Ông Kiên nằm trong số 100 doanh gia giàu nhất Việt Nam.
Trong cùng ngày, trang web chính thức của chính phủ (chinhphu.vn) cũng có tuyên bố ngắn gọn về các dữ kiện trong vụ bắt ông Kiên. Ông Kiên bị cáo buộc không có giấy phép và đăng ký hợp lệ cho ba công ty mà ông là giám đốc. Những công ty này có thể đã có những hoạt động thương mại trái phép. Vụ ông Kiên hiện đang được Tổng cục Cảnh sát Chống Tội phạm điều tra. Hình phạt cho "các hoạt động kinh doanh trái phép" gồm các mức từ phạt tiền 50 triệu đồng tới hai năm tù giam.
Không ai ở Việt Nam có được tài sản lớn mà không có quan hệ mật thiết với các thành viên quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không ai tầm cỡ như ông Kiên có thể bị bắt mà không có chuẩn thuận chính trị từ các cấp cao nhất. Và cuối cùng, truyền thông cũng không đưa tin về một vụ tầm cỡ như thế này nếu không có sự đồng ý trước.
Rõ ràng là ông Kiên đã bị đánh úp.
'Trói tay' ông Kiên
Có hai cách lý giải vụ bắt ông Kiên và chúng không loại trừ lẫn nhau.
Cách lý giải thứ nhất là ông Kiên là nạn nhân của chiến dịch hiện nay nhằm siết chặt quản lý trong lĩnh vực thương mại và ngân hàng. Trong tám tháng qua, Việt Nam đã tập trung vào tệ tham nhũng trong các doanh nghiệp nhà nước và các đại công ty như Vinashin và Vinalines.
Giờ tới lượt khu vực tư nhân bị nhắm tới. Chiến dịch hiện nay được sự hỗ trợ của cơn sóng ngầm giận dữ đối với các nhân vật giàu có đang nổi từ phía người dân ở tầng đáy của xã hội. Sự giận dữ này đã xuất hiện trên một tờ báo của cựu chiến binh vốn đã có cuộc tấn công công khai đầu tiên bà Đặng Thị Hoàng Yến, doanh gia giàu có khi đó còn là Đại biểu Quốc hội. Trong vụ ông Kiên, một tờ báo cũng đăng ảnh chi tiết về lối sống xa hoa của ông với những dòng xe đời mới nhất, biệt thự đẹp đẽ có cả bể bơi.
Cái gọi là giới trung lưu ở Việt Nam cũng căm giận những người giàu có. Nhiều cán bộ đảng và nhà nước đã cải thiện đáng kể cách sống của họ nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhưng giờ họ đang gặp khó khăn trong tình hình kinh tế khó khăn với lạm phát cao và tiền đồng mất giá. Sự mất giá của đồng Việt Nam cũng ảnh hưởng tới khả năng chu cấp cho con cái đi học nước ngoài của giới trung lưu. Ông Kiên cũng có những người gièm pha và cả kẻ thù.
Ông đã xung đột với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về các cáo buộc bê bối. Ông gây hiềm khích khi lập cơ quan điều hành giải bóng đá của riêng ông. Ông Kiên cũng được cho là có liên quan tới tranh chấp về việc điều hành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thương Tín Sài Gòn, hay Sacombank. Rất có thể một số nhân vật trong các cuộc cãi vã này đã nhờ vả vào sự can thiệp ở cấp cao để trói tay ông Kiên.
'Bất ổn chính trị'
Cách lý giải thứ hai là ông Kiên là nạn nhân của đấu đá nội bộ giữa các chính trị gia cao cấp.
Kể từ khi Việt Nam theo đuổi chính sách Đổi Mới với mức tăng trưởng kinh tế cao, nhà nước đã trở nên mạnh hơn đảng. Mức tăng trưởng cao mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cổ súy đã kéo theo sự bùng nổ các hoạt động thương mại khó có thể quản lý hiệu quả. Những thiếu sót này về căn bản được bỏ qua khi mọi việc thuận buồm xuôi gió nhưng giờ kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn và những yếu kém này càng lộ rõ.
Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Các mặt trái của chính sách tăng trưởng cao của Thủ tướng Dũng đã khiến nhiều người trong bộ máy đảng sợ bất ổn chính trị. Những người này có vẻ được chủ tịch Trương Tấn Sang ủng hộ. Liên minh của ông Sang lại gây sức ép lên Tổng Bí thư Đảng đòi phải có hành động.
Năm ngoái liên minh này đã thành công trong việc bóc trần vụ scandal lớn ở Vinashin, một trong những đại công ty được thủ tướng ưu ái. Thủ tướng Dũng đã bị buộc phải nhận trách nhiệm cá nhân trước Quốc Hội. Tiếp theo đó, liên minh đã có những bước đi để thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng ở vị trí đứng đầu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng do chính ông lập ra và chỉ đạo.
Vị thế của thủ tướng tiếp tục lung lay khi có tin tức về vụ scandal Vinalines, một tập đoàn khác mà ông ưa chuộng. Chiến dịch chống tham nhũng giờ đã được mở rộng tới các doanh nghiệp nhà nước khác.
Trách nhiệm trước đảng
Hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những người ủng hộ ông đang thúc đẩy chiến dịch phê và tự phê trong tầng lớp lãnh đạo bao gồm toàn bộ các ủy viên trung ương, kể cả các vị trong Bộ Chính trị.
Mục tiêu của chiến dịch là xác định thiếu sót trong một số lĩnh vực, kể cả cải cách doanh nghiệp nhà nước và chống tham nhũng. Những người thúc đẩy chiến dịch này hy vọng họ có thể kéo lại được quyền lực để đảng có thể kiểm tra và giám sát chính quyền hiệu quả hơn. Điều này có nghĩa là gỡ bỏ một số mạng lưới tài sản và quyền lực không chính thức đang hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Vụ bắt giữ ông Kiên cần được đặt trong bối cảnh này.
Chiến dịch phê và tự phê không nhằm để hạ bệ ông Dũng mà nhằm để buộc hệ thống hành chính trung ương - Thủ tướng, Nội các và các bộ trưởng - chịu trách nhiệm nhiều hơn trước đảng.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam và hiện là giám đốc hãng tư vấn Thayer Consultancy ở Úc.
No comments:
Post a Comment