Monday, October 15, 2012

Cuộc đời cựu hoàng Norodom Sihanouk qua ảnh


Ảnh chụp cựu hoàng Norodom Sihanouk ngày 29-7-1941 tại một địa điểm không xác định. Lúc này quốc vương Sihanouk 18 tuổi. Sihanouk là con trai trưởng của Quốc vương Norodom Sumarit và Hoàng hậu Sisowath Kossamak. Những năm 1930-1940, Sihanouk học tiểu học tại Phnom Penh, học cấp II tại Sài Gòn, Việt Nam cho đến khi lên ngôi. Từ năm 1946 - 1948 ông học tại Trường quân sự Saumur ở Pháp - Ảnh: AP



Norodom Sihanouk được chính quyền thực dân Pháp đặt lên ngai vàng vào ngày 28-10-1941 khi ông 18 tuổi. Sihanouk từng hai lần là quốc vương của Campuchia, từ năm 1941-1955 và 1993-2004. Quốc vương Sihanouk chỉ thật sự nắm quyền lực từ ngày 9-11-1953 khi Pháp trao trả độc lập cho Campuchia, cho đến khi xảy ra vụ đảo chính Lon Nol tháng 3-1970 - Ảnh: AFP


Quốc vương Norodom Sihanouk trong một buổi cầu nguyện ở cung điện tại Phnom Penh năm 1947. Lúc này quốc vương Sihanouk 25 tuổi. Vào ngày 2-3-1955, quốc vương Sihanouk thoái vị và nhường ngôi lại cho cha để hoạt động chính trị. Ông thành lập một chính quyền và đảm nhiệm chức thủ tướng - Ảnh: AFP


Đệ nhất phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy (lúc này Tổng thống Mỹ John F.Kennedy chưa bị ám sát) và cựu hoàng Norodom Sihanouk trong một buổi diễu hành tại Campuchia năm 1961 - Ảnh: Coribs


Hoàng tử Norodom Sihanouk (áo vest đen) vẫy chào người dân trong chuyến thăm Hà Nội năm 1970, bên phải ông là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại buổi tiếp đón Hoàng tử Sihanouk còn có Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (đội nón) - Ảnh: Corbis


Norodom Sihanouk (phải) chụp chung cùng thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan năm 1973. Giai đoạn đầu thập niên 1970, Sihanouk đứng về phe này vì muốn tranh thủ sự ủng hộ sâu rộng dành cho Sihanouk để chống lại Lon Nol. Tuy nhiên, sau khi chiếm được thủ đô Phnom Penh vào năm 1975 thì lực lượng này áp dụng những chính sách diệt chủng và tàn phá, 5 người con của Sihanouk cũng thiệt mạng dưới chế độ Khmer Đỏ, mãi cho đến khi được quân đội tình nguyện Việt Nam hỗ trợ đánh bại chế độ này vào năm 1979 - Ảnh: AFP


Norodom Sihanouk (giữa) và phu nhân Monique (người Campuchia gốc Ý - trái) cùng chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tại buổi diễu hành ở Bắc Kinh ngày 9-9-1975, khi ông Sihanouk chuẩn bị rời Trung Quốc để trở về Phnom Penh. Sau khi xảy ra vụ đảo chính do Lon Nol khởi xướng năm 1970 thì quốc vương Sihanouk phải sống lưu vong ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP


Cựu tổng thống Indonesia Suharto (trái) hội đàm với ông Norodom Sihanouk (phải) tại điện Merdeka ở Jakarta ngày 3-6-1991 - Ảnh: Reuters


Chủ tịch Kim Jong Il tiếp đón Quốc vương Norodom Sihanouk và Hoàng hậu Monique tại nhà khách chính phủ Jangsuwon ở Bình Nhưỡng ngày 31-7-2004. CHDCND Triều Tiên cũng là quốc gia thứ hai mà ông phải sống lưu vong dưới thời Khmer Đỏ. Ông Sihanouk trở lại ngai vàng lần thứ hai từ ngày 24-9-1993 - Ảnh: Reuters


Quốc vương Norodom Sihamoni (phải) cùng cha mình là ngài Norodom Sihanouk tiếp xúc báo chí tại Phnom Penh ngày 20-10-2004. Trước đó, quốc vương Sihanouk thoái vị từ ngày 7-10-2004 vì lý do sức khỏe và nhường ngôi lại cho con trai - Ảnh: Reuters


Cựu quốc vương Norodom Sihanouk và hoàng hậu Monique tại lễ hội đua thuyền thường niên của Campuchia ngày 30-10-2001. Trong những năm cuối đời, sức khỏe của ông Sihanouk ngày càng yếu đi buộc ông phải thường xuyên đến Trung Quốc để điều trị. Người viết tiểu sử chính thức của cựu quốc vương Sihanouk, Julio Jedres, nói rằng: “Sihanouk chính là Campuchia” - Ảnh: Reuters

No comments:

Post a Comment