Friday, October 26, 2012

Bưu điện đầm ấm ở Little Saigon

Nhân viên bưu điện ở Little Saigon kiêm luôn phiên dịch "Chú ơi, chú không được gửi bằng bao dán nhãn UPS", hoặc tư vấn "Để tôi chỉ cho cách này tiết kiệm này", có lúc như người nhà "Chị Bảy, chị gửi quà cho cháu ngoại đấy à?"

Ông Raymond Tran là một lý do chính khiến bưu điện Westminter ở Little Saigon được yêu mến trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ảnh: Los Angeles Times

Little Saigon là nơi giao lưu và liên kết những người gốc Việt sinh sống tại Mỹ từ những năm 1990, và có một nơi kết nối tất cả những người Việt ở quận Cam, bang California, đó là bưu điện Westminster ở Little Saigon.

Khung cảnh thường thấy ở đây là các bà các mẹ thường viết thư cho những người thân hàng tuần và chờ đón những lá thư cứ như những cuộc đoàn tụ. Những người không kiếm đủ tiền để mở một tài khoản ở ngân hàng thì đứng đợi bên cạnh quầy để đợi nhận tiền bảo trợ. Những người già được phép tiến đến quầy mà không cần xếp hàng.

Với cư dân của cộng đồng gốc Việt, bưu điện nhỏ bé này là trung tâm của thông tin, là nơi để gặp gỡ, để khách phương xa đến và được tư vấn về địa điểm ăn ở, du lịch.


Vào thời đại Internet, gần 10.000 giao dịch, bao gồm thanh toán hóa đơn, thư tình, gửi hàng hóa, vẫn diễn ra sôi nổi hàng tháng tại bưu điện Westminster, chi nhánh nằm trong top 3 điểm vận chuyển nhiều nhất ra nước ngoài của hãng chuyển phát nhanh FedEx.

Bưu điện với ánh sáng vừa phải, nằm lọt thỏm giữa trường Giao thông Little Saigon, một đại lý du lịch và một quán bar. Bên trong bưu điện rất chật chội. Khách hàng cân những kiện hàng đầy ắp trái cây hoặc rau củ gia vị để gửi cho người thân, bạn bè. Những người khác xếp hàng chờ đợi, kéo dài ra đến tận cửa, trong lúc chờ đợi, họ so sánh giá xoài hay nói chuyện về những băng đĩa nhạc Việt Nam.

Nhân viên ở bưu điện kiêm luôn phiên dịch: "Chú ơi, chú không được gửi bằng bao dán nhãn UPS" hoặc có lúc giữ vai trò tư vấn: "Để tôi chỉ cho cách này tiết kiệm này", có lúc như người nhà: "Chị Bảy, chị gửi quà cho cháu ngoại đấy à?"

Một số khách hàng phải lái chiếc xe đắt tiền vòng quanh bãi đỗ xe chật chội và chờ đợi một chỗ trống. Thỉnh thoảng khi những người này ra về, họ đưa những người già đi qua bến xe buýt để đỡ được một đoạn đường đi bộ. Những người khác chủ yếu đi xe đạp.


"Họ ổn định cuộc sống tại đây", nhân viên bưu chính Raymond Tran, 48 tuổi, nói về những người Việt nhập cư đổ về Little Saigon trong những năm qua. "Công việc kinh doanh đưa họ đến đây nhưng họ có nhiều mối quan hệ khác. Và chúng tôi ở đây, chúng tôi đã thân thuộc với họ trong nhiều năm nay".

Tran coi bưu điện như một phần cuộc sống của mình, ông bắt đầu làm việc ở đây từ năm 1991. Không ai gọi Tran theo họ, mà luôn gọi tên thân mật của ông là Raymond. Ông đã giúp ba thế hệ trong các gia đình gửi đi những bức thiệp chúc mừng ngày lễ hoặc giữ liên lạc với những người hàng xóm cũ đã chuyển nhà đi. Bọn trẻ đòi ông cho kẹo và khi chúng vào đại học, ông chuyển cho chúng những kiện hàng từ gia đình. Khi chúng về, ông nhắc chúng phải luôn giữ liên lạc.

Một tuần mới lại bắt đầu, trời nóng bức và các khách hàng phe phẩy quạt khi bước vào bưu điện. Có người bế những đứa bé còn ẵm ngửa, có người đến với một mớ lộn xộn. "Raymond sẽ đóng gói giúp chúng tôi, ông ấy luôn làm như vậy", một người phụ nữ gửi những quyển sách và tạp chí cho một người bạn ở Ohio nói. Ohio là nơi mà các thông tin về Việt Nam là rất quý hiếm.

Ba nhân viên đứng ở quầy tiếp đón và Tran đứng ở cạnh cửa sổ góc xa, góc quen thuộc của ông. Từng người một tiến lên phía trước. "Tôi muốn gửi cái này cho anh trai tôi ở Pháp, có đắt lắm không?", "Tôi không biết mã bưu điện của Arizona, ông có thể tra giúp tôi không?".

Chức danh chính thức của Tran là trợ lý bán hàng và phục vụ, nhưng cao hơn thế, ông là người trả lời mọi câu hỏi, là vị "đại sứ thiện chí" với những người ở đây. Ngoài tiếng Việt, ông còn nói được tiếng Quảng Đông và tiếng phổ thông Trung Quốc.


"Chào ông", ông Tran chào Chau Nguyen và em gái của ông khách hàng. Họ có có một thùng mực khô, lạp xưởng và giò. Họ muốn gửi đến Houston cho người nhà đang rất mong đợi. Tran nhìn thùng hàng và nói: "Đừng dùng thùng này, thùng này hết 64,45$, chỉ cần thùng 39,95$ là được. Nhưng ông phải đóng gói lại, chặt chẽ vào".

Người khách tiếp theo bước lên. "Chào cô. Cô có biết về những con tem đặc biệt này không?". Ông giới thiệu cho vị khách một phong bì đậm màu, trên có dán con tem nghiên cứu về bệnh ung thư vú, giá đắt hơn 11 xu so với con tem hạng thường. "Khi cô mua con tem này, Viện Sức khỏe Quốc gia sẽ được trích tiền để nghiên cứu", Tran nói.

"Chúng tôi bán được rất nhiều tem loại này. Phụ nữ Việt Nam có trái tim rất nhân hậu", Tran nói.

Bưu điện nhỏ trên đường Bolsa rất quen thuộc với những khách hàng gốc Việt. Nhiều người lái xe qua những bưu điện khác để đến đây, kể cả bưu điện to ở gần Trung tâm thương mại Westminster.

Ngoài những người dân địa phương, khách du lịch từ Việt Nam, Trung Quốc và những người Việt Nam tại các bang khác như Texas, Florida và Virginia cũng đến đây. Và đặc biệt hơn bất cứ nơi nào khác, bưu điện Westminster ở Little Saigon phản ánh cuộc sống của cộng đồng xung quanh nó, những người Việt Nam sống tại Mỹ.

No comments:

Post a Comment