Tuesday, October 23, 2012

Thế giới bị chia rẽ vì Armstrong

Số đông hoan hỉ với phán quyết của UCI vì nền thể thao trong sạch, nửa còn lại - trong đó có hơn 2 triệu bệnh nhân ung thư - thông cảm cho người đã truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm đối đầu với thần chết.

Lance Armstrong. 

Từ đỉnh cao xuống vực sâu, từ người hùng trở thành kẻ bị căm ghét, sự nghiệp huy hoàng của Lance Armstrong bỗng đổ vỡ hoàn toàn sau khi scandal doping lớn nhất lịch sử bị phanh phui.

Tất cả đều gọi cua rơ từng 7 lần vô địch Tour de France là kẻ nói dối thế kỷ, kẻ lừa đảo nhưng như Armstrong khẳng định, liệu anh gian dối hay không gian dối, điều đó chẳng có gì có ý nghĩa hơn cuộc chiến chống ung thư mà anh theo đuổi trong 15 năm qua.

Sự thực thì cho đến khi Armstrong giành chiến thắng thứ 3 trong 7 chiến thắng liên tiếp ở cuộc đua khó khăn nhất thế giới, anh đã trở thành một người hùng trong thể thao. Nỗ lực chống lại căn bệnh ung thư từng suýt giết chết anh đã đủ biến anh trở thành một huyền thoại. Với quả thận đã hỏng và chỉ còn một bên tinh hoàn, Armstrong đã thống trị đường đua và tạo nên cảm hứng cho hàng triệu người dù thích hay không thích thể thao.


Tuy vậy, bản báo cáo mà Uỷ ban chống doping Mỹ (USADA) đưa ra mới đây giống như một cú đánh chí tử đập tan sự kháng cự của Armstrong và niềm tin còn lại mà người hâm mộ vẫn dành cho anh. Armstrong chinh phục nước Pháp. Những vòng tay vàng có in dòng chữ “Livestrong” chinh phục thế giới.

Câu hỏi đặt ra là khi Armstrong được xem là kẻ nói dối thế kỷ, kẻ dùng doping, điều gì sẽ xảy ra với những chiếc vòng và với những người đeo nó? Twitter đã cho đăng nhiều bức ảnh về những chiếc vòng bị cắt rời hay bị vứt bỏ. Trên Gawker.com là những chiếc vòng bị đốt cháy và trên Zombies là những từ mang tính chơi chữ: “Livewrong. Liestrong.”

Như Greg LeMond, tay đua người Mỹ đầu tiên giành Áo vàng Tour de France, lên tiếng: "Nếu Lance trong sạch, đấy sẽ là sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao. Ngược lại, đó sẽ là vụ gian lận lớn nhất thế giới."


Thực tế thì bằng tuyên bố không theo đuổi những cáo buộc anh đã dùng doping mà Uỷ ban chống doping của Mỹ (USADA) đưa ra, Armstrong xem như thừa nhận những cáo buộc đấy hoàn toàn đúng, cho đến khi USADA chính thức đưa ra các bằng chứng.

Điều này cũng có nghĩa thần tượng của nước Mỹ, của thế giới đã hoàn toàn sụp đổ. Những chiếc áo vàng mà cua rơ của đội US Postal giành được từ năm 1999 đến 2005 sẽ sớm bị tước bỏ nhưng tất cả cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với quỹ chống ung thư Livestrong mà Armstrong xây dựng và đã quyên góp được hơn 500 triệu USD cho các dự án nghiên cứu. Điều đó sẽ có ý nghĩa gì với những bệnh nhân có may mắn sống sót và những bệnh nhân vẫn đang phải điều trị nhờ sự hỗ trợ của quỹ Livestrong?

Có nhiều người căm ghét Armstrong nhưng cũng có không ít người ủng hộ anh. Chẳng hạn như Geoff Thomas một cựu cầu thủ người Anh đã đọc cuốn best-seller đầu tiên của Armstrong, It's Not About the Bike: My Journey Back to Life (Không chỉ là xe đạp: Hành trình trở lại cuộc sống của tôi), 3 ngày sau khi ông được chẩn đoán ung thư bạch cầu vào năm 2003.


"Cuốn sách đã giúp tôi quên đi bệnh tật và khiến tôi muốn làm được một điều gì đó", Thomas nói. Thomas, giờ 48 tuổi, sau đấy đã thành lập một quỹ riêng và giờ quỹ này nằm trong Dự án nghiên cứu bệnh bạch cầu và u lym phô. Năm 2005, ông đạp xe theo hành trình Tour de France, một kỳ tích giúp ông nhận giải thưởng Helen Rollason của BBC. Tại buổi lễ, Thomas đã được gặp Armstrong khi anh xuất hiện trên màn hình studio và gửi lời chúc mừng.

Theo Thomas, Armstrong còn vĩ đại hơn những lời buộc tội nhằm vào anh. Những người như Thomas không chỉ có một. Năm 2010, Nick Dodds, 41 tuổi, một tay đua từng tham dự Etape du Tour, giải leo núi dành cho những tay đua nghiệp dư trước khi họ trở thành chuyên nghiệp, có cho biết ông "nghiện" cuốn sách của Armstrong khi ông đang điều trị căn bệnh ung thư tinh hoàn.

"Nó dạy cho tôi rằng, tôi chỉ có thể nghĩ đến những điều tiêu cực và bế tắc hoặc trong tình cảnh khó khăn đấy, tôi có thể tìm ra được điều gì đó tốt đẹp." Còn về phán quyết của USADA, Dodds cho rằng đấy sẽ là “một cái tát vào mặt” nhưng nếu Armstrong đã quyên góp được hàng triệu USD cho dự án chống ung thư và cứu sống được nhiều người, “cái giá phải trả thật giá trị".


Quan điểm của Dodds cũng là quan điểm mà nhiều người hướng đến và thay vì chê bai, chế giễu Armstrong, họ xem anh là nạn nhân của sự đố kị, ganh ghét. "Những người đang tận hưởng niềm vui chiến thắng vào lúc này hãy nên nhìn vào chính họ và nói, có thể anh ta sử dụng doping," Dodds nói. "Nhưng còn những người đã sống sót nhờ nỗ lực của Armstrong trong cuộc chiến chống ung thư? Điều đó là quan trọng hơn những danh hiệu thể thao".

Phán quyết của UCI về việc tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France và cấm Armstrong thi đấu suốt đời đã trở thành tin nóng hổi nhất trong ngày 22/10 với hàng ngàn người tham gia bình luận và đưa ra ý kiến riêng. Tại đây, tình trạng chia đôi ý kiến phản đối, chê bai và ủng hộ, vững niềm tin vào Armstrong lại tái lập.

Ở tuổi 21, Armstrong đã trở thành tay đua trẻ nhất về nhất một chặng ở Tour de France. 3 năm sau, anh được chẩn đoán là ung thư tinh hoàn. Nó di căn tới phổi và não, để rồi sau những ca phẫu thuật và trị xạ, các bác sĩ đem lại cho anh “một cơ hội nhỏ” là sống đến cuối năm.

Dĩ nhiên là Armstrong đã sống và sau khi trở lại với đường đua, anh đã nuôi dưỡng một khát vọng chiến thắng. Thậm chí, như Armstrong khẳng định, anh phải cám ơn căn bệnh ung thư đã giúp anh hiểu rõ con người của mình và giúp anh hướng đến cộng đồng nhiều hơn.

Armstrong đã trở thành một hiện tượng của Tour de France, một thần tượng của hàng triệu người dù yêu thích thể thao hay không. Nhờ đó, quỹ chống ung thư của anh quyên góp được 500 triệu USD, hơn 80 triệu vòng tay từ thiện được bán ra trên toàn thế giới. Câu chuyện và cuộc sống của anh trở thành cơn sốt với tất cả. Anh hẹn hò ca sĩ nhạc pop Sheryl Crow và nữ diễn viên Kate Hudson, trước lúc bắt đầu một cuộc sống gia đình.

Vì thế, phán quyết và những bằng chứng của USADA có thể phá hỏng cả sự nghiệp mà Armstrong gây dựng, nó cũng không thể xóa đi những gì Armstrong đã làm trong cuộc chiến chống ung thư.

Tiến trình USADA lật mặt Armstrong

12/6/2012 USADA báo với Armstrong về việc bắt đầu những thủ tục chính thức để đưa ra lời buộc tội anh sử dụng doping. USADA cho biết đã gửi hồ sơ sang Ủy ban chống doping quốc gia - tổ chức mà USADA là thành viên sẽ quyết định liệu có tiếp tục vụ việc hay không.

Đáp lại, Armstrong tung ra một thôn cáo trong đó miêu tả những lời buộc tội"không có cơ sở" và "xuất phát từ sự thù oán", chỉ ra rằng tòa án Mỹ trước đó đã quyết định không theo đuổi những cáo buộc này sau khi anh từng chịu một cuộc điều tra tương tự kéo dài 2 năm.

22/6 Luật sư của Armstrong yêu cầu Ủy ban chống doping quốc gia đề nghị USADA chấm dứt việc theo đuổi cuộc điều tra.

29/6 Ủy ban chống doping quốc gia nhất trí giao cho USADA nhiệm vụ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra và buộc tội Lance Armstrong.

9/7 Armstrong đưa vụ việc ra tòa án liên bang, cho rằng USADA đã đi quá giới hạn, thời gian thực thi và vi phạm quyền lợi trong việc điều tra về cáo buộc sử dụng doping của anh. Nhưng cùng ngày một thẩm phán liên bang bãi bỏ vụ kiện, gọi đây là "một cuộc bút chiến dài và ác liệt" hơn là "một thông cáo ngắn gọn và bình thưởng với những thông tin, bằng chứng cụ thể".

10/7 3 phụ tá của Armstrongbị cấm hành nghề suốt đời trong lĩnh vực thể thao vì liên quan đến việc thông đồng và giữ kín việc sử dụng doping của tay đua huyền thoại Mỹ. Đó là bác sĩ của đội đua Bưu điện Mỹ Luis García del Moral, bác sĩ cố vấn Michele Ferrari và chuyên gia thể lực José Marti. Armstrong tiếp tục đưa hồ sơ vụ việc ra tòa nhằm chấm dứt vụ việc với USADA.

11/7 USADA đưa ra thời hạn 30 ngày cho Armstrong để trả lời những lời buộc tội sử dụng doping.

5/8 UCI tuyên bố cuộc tranh cãi giữa UCI và USADA về việc tổ chức nào có quyền xử lý lời buộc tội Armstrong dùng doping cần phải đưa ra tòa án thể thao CAS phân xử.

20/8 Một thẩm phán liên bang của Mỹ bác bỏ nỗ lực của Armstrong nhằm chấm dứt cuộc điều tra của USADA.

23/8 Armstrong tuyên bố sẽ không chiến đấu chống lại lời buộc tội doping của USADA nữa. Đồng thời tổ chức này lập tức tuyên bố hủy mọi kết quả thi đấu của anh từ từ ngày 1/8/1998 đến nay và cấm anh vĩnh viễn khỏi các hoạt động thi đấu xe đạp.

24/8 USADA tước 7 danh hiệu vô địch Tour de France trong giai đoạn từ năm 1999-2005 và cấm thi đấu suốt đời, nhưng anh vẫn duy trì thái độ không tuân theo khi vẫn nhận được sự ủng hộ của các nhà tài trợ, trong đó có Nike và UCI.

7/9 Chủ tịch UCI, Pat McQuaid, cho biết Liên đoàn xe đạp quốc tế xác nhận sự hợp pháp của quyết định tước danh hiệu và cấm thi đấu suốt đời với Armstrong của USADA bởi việc ra hình phạt là thẩm quyền của UCI. Ông tuyên bố trừ phi USADA đưa ra được tài liệu báo cáo với những bằng chứng nghiêm túc, nếu không quyết định của họ là vô giá trị. Ông McQuaid tuyên bố UCI vẫn đang đợi USADA gửi hồ sơ báo cáo vụ việc.

10/10 USADA đưa ra bản cáo báo chi tiết về trường hợp sử dụng doping của Armstrong và đội đua Bưu điện Mỹ, trong đó khẳng định những gì họ tìm được chứng minh đội đua này đã lừa dối bằng cách sử dụng chất kích thích trong thi đấu.

Là những bức ảnh về tay đua xe đạp từng là số 1 thế giới và khiến người hâm mộ chao đảo vì thành tích.


Lance Armstrong kêt thúc tập luyện trước vòng đua Tour DuPont, 1991


Armstrong từng phải vật lộn với căn bệnh ung thư quái ác, 1992


Năm 1993, Lance Armstrong bắt đầu viết lên giai thoại mang tên mình bằng việc về nhât trong giải đua Tour de France


Kỷ niệm đáng nhớ của Armstrong ở Tour de Fance, 1995
Một chiến thắng nữa của Armstrog năm 1999, đồng thời cũng làm rộ lên nghi vấn về việc Armstrong sử dụng doping


Bức ảnh Lance vượt qua tay đua người Đức ở đoạn đường đèo tại giải Tour de Fance, năm 2000

Chặng đua thứ 15 của Tour de France, Lance Armstrong vượt qua tay đua Jan Ullrich để giành chiến thắng và là người giữ áo vàng lâu nhất



Từ năm 2001 – 2003, Lance Armstrong giành danh hiệu thứ tư và năm của Tour de France


Năm 2004, Armstrong bị cáo buộc sử dụng doping - sau khi nắm danh hiệu thứ 6 Tour de France -trong cuốn sách của David Walsh và Pierre Ballester



Phủ nhận tin đồn sử dụng doping và tiếp tục vô địch Tour de France lần thứ 7, năm 2005



Sau khi tuyên bố về hưu năm 2005, đến 2008 Armstrong quyết định trở lại và tranh tài tại Tour Down Under


Armstrong đứng thứ 3 sau hai người đồng đội Alberto Contador và Andy Schleck, năm 2009



Năm 2010, Lance Arstrong chuyển sang đội Radio Shack sau khi bị đồng đội cũ Floyd Landis cáo buộc sử dụng doping



Lance Armstrong nghỉ hưu sau giải Tour Down Under, năm 2011

No comments:

Post a Comment