Monday, September 10, 2012

Văn hóa siêu thị - lắm chuyện phải bàn

Chuyện "cái bánh mì ngắn"

Còn nhớ lần đầu tiên khi siêu thị bán buôn Metro được đưa vào hoạt động (khoảng năm 2003), hình ảnh những người đi mua hàng do chờ lâu quá phải bóc bánh mì, bánh quy của siêu thị ra ăn... cho đỡ đói đã là hình ảnh vừa buồn cười, vừa có chút... thú vị riêng.

Nhiều người dân lựa chọn siêu thị vì sự văn minh, tiện lợi.

Chị Minh Ngọc kể lại: "Hai vợ chồng nhờ bà ngoại trông hộ con gái mới 6 tháng tuổi để đi thử siêu thị bán buôn lớn nhất miền Bắc xem ra sao. Vào tới nơi, mê man là đồ, khuân cũng thích thật, nhưng khi ra thanh toán thì... ôi thôi là đông. Quầy thanh toán nào cũng xếp hàng dài dặc. Ai cũng mang tâm trạng tò mò mà, nên đổ xô đi siêu thị, thành ra quá tải. Hai vợ chồng tôi phải chờ từ 11 giờ rưỡi tới tận 13 giờ mới thanh toán xong. Đói toát cả mồ hôi mà loay hoay chẳng biết làm sao. Thấy xung quanh người ta bẻ bánh mì, mở bánh quy ra ăn, thế là cũng mạnh dạn bẻ nửa cái bánh mì ăn tạm. Tới khi ra thanh toán, cô bé đứng quầy cứ loay hoay không biết phải tính cái "bánh mì ngắn" này thế nào. Xấu hổ quá đành bảo: "Thì em cứ tính nguyên cái đi, anh chị đói quá phải bẻ ăn đó mà". Chuyện đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười".

Cái cảnh "bẻ bánh mì", "ôm hộp cơm rang" ăn tạm kiểu này cũng không ít trong các siêu thị, nhất là những siêu thị lớn như Big C, Metro; đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ, Tết, khi lượng khách tăng đột biến, khiến việc thanh toán bị quá tải, khách phải chờ vài tiếng mới đến lượt mình.

Bởi vậy, sau một thời gian, từ chỗ "choáng váng" với cái "bánh mì ngắn", giờ các nhân viên siêu thị đã quen với việc thanh toán những cái bánh mì... chỉ còn 1/3, thậm chí là chỉ còn... qua lời thông báo của khách rằng "thanh toán cho cô 2 cái bánh mì", dù trong túi chỉ có 1 cái! Và cả việc thanh toán gói bánh quy chỉ còn mỗi... vỏ.


"Hồi đầu tiên em cũng lạ lắm, nhưng rồi mãi cũng quen, với lại cũng phải thông cảm vì khách hàng đói bụng. Quan trọng là khách vẫn thanh toán đầy đủ và trung thực với những gì mình mua, thế đã là tốt rồi. Chứ còn có những tình trạng khách "quên" luôn khi thanh toán mới thực sự đáng trách" - một nhân viên của một siêu thị lớn cho biết.

"Của chùa", nên vô tư... chén!

Đó là tâm lý của không ít người khi đi siêu thị. Hàng hóa la liệt, lóa cả mắt; camera có thể có nhưng không phải góc nào cũng quay được, nhất là những góc khuất hay khoảng cách giữa các gian hàng. Cộng vào đó là tâm lý thấy người ta làm được thì... mình cũng làm được. Thế là tình trạng "ăn chùa" trong siêu thị diễn ra khá phổ biến, nhất là với những siêu thị lớn như kiểu Big C, Metro.

Đang dẫn con đi siêu thị mua đồ cuối tuần, chị Hoài Thu ngã ngửa người khi cô con gái 5 tuổi hỏi: "Mẹ ơi, con bóc bim bim ăn nhé". Chị Hoài Thu giải thích cho con rằng phải ra khỏi siêu thị, thanh toán tiền rồi mới có thể bóc ăn, dặn con chờ một lát nữa thôi. Cô bé gật đầu đồng ý với mẹ, nhưng sau đó lại hỏi: "Thế sao chị kia không thanh toán mà đã ăn được rồi hả mẹ?".

Theo tay con gái chỉ, chị Hoài Thu nhìn thấy hai cô bé tầm 15 - 16 tuổi, đi dép lê, quần áo mặc ở nhà, đang dúi vào một góc bóc gói bim bim ăn thản nhiên. Không biết giải thích sao cho con hiểu, chị đành dẫn con đi sang khu vực khác và nói với con đây là việc xấu, mình không được làm như vậy.

"Không chỉ người lớn, mà nhiều gia đình còn dẫn cả trẻ con vào siêu thị, lấy bim bim cho con ăn, rồi mở cả sữa chua bón cho con, tất nhiên là khi vắng mặt nhân viên siêu thị. Việc nhân viên của chúng tôi tìm thấy những túi bim bim, túi bánh trống không, những hộp sữa chua ăn dở là rất thường xuyên" - đại diện một siêu thị cho biết. "Không biết trong trường hợp ấy, bà, rồi mẹ, rồi cô chú... của các trẻ sẽ nói gì với con, nhưng rõ ràng đây là một cách giáo dục thói xấu cho trẻ", vẫn vị đại diện này phát biểu.


Cũng bắt gặp cảnh "ăn chùa" trong siêu thị, nhưng chị Hà Linh không im lặng như chị Hoài Thu, mà đã tới và lên tiếng phản đối với người phụ nữ đang... bóc xúc xích cho con ăn trong siêu thị. Không những người phụ nữ này không xấu hổ mà còn quay lại... lườm chị Hà Linh và bảo: "Vô duyên, của nhà mình đấy mà giữ". Còn đứa trẻ vẫn hồn nhiên đứng ăn xúc xích như đã quá quen với việc này rồi. "Lúc ấy, chính mình lại thấy xấu hổ thay cho họ. Bởi quả thực không đáng gì cho những thanh xúc xích, hộp sữa chua cả, nhưng làm thế thì còn gì là người có văn hóa nữa" - chị Hà Linh cho biết.

Cũng theo chị Hà Linh, sau đó chị đã để ý và nhiều lần vào siêu thị đều bắt gặp người phụ nữ này và con tới đây, lúc thì bóc gói ruốc, lúc thì mở hộp bánh... Và quan trọng là không lần nào thấy họ ra thanh toán những món đã ăn đó cả.

No comments:

Post a Comment