Friday, October 26, 2012

Người Việt làm giàu bằng trung tâm mua sắm ở Mỹ

20 năm trước, Thuy Nguyen mở Little Saigon Oriental Market với những giấc mơ lớn. Bây giờ, khu chợ nhỏ ngày nào đã mở rộng thành một trung tâm mua sắm với 6 lô, ba trong số đó do các con của bà quản lý.


Saigon Plaza, nằm giữa hai phố 27 và Vine của thành phố Lincoln, bang Nebraska. Đây là một tổ hợp bao gồm chợ, nhà hàng Pho Factory, Bánhwich Café, salon tóc Snip E Cuts, một hãng du lịch và một lô còn trống.

Khi Nguyen rời khỏi Việt Nam đến Mỹ năm 14 tuổi, bà sống cùng người anh trai làm việc cho một nhà máy ở Lincoln. Sau khi học xong trung học, Nguyen kết hôn, chuyển đến Colorado và có ba con Linh, Danny và My-Khahn, mỗi đứa con cách nhau hai tuổi.

Khi con gái út Jessica chào đời sau đó 4 năm, gia đình bà lại trở về Lincoln. Đó là thời điểm Little Saigon Oriental Market ra đời. Vì thế, cô con gái Jessica lớn lên cùng những cột mốc phát triển của trung tâm mua sắm này.

My-Khahn (trái) và Thuy Nguyen tại Little Saigon Oriental Market. Ảnh: Daily Nebraskan

"Chúng tôi từng sống ngay cạnh chợ", Jessica, sinh viên năm ba ngành mỹ thuật tại đại học Nebraska-Lincoln (UNL) kể. "Vì thế từ khi còn bé, tôi rất hay đi chơi giữa hành lang và sạp hàng của chợ, đi lui đi tới, ngủ trong những cái thúng nhỏ". Ngoại trừ một khoảng thời gian 6 tháng thử nghiệm địa điểm mới, Little Saigon Market vẫn luôn ở nguyên tại địa điểm này.

"Cô ấy đang tiếp tục mở rộng khu chợ, từng tí một", Hoang Nguyen, đồng sở hữu Bánhwich Café, cửa hàng bánh mỳ và sandwich rất hút khách ở đây, cho biết. "Hiện tại cô ấy đã làm chủ Saigon Plaza này 20 năm, kể từ khi mở khu chợ đầu tiên".

Theo Thuy Nguyen, một trong những lý do chính dẫn đến việc mở cửa Saigion Plaza là tạo ra một nơi để gia đình bà được gần nhau. Hoang Nguyen nói thêm rằng mang văn hóa châu Á tới Lincoln là một mục đích khác của Thuy Nguyen. "Lý do thứ hai để mở cửa trung tâm là chia sẻ ẩm thực và văn hóa với mọi người".

Theo Hoang, văn hóa khu vực này còn khá nghèo nàn trong thời gian đầu khi anh đến đây, nhưng từ khi trung tâm mua sắm này mở cửa, đời sống văn hóa đã sống động hơn. "Văn hóa hiện nay rất đa dạng, không chỉ có người Việt Nam", Hoang nói. "Trung tâm đã mang đến thành phố nhiều nét châu Á hơn. Những thành phố lớn hơn đều đã có những trung tâm như thế này, vì thế Thuy mở cửa trung tâm ở đây".

Không gian châu Á của những cửa hiệu trong Little Saigon Plaza là nét thu hút rất đông khách hàng, nhất là các gia đình người Việt ở Lincoln. Thuy cũng cho biết trung tâm có một khách hàng quốc tế lớn và bà giúp mở rộng thị trường cho nhãn hàng này.
Doanh nghiệp gia đình


Dù các con của Thuy Nguyen đều lần lượt rời Lincoln để học đại học và đi làm, sự ra đời của Saigon Plaza đã đưa họ trở về cùng phát triển công việc kinh doanh. Các con của Thuy Nguyen đều tốt nghiệp chuyên ngành này, ngoại trừ Linh, cũng là bạn gái của Hoang. Dù họ đều đến với công việc kinh doanh một cách tự nhiên, việc điều hành chợ và các nhà hàng vẫn gặp nhiều áp lực.

My-Khahn, chủ nhà hàng Pho Factory, cho biết làm việc bên cạnh nhau nghĩa là họ đều kỳ vọng nhiều hơn từ các thành viên trong gia đình và mọi thứ cũng có thể cùng lúc trở nên rối rắm. "Chúng tôi luôn ở bên nhau", cô nói. "Chúng tôi tranh đấu, cãi vã, nhưng cùng vượt qua vì chúng tôi là gia đình".

Mỗi người đều tự nỗ lực bằng khả năng của bản thân nhưng cũng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ nhau. Ở cạnh nhau, gia đình Thuy Nguyen cũng có thể hợp tác với nhau theo nhiều cách.

"Chúng tôi thấy rất nhiều người đang chờ đến lượt cắt tóc, họ hẹn thời gian và sau đó đi mua sắm ở trong trung tâm, có thể ghé vào tiệm tôi ăn bánh mỳ và mua thêm một ít mang về nhà", Hoang nói. "Vì thế tất cả chúng tôi giống như một mạng lưới hỗ trợ nhau".

Tiệm Bánhwich Café. Ảnh: Daily Nebraskan

Pho Factory

Pho Factory là nhà hàng có tuổi đời trẻ nhất trong Saigon Plaza, do My-Khahn quản lý. Tên nhà hàng được đặt theo tên món phở nổi tiếng của Việt Nam. Dù món ăn này đặc trưng cho hương vị Việt Nam nhưng gia đình Thuy Nguyen muốn làm Pho Factory trở nên gần gũi hơn với nhiều đối tượng khách hàng.

"Chúng tôi đang cố gắng tạo ra nét khác biệt so với các nhà hàng Việt Nam trong khu vực", My-Khahn nói. "Cao cấp hơn một chút so với các nhà hàng thuộc loại bình dân".

Pho Factory chỉ mới mở cửa đón khách hôm 15/10. Dù gặp một số khó khăn trong tuần đầu khai trương, các khách hàng đều có phản ứng tích cực như cô chủ My-Khahn kỳ vọng.


"Đây là một nhà hàng tuyệt vời", Anthony Huynh Vo, sinh viên UNL nói. "Tôi đã đến đây nhiều lần, tôi luôn ăn phở và món này chưa bao giờ làm tôi thất vọng".
Nối nghiệp gia đình

Với lô còn trống trong Saigon Plaza, việc mở gian triển lãm các nền văn hóa và dân tộc là một phương án đã được tính đến. Tuy nhiên, cô con gái út Jessica cũng đang ấp ủ kế hoạch mở một cửa hàng riêng của mình tại đây.

"Mọi người giao cho tôi gian bên cạnh Bánhwich nhưng tôi chưa biết sắp xếp thời gian dành cho việc học và kinh doanh như thế nào. Tôi phải lựa chọn giữa nghệ thuật và học hỏi công việc kinh doanh".


Jessica đôi lúc cũng cảm thấy áp lực khi các anh chị đều đã có cửa hàng riêng thành công, trong khi với cô, tất chỉ đang bắt đầu. Cô vẫn đang để ngỏ cơ hội trong tương lai tại Saigon Plaza. Bạn bè Jessica khuyên cô hãy lấy bằng mỹ thuật và mở một phòng triển lãm hoặc xưởng vẽ để kinh doanh.

"Tôi nghĩ rằng mọi người không thể biết trước được họ sẽ làm những gì trong tương lai", Jessica nói. "Chắc chắn, nếu một cơ hội khép lại thì vẫn còn cơ hội khác đang mở rộng cửa, tôi thực sự muốn cố gắng".

No comments:

Post a Comment