Wednesday, August 22, 2012

Những bức ảnh thay đổi lịch sử nhiếp ảnh báo chí

Một tác phẩm ảnh báo chí đỉnh cao luôn truyền đi những thông điệp nhân văn cao cả- Và để có được những giá trị ấy, người chụp đôi khi phải đánh đổi bằng tính mạng.
Hơn 170 năm trước, kỹ thuật chụp ảnh lần đầu tiên được phát minh, kể từ đây, văn minh loài người có một nghệ thuật mới, một cách lưu trữ thông tin mới có tên là nhiếp ảnh.


1826: Nhìn từ một cửa sổ – Joseph Niepce


Năm 1827, Joseph Niepce và Louis Daguerre bắt đầu hợp tác nghiên cứu chế tạo ra một chiếc máy “không cần giấy, không cần bút, không cần mực mà vẫn có thể chép chân thực và đầy đủ các chi tiết trong thực tế y như một bức tranh”. Họ cộng tác với nhau trong nhiều năm để thực hiện giấc mơ chung. Năm 1833, Joseph đột ngột qua đời, Daguerre kiên trì tiếp tục công trình nghiên cứu. Đến năm 1837, sau đúng 10 năm, ông mới thành công trong việc phát triển một hệ thống máy chụp ảnh gọi là máy chụp Daguerre – máy ảnh đầu tiên trong lịch sử loài người.

Bức ảnh trên không có kịch tính gì, nó chỉ gồm một bức tường, một mái nhà và một chiếc ống khói nhưng tính lịch sử của nó đã khiến bức ảnh xuất hiện trong lịch sử nhiếp ảnh. Đây là lần đầu tiên con người lưu trữ thông tin bằng hình ảnh với sự hỗ trợ quang học của ánh sáng mặt trời (heliography). Bức ảnh đơn giản và gần như nhoè mờ này là một trong những tấm hình cổ nhất mà người ta còn lưu giữ lại được trong quá trình hai nhà khoa học thử nghiệm với chiếc máy chụp hình.

1855: Thung lũng Bóng đêm Thần Chết – Roger Fenton


Fenton được coi là nhiếp ảnh gia chiến tranh đầu tiên trong lịch sử báo chí. Không thể chụp ảnh trực tiếp ngoài mặt trận vì khoảng thời gian phơi sáng để chụp được một bức ảnh trong những năm 1850 vẫn còn khá lâu, Fenton đành chụp một cảnh “hậu chiến” với một thứ gọi là “nghệ thuật sắp đặt”, ông tìm tới một triền đồi đầy những viên pháo đại bác, sắp xếp lại một chút và tạo ra một hình ảnh ẩn dụ, tuy trống trải nhưng đầy ngụ ý. Đây cũng là một xu hướng trong nhiếp ảnh sau này: những bức hình khơi gợi khả năng suy tưởng của con người và tác động tới tâm thức của họ không kém gì những áng văn bi hùng.

1936: Anh dân quân Pháp trong phút lâm chung – Robert Capa


Bức ảnh này đã gây ra nhiều tranh cãi khi lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Pháp vì ống kính máy ảnh đã chụp sát giây phút đau thương của sinh mệnh con người. Người ta e ngại rằng bức hình sẽ làm nhụt ý chí của quân dân Pháp trong cuộc chiến chống phát xít Đức. Nhưng sau đó một luồng ý kiến mới đã nổi lên bênh vực bức ảnh và cứu nó khỏi bị xóa tên trong lịch sử nhiếp ảnh. Những người bênh vực bức ảnh cho rằng nó là một thông điệp chính nghĩa ca ngợi sự hy sinh của quân Cộng hòa, là biểu tượng vĩ đại chống Phát xít và đó là một bức ảnh chống chiến tranh mang tầm thế giới. Dù hiểu theo cách nào, bức ảnh này vẫn mang một ý nghĩa chính trị, lịch sử to lớn.

1945: Nagasaki – Không quân Mỹ


Đây là bằng chứng cho thấy “sức mạnh quân sự mới” của loài người có thể huỷ diệt trên diện rộng và đưa một thành phố lớn về “thời kỳ đồ đá”,đám mây hình nấm kia trong thực tế bao trùm cả thành phố Nagasaki của Nhật, khiến 80.000 người chết ngay lập tức sau khi một luồng sức ép cực lớn phát ra từ quả bom nguyên tử.

1950: Sự phân biệt chủng tộc hiện diện ở một bồn rửa tay thuộc bang Carolina – Elliott Erwitt


Bức ảnh này đã chỉ ra sự bất công trong xã hội khi một vòi nước to đẹp, sạch sẽ được dựng lên cho người da trắng sử dụng còn một bồn rửa tay nhỏ xíu và bẩn thỉu “để dành” cho người da màu. Bức ảnh này là một biểu tượng không lời về nạn phân biệt chủng tộc và là lời kêu gọi tha thiết tác động tới lương tri con người để nhân loại tiến bộ hiểu rằng thế giới cần một sự thay đổi, một cách hành xử mới văn minh và nhân đạo hơn giữa con người với con người cần phải được xác lập. Đây là tác phẩm ảnh báo chí đầu tiên tiếp cận đề tài gai góc và nhạy cảm - nạn phân biệt chủng tộc. Kể từ đó đến nay, với sự tham gia hỗ trợ của báo chí, bình đẳng và bác ái giữa con người thuộc các màu da khác nhau đã được cải thiện hơn nhiều.

1961: Hans Conrad Schumann trèo tường sang phía Tây Berlin – Peter Leibing


Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một người lính liều mạng chạy trốn khỏi miền Đông Đức, anh ta trèo qua hàng rào rây thép gai đâm lên tua tủa,vượt qua tường ngăn cách Berlin để đi tìm một cuộc sống mới. Bức ảnh là một góc nhìn chân thực về thời kỳ Chiến tranh Lạnh diễn ra tại Đức. Bức tường Berlin là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và việc chia cắt nước Đức. Khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường này để sang Tây Berlin. Số người bị thiệt mạng khi vượt tường nằm trong khoảng 200 người.

1972: Bé Kim Phúc trong vụ nổ bom napal ở miền nam Việt Nam – Nick Ut



Bức hình của nhiếp ảnh gia chiến trường nổi tiếng Nick Ut, người từng nhận giải Pulitzer cho lĩnh vực báo chí, đã ghi lại hình ảnh năm đứa trẻ chạy trong sợ hãi trước cuộc tấn công bất ngờ của không quân Mỹ với bom napal vào khu dân cư. Bức ảnh này đã được truyền đi khắp thế giới và đưa đến cho nhân loại yêu chuộng hòa bình khi đó một cái nhìn chân thực nhất về cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Kể từ đây cuộc chiến được các phóng viên quốc tế chân chính phản ánh liên tục dưới một góc độ mới trung thực và nhân đạo đúng theo tinh thần nhân bản của báo chí. Những nhà lịch sử và chính trị gia trên thế giới dần có nhận định rõ ràng hơn về cuộc chiến này qua những bức ảnh thời sự. Đây làmột trong những bức ảnh có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên đất Mỹ, chỉ bằng một bức ảnh đầu tiên này mà hàng loạt cuộc biểu tình chống chiến tranh đã diễn ra trên khắp nước Mỹ và rất nhiều nước khác, góp phần cổ vũ nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng.

Trong ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc, hay còn được biết với cái tên Em bé Napalm, sinh năm 1963. Bức ảnh được chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, khi đó Kim Phúc 9 tuổi, da thịt và áo quần em bị đốt cháy do bắt lửa từ quả bom napal, em bị phỏng nặng, Phúc đang trên đường di tản khỏi ngôi làng cùng những đứa trẻ khác.

1989: Biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn – Jeff Widener



Chính phủ Trung Quốc đưa xe tăng tới đe doạ tiêu diệt hàng trăm công nhân, học sinh, sinh viên và cả trẻ nhỏ nhằm thẳng tay dập tắt cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Trong ảnh một chàng trai trẻ tuổi, nhỏ bé và vô danh đã dũng cảm đứng trước hàng xe tăng để ngăn “cỗ máy nghiền xác” tiến vào đám đông phía sau anh. Tạp chí TIME khi đó đã nhận định người thanh niên này “đã cho cả thế giới hiểu thế nào là lòng quả cảm”. Nhiều khi trung thực nhất là thứ lịch sử không lời mà một chiếc máy ảnh với “ống kính sắc nhọn” viết nên.

1994: Em bé người Sudan và một con kền kền – Kevin Carter


Bức ảnh này giành được giải Pulitzer cho tác phẩm ảnh báo chí. Trong ảnh, một con kền kền đang chờ đợi để... rỉa xác một em bé đang chết dần vì đói ở Sudan. Bức ảnh đã cho thấy hết sự khốc liệt của nạn đói diễn ra tại Sudan. Tác phẩm đã cho thấy bản năng nghề nghiệp của nhà nhiếp ảnh khi “chộp” được một khoảnh khắc vàng. Nhưng chỉ ba tháng sau khi nhận được giải thưởng danh giá cho bức ảnh “Kền kền chờ đợi” này, Kevin Carter đã tự sát vì bị ám ảnh bởi những ký ức đáng sợ anh được chứng kiến ở những những nước thuộc thế giới thứ ba - sự chết chóc, những xác người chết đói, những cuộc xung đột đẫm máu và nỗi đau mất mát của con người...

2004: Những bức hình binh lĩnh Mỹ ngược đãi tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib


Đây là một bức ảnh nằm trong loạt ảnh rất nổi tiếng khiến các tướng lĩnh Mỹ “liêu xiêu” và thế giới trấn động. Loạt ảnh được công bố bởi Ủy ban Điều tra Quân sự Hoa Kỳ, trong đó người ta thấy một nhóm binh lính Mỹ đã lạm dụng, làm nhục và ngược đãi những tù nhân người Iraq. Trong bức hình “nhẹ nhàng” nhất được lấy ra làm ví dụ minh hoạ trên đây, những binh lính Mỹ đã dùng dây điện cuốn vào các đầu ngón tay của tù nhân và chuẩn bị tra tấn anh ta bằng trò sốc điện.

No comments:

Post a Comment