Trong hơn một tuần vừa qua, chúng ta nghe nói nhiều đến Bùi Chát với tư cách người sáng lập và điều hành nhà xuất bản Giấy Vụn, người được vinh dự nhận giải Tự do Xuất bản của Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế tại Argentina vào ngày 25 tháng 4; và cũng là người mới bị công an Việt Nam bắt giữ khi vừa từ Argentina về đến phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 8 giờ tối ngày 30 tháng 4. Nhưng không nên quên Bùi Chát, trước hết, và có khi sau cùng, là một nhà thơ.
Bùi Chát là nhà thơ trong cách sống: lúc nào cũng lơ mơ và phất phơ; trong thái độ: vừa ngây thơ nhưng lại vừa quyết liệt; trong cách làm việc (thật ra, cho đến nay, việc duy nhất anh làm, ngoài việc làm thơ, là làm nhà xuất bản Giấy Vụn): theo đuổi cái đẹp; trong niềm tin: dường như, với anh, cái đẹp và cái thiện là một; thậm chí, cuộc sống và cái đẹp là một; và trong cách viết: anh hiếm viết cái gì khác ngoài thơ.
Thơ của Bùi Chát có hai khuynh hướng rõ rệt: Thứ nhất, thử nghiệm về kỹ thuật, bao gồm hai yếu tố chính: một, sử dụng loại ngôn ngữ và chất liệu rất đời thường, đầy bụi bặm, ngoài vỉa hè, hay nói theo cách nói của anh, những thứ bị người đời cho là chất dơ hay rác rưởi, thường bị vất ngoài nghĩa địa; hai, kỹ thuật nhại (pasticle) và giễu nhại (parody): lấy nguyên bài thơ hay một phần bài thơ của người khác, chỉ thêm vào một ít chữ để thành một bài thơ mới với giọng điệu và chủ đề khác hẳn, thường mang tính chất giễu cợt và phê phán: giễu cợt để phê phán. Thứ hai là những bài thơ nặng về thế sự, lúc anh quên những nỗ lực cách tân về hình thức, chỉ nhằm bộc lộ những ý nghĩ và cảm xúc về những vấn đề khiến anh trằn trọc và day dứt; trong đó, có rất nhiều vấn đề liên quan đến chính trị.
Hôm nay, nhân nghe tin anh bị công an Việt Nam bắt giữ lúc mới đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi xin trích lại vài bài thơ thuộc loại "thế sự" trong tập thơ mới nhất của anh, Bài thơ một vần / One-rhyme poems (2009). Coi như một món quà tặng bạn đọc để bạn đọc có thể hiểu thêm về Bùi Chát; một người, cho đến nay, chúng ta biết rất rõ về tài năng với tư cách một thi sĩ, nhưng lại hoàn toàn mù mờ về số phận của anh, với tư cách một công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vốn lúc nào, trên giấy tờ, cũng toòng teng mấy chữ: "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc".
No comments:
Post a Comment