Friday, July 27, 2012

Những cuốn sách đã tạo ra nước Mỹ

Thư viện Quốc hội Mỹ vừa công bố danh mục 88 cuốn sách “đã tạo ra nước Mỹ”. Tất cả những cuốn sách đó được trưng bày tại một cuộc triển lãm, khai mạc ở Washington từ ngày thứ hai 25/6. Những người lập ra danh mục này hy vọng sẽ làm dấy lên những cuộc tranh luận và bổ sung thêm tên các tác phẩm văn học có ảnh hưởng lớn tới quá trình xây dựng và phát triển nước Mỹ. Theo lời người lãnh đạo Thư viện Quốc hội Mỹ, đó là những cuốn sách không phải là hay nhất nhưng lại có tác động lớn nhất đối với lịch sử nước Mỹ.

“Giết con chim nhại”

Đứng đầu danh mục trên là tiểu thuyết Giết con chim nhại của nữ văn sĩ Harper Lee (sinh ngày 28/4/1926). Tác phẩm này từng được trao giải thưởng Pulitzer năm 1960 và hai năm sau đó (1962), được chuyển thể thành phim.

Tháng 6/1966, Harper Lee đã là một trong hai người được Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson mời tham gia Ủy ban Nghệ thuật Quốc gia. Ngày 5/11/2007, bà cũng được ông George Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ, huân chương cao quý nhất dành cho công dân Hoa Kỳ, vì những đóng góp của bà cho văn học Mỹ.

Nữ văn sĩ Harper Lee sinh ra trong một gia đình luật sư ở thành phố nhỏ Montgomery, miền tây nam bang Alabama. Bà là con út trong số 4 người con. Cha bà làm việc tại cơ quan tư pháp tiểu bang nhưng trước đó lại từng là chủ nhân kiêm biên tập viên tờ báo địa phương. Ngay từ khi còn nhỏ, Harper Lee đã tỏ ra rất yêu thích văn chương. Người bạn thân thuở thiếu thời của bà là cậu bé hàng xóm học cùng lớp Truman Capote, người sau này cũng trở thành một trong những phóng viên và nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại Monroeville, năm 1944, Lee vào học tại Trường Nữ sinh Huntingdon College ở Montgomery cho tới năm 1945 rồi chuyển đi học cử nhân luật tại Đại học Alabama. Trong thời gian là sinh viên, Harper Lee tham gia viết bài và biên tập cho tờ báo Rammer Jammer của trường trong gần một năm.

Năm 1950, chưa hoàn thành hết khóa học cử nhân luật, Harper Lee đã sang Anh học một mùa hè tại Oxford rồi quay trở về New York làm nhân viên cho Hãng Hàng không Eastern Air Lines và BOAC. Trong thời gian này, bà phải sống vừa ở New York (trong một căn hộ không có nước nóng) vừa phải thỉnh thoảng lại về ngôi nhà của gia đình tại bang Olabama, nơi người cha đau yếu đang ở…


Sau khi hoàn thành một số truyện dài, vào cuối năm 1956, Harper Lee được tặng nguyên một năm lương với đề nghị sử dụng năm nghỉ ngơi này để sáng tác bất cứ gì mình thích. Được lời như cởi tấm lòng, nữ văn sĩ trong đúng một năm đã chuẩn bị xong tập bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay rồi cùng biên tập viên Tay Hohoff ở NXB J.B.Lippincott & Cp. hoàn thành tiểu thuyết Giết con chim nhại vào mùa hè năm 1959. Tiểu thuyết có nhiều nét tương tự như một cuốn tự truyện của chính nhà văn, nó lấy không gian một thị trấn nhỏ ở Alabama với nhân vật chính là cô bé Jean Louise “Scout” Finch, con gái luật sư Atticus Finch. Trong tiểu thuyết còn xuất hiện nhân vật Dill, bạn của Scout, với hình mẫu được lấy từ người bạn thân của Harper Lee là Truman Capote.

Điều thú vị là Harper Lee trước đó cũng trở thành hình mẫu để Capote xây dựng một nhân vật trong tiểu thuyết Other Voices, Other Rooms xuất bản năm 1948 của ông. Sau khi được xuất bản lần đầu tiên ngày 11/7/1960, Giết con chim nhại đã nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách cũng như được giới phê bình đánh giá rất cao. Nhờ nó mà Harper Lee đã được trao giải Pulitzer văn học năm 1961.

Nói về tác phẩm thành công nhất của mình, Lee nhấn mạnh: “Tôi không hề nghĩ rằng Giết con chim nhại sẽ thành công như vậy. Khi đó tôi chỉ vừa hy vọng các nhà phê bình sẽ kết liễu tôi nhanh chóng và nhẹ nhàng, vừa trông đợi rằng ai đó sẽ thích nó đủ để động viên tôi. Như đã nói, tôi trông đợi rất ít từ sự đón nhận và ủng hộ của công chúng, nhưng hóa ra tôi lại có được rất nhiều động viên từ phía họ, theo một cách nào đó nó cũng đáng sợ như là sự kết liễu nhanh chóng và nhẹ nhàng mà tôi trông đợi từ các nhà phê bình.”

Sau khi hoàn thành Giết con chim nhại, Lee làm trợ lý cho Capote trong chuyến đi của ông tới Holcomb, Kansas để tìm hiểu thông tin về một vụ giết người dã man nhằm viết bài cho báo The New York. Tư liệu từ chuyến đi này của hai người sau đó đã được Capote sử dụng để viết tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông, In Cold Blood (1966).


Về phần Lee, mặc dù đã trở nên nổi tiếng nhờ tiểu thuyết đầu tay, bà hầu như từ chối mọi cuộc phỏng vấn hoặc xuất hiện nơi công cộng và cũng ngừng viết văn, ngoại trừ một số tiểu luận ngắn. Tiểu thuyết thứ hai của bà, The Long Goodbye, vì thế chưa bao giờ được hoàn thành. Giữa những năm 80, Lee cũng từng có ý định viết một cuốn sách về vụ giết người hàng loạt ở Alabama, nhưng rồi bà cũng nhanh chóng bỏ qua dự án vì không hài lòng với nó.Trong một buổi họp mặt tại Alabama năm 2008, Lee đã từ chối lời mời xuất hiện trước công chúng với lý do: “Tốt hơn là im lặng thay vì trở thành một kẻ khờ”.

“Chùm nho nổi giận”


Vị trí thứ hai trong danh mục của Thư viện Quốc hội Mỹ là Chùm nho nổi giận của John Steinbeck (27-2-1902 - 20-12-1968). Đây là cuốn tiểu thuyết từng được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất từ năm 1923 đến nay. Kết quả tuyển chọn dựa theo tiêu chí bình chọn Những kiệt tác thế giới được dịch ra chữ Hán do Bộ Văn hóa Trung Quốc tổ chức những năm 1980-1981 cũng xếp Chùm nho nổi giận là một trong 100 cuốn sách ảnh hưởng khắp thế giới. Khi quyết định trao cho Steinbeck giải Nobel văn học, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã dựa trên Chùm nho nổi giận để đưa ra lời đánh giá về phong cách và tầm cỡ của nhà văn: “Sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực, giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát nhạy bén đối với xã hội”.

John Steibeck sinh ra trong một gia đình chủ xưởng bột mì ở Salinas, California. Ngay từ thời nhỏ, nhà văn tương lai từng phải phụ giúp việc trong nông trại, thu hái nông phẩm. Ông cũng sớm chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học Hy Lạp cổ điển, Kinh Thánh và văn học châu Âu cổ điển. Steinbeck tốt nghiệp trung học năm 1918 và từ năm 1920 đến năm 1925, đã theo học môn văn học Anh và sinh vật học hải dương ở Đại học Standford. Ông từng trải qua rất nhiều nghề nghiệp khác nhau và những tiếp xúc với người lao động đã giúp ông tích lũy những tư liệu hết sức phong phú cho công việc sáng tác sau này.

Tác phẩm đầu tiên gây tiếng vang của Steinbeck là cuốn Chuột và người (1937). Đây là câu chuyện bi thảm về hai nông dân ít học thức hằng mong mỏi một mảnh đất cho riêng mình để canh tác. Năm 1939, Steibeck xuất bản tiểu thuyết Chùm nho nổi giận và nó đã trở thành tác phẩm được đánh giá cao nhất trong toàn bộ sự nghiệp văn học của ông, được trao giải PulitZer văn học ngay từ năm 1940. Tiểu thuyết này dựng lên câu chuyện của gia đình Joad, bị nghèo khó ở vùng hoang hóa Dust Bowl của bang Oklahoma dồn đuổi lên California trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế của những năm 30.


Chùm nho nổi giận đã gây nhiều tranh cãi, được xem không những là truyện hư cấu nhưng có tính hiện thực mà còn là lời phản kháng xã hội đầy cảm động, đã trở nên một tác phẩm kinh điển trong nền văn học Mỹ. Các nhà phê bình đánh giá Chùm nho nổi giận như một tác phẩm về mặt nghệ thuật đã thể hiện một văn phong già dặn và giàu xúc cảm của Steinbeck. Bằng tính chân thực và tính sâu sắc to lớn, bút pháp tả thực có sức tố cáo mạnh mẽ, tác phẩm đã lôi cuốn người đọc ngay từ khi được xuất bản lần đầu tại Oklahoma với lượng phát hành vượt trên cả Cuốn theo chiều gió và rất nhanh chóng được dựng thành phim.

Năm 1962, Steinbeck được trao giải Nobel văn học… Cuối đời, Steinbeck cũng có lúc nhầm lẫn về chính trị vì ông ủng hộ Nhà Trắng trong những dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam…

Những tác phẩm khác

Đứng ở vị trí thứ ba trong danh sách của Thư viện Quốc hội Mỹ là bài văn đả kích Ý tưởng lành mạnh của Thomas Paine (1737-1809). Paine sinh ra tại Đế quốc Anh nhưng đã sang Mỹ năm 37 tuổi. Chính với bài văn đả kích Ý tưởng lành mạnh (viết năm 1776), Paine đã kích thích tư tưởng độc lập của vùng thuộc địa Bắc Mỹ, hỗ trợ cho tinh thần cách mạng. Ông là một nhà triết học, nhà cách mạng, người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển, một nhân vật nổi bật trong phong trào khai sáng. Không ngẫu nhiên mà Paine đã được gọi là “cha đỡ đầu của nước Mỹ”.


Những tác phẩm tiếp theo trong danh mục:

- Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (1884), Mark Twain;

- Chú mèo đội mũ (1957), Dr. Seuss;

- Federalist (1787-1788, tập sách gồm 85 bài viết ủng hộ việc thông qua Hiến pháp Mỹ);

- Câu chuyện về cuộc đời người nô lệ Mỹ (1845), Frederick Douglass;

- 451 độ Fahrenheit (1953), Ray Bradbury;

- The Jungle (1906); Upton Sinclair;

- Cạm bẫy-22 (1961), Joseph Heller

No comments:

Post a Comment