhận việc đâm Được trọng thương, ngoài nhát đâm gây tử vong cho Lót, Năm Cam - dù 16 tuổi, vẫn bị kết án 3 năm tù. Bảy Xi, Nô "Cao giò" được trả tự do ngay tại tòa.

“Em yên chí, hàng tháng anh sẽ trợ cấp cho vợ em nuôi nấng em đầy đủ...” - Bảy Xi vỗ vai Năm Cam hứa môt cách chắc nịch. Bằng tiền bạc và sự vận động, Bảy Xi đưa Năm Cam qua đội Văn Nghệ của Chí Hoà với nhiệm vụ: nhắc tuồng và kéo màn!

Có lẽ trong lịch sử cải lương chưa bao giờ có kẻ nhắc tuồng hoàn toàn mù chữ như Năm Cam và cũng chưa bao giờ có một thằng nhóc vào tù vì tội giết người lại có thể cùng ban Văn Nghệ với nghệ sĩ cải lương số một thời đó: Thành Được.

Thành Được bị tù vì một tội hết sức dở hơi: để trốn lính, ông ta chấp nhận làm mật vụ “kiểng”'cho Trần Kim Tuyến và được cấp một khẩu ruleau. Sau ngày đảo chính, thay vì đi nộp khẩu súng, Thành Được giấu biến đi và nghĩ rằng chẳng ai biết tới... Giai đoạn này, Năm Cam chứng kiến hàng loạt bi hài kịch của các nhân vật chế độ Ngô Đình Diệm bị xộ khám.

Cảnh Ngô Đình Cẩn- cậu út hay còn gọi là Mệ Trầu, nằm co quắp suốt ngày cho đến hôm bị xử bắn, làm Năm Cam rùng mình khi nghĩ đến kết quả của người dính líu đến chính trị.

Ngày chuyển các nhân vật chóp bu của Ngô triều đi Côn Đảo, họ dùng cá hộp, trứng và đủ loại quà cáp để ném vào quân cảnh. Dưới lệnh của trung tá Luyến, Huỳnh Tỳ dẫn toàn bộ du đãng Sài Gòn tấn công vào khu yếu nhân này. Xe đưa họ ra đến cổng, gia đình họ còn làm trở ngại cho chuyến đi bằng cách đổi thật nhiều tiền cắc, tiền đồng vãi ra đường cho trẻ con nhặt.

Huỳnh Tỳ vớ bẫm nhất. Y lấy được hàng loạt hình ảnh vợ con của các nhân vật chóp bu gửi vào cho chồng, tất nhiên mặc toàn đồ tắm và quần áo hở hang. Đối với một tên du đãng, như thế là quá sức ngon lành.

Kim - một cán bộ hành chánh Nha Cải Huấn ghé ngang nhà Bảy Xi gọi ông ta ra nói với nét mặt hớn hở: “Thằng em ông sắp được về rồi... Đang lập danh sách những ai ở được 2 phần 3 mức án sẽ được phóng thích!”. Bảy Xi mừng rỡ lập tức chạy xuống hẻm 148 báo cho vợ cũ - Tư Xẩm và Trúc, vợ Năm Cam biết. Trúc nghẹn ngào nói với chị Tư: “Tội nghiệp con bé Lan, sinh ra không thấy mặt cha... Cũng may anh về tới nơi rồi!”.

Thực vậy, suốt thời gian mang thai đứa con gái đầu lòng đến cận ngày sinh, Trúc vẫn phải bươn chải với gánh trái cây, vừa nuôi chồng ở tù vừa chuẩn bị cho đứa bé sắp ra đời. Đó cũng là lý do suốt thời gian sau này, kể cả khi đã có tiền bạc rủng rỉnh, vợ bé vợ mọn lung tung, Năm Cam vẫn không bao giờ bỏ vợ.

Cận Tết Nguyên Đán, Năm Cam bước ra khỏi cổng Chí Hòa vào một buổi trưa với một mảnh giấy tha tù trên tay. Hắn bước vào một quán hủ tíu mì gọi một tô và một ly cà phê sữa bốc khói để tận hưởng một chút khoái hoạt của đời.

Nhìn đoàn người lũ lượt cả trăm người bước qua trước mặt, Năm Cam chợt thấy lòng nôn nao. Những người này khi vừa ra khỏi cổng, thậm chí không thèm trả giá, trèo lên taxi, xích lô hoặc bất kỳ phương tiện nào để về nhà. Cảm giác tự do làm Năm Cam chợt thấy lòng lâng lâng và muốn hít một hơi đầy lồng ngực cho đã...

Bước xuống taxi dừng ngay đầu ngõ Sáu Căn, Năm Cam đi lững thững vào nhà. Một vài người quen trong xóm nhận ra vẫy tay chào, Năm Cam chỉ biết mỉm cười đáp trả.

Như bất kỳ cuộc hội ngộ nào, nước mắt - nụ cười và tất cả mừng tủi như òa vỡ khi Trúc thấy chồng bước vào nhà. Cuộc rong chơi đầu tiên xa nhà của Năm Cam đã kết thúc vào một ngày giáp Tết đầy ý nghĩa. “Khóc làm gì hoài vậy, lo cho thằng chồng mày ăn uống cái gì đi chứ!”, Tư Xẩm gắt em trong nụ cười đầy lệ.

Nghe tin, Bảy Xi lập tức xuống tìm thăm Năm Cam trên chiếc Mobylette vàng. Kéo Năm Cam lên xe chạy ra chợ Xóm Chiếu ghé vào một tiệm cơm, Bảy Xi ngẩn người nhìn đứa em vợ đã ở tù vì mình.

“Cậu cầm lấy xài tạm, qua Tết tôi sẽ mua cho cậu một chiếc Velo Solex 2000 chạy với người ta!”, Bảy Xi vừa nói vừa dúi vào tay Năm Cam một xấp tiền khoảng 5 nghìn đồng, bằng mấy lần lương tháng của một công chức....

Khi nghe Năm Cam kể lại, Tư Xẩm nhếch mép cười lạt: “Lúc này thằng chả giàu rồi, mở sòng me lớn lắm ở trên Đỗ Thành Nhân... Vậy mà chớ hề lo chút gì cho thằng Thọ, con chả! Con người gì mà vô trách nhiệm hết sức...”.

Ăn trộm mua nhà


2 hôm sau, Năm Cam tìm lên sòng me của Bảy Xi chơi. Tọa lạc trong một con hẻm được mệnh danh là Xóm Cầu Tiêu, sòng me của Bảy Xi hoạt động khá rôm rả. Nhác thấy mặt Năm Cam, Bảy Xi đã lại dúi vào tay đứa em vợ có thành tích một xấp tiền kèm theo lời căn dặn: “Cứ kẹt là cậu lại qua đây, với cậu, tôi không tiếc cái gì!”.

Nhưng để gọi là món tiền phi pháp đầu tiên trong đời, Năm Cam có được hoàn toàn không dính líu gì đến cờ bạc. Sát Tết, Sơn lùn gặp Năm Cam. Đây là một nhân vật quái kiệt nơi khu bến tàu lúc bấy giờ. Cứ mỗi lần đi tù về là Cảnh sát Cảng lại phải đau đầu vì tài ăn trộm của Sơn lùn. “Chú muốn có tiền xài Tết không, theo anh...”, Sơn nói.

Đêm ấy, theo sự hướng dẫn của Sơn lùn, cả bọn gồm Nô "Cao giò", Của "Cọp", Bảy "Trắng", Năm Cam... đột nhập kho hàng của Bến Tàu. Chẳng rõ Sơn lùn có thỏa thuận được với bộ phận bảo vệ kho hàng hay không, Năm Cam chỉ nhớ rằng, việc vào kho hàng cạy tung các kiện để dồn vào túi vải cơ man nào là thuốc tây, máy radio loại nhỏ... sao đơn giản và an toàn đến vậy.

Hàng vác về được tập trung ở nhà Năm Cây khu vực chợ Cầu Cống và Sơn lùn lánh trách nhiệm đi tìm mối tiêu thụ. Đến sáng, tất cả đã được tống khứ và Sơn "Lùn" hẹn: “Bọn Tàu mua hàng hẹn qua Tết mới thanh toán... Đâu có được, rồi lấy gì bọn mình xài Tết”, Của "Cọp" phản đối. Lời Của "Cọp" không phải giỡn chơi. Dẫu sao, ông ta cũng thuộc loại có máu mặt trong giới anh chị Sài Gòn. Lập tức Sơn "Lùn" lại đi vào Chợ Lớn.

Đúng chiều 30 Tết, Sơn "Lùn" đưa toàn bộ nhóm tham gia vụ trộm lên nhà hàng Đồng Khánh để nhận tiền và làm bữa tiệc tất niên tương đối linh đình. “Mỗi người nhận trước 30.000 đồng, mùng 2 Tết sẽ nhận nốt phần còn lại, gấp 3,4 lần thế này...”, Sơn "Lùn" hồ hởi tuyên bố. Lúc ấy một lượng vàng chỉ nhỉnh hơn 5.000 đồng. Ngay lập tức Năm Cam cầm số tiền gặp chị Tư Xẩm để bàn bạc.

Căn nhà 148/31 đã được Năm Cam mua và cũng là căn nhà y làm chủ bằng đồng tiền do chính bản thân kiếm được, bằng ăn trộm!

Rong chơi với tiền do Bảy Xi cung cấp suốt ngày mùng Một, đến hẹn, Năm Cam cùng đồng bọn đi tìm Sơn "Lùn" hỏi tiền. Hỡi ôi, ông vua trộm bến Tàu đã ôm trọn số tiền còn lại, dĩ nhiên là rất lớn, biến mất không một lời từ biệt! Cả bọn ráng chờ đợi và tự an ủi nhau bằng cách cho rằng Sơn "Lùn" đang có công chuyện gì đó, dù chẳng ai tin vào điều này, vì... hài hước!

Năm Cây - người được Sơn "Lùn" tin tưởng gửi lô hàng trước khi giải toả, hóa ra cũng có chút tham lam như bất kỳ ai. Ông và vợ rút bớt một số hàng trong để ngấm ngầm đi tìm mối bán. Khổ nỗi, sau vụ án lớn như vậy, cảnh sát cho người đi điều tra khắp nơi và tìm ra số hàng bị mất khi Năm Cây đi bán. Lập tức Năm Cây bị bắt giữ và lần lượt Nô "Cao giò", Bảy "Trắng", Của "Cọp" bị thộp ngay tại nhà.

Năm Cam thoát cũng nhờ vào Bảy Xi. Mối quan hệ cảnh sát do mở sòng me đã giúp cho Bảy Xi được thông báo về vụ trộm có liên quan đến em vợ. Một số tiền lót tay được tung ra kịp lúc và đúng người, cộng thêm Năm Cam không nằm trong danh sách những tên trộm chuyên nghiệp nên Bảy Xi dễ dàng cứu được y một khoá tù dài đằng đẵng. “Cậu cần gì cứ qua anh, việc gì phải dây vào ba cái vụ trộm cắp mang tiếng mà lỡ có gì tội cho vợ con!”, Bảy Xi vỗ vai em vợ khuyên.

Sau vụ trộm cắp đầu đời, Năm Cam mới thực sự là chủ gia đình và Trúc bắt đầu có được căn nhà cho mình, cho con. Giang hồ là vậy, trộm cắp đi tù xoành xoach, không “thủ” thì lấy gì nuôi con? Trúc vốn là con nhà nghèo nên thu vén khéo, cùng với chị Tư Xẩm, cả hai bắt đầu xây dựng một gia đình lớn. Năm Cam yên tâm cho bước khởi đầu của cái gọi là “sự nghiệp trùm cờ bạc” của mình.

No comments:

Post a Comment