Cuộc đời Lỗ Tấn là một chuỗi bi kịch kéo dài. Bi kịch hôn nhân với người vợ cả Chu An khiến ông day dứt, khổ tâm bao năm, bi kịch huynh đệ ly tán lại khiến đại văn hào mang nỗi sầu bi tới tận cuối đời.
Tháng 2 năm 1919, Lỗ Tấn quyết định bán căn nhà quê cha đất tổ tại Thiệu Hưng, dọn về sống trong căn hộ mới mua ở số 11, ngõ Bát Đạo Loan (Bắc Kinh). Ông đón mẹ già, Chu An – người vợ suốt đời mang nỗi đau trinh tiết - và hai em trai lên ở cùng.
Hai em trai Lỗ Tấn kém ông 4 và 7 tuổi. Người em thứ, Chu Tác Nhân từ nhỏ đã thông minh, lanh lợi, tài năng văn học cũng sớm phát tiết và chẳng kém cạnh huynh trưởng. Người em út là Chu Kiện Nhân.
Năm 1909, Chu Tác Nhân kết hôn với Vũ Thái Tín Tử - một phụ nữ người Nhật, từng làm bếp cho một nhóm du học sinh Trung Quốc ở Sendai. Khi về nước, Tác Nhân cùng vợ dọn về Thiệu Hưng, chung sống cùng mẹ. Năm 1912, Tín Tử sinh con. Để trợ giúp các em trang trải cuộc sống, hằng tháng, Lỗ Tấn đều đặn gửi về Thiệu Hưng 100 đồng.
Sau khi dọn về Bắc Kinh, sống chung dưới một nếp nhà, gia đình Lỗ Tấn thực sự trở thành đại gia đình với nhiều thế hệ. Ngoài người vợ thuần chất quê mùa của Lỗ Tấn, hai cô vợ của Tác Nhân và Kiện Nhân đều là gái Nhật. Trong nhà còn có sự xuất hiện của em trai Tín Tử. Chu An chậm chạp, lại thêm phần mù chữ, nên con dâu thứ là Tín Tử được giao trọng trách cai quản chi tiêu trong gia đình. Trong cuốn hồi ký “Ngã dữ Lỗ Tấn thất thập niên” (tạm dịch: Bảy mươi năm Lỗ Tấn và tôi) của Chu Hải Anh (con trai của đại văn hào và Hứa Quảng Bình) cũng nhắc tới chi tiết này: “Sau khi ổn định nhà cửa, cha tôi nghĩ cho cả nhà, gom toàn bộ thu nhập của mình và em trai Tác Nhân để chăm lo cho mọi người. Anh em họ còn giao hẹn sẽ hòa hợp trong vấn đề kinh tế. Mẹ góa bụa từ khi còn trẻ, sống khổ cả đời, xứng đáng được hưởng thụ thanh phúc. Chu An nghe theo sự sắp xếp của Lỗ Tấn. Bà không biết chữ, lại không đủ sức quản lý gia đình, nên đương nhiên, nhiệm vụ này dồn lên vai Vũ Thái Tín Tử. Ngoài giữ lại tiền mua thuốc lá và chút đỉnh tiêu vặt, cha tôi giao toàn bộ số lương cho Tín Tử cai quản”.
Tín Tử vốn là con nhà nghèo, nhưng quen hưởng lạc, sống phóng túng, tiêu pha tùy tiện, lại ưa sĩ diện nên thường vung tiền quá trán. Bà ta đi đâu cũng ngồi xe hơi. Mọi thứ vật dụng trong nhà đều phải mua sắm từ cửa hiệu của người Nhật. Người nhà ốm đau, bệnh tật, Tín Tử cũng chỉ chuộng bác sĩ Nhật, khiến chi phí thăm khám tốn kém vô cùng. Vốn tính tiết kiệm và sống thanh đạm từ xưa, Lỗ Tấn tỏ ra bất mãn với thói tiêu hoang xài phí của cô em dâu. Chu Hải Anh trong cuốn hồi ký của mình cũng mô tả chi tiết: “Thật chẳng ngờ, Bát Đạo Loan từ đó về sau trở thành chốn nhất thống thiên hạ để Vũ Thái Tín Tử xưng bá hưởng lạc. Trong cuộc sống, bà ta tiêu tiền như nước, không có kế hoạch. Cơm nấu không vừa miệng, Tín Tử bắt đầu bếp làm món khác. Bà ta mới sinh hai đứa con, trong nhà đã thuê tới 6 – 7 kẻ hầu người hạ, còn chưa tính tới phu xe chuyên chở bọn trẻ tới trường. Đám trẻ không may trúng gió cảm mạo, Tín Tử lập tức cho mời bác sĩ người Nhật tới thăm bệnh. Vật dụng thường ngày cũng đều là hàng Nhật. Tóm lại, tiền từ đâu mà có, bà ta không quan tâm, chỉ nhăm nhăm vung tiền để thỏa thú vui của mình”.
Chứng kiến thói tác oai tác quái của vợ, nhưng Tác Nhân ngoảnh mặt làm ngơ, bởi ông ta luôn có tư tưởng người Nhật giỏi hơn dân mình. Chu Hải Anh thuật lại trong hồi ký: “Chu Tác Nhân là người chỉ cần cơm đến thì mở miệng, áo đến thì giơ tay ra mặc…Đương nhiên, ông ta vốn chẳng dám nói từ ‘không’ với Tín Tử dù chỉ một lần. Người chịu khổ chỉ có cha tôi, bởi gánh nặng kinh tế ngày càng đè lên vai ông. Tuy nhiên, mọi thứ đều chưa khiến Tín Tử mãn nguyện. Mục đích thực sự của bà ta là muốn độc chiếm cả căn nhà lớn ở Bát Đạo Loan”.
Chu Hải Anh thuật lại: “Và như thế, 10 tháng sau khi chú Kiến Nhân rời đi, Tín Tử bắt đầu ra tay với bố tôi. Không biết bà ta rót mật thế nào vào tai Tác Nhân, cũng chẳng hiểu đã hắt vào người bố tôi thứ ô thủy độc tiên gì - đó là bí mật mà người khác mãi mãi không thể tỏ tường – chúng tôi chỉ biết, hôm ấy, tức ngày 19/7/1922, Chu Tác Nhân đột nhiên viết bức thư tay, bên ngoài đề ‘Tiên sinh Lỗ Tấn’, bên trong viết toàn những lời nghiến răng kèn kẹt: ‘Sau này, xin chớ đến nhà sau! (nhà sau tức nói nhà ở của vợ chồng Tác Nhân)’. Bố tôi cảm thấy ngạc nhiên, muốn hỏi cho ra nhẽ…Thế mới thấy, miệng lưỡi của Vũ Thái Tín Tử vô cùng thâm độc! Và như thế, cha tôi bị vợ chồng Chu Tác Nhân đẩy ra khỏi Bát Đạo Loan. Bà cũng không chịu nổi cảnh sống lạnh nhạt, từ đó về sau ở cùng con trưởng trong căn nhà mới. Bát Đạo Loan cuối cùng xứng tâm như nguyện, bị vợ chồng Tác Nhân độc chiếm”.
Căn nhà mới mà Chu Hải Anh nhắc tới trong cuốn hồi ký tức chỉ căn nhà ở ngõ Chuyên Tháp. Sau khi nhận bức thư của em trai, vào ngày 2/8/1922, Lỗ Tấn đưa mẹ và vợ về đây sinh sống. Trong cuốn nhật ký của mình, đạo văn hào ghi lại đôi dòng ngắn gọn về biến cố này: “Mưa. Sau ngọ tạnh. Chiều đưa vợ dọn đến số 61 ngõ Chuyên Tháp”. Tác Nhân cũng không quên nhắc tới sự kiện này trong nhật ký của mình: “Sáng nay, vợ chồng L. dọn tới ngõ Chuyên Tháp”. L. ở đây ý chỉ Lỗ Tấn. Từ cách xưng hô ấy cũng đủ hiểu, Tác Nhân không còn muốn nhắc tới tên anh mình.
Tuy nhiên, phân tích theo quan niệm hiện đại, tôi có cách nghĩ của riêng mình. Tôi cho rằng, cha và Chu Tác Nhân có thời gian du học tại Tokyo, họ đều rõ phong tục tập quán của người Nhật – khi tắm rửa tại gia đình, nam nữ ra ra vào vào, không hề trốn tránh. Liên hệ tới hoàn cảnh lúc bấy giờ, huynh đệ Châu thị chung sống dưới một nếp nhà, ra vào chỗ ở của đối phương là lẽ thường tình. Xét theo hoàn cảnh ấy, đôi khi trông thấy điều gì, liệu có đáng xem là chuyện đại kinh tiểu quái?”.
No comments:
Post a Comment