Sunday, October 14, 2012

Vì sao các series truyền hình Mỹ thành công vượt biên giới?

Khi một series phim truyền hình Mỹ chen chân giữa một rừng các phim truyền hình Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì chúng luôn nhận được sự quan tâm nồng nhiệt của giới truyền thông cũng như của người hâm mộ Việt Nam, bởi tất cả các series phim truyền hình Mỹ đều hội tụ đầy đủ các yếu tố để gây sốt.

Mỗi khán giả khi xem phim truyền hình Mỹ đều tìm thấy lý do riêng để giải thích cho việc mình đã bị bộ phim hấp dẫn ở những điểm nào. Nhưng trên hết, có thể khẳng định những series phim truyền hình Mỹ lôi cuốn người xem bởi vì tất cả chúng đều có một kịch bản phim xuất sắc. Phần lớn các series phim truyền hình Mỹ mà đặc biệt là các series phim về thể loại hành động hay khoa học viễn tưởng kịch bản phim đều được đầu tư rất kỹ lưỡng và chặt chẽ đến từng chi tiết. 


Một điều dễ nhận thấy trong các series phim truyền hình Mỹ nói chung là khán giả không thể chỉ xem phần mở đầu mà đoán ngay được kết thúc phim hay phải bỏ qua một số episodes nào đó vì nhàm chán bởi tất cả các tình tiết trong phim đều được xâu chuỗi một cách hấp dẫn, ly kỳ và gay cấn đến nghẹt thở. Các kịch bản của những series phim này như một mạng nhện phức tạp với những tuyến nhân vật nhỏ tưởng như rời rạc nhưng thật sự gắn kết với nhau theo những mối quan hệ lắt léo trong chuỗi liên hoàn vào loạt câu chuyện lớn hơn.

Chẳng hạn như trong series Prison Break, series phim hình sự nổi tiếng được sản xuất bởi 20th Century Fox Television liên kết cùng Adelstein Parouse Productions và Original Television. Prison Break đã thực sự chinh phục khán giả bằng sự kịch tính trong tình tiết, sự logic về nội dung. Season 1 của Prison Break kết thúc với việc anh em Lincoln Burrows và Michael Scofield thoát ra khỏi nhà tù Fox River thành công cùng với 6 tù nhân khác.

Tuy nhiên, sau khi anh em Lincoln Burrows (Dominic Purcell) và Michael Scofield (Wentworth Miller) thoát ra khỏi nhà tù Fox River thành công thì câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây, họ lại tiếp tục trốn chạy khỏi sự truy sát khốc liệt của chính quyền Mỹ trên toàn liên bang vì những mục đích khác nhau. Câu chuyện trong Prison Break như hàng loạt vòng tròn đồng tâm để mỗi lần khi các nhân vật thoát ra khỏi một vòng thì họ lại khám phá rằng mình phải tiếp tục thoát ra khỏi một vòng tròn tiếp theo.


Tuy là những sản phẩm giải trí truyền hình nhưng những series phim truyền hình Mỹ luôn là những tác phẩm kinh điển về khả năng dựng phim cũng như khả năng xử lý kịch bản. Chính những tình tiết ly kỳ trong mạch phim cùng những thủ thuật thắt mở tài tình trong cốt truyện đã làm người xem không thể cưỡng lại những series phim truyền hình Mỹ.

Như trong series 24, series phim truyền hình hành động có thời gian thực tế đầy kịch tính và gay cấn cũng được sản xuất bởi hãng 20th Century Fox Television, mặc dù mỗi episodes chỉ miêu tả những sự kiện diễn ra trong 1 giờ, 24 episodes của cả 1 season là những sự kiện diễn ra trong vòng 24 giờ của 1 ngày hoàn chỉnh, thế nhưng mỗi episodes trong series 24 đậm đặc tình tiết đến mức mỗi phút trong phim đều có nội dung, kịch tính này luôn kéo theo kịch tính khác và chi tiết này lại sinh ra thêm nhiều chi tiết khác. Không chỉ thế, kịch bản của series 24 còn lôi được khán giả vào nhịp phim, khi xem 24 người xem có cảm giác mình cũng là một phần của không khí nghẹt thở trong bộ phim vậy.


Ngoài ra khả năng diễn xuất tinh tế của dàn diễn viên xuất sắc cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc đem lại sự thành công cho các series phim truyền hình Mỹ. Các series phim truyền hình Mỹ được xem là những bộ phim không có tình tiết thừa, không có lời thoại thừa và không có nhân vật thừa. Mỗi nhân vật luôn xuất hiện có ý đồ và mục đích và nhân vật nào cũng có một nét hấp dẫn riêng. Từng bước một, mỗi nhân vật hiện ra trước mắt người xem với từng góc khuất và từng số phận khác nhau.

Điển hình như trong series Prison Break, mỗi nhân vật đều có một sức hút riêng biệt. Đó là sự tài trí, thông minh, tấm lòng nhân hậu, tử tế của Michael Scofield, sự mạnh mẽ của Lincoln Burrows, sự quyến rũ Sara Tancredi (Sarah Wayne Callies), hay sự hài hước, si tình của anh chàng Fernando Sucre (Amaury Nolasco), sự tàn ác, bất trị của ông trùm mafia John Abruzzi (Peter Stormare), sự nóng vội, cục cằn của anh lính bị sa thải Benjamin Franklin (Rockmond Dunbar), cả sự quái đản, bệnh hoạn, đểu giả của Theodore Bagwell (Robert Knepper)… Tất cả họ là những mảnh ghép hoàn hảo cho câu chuyện của Prison Break.


Các nhà sản xuất phim truyền hình của Mỹ đều có một hệ thống sản xuất phim truyền hình hoàn chỉnh. Và khi bắt tay sản xuất một series phim truyền hình mới họ đều có sự chuẩn bị về mọi mặt nhằm sắp đặt sao cho nội dung phim luôn được hấp dẫn cho đến những season cuối cùng. Chính vì thế mà các series phim truyền hình Mỹ cho dù có khai thác về đề tài nào thì nó vẫn luôn thể hiện đẳng cấp của mình là những series phim truyền hình xuất sắc.

Bên cạnh những series rất thành công về thể loại hành động, khoa học viễn tưởng thì những series về thể loại tâm lý xã hội cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Sự thành công của những series này có thể giải thích một cách dễ dàng là vì nội dung đã lột tả một cách chân thực và rõ nét những vấn đề thường nhật trong xã hội Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Chân thực và gần gũi, hài hước và lãng mạn là những điều dễ thấy trong những series phim truyền hình Mỹ về thể loại tâm lý xã hội. Đó có thể là chuyện tình yêu, tình dục, đồng tính hay các mối quan hệ tay ba, tay tư... những vấn đề được xem là nhức nhối của giới trẻ trong xã hội ngày nay được thể hiện một cách rõ nét trong series Gossip Girl, những triết lí sống về gia đình, tình yêu và sự nghiệp của cuộc sống gia đình trẻ trong series Desperate Housewives, hay những câu chuyện rất thật về những vấn đề mà học sinh thời nay phải đối mặt như: những rung động đầu, giới tính, tôn giáo, tình bạn, gia đình... trong series Glee. Một chút trái chiều, một chút tương phản, một chút ngẫu hứng, một chút hài hước nhưng không kém phần sâu sắc và triết lí, đó chính là nét lôi cuốn của những series phim truyền hình Mỹ về thể loại tâm lý xã hội.


Ở Mỹ, các chương trình truyền hình nói chung và các series phim truyền hình nói riêng nếu muốn tồn tại thì nó phải thu hút được một số lượng khán giả đáng nể, nếu không nó sẽ bị khai tử. Chính vì thế những series phim truyền hình Mỹ nếu muốn tiếp tục được sản xuất các season tiếp theo thì những lần ra mắt trước của nó chắc chắn phải rất hấp dẫn để có thể lôi cuốn được một số lượng lớn khán giả trung thành.

Điều này có nghĩa là những series phim truyền hình Mỹ nếu muốn tồn tại nó phải thật sự xuất sắc về nội dung để có thể giữ chân được người xem nếu không nó sẽ bị ngừng sản xuất ngay lập tức cho dù nội dung của nó có bị dang dở như thế nào.

Điển hình như trong series phim truyền hình hành động 24, sau 8 năm phát sóng với nhiều thành công, các nhà sản xuất đã quyết định kết thúc series 24 ở season 8 khi tỷ suất người xem đã bắt đầu giảm xuống cho dù nội dung của 24 vẫn có thể tiếp tục được khai thác.

Số người xem trung bình trong season 7 của series 24 chỉ có 9 triệu khán giả, trong khi đó season 6 thu hút hơn 13 triệu khán giả đón xem. Chi phí sản xuất chương trình kết hợp với tỷ suất người xem không xuất sắc được cho là các nguyên nhân chính tại sao season 8 là season cuối cùng của loạt series truyền hình có thời gian thực tế gay cấn này.


Tuy nhiên, giới truyền hình Mỹ là những người thực dụng, họ không chỉ quan tâm đến tỷ lệ ratings mà còn quan tâm đến những món lợi nhuận khổng lồ mà họ sẽ thu được từ series phim đó, họ sẽ vứt bỏ không thương tiếc những chương trình không hiệu quả về mặt doanh thu. Điều này có thể dễ dàng thấy trong series Gossip Girl. Sau season đầu tiên, theo thống kê thì số lượng khán giả trung bình xem mỗi tập Gossip Girl chỉ là 2,5 triệu người, xếp thứ 196 trong top 200 chương trình truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ năm 2007.

Season 2 còn tệ hơn khi Gossip Girl xếp hạng 201. Nhưng đáng ngạc nhiên là Gossip Girl vẫn tiếp tục được sản xuất. Khi season 3 của Gossip Girl được công chiếu từ ngày 14/09/2009 trên kênh truyền hình CW nó còn được phát sóng vào giờ vàng.

Mấu chốt cho thành công của series Gossip Girl chắc chắn không phải nhờ số lượng khán giả đông đảo mà nằm ở thành phần khán giả. Tuy không lọt vào top 200 chương trình truyền hình ăn khách nhất nước Mỹ, nhưng Gossip Girl lại xếp thứ 3 trong số những chương trình đặc biệt thu hút nhiều khán giả nữ trẻ tuổi nhất. Điều này khiến Gossip Girl trở thành mỏ vàng với các hãng kinh doanh thời trang, trang sức… cho giới trẻ.

Với họ, các khán giả nữ trẻ tuổi là khách hàng tiềm năng, những người sẽ bỏ tiền mua hàng. Vì thế, các hãng này không tiếc tiền tài trợ và quảng cáo trên Gossip Girl và nhờ nguồn tài chính dồi dào đó đã giúp Gossip Girl sống khỏe dù ít khán giả. Chính vì thế, nếu Gossip Girl còn tiếp tục giúp các hãng tài trợ bán được hàng thì sẽ chẳng bao giờ sợ bị khai tử dù chỉ có 3 triệu khán giả.

Những series phim truyền hình Mỹ không chỉ lôi cuốn người xem vì một kịch bản chặt chẽ, những lời thoại thông minh, hay khả năng diễn xuất của dàn diễn viên xuất sắc mà nó còn lôi cuốn người xem bởi những giá trị nhân văn sâu sắc bên trong. Những giá trị về tình thân, tình anh em, máu mủ ruột thịt trong series Prison Break, tình bạn bè cao cả trong series Lost, Desperate Housewives, Glee, hay tình đồng nghiệp cùng nhau trong lúc hiểm nguy trong series Alias, 24... Và đương nhiên, những câu chuyện về tình cảm thiêng liêng thường dễ chạm được đến trái tim của người xem, cho dù đó là người dân của châu lục nào. Tất cả những yếu tố trên đã khiến những series phim truyền hình Mỹ trở nên bất tử trong lòng người hâm mộ.

No comments:

Post a Comment