Monday, October 22, 2012

Chuyện CIA tìm cách tuyển người Việt

CIA cũng cần người làm việc, và muốn có người làm việc, thì phải đi tuyển.


Ở Quận Cam hôm 18/10 ngay gần Little Saigon có một sự kiện vừa rất là bình thường mà cũng có nhiều điều rất là lạ.

Chuyện bình thường là một cơ quan nhà nước đi tuyển nhân viên. Chuyện cơ quan này là Trung ương Tình báo CIA, vẫn còn bình thường. CIA cũng cần người làm việc, và muốn có người làm việc, thì phải đi tuyển.

Tại các trường đại học ở Mỹ, mỗi năm các cơ quan chính quyền, từ liên bang đến tiểu bang, tràn đến tuyển sinh viên sắp ra trường.

Sở thuế, bộ Quốc phòng, bộ Ngoại giao, Quỹ Dự trữ Liên bang đều có mặt. Và cả cơ quan tình báo CIA.

Cho nên, khi CIA tìm đến cộng đồng Việt Nam, hợp tác với Phòng Thương mại Việt Mỹ Quận Cam (VACOC) tổ chức một buổi giới thiệu việc làm, riêng cho người Việt tại phòng họp đại học California State University Fullerton, điều đó có phần bình thường, theo như lời giải thích của Bác sĩ Tâm Nguyễn, chủ tịch Phòng Thương mại.

"Nếu họ đã muốn tìm nhân viên người gốc Á, tại sao không giúp họ tuyển nhân viên gốc Việt"

Bác sĩ Tâm Nguyễn chủ tịch Phòng Thương mại Việt Mỹ Quận Cam


Bác sĩ Tâm nói hội đồng quản trị Phòng Thương mại đi dự một buổi hội thảo của hội OCA, Tổ chức người Hoa tại Mỹ, và gặp ông Michael Mau, đại diện của CIA, nói chuyện tại đó. “Chúng tôi nghĩ, nếu họ đã muốn tìm nhân viên người gốc Á, tại sao không giúp họ tuyển nhân viên gốc Việt?,” Bác sĩ Tâm kể.

Tuy là một sự kiện bình thường, nhưng vì là CIA, nên trong đó có những chuyện không bình thường.
'Tác nghiệp'

Mới gặp mặt đế viết bài, ông Mau đã nói ngay, “Chụp hình tôi thì được, nhưng xin đừng chụp hình các đồng nghiệp của tôi, họ vẫn còn đang làm việc tình báo.”

Hiểu. Năm nhân viên CIA tới thuyết trình, nhưng chỉ được chụp hình một. Bốn người còn lại, xem như không có.

Mà đúng là “như không có” thật. Khi giới thiệu, ngoài ông Mau là người phụ trách về nhân sự ra, những người còn lại đều là nhân viên chuyên môn của CIA, và những người này không tiết lộ họ của mình. Chỉ có tên: Cô “Sharon C.,” ông “Alexander M.,” cô “Thuy L.,” và cô “Noli A.”

Không những thế, họ còn không biết tốt nghiệp ở đâu ra.


Ông Alexander M. chẳng hạn, là một người gốc Việt, được giới thiệu có tên Việt Nam là Tuấn. Ông có bằng cử nhân kỹ sư điện, và bằng thạc sĩ hệ thống tin học. Nhưng không biết ở trường nào ra.

Bốn người kia cũng vậy, không giới thiệu nơi học. Có lẽ vì các trường đại học mỗi năm đều in một quyến Yearbook như một thứ lưu bút với thông tin về sinh viên và hình ảnh sinh hoạt trong trường, để giữ làm kỷ niệm. Có lẽ họ ngại nếu biết tên trường, đối phương sẽ tìm ra tông tích?

Khi sắp bắt đầu phỏng vấn, ông Mau hỏi lại là viết cho ai. “BBC Vietnamese.” “BBC bên Anh đấy à?” “Đúng vậy.”

Và thế là đụng phải luật. “Xin lỗi,” ông Mau nói, “tôi bị kẹt quy định của cơ quan. Chúng tôi không được phép trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông nước khác. Luật không cho phép.”

Nhưng người phỏng vấn là công dân Mỹ mà? Ông Mau lắc đầu, “Trên thực tế người ngoại quốc mà làm cho truyền thông Mỹ thì tôi được trả lời phỏng vấn, trong khi người Mỹ làm cho truyền thông ngoại quốc thì lại không. Quy định của chúng tôi ngược ngạo như thế. Xin lỗi.”

Thôi thế thì xong! Luật không cho phỏng vấn thì không thể dụ dỗ thuyết phục gì. Thế ở lại xem có được không? “Vâng.” Rồi suy nghĩ một chút, ông tiếp: “Nhưng xin đừng quay phim, đừng thu tiếng.”


Thôi thế thì xong, tập hai. Cũng may BBC không còn phát thanh nên không thu hình thu tiếng không sao.

Một điểm đặc biệt nữa đối với một buổi tuyển người, là không ai biết CIA có bao nhiêu nhân viên. Chỉ có một số người - như các dân biểu, nghị sĩ trong Ủy ban Tình báo Hạ Viện và Thượng Viện - là biết con số đó.

'Dịp tốt'


Ngân sách CIA cũng không tiết lộ ra ngoài. Chỉ từ năm 2007 tới giờ, chính phủ Mỹ mới công bố ngân sách tổng cộng của các ngành tình báo, trong đó CIA chỉ là một trong 16 cơ quan.

Năm 2011, theo báo cáo của giám đốc tình báo quốc gia Trung tướng James Clapper nộp lên Quốc Hội, ngân sách tình báo dân sự của Hoa Kỳ là $54.6 tỷ, thêm ngân sách tình báo quân đội $24 tỷ, tổng cộng $78.6 tỷ.

Đây là một con số khiêm tốn so với những món khổng lồ như máy bay F-35, mãi chưa xong, giá mua lên tới $400 tỷ.

Buổi hội thảo được Phòng Thương mại Việt Mỹ tổ chức với mục đích đơn giản là giúp người Việt Nam tìm việc. Luật sư Ken Đạt Dương, trong ban tổ chức, nói họ làm việc với CIA “vì muốn mở thêm cơ hội tìm việc làm cho người Việt Nam, nhất là trong một ngành ít ai nghĩ tới.”


Bác sĩ Tâm nói thêm, “Chúng tôi làm việc nhiều với các công ty tư nhân để khuyến khích họ đa dạng hóa sắc tộc nhân sự của họ. Nhưng chúng tôi ít có dịp làm việc với các cơ quan chính quyền, nên đây là một dịp tốt để tiếp tay với một cơ quan chính quyền tuyển thêm người gốc Việt.”

"Khi được hỏi nếu CIA nhận thiệt, cho về Việt Nam làm gián điệp, có dám làm không, thì cô Nam dõng dạc tuyên bố, “Dám chứ gì đâu sợ!”"

Trong số người tham dự buổi hội thảo, có khoảng mươi người có vẻ đến với đúng ý định tìm việc. Họ ăn mặc chỉnh tề, lắng nghe nghiêm túc, như thể sắp phỏng vấn xin việc.

Nhưng cũng có những người đến vì tò mò. Cô Nam Nguyễn là một trong những người như vậy. Hiện đang học nghề cắt tóc, cô nói cô tới vì thấy mấy người trong trường khuyến khích đi để “mở mang đầu óc.” Một người khác cũng tò mò tới nghe là cô Liên Trịnh, muốn “tìm hiểu, hội nhập.”


Hai người đều không nghĩ mình có cơ hội, vì mới qua Mỹ “tiếng Anh còn yếu lắm.” Nhưng khi được hỏi nếu CIA nhận thiệt, cho về Việt Nam làm gián điệp, có dám làm không, thì cô Nam dõng dạc tuyên bố, “Dám chứ gì đâu sợ!”

Tất nhiên không phải ai làm cho CIA cũng là gián điệp. “Chúng tôi tuyển rất nhiều khoa học gia, kỹ sư, chuyên viên điện toán,” ông Mau trình bày. CIA đặc biệt tự hào với ngành nghiên cứu khoa học kỹ thuật của họ. “Quý vị có thể làm việc với kỹ thuật tân tiến tới mức là bí mật quốc gia.”

Ngay những người nhân viên CIA hiện diện tại chỗ cũng có nhiều ngành chuyên môn khác nhau. Trong hai người gốc Việt, ông Tuấn Alexander là kỹ sư điện, cô Thủy L. là nhà kinh tế, với hai bằng cử nhân và thạc sĩ kinh tế quốc tế. Có người học toán, quản trị kinh doanh, ngôn ngữ, sư phạm. Tất cả đều làm trong “Clandestine Service,” tạm dịch “dịch vụ bí mật,” của CIA.
'Lối nhìn độc đáo'

Nhân viên CIA có nhiều sắc dân, nhiều tôn giáo, nhiều giới tính. Thông tin phát tại buổi hội thảo cho thấy ở CIA có ngoài các hội nhân viên theo sắc dân, còn có hội người điếc và khiếm thính, và có cả hội người đồng tính.

Thay vì ép buộc mọi người phải giống nhau, CIA chủ trương “Những lối nhìn độc đáo, đó là nhiệm vụ của chúng tôi.”

Có những điều nhiều người hiểu nhầm về CIA. Dù bắt buộc phải giữ kín bí mật quốc gia, điều đó không có nghĩa là gia đình chả bao giờ biết người nhân viên CIA làm gì.


Họ còn cho biết, có những trường hợp nhân viên phải chuyển ra ngoại quốc làm việc, CIA trả tiền cho vợ con đi theo luôn. Nhân viên CIA không nhất thiết phải là võ sư hay xông pha vào nơi nguy hiểm. Nhân viên CIA không cần phải rành ngoại ngữ, không cần phải là công dân Mỹ nhiều đời.

Nhân viên CIA không phải mang vũ khí - “trừ khi quý vị xem điện thoại an toàn là một thứ vũ khí.”

Tuy nói vậy, nhưng chính ông Alexander Tuấn lại tiết lộ:

“Công tác đặc biệt nhất của tôi là có lần tôi đi Trung Đông, tập đánh xáp lá cà, tập bắn súng - mặc dù việc của tôi là làm kỹ sư!”

Cuối buổi hội thảo, một số người ở lại hỏi thêm những nhân viên CIA này - một dấu hiệu cho thấy buổi hội thảo đã đạt được một phần mục đích chính là kết nối tìm việc làm.

Chính Luật sư Ken cũng thố lộ, “Nghe xong buổi hội thảo tôi cũng thấy tò mò. Đúng là trước đây tôi không hề nghĩ mình sẽ làm cho CIA nhưng bây giờ tối thiểu tôi cũng phần nào quan tâm.”

Đó không phải là suy nghĩ khác thường. Tất cả các nhân viên CIA nói chuyện tại buổi hội thảo, đều chia sẻ một điều giống nhau, là trước khi bước chân vào làm tại CIA, họ chưa hề nghĩ mình sẽ vào làm tại “Ổ gián điệp” như vậy. Đường vào tới tình báo, có vẻ như tình cờ chứ không cố ý.

No comments:

Post a Comment